Chuyện của chiến sĩ đặc công nước (Kỳ cuối)

07:00 | 10/05/2018

5,786 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã có nhiều bài viết, nhiều câu chuyện về những chiến công huyền thoại của bộ đội đặc công. Song với các trận đánh của Tiểu đoàn Đặc công nước 471 - Quân khu 5 mà tôi chép ra dưới đây, ngoài tính “huyền thoại” còn có cả sự hy sinh oanh liệt, thể hiện phẩm chất anh hùng của các chiến sĩ đặc công nước khi xung trận.
chuyen cua chien si dac cong nuoc ky cuoiChuyện của chiến sĩ đặc công nước (Kỳ 1)

Bài 2: Khúc tráng ca mang tên 471

Biển lửa trên vịnh Đà Nẵng

Thượng sĩ Phan Minh Hóa, quê Đông Lâm, Tiền Hải (Thái Bình), người còn sống trong 8 chiến sĩ xuất phát trận đầu đánh tàu trên vịnh Đà Nẵng vào đêm 7-4-1972, kể rằng: Trận đánh ấy mở màn cho hàng loạt các trận đánh sau này của tiểu đoàn.

chuyen cua chien si dac cong nuoc ky cuoi
Hai ông Phan Minh Hóa và Bùi Đức Tùy (áo trắng) tại buổi gặp mặt

Ông Hóa là lớp chiến sĩ thứ hai sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ở Đoàn Đặc công Hải quân 126 vào Tiểu đoàn 471. Do mới vào chiến trường, chưa “nếm” trận sốt rét nào, sức khỏe còn tương đối tốt, nên ông là 1 trong 4 chiến sĩ mới được lựa chọn cùng với 4 chiến sĩ cũ nhận nhiệm vụ đánh trận mở màn.

Ánh mắt của người đàn ông gần 70, đã mấy chục năm rời quân ngũ như rực sáng khi kể lại trận đánh bi hùng ấy. Ông Hóa bảo: Trong cuộc đời binh ngũ của mình dù đã trải qua nhiều trận “vào sinh, ra tử”, nhưng chưa có trận nào mà cả Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Hòa và Chính trị viên tiểu đoàn Trần Châu Á cùng xuống giao nhiệm vụ và động viên bộ đội như trận ấy.

Theo hồi tưởng của ông, khi nói về ý nghĩa của trận đánh này, Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Hòa chỉ nói vài câu vắn tắt, đại ý rằng: Đây là trận đánh vô cùng quan trọng, là trận mở màn cho cả quá trình dài chuẩn bị, giành thắng lợi sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn về nhiều mặt. Đặc biệt đây là đòn đánh hiểm, đánh phủ đầu làm tổn thất phương tiện chiến tranh, làm nhụt ý chí của địch trong thời điểm đỉnh cao chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Đêm 6-4-1972, tổ tác chiến gồm 8 chiến sĩ, mỗi người khoác trên vai một khối thuốc nổ 30kg và 8 lon (lon sữa bò) gạo rang lặng lẽ cắt rừng vượt đường nhựa xuống mép nước ở chân đèo Hải Vân. Đội trưởng Nguyễn Hồng Quảng đưa anh em đến tận vị trí tập kết và cùng ở lại quan sát hoạt động của tàu địch trên vịnh Đà Nẵng.

Trong vòng 5 năm vừa xây dựng, vừa chiến đấu (4/1971-4/1975), Tiểu đoàn Đặc công nước 471 - Quân khu 5 đã đánh 41 trận (29 trận đánh dưới nước, 12 trận đánh trên cạn), tiêu diệt 800 tên địch (trong đó có một số cố vấn Mỹ), đánh chìm 10 tàu vận tải quân sự (1 tàu dầu, 1 pháo hạm) trọng tải 8-10 nghìn tấn, 1 hải thuyền, 1 cầu cảng Tiên Sa.

Màn đêm phủ dày. Mặt biển như một bầu trời đầy sao bởi ánh sáng của các phương tiện làm nghề biển của ngư dân. Đang yên tĩnh, không gian như bị xé toạc bởi những loạt đạn vu vơ của những chiếc bo bo, hải thuyền tuần tra trên vịnh Đà Nẵng. Sau những phút đắn đo, đội trưởng Quảng quyết định chưa cho bộ đội xuất kích.

Trước những ánh mắt chờ đợi của anh em. Ông bảo: Lương thực ít, không đủ lượng dự trữ, vì vậy không thể bơi sang bán đảo Sơn Trà được. Phải chờ thời cơ khi tàu địch neo đậu trên vịnh Đà Nẵng, ta xuất kích đánh và trở về ngay trong đêm mới bảo đảm an toàn.

Và thời gian chờ đợi không quá lâu. Ngay sáng 7-4, ta phát hiện 3 tàu địch lừ lừ tiến vào vịnh Đà Nẵng, mũi tàu hướng về phía kho xăng Liên Chiểu. Con tàu to nhất, có vẻ như chở đầy hàng, mạn tàu đằm và di chuyển rất chậm. 2 chiếc hộ tống hai bên đích thị là tàu chiến đấu, tháp pháo đã được tháo bạt, trên boong bọn lính lố nhố...

Sau một hồi quần thảo, cả 3 con tàu chọn vị trí thả neo. 2 chiếc bo bo từ 2 tàu chiến được thả xuống biển, chúng như con thoi tỏa ra hai hướng chạy vòng quanh tàu hàng. Cả 8 anh em chụm đầu nghe Đội trưởng Quảng phổ biến phương án tác chiến...

19 giờ, các tổ chiến đấu bắt đầu xuống nước. Siết chặt tay từng người, chờ cho anh em khuất dần trong bóng đêm, Đội trưởng Quảng mới cắt rừng về đài quan sát của tiểu đoàn. Thời gian chậm chạp trôi đi trong chờ đợi. 23 giờ, rồi 24 giờ vẫn chưa thấy “động tĩnh” gì. Tiểu đoàn trưởng Hồ Xuân Hòa, Chính trị viên Trần Châu Á trực tiếp cầm ống nhòm quan sát. Màn trời đêm như đặc quánh lại. Cùng lúc ấy một quầng lửa bùng trên mặt biển. Chiếc tàu đang bơm dầu vào kho xăng Liên Chiểu bốc cháy dữ dội. Trong quầng sáng chói lòa ấy đài quan sát thấy 2 chiếc tàu cùng neo trong khu vực hú còi nhổ neo. Nhưng tiếng còi tàu ấy cũng tắt lịm khi hai quầng lửa khác lại bùng lên…

chuyen cua chien si dac cong nuoc ky cuoi
Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình nói chuyện với đơn vị trong ngày gặp mặt

Trận đầu ra quân thắng lợi vẻ vang, các chiến sĩ đội 1 thuộc Tiểu đoàn Đặc công nước 471 đã nhấn chìm 1 tàu vận tải cỡ lớn và 2 tàu chiến của địch, đốt cháy hàng triệu lít xăng. Song 6 chiến sĩ trong 8 người xuất kích hôm ấy đã mãi mãi nằm lại biển khơi. Thân xác các anh đã hòa cùng nước biển.

Trong buổi gặp mặt mới đây, Thượng sĩ Phan Minh Hóa lý giải về sự hy sinh 6 đồng đội. Theo ông, khi gắn khối nổ vào tàu xong, anh em đều đã thoát ra và bơi ngược về hướng sông Thủy Tú. Ở đó tổ đón đã chờ sẵn. Phương án như vậy, nhưng khi thoát ra khỏi tàu vào đúng lúc thủy triều xuống, nước sông Thủy Tú và sông Hàn chảy ra biển rất mạnh.

Bản thân ông Hóa và một đồng đội khác cũng bị đẩy ra rất xa, khi các ông vào được bờ thì đó đã thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế. 6 chiến sĩ hy sinh rất có thể do sức khỏe suy kiệt không đủ sức bơi vào bờ và đã bị thủy triều đẩy ra biển.

Sau trận chiến đấu ấy. Tiểu đoàn đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Đội 1 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. 8 chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Những trang bi tráng

Đại tá Trần Văn Liên nay là Trưởng ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn Đặc công nước 471 - Quân khu 5. Ông là một trong những người tham gia nhiều trận đánh và đánh giặc rất lì. Ông cũng là một trong những chiến sĩ thi đua toàn miền, năm 1974 được đi báo cáo điển hình tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân khu.

chuyen cua chien si dac cong nuoc ky cuoi
Từ trái sang là: Đinh Văn Bình, Cù Bá Tứ, Hoàng Thanh Bình, Trần Thế Phong và Trần Thanh Hải - những người lập nhiều chiến công trong chiến đấu và xây dựng đơn vị

Thành tích đầy mình như vậy, nhưng khi kể với chúng tôi về những đồng đội của mình, ông bảo: So với các anh ấy thành tích của mình vẫn chưa thấm tháp gì. “Các anh ấy” là anh hùng liệt sĩ Đặng Tiến Lợi, quê Thái Bình, người cùng với một đồng đội kéo khối thuốc nổ 2 tạ vào đánh cầu Thủy Tú. Một viên đạn vu vơ của địch đã cướp đi mạng sống của đồng đội. Còn một mình với khối thuốc cách trụ cần hơn 2 mét, anh đã ôm khối đánh “cường tập”, nghĩa là đẩy thẳng khối thuốc vào trụ cầu, lấy thân mình ép chặt rồi rút chốt tức thì. Cầu sập và thân xác anh hòa vào dòng sông Thủy Tú.

“Các anh ấy” là liệt sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, quê Thanh Hóa. Ông Liên bảo: Không hiểu vì sao anh Nguyễn Hùng Mạnh chưa được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân? Ông Liên kể rằng: Cầu Thủy Tú bị đánh đi đánh lại nhiều lần, vì vậy địch tổ chức bố phòng hết sức nghiêm ngặt. Cách cầu chừng 50 mét chúng giăng một lớp hàng rào bùng nhùng từ bờ bắc sang bờ nam. Các trụ cầu chúng gia cố thêm “vành đai” bảo vệ cùng với những ngọn đèn cao áp chiếu thẳng xuống mặt sông. Ngoài ra, chúng làm thêm các bè nổi bằng thùng phuy kết lại, trên bè lúc nào cũng có một tổ gồm 3 tên lăm lăm súng và ném lựu đạn cầm canh xuống dòng sông.

Những trận đánh như những khúc tráng ca đầy chất bi hùng trong trang sử hào hùng của quân đội nói chung, của đặc công nước nói riêng. Rực sáng trong đó là tinh thần quả cảm, là hành động anh hùng, là sự mưu trí gan dạ, là tinh thần còn một người cũng đánh.

Vào mùa chiến dịch, trên yêu cầu bằng mọi cách phải đánh sập cầu Thủy Tú làm tê liệt tuyến vận chuyển huyết mạch của địch. Sau khi đưa khối vượt qua lớp hàng rào, tổ chiến đấu của Nguyễn Hùng Mạnh tổ chức tiềm nhập mố cầu. Chỉ còn cách mục tiêu vài mét loạt đạn của địch vãi trên sông đã cướp đi mạng sống của đồng đội. Cũng như Đặng Tiến Lợi, Nguyễn Hùng Mạnh đã ôm khối đẩy thẳng vào trụ cầu giật chốt tức thì.

“Các anh ấy” là Hoàng Cao Biền, người cùng tổ chiến đấu với Đại tá Trần Văn Liên đã cương quyết “cuộc chiến còn dài, không thể cùng một lúc hy sinh cả hai, anh ở lại đánh trận sau, trận này để em...”. Chỉ đơn giản như vậy, trong lúc quyết định sinh tử ấy, Trần Cao Biền đã giành phần hy sinh về mình.

“Các anh ấy” là Đinh Văn Bình, quê Giao Thủy; Hoàng Thanh Bình, quê Nghĩa Hưng, Nam Định nhận nhiệm vụ đánh tàu trên vịnh Đà Nẵng, dù kíp hẹn giờ chỉ có đúng 7 phút, nhưng các anh vẫn quyết định duy nhất một từ “đánh”. Và bằng lòng quả cảm, sự mưu trí, 2 chiến sĩ quê Nam Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa nhấn chìm tàu địch vừa bảo toàn lực lượng.

“Các anh ấy” là Chuẩn úy Trần Văn Huân, Thượng sĩ Bùi Đức Tùy, Thượng sĩ Nguyễn Văn Hợi, Thượng sĩ Phan Minh Hóa, Trung sĩ Nguyễn Hữu Nghị, Trung sĩ Phan Văn Huỳnh. Những con người ấy trong một đêm đã đánh một trận “nở hoa trong lòng địch”, cùng một lúc vừa thiêu rụi và làm tê liệt dàn radar đối hải của địch trên bán đảo Sơn Trà và đánh chìm 1 tàu đang bốc hàng ngay tại cầu cảng Tiên Sa.

Trận đánh kép ấy làm cho địch “tối tăm mặt mũi”, không hiểu “mô tê răng rứa”, không hiểu Cộng sản tổ chức bao nhiêu lực lượng, đi bằng phương tiện gì mà đến được nơi coi là “bất khả xâm phạm” như chỗ không người, dùng những loại vũ khí gì... mà có sức công phá ghê gớm như vậy?

Một “kỳ tích”, nói như Thượng sĩ Bùi Đức Tùy, người bị thương trong trận đánh radar, phải nằm lại hang đá trên bán đảo Sơn Trà đến 45 ngày trong tình trạng bị bỏng tới 45% diện tích cơ thể, bị những mảnh tôn găm thấu phổi... không có quân y, chỉ có một cơ số thuốc sát trùng rất ít, vết thương rửa bằng nước biển nấu với lá rừng... vậy mà anh đã thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”, lại cùng đồng đội tổ chức một trận đánh bồi, nhấn chìm thêm tàu địch trước khi rời đảo vượt biển về hậu cứ...

Những trận đánh như những khúc tráng ca đầy chất bi hùng trong trang sử hào hùng của quân đội nói chung, của đặc công nước nói riêng. Rực sáng trong đó là tinh thần quả cảm, là hành động anh hùng, là sự mưu trí gan dạ, là tinh thần còn một người cũng đánh.

Dự buổi gặp mặt truyền thống với tiểu đoàn vừa qua có Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân chủng hải quân. Người anh hùng thuộc lớp đầu tiên của Đặc công Hải quân 126, là thủ trưởng cũ của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công nước 471 - Quân khu 5. Nghe chiến sĩ mình kể chuyện, ông đã thốt lên: “Đây là một tập thể anh hùng, nhiều đồng chí rất xứng đáng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Tiểu đoàn Đặc công nước 471 - Quân khu 5 được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba; 5 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất; 7 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì.

1 Cờ Quyết chiến quyết thắng của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng. 1 Cờ Anh dũng diệt Mỹ do Ủy ban Cách mạng lâm thời Trung Trung Bộ tặng.

1 Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba, 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất được trao cho Đội 1.

1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất trao cho Đội 2.

2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì trao cho Đội 3.

Có một đồng chí được tuyên dương anh hùng là: Liệt sĩ Đặng Tiến Lợi, tuyên dương ngày 22-12-1973. Nhiều đồng chí được tặng thưởng các danh hiệu vinh dự khác.

Lâm Quý