Chuyện ông Năm Hấp lập chợ

09:43 | 24/04/2017

661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện ông Lý Văn Hấp (còn gọi là ông Năm Hấp) ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh lấp 800m2 đất hương hỏa để lập chợ nằm ở góc đường 19/5 và T1 cho bà con bán hàng rong chợ tự phát cách đây 10 năm không còn quá xa lạ với người dân cho tới nay, chợ ông Năm Hấp đã trở thành nơi buôn bán ổn định của gần 30 tiểu thương.

Ơn chú thím Năm

Một ngày cuối tháng 3-2017 tôi tìm đến chợ ông Năm Hấp nằm trên góc đường 19-5 và T1. Ngôi chợ không có bảng hiệu nhưng tất cả dân quanh đây đều gọi là chợ ông Năm Hấp. Khoảng 9 giờ chợ cũng thưa khách, khi tôi thắc mắc chợ ở đây không quá đông đúc như các chợ khác thì được các chị tiểu thương giải thích: “Chợ này khách cứ lai rai vậy chứ không quá đông đúc”.

Hằng ngày chợ mở từ 5 giờ và khách cứ mua lai rai đến 12 giờ, ai bán hết thì nghỉ, ai còn hàng thì chiều trưng ra bán từ 14 giờ đến 16 giờ. Khách đi chợ và tiểu thương đều là người quen nhau, gặp nhau hằng ngày nên thăm hỏi, nói cười rôm rả. Ngôi chợ nhỏ có diện tích 800m2, tiểu thương dao động mỗi ngày từ 20-30 người buôn bán (trước đây lúc cao điểm mỗi ngày có đến 50 tiểu thương mua bán) các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, trái cây… phục vụ nhu cầu người dân sống quanh khu vực phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.

chuyen ong nam hap lap cho
“Chợ ông Năm Hấp” góc đường 19/5 và T1 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM)

Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tĩnh (59 tuổi) đang bán hàng rau, củ các loại tại chợ, bà cho biết, trước năm 2000 cũng bán hàng rong dọc bờ kinh đường 19/5. “Hồi đó, khu đất chợ này còn là đám rau muống. Tôi bán hàng ngoài bờ kênh bị đuổi dữ lắm. Sau anh Năm đổ đất ruộng rau muống này cao ráo rồi làm chợ thì tụi tôi vào đây buôn bán ổn định. Tuy khách không đông bằng buôn bán ngoài bờ kênh, nhưng mà đỡ vất vả hơn”, bà nhớ lại. Bà Tĩnh còn cho biết thêm, nhà có 7 người con, đa số con cái làm nghề chăn nuôi bò sữa ở khu Vĩnh Lộc, còn cuộc sống của gia đình bà trước kia dựa vào gánh hàng rong và hơn 10 năm nay đều trông vào hàng rau.

Vừa trò chuyện, chị Bùi Thị Trang (quê ở Quảng Ngãi) vừa đon đả bán hàng. Gian hàng nhỏ của chị có hàng chục loại rau củ, bánh trái. Chị Trang vào Sài Gòn mưu sinh từ năm 1995 và làm công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình. Sau đó gia đình chị về đây mưu sinh bằng nghề buôn bán tại chợ tự phát bờ kinh đường 19/5. Từ khi có chợ ông Năm Hấp chị vào đây buôn bán ổn định đã 10 năm. Hằng ngày, chị Trang dậy từ 2-3 giờ sáng xuống chợ Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP HCM) lấy rau, củ, bánh trái về đến chợ khoảng 5 giờ là mở hàng bán.

Chị kể: “Ngày xưa bán ngoài bờ kênh cứ phải vừa bán vừa nhìn ngó, chuẩn bị tư thế để chạy. Có hôm chạy mệt đứt cả hơi còn hàng hóa thì rơi lung tung hư hỏng, chẳng thấy đồng lời. Sau vào chợ chú Năm Hấp thì ổn định hơn, không lo chạy nữa, giờ có thêm mái che rộng rãi, sạch sẽ, mát mẻ. Chú thím Năm rất vui vẻ, hoạt bát”. Chị cho biết, mỗi ngày trừ tất cả chi phí còn dư khoảng 200-300 ngàn đồng. Chồng chị đi làm công nhân trong khu công nghiệp. Hai vợ chồng có một đứa con và vẫn còn ở nhà trọ.

Qua hàng cá của chị Ngô Thị Diệu quê Trà Vinh, mấy chú cá diêu hồng quẫy đuôi văng nước ra sàn. Đang nói chuyện thì khách đến: “Bán cho một con diêu hồng và một khúc cá thu”, chị Diệu vui vẻ bảo tôi đợi chị làm cá giao cho khách và đề nghị đứng xa xa không lại văng nước vào người. Hàng cá chị Diệu bán khá đắt, một ngày bán được 70-80kg cá các loại. Hằng ngày chị phải dậy từ 2 giờ sáng xuống chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh) mua cá và đến 5 giờ có mặt để bán cho những khách hàng đi chợ sớm nhất. Chị Diệu kể: “Tôi nghe nói có nhiều người ngỏ ý muốn thuê khu đất này làm hãng xưởng, trả hơn 30 triệu/tháng mà chú thím Năm không chịu. Rồi cách đây mấy ngày cũng có người vào hỏi thuê làm bãi đậu xe nhưng chú không cho thuê và nói để chị em buôn bán. Thiệt cảm ơn chú thím Năm”.

Chị Lan (52 tuổi) quê cũng ở Trà Vinh buôn bán thịt heo và cho biết làm nghề buôn bán trên 20 năm. Trước chị cũng bán ngoài bờ kênh 19/5, sau có chợ chú Năm Hấp mở thì vào đây buôn bán. “Tôi đã 52 tuổi, đâu còn sức mà đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, nhờ có chỗ buôn bán như vậy nên đỡ lắm. Dù khách không đông như bán ngoài bờ kinh nhưng được cái ổn định, không phải lo chạy”.

Nói đến chợ ông Năm Hấp để nhớ về vùng Tây Thạnh gần Khu Công nghiệp Tân Bình trước chủ yếu là đất nông nghiệp, dân làm nghề nông, trồng trọt chăn nuôi. Gia đình ông Năm Hấp được ông bà để lại mảnh đất hương hỏa gần 2.000m2. “Ngày xưa, ông Sơ tôi khai hoang vùng Tân Sơn Nhất, sau trào Pháp - Nhật họ lấy đất làm sân bay nên ông Sơ tôi di cư về ở vùng Tân Sơn Nhì - Tân Bình thuộc tỉnh Gia Định cũ (nay là khu vực phường Tây Thạnh - Tân Phú) có hơn 60-70ha đất (mỗi héc-ta = 10.000m2)”, ông Năm kể về nguồn tích mảnh đất mà gia đình ông đang sinh sống và 800m2 đất lập chợ.

Sau năm 1975 gia đình ông Năm Hấp cùng nhiều gia đình khác quanh khu vực thành lập tập đoàn hợp tác xã trong phong trào hợp tác hóa. Gia đình ông là Tập đoàn 3, thuộc phường 15, quận Tân Bình (nay là phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Cả phường lúc này có 11 tập đoàn và 2 hợp tác xã nông nghiệp. Lúc đó ông Lý Văn Hấp làm Phó chủ tịch Tài Mậu (phụ trách tài chính và mậu dịch - PV). Trước ngày miền Nam thống nhất gia đình ông cũng không ít lần góp gạo nuôi quân, năm 1970 ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam ở Khám lớn Chí Hòa vì tham gia phong trào phản chiến. Hòa bình lập lại, ông Năm Hấp làm Phó bí thư Đoàn phường 15. Đến khi các tập đoàn hợp tác xã tan rã thì đất ai lại về chủ nấy như cũ. Đất ông Sơ của ông Lý Văn Hấp để lại vẫn còn nguyên. Ông Sơ có 5 người con trai và ông Hấp là cháu trai chi thứ sáu trong dòng họ Lý.

chuyen ong nam hap lap cho
Ông Lý Văn Hấp và cháu nội

Tuổi thơ ông khá vất vả vì mồ côi cha mẹ sớm, cả 3 anh em được ông bà nội đùm bọc nuôi dưỡng. Sau giải phóng thì anh trai ông mất, nhà chỉ còn 2 chị em. Ông là con trai út trong gia đình, nói như văn hóa người Nam “giàu Út ăn/ nghèo Út chịu”. Ông Năm Hấp được ông nội chia cho đất hương hỏa ông bà nhiều hơn chị gái. Hai chị em sở hữu hơn 10.000m2 đất. Tuy nhiên, sau giải phóng nhà khó khăn, con đông đến 5 miệng ăn nên ông bán đi khá nhiều. Rồi khi Nhà nước làm đường Lê Trọng Tấn - đường 19/5 - đường T1 nhà ông bị giải tỏa 2.000m2 với giá đền bù 90.000 đồng/m (1998-1999). Nói đoạn ông dẫn tôi ra mé đường 19/5 chỉ 5 căn nhà cấp 4, lợp tôn của 5 người con sát vách nhà ông.

Thấm đẫm tình đời, tình người

Cách đây hơn 10 năm, có nhiều người thấy nhà ông còn nhiều đất trống nên đề nghị cho thuê để họ làm xưởng, làm bãi giữ xe nhưng ông không cho thuê. Đây cũng là giai đoạn mà Khu Công nghiệp Tân Bình đi vào hoạt động, nhân lực từ khắp nơi trên cả nước về đây làm công nhân ngày càng đông. Công nhân đi làm đầu tắt mặt tối thường ít ghé các chợ lớn mà tranh thủ mua lương thực - thực phẩm trên đường đi làm về. Có cung ắt có cầu, nhiều người nắm bắt thị hiếu này nên đứng dọc bờ kênh đường 19/5 bán hàng vào mỗi sáng hoặc chiều tối. Lúc đầu chỉ có 2-3 người bán rau, củ tự trồng được, rồi có người bán thịt, cá; sau đông dần lên 5-6 người, 10-20 người… rồi có lúc kéo dài cả một đoạn kênh dài.

Phường Tây Thạnh đã nhiều lần vận động những người bán hàng trong khu chợ tự phát nhưng không hiệu quả, rồi phải dùng biện pháp mạnh là cưỡng chế, đưa hàng hóa về phường phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, rau, củ, quả, cá, thịt sau khi đưa về phường, khi người bán hàng rong nộp phạt xong cũng hư hỏng không bán được bao nhiêu. Có hôm bị đội quản lý trật tự đô thị đi đuổi, có nhiều người bán hàng chạy vào nhà ông Năm núp. Rau cá thịt hư hỏng hết.

Chợ tự phát dọc đường 19/5 và đường T1 diễn ra gần 3 năm và cứ lặp đi lặp lại cảnh chính quyền phải dùng biện pháp mạnh để giữ gìn mỹ quan đô thị. Làm sao để người bán hàng rong có một nơi bán ổn định, phục vụ nhu cầu công nhân và người dân mua thực phẩm, nhưng không phải đứng dọc bờ kênh làm mất mỹ quan đô thị, làm cản trở hoạt động giao thông đang là bài toán khá hóc búa. Rồi làm sao để họ có một chỗ buôn bán nhưng giá thuê không quá cao vì đa số người bán hàng đều nghèo… Sau một thời gian, chính quyền phường 15 chủ trương lập lại trật tự mỹ quan đô thị phường. Phó chủ tịch Trần Huy Hoàng xuống trò chuyện với gia đình ông Năm: “Nhà chú còn đất rộng, chú làm chợ cho bà con vào buôn bán. Chú làm chợ rồi tự thu chi và tự làm vệ sinh bảo vệ khu vực sạch đẹp”, ông Năm Hấp nhớ lại.

Sau lời đề nghị của chính quyền phường Tây Thạnh, gia đình ông Năm ban đầu cũng băn khoăn và trong gia đình cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian được ông (từng làm qua nhiều chức vụ như Phó bí thư Đoàn phường - phường 15, quận Tân Bình cũ, rồi Phó chủ tịch phường năm 1978-1988, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân...) rất hiểu việc lập lại trật tự lòng lề đường mà chính quyền địa phương thực hiện, nhất là vấn đề an toàn giao thông - thuyết phục cả gia đình đồng ý lấp 800m2 đất trồng rau muống để làm chợ.

Thế mà thấm thoát đã 10 năm trôi qua, ngôi chợ nhỏ luôn là địa điểm quen thuộc của gần 30 tiểu thương phục vụ nhu cầu thực phẩm hằng ngày của người dân trong khu vực. Cũng từ đó, không còn cảnh người bán hàng lấn chiếm lòng đường làm chợ tự phát nữa.

Khi mới làm chợ, gia đình ông Năm bỏ ra 50 triệu đồng để trám xi măng, làm các đường rãnh thoát nước, ai đến buôn bán thì tự trang bị một cái ô che nắng che mưa. Nhưng những ngày mưa gió lớn tấm ô không che đủ và nắng nóng quá cũng khá hầm, có hôm mưa lớn thì chợ cũng nhếch nhác. Những năm trước ông thu phí 10.000 đồng/ngày/sạp. Từ năm 2015 ngôi chợ có mái lợp cao ráo, khang trang, mát mẻ là nhờ ông tận dụng xác nhà xưởng của gia đình ở huyện Bình Chánh chuyển về làm. Giờ đây, mỗi ngày ông thu 30.000 đồng/sạp. Có những người mang rau, củ nhà tự trồng ra bán ông không thu tiền chợ. Ông vui vẻ nói: “Trong số 30 tiểu thương bán thường xuyên ở chợ, có cô Chín Diệu bán cá - quê ở Trà Vinh - sau hơn 10 năm buôn bán đã tiết kiệm được tiền mua đất xây nhà ở Vĩnh Lộc. Cô Diệu mừng lắm, mà vợ chồng tôi cũng rất mừng”.

Ngồi trò chuyện với ông, gió từ bờ kênh đường 19/5 thổi vào mát rượi, nhẩm tính, nay mỗi ngày ông thu tiền góp chợ dao động 500-700 nghìn đồng, trừ chi phí nước, điện, rác, mỗi tháng vẫn còn dư một ít. Vợ chồng ông làm công tác quét dọn chợ hằng ngày. Số tiền còn lại, mỗi tháng ông trích ra để vợ nấu cơm chay phát cho bà con nghèo tại đình Tây Thạnh (còn gọi miếu Bà Tây Thạnh) mà ông đang làm Trưởng ban Trị sự. Dịp cuối năm thì gia đình ông và các Mạnh Thường Quân khác trong phường cùng góp lại mua quà phát trên 100 suất cho người nghèo trên địa bàn phường.

Mới đây tại cuộc họp kiểm tra tình hình lập lại trật tự lòng lề đường ngôi chợ của ông Hấp được lãnh đạo quận Tân Phú nêu ra như một điển hình trong việc bố trí, sắp xếp lại nơi buôn bán hàng rong. Chính quyền quận cho hay, hiện nay đã yêu cầu các phường trên địa bàn quận tiếp tục rà soát những địa điểm có thể tập trung cho người bán hàng rong như chợ của ông Năm Hấp. Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh là không có chủ trương đẩy, đuổi người mua bán hàng rong và yêu cầu các quận, huyện tìm những địa điểm đủ điều kiện để tổ chức các phiên chợ cho người dân buôn bán như chợ của ông Năm Hấp.

Thiên Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc