Chuyện một dòng họ làm từ thiện

08:38 | 07/06/2017

3,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dòng họ ấy có một câu khẩu hiệu khá hay, giàu ý nghĩa nhân văn “Đặng tính giả cử quốc giai nhiên”, nghĩa là: “Tất cả những người họ Đặng đều là anh em”. Quả đúng là như vậy, những điều tôi lượm lặt và ghi chép dưới đây phần nào nói lên điều ấy…

Truyền thống nguồn cội

Chủ doanh nghiệp nước mắm Mười Thu ở xứ An Nhơn (Bình Định) người họ Đặng, ông là Đặng Văn Thử. Nước mắm Mười Thu nổi tiếng toàn quốc về chất lượng và ông chủ còn nổi tiếng về tấm lòng nhân ái; nổi tiếng ở sự sẻ chia với người nghèo khó không chỉ trong địa phương nơi ông cư trú, mà cả ở các địa phương khác.

Là doanh nhân, nhưng ông Đặng Văn Thử thuộc như nằm lòng câu nói “kinh doanh là để sẻ chia những gì tốt đẹp nhất”. Hỏi ông về ý nghĩa câu nói này, ông bảo rằng: Bước chân vào con đường kinh doanh, ai chẳng muốn làm giàu, nhưng làm giàu mà bất chấp tất thảy là vứt. Kinh doanh chỉ lo làm giàu cho mình mà không chia sẻ với cộng đồng cũng vứt…

chuyen mot dong ho lam tu thien
Nhà thờ của dòng họ Đặng

Ông bảo “định hướng” này được truyền từ đời này sang đời khác của dòng họ nhà ông. Tôi lại hỏi: Đền thờ họ Đặng miền Trung, do vợ chồng ông phát tâm công đức xây dựng, với kinh phí xấp xỉ 2 triệu USD, thờ Tiên hiền Đặng Nghiêm là có ý nghĩa gì? Ông cười mà rằng: Tiến sĩ Đặng Nghiêm chính là người khai khoa cho họ Đặng, cũng là người khai khoa cho xứ Sơn Nam gồm các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và một phần Hà Nội ngày nay. Không chỉ tôi mà tất cả các chi họ Đặng ở miền Trung tâm nguyện thờ ngài là nhằm gìn giữ truyền thống hiếu học cho muôn đời con cháu.

Cũng như gia đình ông Đặng Văn Thử, doanh nhân Đặng Phước Thành, chủ doanh nghiệp Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cũng đã phát tâm công đức hơn 300 tỉ đồng để xây dựng Đền thờ Nam phương linh từ; Đền thờ Đặng tộc Nam phương Linh từ; Nhà bảo tàng họ Đặng và Bảo tàng Nam Bộ tại xã Hưng Long A, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Nơi đây thờ 21 vị tiền hiền khai mở đất phương Nam và các bậc tiền hiền, hậu hiền của dòng họ Đặng như: Công bộ Thị lang Đặng Nghiêm, Quốc công Đặng Tất, Tể tướng Đặng Dung, Thám hoa Đặng Ma La…

Doanh nhân Đặng Phước Thành nói đại ý rằng: Gia đình ông phát tâm công đức xây dựng các công trình này là thể hiện lòng tri ân, tôn vinh sự xả thân của các thế hệ người đi trước đã có công khai mở đất phương Nam cho muôn đời con cháu. Nhờ hồng phúc của tổ tiên phù hộ, độ trì gia đình ông “ăn nên làm ra”. Từ tấm lòng kính trọng với tổ tiên, được dòng tộc và mọi người đồng thuận, ông quyết định đầu tư xây dựng các công trình này, ngoài ý nghĩa nói trên, nơi đây còn là địa chỉ cho các thế hệ người Việt Nam và cháu con dòng họ Đặng đến tri ân các bậc tiền nhân; tìm hiểu đầy đủ về lịch sử dòng họ; và cũng là nơi nghiên cứu, tìm hiểu những nhân vật lịch sử đã khai mở và làm rạng danh vùng đất phương Nam, cùng với phong tục, tập quán, lối sống và các công cụ sản xuất của nền văn minh lúa nước… Đây còn là nơi lý tưởng thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu, học tập những nội dung liên quan đến di sản của con người cũng như môi trường tự nhiên và xã hội của cư dân Nam Bộ.

Tôi thầm nghĩ, có lẽ truyền thống cội nguồn là dòng nước mát, không chỉ “tưới” cho tâm hồn của chủ các doanh nghiệp như Mười Thu, như Đặng Phước Thành có tấm lòng nhân ái, mà còn thôi thúc các chi họ Đặng ở mọi miền đất nước cùng tìm về với nhau với tinh thần “Đặng tính giả cử quốc giai nhiên”, để cùng sẻ chia, cùng tựa vịn vào nhau lúc khó khăn, vượt qua gian khó để vươn lên.

Nói tất cả những người họ Đặng đều là anh em, là nói đến những việc làm nghĩa tình của tất cả các chi họ Đặng trong cả nước hướng về nhau khi có hoạn nạn, thiên tai. Chỉ một cuộc điện thoại, chỉ một vài dòng thông báo ngắn gọn trên facebook là sức mạnh dòng họ được huy động; là hàng ngàn hộ dân trong những vùng thiên tai được “sưởi ấm” bằng sự sẻ chia từ chính những người anh em của mình.

Nói ông Đặng Văn Thử, Đặng Phước Thành có tấm lòng nhân ái, là nói về những việc các ông đã làm cho dòng họ. Sau lễ khánh thành Đền thờ họ Đặng miền Trung, toàn bộ số tiền công đức của các chi họ về dự được hơn 500 triệu đồng, vợ chồng ông Đặng Văn Thử đã quyết định dành cho quỹ khuyến học của dòng họ Đặng tỉnh Bình Định. Các chuyến hàng cứu trợ mà vợ chồng, cha con ông Đặng Văn Thử không hề ngần ngại khi bỏ ra hàng trăm triệu đi cứu trợ đồng bào. Cũng là nói đến doanh nhân Đặng Phước Thành gửi tiền cứu trợ, gửi tiền công đức góp phần trùng tu các di tích văn hóa…

Truyền thống của tổ tiên đã chảy vào huyết quản của bao thế hệ người họ Đặng. Và người họ Đặng ngày nay, với tất cả tấm lòng của mình đã đoàn kết, chung tay cùng xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; trong các đợt cứu trợ đồng bào vùng thiên tai…. Nếu có cuộc bình chọn “những dòng họ làm từ thiện tốt nhất”, tôi đồ rằng, dòng họ Đặng cũng sẽ là những người “khai khoa” cho việc làm giàu tính nhân văn và giàu ý nghĩa này.

Triệu tấm lòng như một tấm lòng

Đấy chính là hình ảnh mà những người họ Đặng để lại dấu ấn sâu sắc với bà con vùng lũ các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2016 vừa qua.

Tôi đã được chứng kiến nghĩa cử cao đẹp của những người đại diện cho dòng họ đi cứu trợ đồng bào. Còn nhớ, vào những ngày cuối tháng 10-2016, khi mà các tỉnh Bắc miền Trung chìm trong biển nước. Cùng với các tổ chức xã hội trong cả nước hướng về nơi gian khó. Bằng những cuộc điện thoại ngắn gọn của các ông Đặng Văn Thử ở Bình Định và Đặng Văn Hường ở Đà Nẵng, các chi họ Đặng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ miền Nam ra miền Bắc; từ đồng bằng đến các tỉnh Tây Nguyên, đâu đâu cũng dấy lên phong trào quyên góp.

Người tấm áo, tấm chăn; người đồng tiền, bát gạo… ngay những ngày đầu đã quyên góp được 163,3 triệu đồng để ủng hộ những người anh em trong dòng họ ở 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Doanh nhân Đặng Văn Thử tuổi đã ngoại “sáu mươi”, vài năm gần đây ông giao hẳn việc sản xuất kinh doanh cho các con để lo việc kết nối dòng họ. Ngay trong đợt quyên góp cứu trợ ấy, vợ chồng ông đã ủng hộ 4 tấn gạo, các con ông giờ người là chủ doanh nghiệp nước mắm; người mở nhà hàng, khách sạn; người sản xuất bao bì. Nghe lời “hiệu triệu” của ông, mấy anh em cùng xúm tay, người ủng hộ 200 thùng nước mắm; người lo thuê xe vận tải chở hàng; người lo tiền mặt… Đại gia đình ông dồn lại trị giá tiền mặt và hàng hóa gần trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Đặng Văn Hường, vừa bán được lô cây cảnh, trích hẳn 30 triệu đồng; gia đình ông Đặng Đình Hùng ở Đà Nẵng đóng góp hơn 100 bộ quần áo. Gia đình ông Đặng Tăng ở Hưng Yên, trực tiếp thuê xe vận chuyển 5 tấn gạo, 500 thùng mì ăn liền, 1.000 bộ quần áo, 200 gói bánh do chính gia đình ông ủng hộ vào Hà Tĩnh, Quảng Bình. Doanh nhân Đặng Phước Thành, chủ Doanh nghiệp Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam, gửi ủng hộ 50 triệu. Các chi họ Đặng ở: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Trà Vinh, Hàng Kênh (Hải Phòng), thành phố Hồ Chí Minh... đều tổ chức quyên góp. Cứ như vậy, người có điều kiện khá hơn thì ủng hộ nhiều. Nhiều người còn khó khăn trong cuộc sống cũng trích những đồng tiền từ thu nhập ít ỏi của mình. Tất cả “góp gió thành bão”, góp tấm lòng thơm thảo của mình về với miền Trung.

Có lẽ hiếm có đoàn cứu trợ nào mà các thành viên trong đoàn đều là những người lớn tuổi. Trẻ nhất là ông Đặng Văn Mẫn cũng đã ở tuổi ngoại “bốn mươi”. Các ông Đặng Văn Thử, Đặng Văn Hường, Đặng Quốc Hòe, Đặng Văn Tuồng… đều đã lên lão, ngày ngày xắn quần lội bộ đưa hàng đến từng chi họ, từng hộ dân ở vùng ngập úng ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Thật quý thay! Ngay trong những ngày nhận tin miền Trung đang bị lũ lụt đe dọa, những người trẻ thuộc Câu lạc bộ Thanh niên Đặng tộc thành phố Hồ Chí Minh đã nảy ra ý tưởng chế biến thực phẩm khô ủng hộ đồng bào vùng lũ. Thế là họ đã cùng nhau đóng góp kinh phí mua thực phẩm, rồi tự tay chế biến. Và gần 100kg thực phẩm khô được vận chuyển đến vùng lũ, cùng với tiền mặt, hàng hóa từ các chi họ Đặng khắp mọi miền đất nước đã kịp thời giải quyết khó khăn cho bà con đang chống chọi với thiên tai.

Cụ Đặng Cáp 90 tuổi, người xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn (Bình Định) cho đến giờ vẫn chưa hết xúc động nói với tôi rằng: Người Bình Định quê tôi chưa kịp bình tâm sau 4 trận lũ hồi cuối tháng 12-2016, thì đầu tháng 1-2017 trận lũ thứ 5 tiếp tục ập tới. Nước trắng đồng, nhấn chìm làng mạc, lúc hoạn nạn gian nan là lúc hiểu lòng người rõ nhất.

Chẳng quản hiểm nguy, chẳng quản tuổi cao, thân gái, trong cơn lũ dữ ấy, lại các ông: Đặng Văn Thử, Đặng Văn Hường, Đặng Văn Tuồng, Đặng Vĩnh An, chị Đặng Thị Thanh, vợ chồng Đặng Văn Cả, các em, các cháu thuộc Câu lạc bộ Thanh niên Đặng tộc thành phố Hồ Chí Minh… lại về với bà con vùng lũ. Hàng trăm suất quà, hàng trăm triệu đồng tiền mặt mang nặng nghĩa tình dòng họ đến với bà con đúng lúc. Nói như cụ Đặng Cáp: Vật chất, tiền bạc đến với bà con lúc này là quá quý, nhưng cái quý hơn, trân trọng hơn đấy là tình người trong hoạn nạn.

Thương người như thể thương thân

Cô gái trẻ họ Đặng, tên là Đặng Thị Thu Hương, nhà ở tiểu khu 6, thị trấn Quán Hầu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), khi đi cứu trợ đồng bào vùng lũ ở các xã Quảng Tiên, Quảng Tân và Quảng Trung, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), đang là nhân viên một khách sạn ở thành phố Huế đã không may gặp tai nạn và tử vong, để lại bao niềm thương yêu tiếc nuối nơi bà con vùng lũ.

chuyen mot dong ho lam tu thien
Đoàn cứu trợ họ Đặng đến với đồng bào vùng lũ Hà Tĩnh

Được biết, trước khi về với bà con vùng lũ ở Quảng Bình, Hương đang trong hành trình đi Tây Bắc. Tuy nhiên, theo tiếng gọi của đoàn, “chung tay với người dân miền Trung lũ lụt”, Hương cùng nhiều bạn trong nhóm thiện nguyện đã nhanh chóng về giúp bà con vùng lũ vượt qua khó khăn.

Đoàn cứu trợ Đặng tộc từ Bình Định vừa ra đến Quảng Bình, nghe tin ấy đã tổ chức đến ngay gia đình phúng viếng và ủng hộ vật chất, giúp gia đình vượt qua nỗi đau mất mát. Ông Đặng Văn Dũng cha của Hương nghẹn ngào nói rằng: Tình cảm dòng họ là sức mạnh tinh thần nâng đỡ gia đình ông trong nỗi đau này. Cháu Hương được an ủi rất nhiều khi có các ông, các bác từ tận Bình Định, Đà Nẵng ra thắp cho cháu nén hương.

Ông Đặng Văn Hường và Đặng Văn Thử dẫn đầu đoàn cứu trợ khi về Đà Nẵng kể lại câu chuyện này với tôi, mà nước mắt vẫn rưng rưng. Ông Hường nói: Nghe các cháu trong đoàn thiện nguyện của Hương kể lại, Hương là cô gái hiền lành, điềm đạm, học ngành du lịch nên luôn hăng say với công tác thiện nguyện. Luôn dành phần lương ít ỏi của mình mua quần áo, sách vở tặng trẻ em nghèo nơi đoàn đến. Thấy Hương tằn tiện trong chi tiêu, bạn bè tỏ ra ái ngại, nhưng Hương bảo, mình còn may mắn hơn rất nhiều người, nên cố gắng tiết kiệm để giúp những mảnh đời còn khó khăn hơn mình. Suy nghĩ của cô gái trẻ bừng lên nghĩa cử: Thương người như thể thương thân.

Trong chuyến cứu trợ ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, ngoài các địa chỉ cần đến, đoàn cứu trợ của dòng họ Đặng còn có nhiều việc làm hết sức nghĩa tình. Tại Hà Tĩnh, khi nghe tin con của anh chị Đặng Đình Thuận và chị Phạm Thanh Nga là Đặng Việt Anh, ở xóm 10, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê bị bệnh hiểm nghèo, các ông Đặng Văn Thử và Đặng Văn Hường trực tiếp thuê thuyền vượt lũ đến tận nhà thăm hỏi.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình và bệnh tật của cháu, bằng vài cuộc điện thoại từ ông Hường, các chi họ đã gửi về 10 triệu để làm sổ tiết kiệm tặng cháu Việt Anh.

Tương tự, thấy hoàn cảnh hai cháu mồ côi là Đặng Duy Trường và Đặng Thị Thương ở xóm 11, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê đang hết sức khó khăn. Bằng những dòng nhắn gửi trên facebook, chị Hoài Anh ở Hà Nội đã nhận đỡ đầu 2 em mỗi tháng 2 triệu đồng cho đến năm 18 tuổi. Các ông Đặng Văn Hường, Đặng Văn Thử rút tiền túi mua tặng hai cháu bộ máy thu hình.

Tấm lòng của những người con họ Đặng là như vậy. Tình người của người họ Đặng là như vậy. Thiết nghĩ, đây là việc làm hết sức ý nghĩa, hết sức nhân văn và cũng hết sức hiệu quả. Nếu dòng họ nào cũng tổ chức được như vậy thì Nhà nước bớt đi gánh nặng, hàng ngàn mảnh đời bất hạnh sẽ được sẻ chia, xã hội sẽ nhuận hồng thêm những gam màu sáng.

Đôi điều về dòng họ Đặng

Cuốn gia phả cổ về họ Đặng còn lưu giữ được ở Vũ Thư (Thái Bình) cho biết: Thời Lý, cụ Đặng Phúc Mãn quê gốc ở Lộ Ứng Thiên, nay là vùng hữu ngạn trung lưu sông Đáy, đi xây hành cung vua Lý. Vì có công, ông được vua Lý ban lộc điền ở An Đề, nay là huyện Vũ Thư (Thái Bình).

Tại đây, cụ đã sinh ra trưởng nam là Đặng Nghiêm, người khai khoa cho cho xứ Sơn Nam gồm các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và một phần Hà Nội ngày nay, tại khoa thi năm Ất Tỵ niên hiệu Trịnh phù thứ 10 đời vua Lý Cao Tông (1185). Và cụ cũng chính là người khai khoa cho dòng họ. Hiện nay, nhiều chi họ Đặng trong cả nước xây đền, đúc tượng thờ Tiền hiền Đặng Nghiêm.

Hậu duệ của Tiền hiền Đặng Nghiêm, nhiều người hiển đạt. Thời kỳ đầu nhà Trần, các sĩ tử: Đặng Diễn, đậu Nhị giáp khoa thi Thái học năm Kiến Trung thứ 8 đời Trần Thái Tông (1232). Đặc biệt là Đặng Ma La, đậu Thám hoa khoa thi năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) khi mới 14 tuổi (là nhà khoa bảng trẻ tuổi thứ hai sau Nguyễn Hiền 13 tuổi)…

Nhiều con, cháu của Thám hoa Đặng Ma La đều là những hiền tài, người được cử đi sứ; người đi trấn ải biên thùy. Một trong những người được coi là nhà khoa học tự nhiên sớm nhất của nước ta là Đặng Lộ, ông đã chế tạo thành công một dụng cụ dùng xem thiên văn gọi là “Linh lung nghi”, để đo đạc, xác định vị trí các sao, độ lệch giữa mặt trời và mặt trăng so với xích đạo qua các tháng trong một năm và liên tục trong nhiều năm.

Sử sách thời đó đã đánh giá về ông như sau: “Linh lung nghi để xét nghiệm thiên tượng đều được đúng cả”. Những công trình nghiên cứu công phu về thiên văn của Đặng Lộ đã giúp ích cho việc tính toán, chia thời vụ trong sản xuất nông nghiệp và đắp đê phòng chống lũ lụt mà sinh thời, các vua nhà Trần rất quan tâm. Những gì mà Đặng Lộ đã nghiên cứu ngay từ thế kỷ XIV, được coi là những phát minh không thua kém người phương Tây trong một lĩnh vực khoa học khó khăn như thiên văn học...

Con trai cụ Đặng Lộ là Thái Bảo Hậu nhân hầu Đặng Bá Kiển, được cử vào phía Nam núi Hồng Lĩnh, tạo thành một chi họ Đặng ở đất Hoan Châu. Tại đây đã sản sinh ra hai danh tướng họ Đặng là cha con Đặng Tất, Đặng Dung. Người đã được vua Lê Thái Tổ khi qua viếng quê hương ông có cảm khái đề đôi câu đối: “Quốc sĩ vô song song Quốc sĩ/ Anh hùng bất nhị nhị Anh hùng”. Và Đền thờ hai ông được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trở thành niềm tự hào của dòng tộc và đất nước…

Như một dòng chảy, con cháu dòng họ Đặng, cũng như bao dòng họ khác của cả nước, đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho dân tộc. Tiêu biểu cho thời đại Hồ Chí Minh là Trường Chinh - Đặng Xuân Khu, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, đất nước ta.

Lâm Quý