Chuyện ở hẻm 96

07:06 | 22/02/2017

1,296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sài Gòn thơm thảo, Sài Gòn nghĩa tình, Sài Gòn bao dung… không chỉ là những mỹ từ nói về đất và người TP Hồ Chí Minh mà còn là những câu chuyện thật, người thật, việc thật. Những nghĩa cử cao đẹp, lá lành đùm lá rách, người giàu cưu mang người nghèo từ bình nước trà đá nơi đầu hẻm, cuốc xe ôm miễn phí trong đêm, sửa xe cho người khuyết tật, cho đến chiếc quan tài dành cho những mảnh đời đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn thiếu trước hụt sau. Một trong những địa chỉ thân thương ấy là con hẻm nhỏ 96 ở quận Phú Nhuận, được người dân gọi là hẻm “Ông Tiên”.    

Hẻm 96 nối liền giữa đường Phan Đình Phùng và đường Trường Sa quận Phú Nhuận. Nơi đây có nhiều người dân lao động phổ thông làm rất nhiều nghề và không mấy ai không biết ông Đỗ Văn Út (tên thường gọi là Việt) vá xe ở đầu hẻm.

Một buổi chiều sau kỳ nghỉ tết âm lịch Đinh Dậu tôi đến hẻm 96 gặp ông Phúc hành nghề chạy xe ôm đang rót nước vào bình trà đá miễn phí. Tôi hỏi thăm và muốn gặp chú Út trò chuyện thì ông Phúc bảo: “Ổng mới về nhà nghỉ trưa. Nhà ở gần đây, ngay đường Cô Giang (quận Phú Nhuận). Hai bên vách đầu hẻm treo hai tấm bảng: “Cơ sở mai táng V.P, đặc biệt trợ táng và tặng áo quan miễn phí cho những gia đình khó khăn”. Phục vụ 24/24 kể cả ngày lễ, tết và Chủ nhật”. Bên cạnh tấm bảng là tủ thuốc với dòng chữ ngắn gọn: “Tủ thuốc từ thiện xin đừng phá em”.

Ông Phúc bảo: “Tủ thuốc này để giúp người nghèo với đầy đủ thuốc ho, cảm sốt, thuốc đau bao tử, dầu gió, bông băng. Ngã ba này hay xảy ra tai nạn, tụi tui chạy xe ôm ở đây sơ cứu rồi chở nạn nhân đi đến Bệnh viện Tân Định (quận 1) cấp cứu trước, sau người nhà mới đến”. Khi tôi hỏi những ai thường đến xin thuốc thì ông Phúc cho hay, chủ yếu là dân lao động như bán vé số, chạy xe ôm, mua ve chai… khu vực gần đây.

chuyen o hem 96
Phóng viên đang trò chuyện với ông Đỗ Văn Út

Đối diện với tủ thuốc từ thiện là bình trà đá đựng trong thùng inox đặt cạnh trụ điện, gần chục bình nước loại 5 lít, một thùng đá cùng với 3-4 lít nước trà cốt để pha trà đá. Bên cạnh thùng nước ghi dòng chữ: “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật. Nước uống miễn phí. Xin giữ vệ sinh. Cảm ơn nhiều”. Anh Đờn bán vé đi ngang qua giữa lúc nắng nóng đến uống nước, cho biết: “Ngày nào đi qua đây tôi cũng ghé uống nước trà đá. Có khi còn xin thêm nửa lít mang theo. Thùng nước lúc nào cũng có sẵn nước trà đá, tiện lắm”.

Bình trà đá miễn phí hoạt động 24/24. Một ngày ông Út nấu 8 lít trà cốt pha với 60-70 lít nước. Những ngày nắng nóng cao điểm có hôm tiêu thụ hết 80 lít nước trà đá. Người uống quen thuộc vẫn là những người mua ve chai, vé số, chạy xe ôm. Lúc đầu ông tự bỏ tiền túi mua trà, mua đá, nay có một số người thỉnh thoảng gửi vài ba chục nghìn đồng để mua trà, mua đá. Còn hôm nào không có thì ông Út, ông Phúc và một vài người trong hẻm bỏ tiền túi mua đá.

