Chuyện người Việt dùng hàng Việt của ngành điện

08:00 | 11/11/2015

895 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cuộc vận động, một phong trào lớn do Bộ Chính trị phát động năm 2010. Mục đích của cuộc vận động là nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng văn hóa tiêu dùng và sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng, sức cạnh tranh cao. Trên tinh thần đó, những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sử dụng hàng hóa, trang thiết bị trong nước để thay thế hàng nhập khẩu.

Đòi hỏi thực tiễn

Do đặc thù nằm rải rác khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có nhiều khu vực diễn biến thời tiết phức tạp, hệ thống lưới điện luôn phải đối diện với những nguy cơ sự cố rất cao. Vì vậy, việc chủ động trang thiết bị thay thế sẽ góp phần quan trọng giảm thời gian khắc phục, sửa chữa các sự cố lưới điện, chủ động trong thi công, xây dựng các công trình điện và tiết giảm ngoại tệ cho ngành điện. Ví như việc thi công, xây dựng trạm 500kV Ô Môn chẳng hạn. Việc ngành điện chủ động được công nghệ xây dựng, lắp đặt trạm biến áp, hiệu chỉnh máy biến áp… và đặc biệt là sản xuất được máy biến áp 500kV đã góp phần quan trọng vào việc đưa dự án về đích sớm 37 ngày, làm lợi 54 tỉ đồng.

chuyen nguoi viet dung hang viet cua nganh dien
 

Ông Võ Đình Thủy - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia) khi trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới cho hay: Trạm 500kV Ô Môn đóng trên địa bàn phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Trạm có nhiệm vụ truyền tải điện năng từ cấp điện áp 500kV xuống cấp điện áp 220kV khu vực miền Tây và ngược lại truyền tải điện năng từ cấp điện áp 220kV của khu vực miền Tây vào hệ thống điện quốc gia.

Với nhiệm vụ như vậy, Trạm biến áp 500kV Ô Môn được ví là “trái tim” của ngành điện ở miền Tây. Việc rút ngắn thời gian thi công, đưa vào vận hành sớm công trình nâng công suất Trạm 500kV Ô Môn, tiết giảm hàng chục tỉ đồng vì thế có ý nghĩa rất lớn khi toàn ngành Điện đang thực hiện chủ trương tối ưu hóa chi phí. Nhưng ý nghĩa hơn cả là miền Tây Nam Bộ sẽ được cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô này.

Hoặc như chuyện tiết giảm chi phí ở Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt (Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Bắc Kạn - PV Power Bắc Kạn) cũng vậy. Đây là một chủ trương lớn được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề ra nhằm phát huy một cách tối đa các nguồn lực hiện có, giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, theo ông Đàm Đức Thông - Giám đốc PV Power Bắc Kạn, bên cạnh các giải pháp về nhân lực, hành chính… thì một trong những giải pháp trọng yếu được Đảng ủy, lãnh đạo Công ty đề ra là phải làm chủ được nhà máy. Tức là phải tự tiến hành được các đợt duy tu, bảo dưỡng nhỏ và một phần các đợt duy tu, bảo dưỡng lớn.

Phân tích cụ thể câu chuyện này, ông Thông cho biết: Nếu như mình không tự duy tu, bảo dưỡng nhỏ mà phải thuê đơn vị ngoài vào thì trước hết sẽ tốn chi phí để thuê và sau đó là tốn thời gian. Mà làm thủy điện, máy nghỉ tức là không có tiền. Còn nếu mình làm được, chủ động trong việc duy tu, bảo dưỡng nhỏ nhà máy thì vừa không mất tiền thuê lại chủ động thời gian sửa chữa.

Cũng trên tinh thần đó, ông Thông còn cho biết, để thực sự tự chủ trong quá trình quản lý, vận hành nhà máy, những người làm dầu khí làm điện ở PV Power Bắc Kạn còn ấp ủ, chế tạo, sản xuất các linh phụ kiện thay thế cho các nhà máy thủy điện trong nước. Hệ thống điều khiển kích từ máy phát điện cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ (công suất tổ máy lên đến 30MW) do các cán bộ, kỹ sư công ty nghiên cứu là một trong số đó.

Ở các dự án thủy điện nhỏ và vừa thì hệ thống kích từ máy phát hầu như 100% là nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc lắp đặt, hiệu chỉnh, vận hành thử nghiệm đều phải dựa vào chuyên gia nước ngoài nên chi phí rất lớn. Và một điều quan trọng, vì phụ thuộc vào hàng nhập khẩu nên không ít nhà máy khi gặp vấn đề về hệ thống này đã phải đợi nhiều ngày để nhờ sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài.

Nhiều thách thức

Như đã đề cập ở trên, việc sử dụng hàng Việt, các trang thiết bị máy móc sản xuất trong nước là đòi hỏi thực tiễn đối với sự phát triển và mục tiêu đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục của ngành điện. Với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đòi hỏi thực tiễn đó đã được hòa vào một phong trào, một cuộc vận động lớn của cả nền kinh tế, đất nước và đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo EVN, trong quá trình thi công, xây dựng các công trình điện, căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, các đơn vị thành viên EVN đã luôn đặt công tác ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu khi thực hiện các dự án đầu tư cũng như trong sản xuất kinh doanh. Các loại vật tư thiết bị dùng trong khối các đơn vị phân phối điện như các loại máy biến áp (từ 110kV đến các máy biến áp phân phối), cáp điện trung, hạ áp, dây điện nhị thứ, cáp quang, thiết bị điện... chủ yếu được sản xuất trong nước, được các nhà cung cấp có năng lực, uy tín trong nước cung cấp.

Với khối các đơn vị sản xuất điện, hiện các vật tư, thiết bị, vật liệu đơn giản, có hàm lượng giá trị thấp phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, sửa chữa lớn đã được mua sắm trong nước và chỉ phải nhập khẩu các thiết bị, sản phẩm có hàng lượng công nghệ cao, trong nước chưa sản xuất được... Đặc biệt, một số đơn vị phát điện thuộc EVN như Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah, Thủy điện Buôn Kuốp đã chủ động mua vật tư về tự gia công, sửa chữa, thay vì mua mới...

Đáng chú ý, ở khối các công ty cổ phần cơ điện, trong những năm vừa qua, các đơn vị sản xuất trong ngành đã đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường trong ngành cũng như ngoài ngành với các sản phẩm như biến dòng điện, điện áp, tụ bù, thiết bị thí nghiệm, tủ bảng điện… các loại dao cách ly đến 220kV, chế tạo nhiều loại tủ điện đo lường, điều khiển bảo vệ, các thiết bị, phụ kiện cho trạm biến áp và nhà máy điện, thiết bị điện cao áp đặc biệt là máy biến áp 220kV, 500kV. Các sản phẩm máy biến áp có điện áp từ 220kV trở lên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm trong nước duy nhất trên thị trường và có cơ chế đặc thù cho EVN và các đơn vị khi mua sắm các thiết bị này.

Nói về việc sử dụng các trang thiết bị, vật tư sản xuất, phân phối trong nước, đại diện EVN cho rằng, việc làm này đã mang lại rất nhiều thuận lợi, lợi ích cho các đơn vị. Đó là rút ngắn thời gian cung cấp hàng hóa, thiết bị; tiền thanh toán là VNĐ nên thủ tục đơn giản, chủ đầu tư cũng không phải chịu rủi ro tỉ giá hối đoái; công tác giám sát chất lượng thiết bị, giám sát quá trình sản xuất, chế tạo đối với các nhà sản xuất trong nước, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật như hướng dẫn lắp đặt, vận hành, công tác bảo hành, sửa chữa thuận tiện hơn...

Tuy nhiên, đại diện EVN cũng cho biết, việc sử dụng các trang thiết bị, vật tư sản xuất, phân phối trong nước cũng gặp không ít khó khăn như mẫu mã hàng hóa ít, chất lượng còn hạn chế, đặc biệt là các loại hàng hóa đặc chủng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao... Một số máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được có chất lượng chưa đạt bằng các sản phẩm cùng loại tương ứng do nước ngoài sản xuất nên dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành sử dụng tăng... Điều này đòi hỏi các đơn vị sản xuất, phân phối cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đầu tư phát triển công nghệ để cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Lê Hà

Năng lượng Mới 473

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps