Chuyện người ghi biên bản chiến tranh

07:00 | 29/04/2015

1,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 3-1975, cánh phóng viên Việt Nam Thông tấn xã chúng tôi chộn rộn trước thông tin sẽ “động viên” một số phóng viên đi miền Nam chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) sau chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Năng lượng Mới số 416+417+418

 Ai cũng mong có tên mình trong danh sách vinh dự này.  Nhưng tất cả đều chưng hửng khi biết rằng, Phó tổng biên tập Đỗ Phượng “chấm” Trần Mai Hạnh chứ không phải ai đó trong chúng tôi, đội quân rất thạo tường thuật, ghi nhanh, một thể loại báo chí đặc hữu của Việt Nam Thông tấn xã. Lý do hóa ra cũng khá đơn giản, Trần Mai Hạnh từng là phóng viên TTXGP ở khu V, ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và đang làm việc ở Ban Biên tập tin miền Nam. Đặc biệt hơn, chuyến đi này do đích thân Tổng biên tập Đào Tùng phụ trách và do các Bí thư Trung ương Tố Hữu, Hoàng Tùng trực tiếp giao nhiệm vụ theo lệnh Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn mà không kịp có văn bản quyết định của Ban Bí thư.

Chuyện người ghi biên bản chiến tranh

Nhà báo Trần Mai Hạnh

Sáng 2-4-1975, chúng tôi tiễn Tổng biên tập Đào Tùng, nhà báo Trần Mai Hạnh và một số anh em khác lên đường. Đúng 4 tuần sau, trưa 30-4, Trần Mai Hạnh đã vào Dinh Độc Lập theo sát bước chân thần tốc của đoàn quân chiến thắng. Ngay chiều muộn, anh đã có bài ghi nhanh “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy”  khoảng 1.200 từ đầy sảng khoái hứng khởi của những người chiến thắng.

Đêm 30-4, ông Đỗ Phượng mới nhận được bài tường thuật lịch sử này và cho phát báo ngay.

Trưa 1-5-1975, buổi phát thanh thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trang trọng bài tường thuật đầu tiên của báo chí Việt Nam về giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn trưa 30-4-1975 với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của đặc phái viên Việt Nam Thông tấn xã Trần Mai Hạnh từ Sài Gòn điện ra. Như một cơ duyên, 21 năm sau (1996) nhà báo Trần Mai Hạnh trở thành Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Từ năm 1975 đến 2000, Trần Mai Hạnh kịp ra mắt bạn đọc một số tác phẩm văn học như “Tình yêu và án tử hình” (NXB Thanh Niên), “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận thế” (NXB Quân đội Nhân dân). Cuốn sách “Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa” đã hoàn thành bản thảo và được Báo Văn nghệ trích đăng nhiều kỳ và Đài Tiếng nói Việt Nam đọc dài kỳ trong buổi đọc truyện đêm khuya năm 2002...

Chuyện người ghi biên bản chiến tranh

Tôi nhớ lại, trưa 30-4-2002, tôi tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải dự khởi công xây dựng cầu Rạch Miếu - cây cầu xóa thế cù lao của tỉnh Bến Tre. Buổi trưa, tôi gặp Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa để hẹn một cuộc gặp nhân 30-4. Thật bất ngờ bà Hoa cho biết sẽ phải đi ngay Bạc Liêu để lo việc “chốt” danh sách ứng cử viên do ông Trần Mai Hạnh có đơn thư tố giác liên quan đến Năm Cam rất có thể phải ra khỏi danh sách. Hóa ra ông Trần Mai Hạnh  có đơn thư tố giác liên quan đến Năm Cam. Và ngày 2-5, một tờ báo đăng bài dàn kín hai trang báo khổ A3 nói về sự liên quan của Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Trần Mai Hạnh với tội phạm Năm Cam. Sau đó là hàng loạt sự kiện liên quan đến Trần Mai Hạnh như rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, bị kỷ luật Đảng mất chức Ủy viên Trung ương, Phó chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam…

Trong vụ án Năm Cam chấn động này, Trần Mai Hạnh bị buộc tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật để chạy tội cho Năm Cam. Trong phiên phúc thẩm của vụ án này, ông bị tuyên án 9 năm tù. Tuy nhiên, sau 2 năm bị tù, đến tháng 9-2005 ông được đặc xá.

Trở về đời thường, ông tiếp tục viết báo với bút danh Trần Nhật Thi. Mãi đến năm 2012, Trần Mai Hạnh được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khích lệ và ký hợp đồng đặt hàng đầu tư chiều sâu, ông mới dỡ tác phẩm “Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa” để viết lại thành “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Tác phẩm này được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự Thật cho ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014). Đây là trường hợp đặc biệt bởi rất hiếm khi nhà xuất bản này cho in một cuốn tiểu thuyết, mà lại là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử.

Và đặc biệt nữa là đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm đại thắng, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được nhận Giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Đây có thể coi là một cuốn biên niên sử sống động về những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Cuốn sách được xây dựng kỳ công trên cơ sở chắt lọc từ khối lượng tài liệu đồ sộ và quý giá, phần nhiều trong số đó có giá trị nguyên bản mà tác giả có cơ duyên tiếp cận được trong những năm tháng làm phóng viên chiến tranh của Việt Nam Thông tấn xã ở chiến trường miền Nam.

Như tâm sự của tác giả, cuốn sách được ấp ủ thực hiện ra đời từ giờ phút lịch sử trưa ngày 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập mà ông may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam.

Với một cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, không chen bất cứ bình luận nhận xét cá nhân nào của tác giả cùng với độ lùi gần 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” trở thành bức phác thảo toàn cục và chi tiết nói về toàn bộ quá trình sụp đổ cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội ngụy và số phận những người cầm đầu chính thể Sài Gòn trong 4 tháng cuối cùng của chiến tranh: Tháng 1, 2, 3, 4 năm 1975.

Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Cuộc đời tôi cũng nhiều sóng gió, hoàn thành được cuốn sách này cũng là kỳ công, nhiều lúc tưởng không thể xong nổi. Rồi tôi lại nghĩ về những tài liệu quý giá mà mình đang sở hữu, nếu không viết thì ai sẽ là người có được tất cả những tài liệu đó mà hệ thống và dựng nên một tác phẩm. Tôi thấy mình có nghĩa vụ phải tham gia trả lại một phần sự thật nguyên bản về những giờ phút sụp đổ của chính quyền Sài Gòn”.

Theo tác giả, nếu viết dưới dạng ký sự, ghi chép báo chí thì sự việc xảy ra gần 40 năm trước sẽ không sao hấp dẫn bạn đọc. Vì vậy, ông xây dựng một tiểu thuyết tư liệu lịch sử với kết cấu chương hồi có tính cách, số phận nhân vật, tướng lĩnh chóp bu trong chính quyền và quân đội Sài Gòn. Tốc độ sụp đổ kinh hoàng, những dồn nén tột cùng trong ngày cuối chiến tranh không có chỗ cho sự diễn tả dài dòng, dàn trải. Đó cũng là hoàn cảnh làm bộc lộ số phận, tính cách điển hình của các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn: Kẻ tử thủ, người bỏ chạy, kẻ bị bắt tại trận, kẻ ra trình diện chính quyền cách mạng, không ít người uống thuốc độc hoặc tự bắn vào đầu, mặc dù trực thăng riêng đã túc trực để sẵn sàng di tản... “Ngắn gọn - tốc độ - hành động trong đầy ắp sự kiện, sự việc, cảnh ngộ” là tiêu chí Trần Mai Hạnh chọn để thể hiện tác phẩm này. Và Nhà báo Trần Mai Hạnh - người ghi biên bản chiến tranh đã thành công.

Trần Mai Hạnh quan niệm, đã xác định là tiểu thuyết tư liệu lịch sử thì sự thật, tính trung thực, khách quan, không thiên kiến của ngòi bút khi tái hiện sự việc, con người cụ thể phải được đặt lên hàng đầu. Nếu tưởng tượng, hư cấu đến mức người đọc không còn tin sự kiện, sự việc và cả những tình tiết mà tác giả phản ánh, diễn đạt và cho rằng đó là bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, sự thật thì tác phẩm sẽ thất bại.

Trần Đình Thảo

(nguyên phóng viên TTXVN)