Ông Phúc cho biết thêm: “Tôi sinh ra và lớn lên ở con hẻm này, chạy xe ôm, những lúc trong hẻm hay ngoài đường Phan Đình Phùng có người gặp tai nạn thì anh em xe ôm tụi tôi chạy ra giúp mọi người. Đỡ xe, dìu người vào lề đường, nếu ai bị thương thì sơ cứu rồi đưa đi bệnh viện. Bình trà đá này mỗi ngày mà anh Út đi về nhà nghỉ trưa thì tôi thay anh đổ nước vào khi hết. Cũng có một số người thiếu ý thức. Đến uống nước mà lỡ hết nước chưa kịp đổ vào họ bẻ gãy vòi. Hồi giờ họ đã bẻ gãy hai cái vòi rồi”. Ông Phúc chia sẻ: “Thấy người ta gặp nạn thì mình giúp thôi. Mình làm phúc, mình không hưởng thì con cái hưởng cái phúc phần đó”. Nghĩ vậy và ông cùng anh em xe ôm trong khu phố cứ thấy ai cần trợ giúp thì giúp rất vô tư, không tính toán thiệt hơn. Hôm sau tôi quay lại con hẻm đúng lúc ngã ba hẻm 96 và đường Phan Đình Phùng có vụ va quệt xe. Ông Phúc và mấy chú xe ôm khác trong hẻm chạy ra dắt chiếc xe máy cho nạn nhân vào vỉa hè còn ông Út chạy ra đỡ nạn nhân và dìu vào hẻm.

Đang trò chuyện với ông Phúc thì ông Út ra hẻm. Chốc chốc có người đến bơm xe. Xe đạp: 1.000 đồng/chiếc, xe máy: 2.000 đồng/chiếc. Vừa bơm xe cho khách, ông Út vừa nói: “Nhiều lúc đang làm, có người gọi điện nhờ trợ giúp thì dù ngày hay đêm tôi cũng đi. Thường là đến nhà người ta xem tình hình thế nào và báo giờ giấc cụ thể, sau đó tôi gọi điện cho Mạnh Thường Quân để họ có thể trợ giúp được bao nhiêu rồi mình tính. Rồi tôi đi mua áo quan, quan tài và chở thẳng đến nhà người quá cố. Có khi gia đình họ neo đơn quá thì tôi phụ giúp cho xong công chuyện mới về”.

chuyen o hem 96
Ông Út và ông Phúc đang bơm xe cho khách

Một khi ông Út có công chuyện đi giúp mọi người thì chiếc chìa khóa mở tủ thuốc từ thiện giao cho ông Phúc giữ. Tất cả việc làm này đều tự nguyện và không ai nhận bất cứ đồng thù lao nào. Ông Út quê ở Hà Nam, sinh ra và lớn lên ở TPHCM. Trước đây ông hành nghề chạy xích lô, sau chuyển qua nghề bơm vá xe. Chuyện trợ giúp cho người nghèo mai táng ông đã thực hiện được 16 năm. Riêng tủ thuốc từ thiện và trà đá miễn phí thì có từ năm 2012. Lúc đầu ông phải tự bỏ tiền túi ra để mua thuốc, mua trà mua đá, nhưng đến năm 2014 thì có Mạnh Thường Quân giúp đỡ các khoản chi phí.

Sài Gòn là nơi đóng góp GDP lớn nhất cả nước với số dân dao động khoảng 10 triệu. Người giàu nhất ở Sài Gòn và người nghèo nhất chắc cũng ở Sài Gòn. Nghe những câu chuyện ông Út kể khó mà hình dung hết ở xứ này có những người nghèo đến thế. Phần lớn người nghèo là dân nhập cư, có người khi chết rồi cũng không còn đồng xu dính túi, gia đình không mua nổi cỗ quan tài.

Đến bây giờ ông không nhớ nổi mình đã giúp cho bao nhiêu trường hợp, đa phần là người nhập cư làm nghề vất vả như chạy xe ôm, phụ hồ, bán vé số… và có những câu chuyện ông không thể nào quên. Trước tết âm lịch khoảng 2 tháng có người đàn ông tên Hùng gọi điện rồi tìm đến nhờ ông trợ giúp một cái áo quan. Người vừa mất là một phụ nữ từ miền Trung phiêu dạt vào ở trọ gần bến xe Miền Đông làm phụ quán ăn. Chị quen và sống chung với anh Hùng như vợ chồng, sau hai người không hợp nhau thì chia tay. Nhưng khi hay tin chị bệnh nặng, anh Hùng quay lại chăm sóc cho đến khi chị qua đời và lo phần hậu sự. Tuy nhiên, anh Hùng cũng làm thuê làm mướn, bữa có bữa không, còn chị thì không gia đình thân thích, không giấy tờ tùy thân và cũng không biết quê quán gốc tích ở đâu để báo cho gia đình. Phải tốn ít nhất 10 triệu đồng mới đưa thi thể chị ra khỏi nhà xác. May có người mách, anh Hùng đến gặp ông Út nhờ trợ giúp. Ông Út trình bày hoàn cảnh gia đình của người phụ nữ xấu số với các Mạnh Thường Quân và được 3 người giúp đỡ với tổng số tiền là 13 triệu đồng. “Cũng may biết hoàn cảnh neo đơn không người thân thích nên chùa Bửu Liên (Phường 26, quận Bình Thạnh) hỗ trợ không nhận tiền quàn của thân chủ. “Đây là đám tang tôi thấy thương tâm nhất, không có bất cứ một khăn tang nào”, ông Út bùi ngùi nhớ lại.

Hiếm hoi có một gia đình ba lần nhận trợ giúp quan tài. Lần đầu cha vợ xin quan tài cho con rể, lần thứ hai người cha đi xin quan tài cho con gái, lần thứ ba đến lượt người cha mất và người vợ xin quan tài cho chồng. Ông kể: “Gia đình này nghèo lắm, cái nhà ở nhỏ xíu. Cả gia đình có buồng tắm chung, khi có người nào trong nhà mất cũng không có chỗ để quan tài mà phải để trong buồng tắm. Nghe tôi kể hoàn cảnh gia đình quá bi đát như vậy thì có ba Mạnh Thường Quân là chị Nga (quận 1), chị Hồng (quận Bình Thạnh) và chị Hòa (Huỳnh Thúc Kháng, quận 1) giúp đỡ”.

Bình quân mỗi tháng 3-4 người hỏi ông Út xin quan tài, có tháng 6-7 người xin, nhưng cũng có tháng không có. Nói chung ai đến xin thì ông tìm cách kết nối với những người hảo tâm và tùy hoàn cảnh rồi hỗ trợ cho gia đình họ. Có người giúp 3-5 triệu, trường hợp đặc biệt khó khăn thì giúp hơn 10 triệu. Không cần những thủ tục rườm rà, giấy tờ các kiểu. Khi nhờ được trợ giúp thì ông tìm đến nhà thăm hỏi rồi cùng mọi người đi mua quan tài. Gia đình báo giờ giấc ông sẽ đem đến tận nhà. Tuy nhiên, ở những huyện xa quá như Củ Chi ông chưa có điều kiện đến tận nơi trợ giúp được.

chuyen o hem 96
Ông Đỗ Văn Út đang thêm nước trà vào bình trà đá miễn phí

Tiếng lành đồn xa, giờ đây có những Mạnh Thường Quân sẵn sàng giúp đỡ để ông làm chiếc cầu nối đưa tấm chân tình của họ đến với những mảnh đời bất hạnh. Đặc biệt, một số Mạnh Thường Quân ở nước ngoài đọc được thông tin về con “hẻm 96” trên báo đã không ngần ngại nhờ con cái mỗi lần về Việt Nam mang thuốc đến bổ sung vào tủ thuốc từ thiện hẻm 96. “Trong các loại thuốc gửi về chủ yếu là thuốc cảm sốt, riêng thuốc đau bao tử hay lắm cô ơi. Mỗi ngày ngậm 1 viên, ngậm 3 viên trong 3 ngày là hết đau liền. Tôi không nhận thuốc đặc trị vì thuốc đó phải được bác sĩ kê đơn chứ mình đâu dám phát tùm lum được. Thuốc nào dư nhiều thì tôi đem đến cho nhà chùa để phát cho người nghèo”.

“Vác tù và hàng tổng” để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, tứ cố vô thân về nơi an nghỉ cuối cùng trong chiếc áo ấm với đầy đủ những thủ tục của người đã khuất là việc làm hiếm hoi giữa cuộc đời này. Bởi đây là công việc đặc biệt được thực hiện bởi những trái tim đồng cảm sâu sắc và vượt qua nhiều cực nhọc. Cuộc sống gia đình riêng của ông Út cũng không dư dả gì. Vợ chồng ông và một đứa con đang học lớp 12 ở trọ trong căn nhà nhỏ 9m2 tại đường Cô Giang, quận Phú Nhuận. Vợ làm tạp vụ, ông vá sửa xe mỗi ngày thu nhập cũng được hơn 200 nghìn đồng. Chi phí cho tiền thuê nhà - sinh hoạt phí đắt đỏ ở thành phố này đâu ít. Thuyền theo lái, gái theo chồng, vợ ông không hề phàn nàn mà ủng hộ chồng tuyệt đối. Có những đám tang xa quá, họ nhờ vào giờ muộn ông thường đi cùng vợ cho đỡ buồn. Hẻm 96 không chỉ có ông Út hay ông Phúc mà còn rất nhiều người tốt hay giúp đỡ người khác, nhưng họ chỉ làm âm thầm chứ không muốn báo chí nhắc đến. Còn bản thân ông nghĩ đơn giản rằng, người nghèo khổ còn nhiều quá, giúp được ai cái gì thì giúp. Ông mong muốn: “Tôi muốn mô hình hẻm 96 được nhân rộng trong thành phố. Để thành phố ngày càng nhiều con hẻm Ông Tiên như vậy để giúp đỡ người nghèo khổ cũng là bớt gánh nặng cho chúng tôi vì không đủ sức đi giúp tất cả những trường hợp cần giúp đỡ”.

Hôm sau tôi trở lại hẻm 96 vào buổi sáng, ông Út bảo mới đi lo một đám tang về. Nói về câu chuyện làm từ thiện trong bao năm qua, ông trầm ngâm: “Có người hiểu, thương và thông cảm, nhưng cũng có người chưa hiểu và nghi ngờ việc tôi làm. Chưa kể, có người gửi đơn lên phường tố cáo tôi lừa đảo Việt kiều nước ngoài mà tôi đến cái nhấp chuột máy tính còn không biết. Bà con ở nước ngoài đọc tin tức trên báo về con hẻm, thương thì gửi thuốc men về cho tủ thuốc từ thiện. Có người gửi chút tiền để gom góp mua hòm, mua áo quan trợ giúp cho người nghèo vậy thôi”. Phường mời ông lên làm việc và giải trình đầy đủ việc đã làm trong bao năm qua. Đồng thời, Phường cũng thông báo cho ông biết đơn tố cáo nặc danh. “Nói thật lòng tôi không bao giờ cầu lợi trên người chết, người nghèo, thất đức lắm”, ông chia sẻ.

chuyen o hem 96
Tủ thuốc từ thiện hẻm 96

Nói rồi ông cho tôi xem giấy mời của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh mời đến tham dự Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố lần 2 được tổ chức cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 26-11-2016. Đợt hai cả thành phố có 138 tấm gương được tuyên dương, ông Đỗ Văn Út là 1 trong 138 gương tiêu biểu.

Sài Gòn đã bước vào mùa nắng gắt. Đang trò chuyện, chốc chốc lại có người đến bơm xe, đến xin thuốc, đến uống nước. Bình trà đá cạn và ông lại pha trà, đổ nước để phục vụ bà con gần xa. Tấm lòng thơm thảo của ông cứ thế nhân rộng, lan dần đến nhiều người khác.

Hẻm 96, ông Út, ông Phúc chỉ là một vài trong hàng nghìn tấm gương người Sài Gòn nghĩa tình, thơm thảo, bao dung. Nhiều người nói người Sài Gòn làm từ thiện vì cái bụng nó thế chứ không phải vì làm truyền thông hay đánh bóng bộ mặt tên tuổi. Chợt nhớ mỗi mùa thi, biết bao học sinh và gia đình ở các tỉnh về được người Sài Gòn cưu mang cho ở nhờ mà không tốn đồng tiền cắc bạc nào. Hay hằng ngày đi ngang các bệnh viện vào các giờ trưa và chiều lúc nào cũng có những người làm từ thiện phát cơm miễn phí, rồi những quán cơm 2.000 đồng đã trợ giúp cho bao mảnh đời vất vả ở đất này. Ít có nơi nào trên đất nước này có nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như Sài Gòn. Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị, luôn rộng lòng, sẻ chia, đùm bọc.

Những người nhập cư ở bất kỳ nơi nào đất Sài Gòn bao dung này đều cảm thấy khi đang đi trên con đường giữa trưa nắng gắt có bình trà đá mát lạnh nhưng ấm lòng. Chú xe ôm, chị bán vé số, chị bán ve chai, bán hàng rong… không cảm thấy lạ lùng, bởi giữa Sài Gòn đô hội với những tòa nhà chọc trời tráng lệ thì đâu đó có những con hẻm nhỏ, với những con người nhân nghĩa, thơm thảo, bao dung, ấm áp.

NHỮNG CON HẺM NGHĨA TÌNH Ở SÀI GÒN

Dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (giáp ranh giữa quận 1 và quận 5, TP HCM) từ lâu đã trở thành “tổ ấm” của hơn 30 người già hành nghề bán vé số dạo. Người dân vẫn thường gọi con hẻm này là “con hẻm vé số”. Ông Nguyễn Văn Tiến (55 tuổi, quê Phú Yên) được xem là “người sáng lập” ra con hẻm này.

Hẻm sửa giày dép miễn phí cho người nghèo. Dọc con đường Phan Đình Phùng, rẽ qua đường Huỳnh Văn Bánh là hình ảnh thợ sửa giày Lý Ngọc Bình đang cẩn thận, tỉ mẩn kéo từng mũi kim để khâu lại chiếc giày hở đế đề biển: “Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác”. Bên cạnh ghi: “Nơi đây có phát mì chay miễn phí vào ngày Rằm và mồng Một hằng tháng”.

Hẻm heo đất má Cúc. Từ lâu người ta đã quen gọi hẻm 60, Lý Chính Thắng, quận 3 là hẻm heo đất. Bởi ở đó có người má đã tần tảo nuôi heo đất giúp người nghèo hơn 40 năm nay. “Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 8 - quận 3 - Chi hội phụ nữ khu phố 3 - Nuôi heo đất giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”. Những chú heo được nuôi lớn bởi tình người. Những người mua đồ ăn sáng thường quyên góp tiền cho heo mau lớn, đôi khi tiền thừa khách hàng không lấy lại, họ nhét lại vào heo đất.

Thiên Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps