Chuyện của ông Giá: Cái danh đáng giá bao nhiêu?

05:00 | 14/08/2013

1,485 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đưa kết luận điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên, rất nhiều người đã tự đặt câu hỏi: Vì sao ông Trần Xuân Giá – vốn là một cán bộ cấp cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý các hoạt động kinh tế lại vướng vào vòng lao lý này?

>> Không có "bảo bối" nào cho ông Trần Xuân Giá!

>>Nghe đoạn băng ghi âm để biết vì sao ông Trần Xuân Giá và 3 'sếp' ACB bị khởi tố

>> Nguyễn Đức Kiên buôn vàng trái phép như thế nào?

>> 'Bầu' Kiên từng dọa cách chức cả HĐQT Ngân hàng ACB

>> Vì sao 'bầu' Kiên bị đề nghị truy tố 4 tội danh?

>> Ai đã bảo kê cho giao dịch “ma” của “bầu” Kiên?

>>“Trận đồ bát quái” thị trường tài chính - ngân hàng!?

>> Vì sao vợ và em gái 'bầu' Kiên thoát vòng lao lý?

Ông Giá về ACB để làm gì hay gì chỉ để làm "con rối" cho Nguyễn Đức Kiên.

Cuối tháng 9/2012, sau sự kiện “bầu” Kiên bị bắt, dư luận xã hội tiếp tục đón nhận một cú “sốc” khác và lần này, người Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố là ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB) và các ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang (các ông này nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB).

Sự kiện này không giống với việc Nguyễn Đức Kiên bị bắt và khởi tố trước đó (Nguyễn Đức Kiên bị bắt ngày 21/8/2012) bởi dù sao, Kiên vốn dĩ là một doanh nhân nên trong quá trình làm ăn kinh doanh, có thể đã dùng những chiêu trò “lách luật” để trục lợi. Còn với ông Trần Xuân Giá thì khác, ông từng là một cán bộ cao cấp, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Giá còn được biết tới là một trong những người có đóng góp lớn nhất cho sự ra đời của Luật Doanh nghiệp – một trong những Luật được xem là xương sống, cốt lõi của thị trường. Và như vậy, với từng đấy năm kinh nghiệm, từng đứng đầu một Bộ chuyên quản lý các hoạt động đầu tư… ông thừa kinh nghiệm để biết chuyện đúng hay sai trước pháp luật.

Ông biết luật nhưng vẫn phạm luật, tại sao vậy? “Bầu” Kiên phạm luật vì tham vọng mở rộng kinh doanh, còn ông phạm luật vì cái gì?

Sau khi nghỉ hưu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/10/2006, chỉ khoảng 1 tháng sau (tức tháng 11/2006), ông đã gia nhập ACB. Và cũng chỉ sau đó, ông được Đại hội cổ đông bầu vào ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB.

Câu chuyện này xem ra chẳng có gì để nói bởi như đã nói ở trên, ông là người giàu kinh nghiệm nên nếu cứ để thế sẽ rất uổng phí. Và chắc chắn với những ai từng quen biết ông sẽ đều hiểu và ủng hộ quyết định này của ông.

Tuy nhiên, khi những sai phạm của ông được Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ ra với tội danh Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, người ta mới giật mình. Ông giàu kinh nghiệm vậy tại sao lại mắc “sai lầm” ngớ ngẩn đến thế? Ông được gì trong việc này?

Theo những thông tin trong kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì, ông Giá liên quan đến việc giao ACB giao cho Nguyễn Đức Kiên “đạo diễn” vụ dùng tiền của ACB mua cổ phiếu của chính ngân hàng này và chấp thuận chủ trương cho Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) thực hiện việc ủy thác cho một số nhân viên của ACB mang tiền đi gửi để lấy chênh lệch lãi suất…

Lại một chuyện nữa, trong lời khai của mình trước Cơ quan Cảnh sát điều tra, bản thân ông Giá đã thừa nhận tại nhiều cuộc họp, Hội đồng Quản trị chẳng khác nào “con rối” khi mọi quyết định hay ý kiến của Nguyễn Đức Kiên đều trở thành Nghị quyết của phiên họp đó. Như vậy, việc ông về ACB để làm việc, để công hiến và để những kinh nghiệm tích lũy được không bị chôn vùi xem ra chẳng hợp lý.

Nếu ông đúng là người “ngay thẳng” muốn được cống hiến, muốn được làm việc và muốn dùng kinh nghiệm để đưa ACB phát triển, chắc hẳn ông sẽ chẳng bao giờ chấp nhận kiểu làm ăn phi pháp của Nguyễn Đức Kiên. Nhưng trong toàn bộ lời khai của mình trước Cơ quan Cảnh sát điều tra, mặc nhiên, chẳng tìm thấy một lần nào ông “bật” lại Nguyễn Đức Kiên dù ông chính là người “danh chính ngôn thuận” trước pháp luật.

Câu chuyện này đã khiến người ta nghĩ ngay đến chuyện ACB mời ông về và đưa ông lên ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị chỉ là để mượn cái danh của ông mà thôi. Và ông đã sống với cái “danh” ấy nhiều năm.

Lật lại Báo cáo thường niên các năm của ACB mới thấy, nếu tính bình quân, thì mức lương của ông cũng chỉ  dăm trăm triệu đồng/năm. Ví như năm 2011, ACB giành 7,612 tỉ đồng gọi là “thù lao trả cho Hội đồng Quản trị” (Hội đồng Quản trị ACB năm 2011 gồm 12 thành viên). Như vậy, nếu tính bình quân thì các thành viên trong Hội đồng Quản trị của ACB cũng chỉ trên dưới 50 triệu đồng/tháng.

Đỉnh điểm như năm 2012, ACB giành tới 14,314 tỉ đồng trả thù lao cho Hội đồng Quản trị thì thu nhập bình quân của mỗi Thành viên Hội đồng Quản trị cũng chỉ dừng ở mức 91,7 triệu đồng/người/tháng.

Ở đây chỉ xin đề cập tới các khoản thu ước lượng trên sổ sách của ACB còn những khoản thu khác, chúng tôi không thể đoán định được. Tuy nhiên có một điều mà chúng tôi có thể khẳng định, ngoài chuyện lương bổng ra, ông Giá không có gì ở ACB  - ông cũng chỉ là một người làm thuê mà thôi.

Và nếu đúng ông Giá đã vì những đồng lương này mà “bán danh” cho những sai phạm của Nguyễn Đức Kiên thì quả là hết sức buồn!

Nhóm phóng viên PetroTimes

>> Không có "bảo bối" nào cho ông Trần Xuân Giá!

>>Nghe đoạn băng ghi âm để biết vì sao ông Trần Xuân Giá và 3 'sếp' ACB bị khởi tố

>> Nguyễn Đức Kiên buôn vàng trái phép như thế nào?

>> 'Bầu' Kiên từng dọa cách chức cả HĐQT Ngân hàng ACB

>> Vì sao 'bầu' Kiên bị đề nghị truy tố 4 tội danh?

>> Ai đã bảo kê cho giao dịch “ma” của “bầu” Kiên?

>>“Trận đồ bát quái” thị trường tài chính - ngân hàng!?

>> Vì sao vợ và em gái 'bầu' Kiên thoát vòng lao lý?

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank

Giá vàng

Tỉ giá