Chuyện cổ tích thời hiện đại ở miền sơn cước Tây Bắc

10:53 | 12/03/2018

5,984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chẳng phải mê tín, nhưng theo tử vi, tuổi Bính Dần sinh năm 1986 là những người ôm chí hướng lớn lao, hoài bão cao cả. Điều này dễ đúng với Giàng Seo Châu và Tẩn Thị Shu - hai người trẻ sinh ra trên mảnh đất điệp trùng núi Tây Bắc. Họ đại diện cho những thế hệ trẻ đồng bào Mông không cam tâm với cái lý đói nghèo bủa vây bao đời để vươn lên khẳng định bản thân, giúp quê hương thoát nghèo.

Thạc sĩ đầu tiên của bản

Là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh em ở vùng cao biên giới Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), cuộc sống của Giàng Seo Châu càng thêm lam lũ, nghèo túng. Cả nhà lên nương từ sáng sớm tới tối mịt cũng chỉ đủ thóc, ngô để ăn, nhà cửa thiếu thốn các vật dụng sinh hoạt... Mãi đến năm 10 tuổi, Châu mới được đến trường học những con chữ đầu đời. Càng học càng ham, cậu bé Châu chẳng quản chi những buổi sáng lạnh cắt da cắt thịt hay cái bụng đói meo vượt đường rừng đến trường theo học cái chữ. Chính sự khó khăn đã hun đúc tinh thần vượt khó, quyết tâm học tập thoát nghèo và giúp đỡ bà con.

chuyen co tich thoi hien dai o mien son cuoc tay bac
Chị Tẩn Thị Shu (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng Doanh nghiệp xã hội được vinh danh tại Gala Én xanh - Tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng 2017

Năm 2007, tin Giàng Seo Châu đậu tới hai trường đại học dưới xuôi là Đại học Nông nghiệp I và Đại học Sư phạm II loan ra khắp xã Mản Thẩn. Ai cũng vui và chúc mừng, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cầm giấy trúng tuyển đại học mà Châu nặng trĩu suy tư. Bố mẹ sẽ thêm vất vả vì thiếu một lao động chính, chưa kể chi phí sinh hoạt để theo học ở thủ đô đắt đỏ, tốn kém. Bố Châu lại ngăn cấm việc học đại học: “Tao chỉ thấy người ta thồ ngô, thồ thóc ra chợ bán được tiền, chứ chưa thấy ai đi học mà được tiền. Người Mông ở Mản Thẩn từ xưa đến nay cũng chỉ cần hạt ngô, hạt thóc để làm no cái bụng thôi, không cần cái chữ đâu”.

Giàng Seo Châu nhận ra, chính những quan niệm lạc hậu này đã cản trở nhiều thanh niên của dân tộc Mông không được đến trường, phải nghỉ học sớm, phải lấy vợ, lấy chồng sớm để phụ giúp gia đình. “Tôi cố gắng đi học thành tài để thay đổi điều đó”, Châu quyết định. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng bố cậu cũng đồng ý. Để có tiền ăn học đại học, ngoài thời gian lên lớp Châu đều tranh thủ đi làm thêm, vừa rửa bát cho quán cơm, vừa làm trong các vườn cây ăn quả… Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I với tấm bằng loại ưu, Châu được mời làm tại Trung tâm Thông tin xuất bản của trường, nhưng anh từ chối và quyết định theo học thạc sĩ. Cũng trong lúc này, Dự án Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trên cả nước được triển khai, Châu tình nguyện tham gia dự án và được chấp nhận. Sau khi nhận công tác với cương vị Phó chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, Giàng Seo Châu tiếp tục học cao học để nâng cao trình độ và trở thành thạc sĩ đầu tiên của huyện Si Ma Cai.

Giàng Seo Châu đã mang những kiến thức mình thu nạp được ứng dụng ngay tại mảnh đất quê hương, không ngừng nỗ lực đóng góp nhiều sáng kiến, cách làm hay để giúp đồng bào thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Những kiến thức được tích lũy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được anh ứng dụng ngay tại chính mảnh đất mình sinh ra. Với những thành tích đạt được, Giàng Seo Châu nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 của Trung ương Đoàn. Mới đây, anh còn là một trong số những gương mặt trẻ của Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN lần thứ 10 (AMMY X) và Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN+3 lần thứ 6 tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Anh vinh dự nhận giải thưởng Thanh niên ASEAN, do Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia và Chủ tịch của Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN - Imam Nahrawi trao tặng. Đây là giải thưởng căn cứ vào hiệu quả hoạt động của tổ chức thanh niên hoặc các thành tích đóng góp cho địa phương của cá nhân trong các lĩnh vực tình nguyện, bảo vệ môi trường, hướng nghiệp, việc làm, giao lưu thanh niên hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Giàng Seo Châu còn vinh dự ra thăm Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc - trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017.

Giám đốc doanh nghiệp xã hội đầu tiên

Trên mảnh đất Sa Pa bồng bềnh mây được mệnh danh nơi gặp gỡ của đất trời, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu lại có hành trình vượt khó đạt thành quả đẹp như câu chuyện cổ tích gắn với Sapa O'Chau - cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải theo mô hình du lịch cộng đồng. Từ cô bé bán hàng rong cho khách du lịch, Tẩn Thị Shu đã trở thành bà chủ của ngôi nhà du lịch ở Sa Pa, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.

chuyen co tich thoi hien dai o mien son cuoc tay bac
Tẩn Thị Shu

Sapa O'Chau (O'Chau có nghĩa là cảm ơn) được thành lập khi Tẩn Thị Shu mới học lớp 9 hệ bổ túc văn hóa, tràn đầy khát khao muốn đổi thay cuộc đời nghèo khó, lam lũ của bản thân cũng như của bao đời đeo bám phụ nữ Mông. Shu là con thứ 2 trong gia đình nghèo khó có 4 chị em gái. Từ nhỏ Shu đã phụ giúp bố mẹ việc nhà, chăn trâu, lấy rau nuôi lợn. Học đến lớp 3 phải bỏ học theo mẹ đi bán hàng. Hành trình bươn chải đầu đời của cô bé người Mông Tẩn Thị Shu là làm quen với chặng đường đi bộ hơn chục cây số từ Lao Chải xuống thị trấn Sa Pa; cạnh tranh với những đứa trẻ bán hàng rong khác để bán hàng; bám theo khách du lịch nước ngoài... Nhiều hôm không bán được hàng và không có gì để ăn, cô bé Shu mò mẫm cuốc bộ trong đêm tối về nhà với cái bụng đói meo và suy nghĩ tràn đầy lo sợ.

Hàng bán khó, ít người hỏi mua, lại khó tiếp cận khách du lịch khi tiếng Anh không biết, tiếng phổ thông câu được câu mất. Với suy nghĩ cần phải làm gì thật khác, Shu bắt đầu để ý học tiếng Anh bằng cách nói chuyện với khách du lịch nước ngoài. Mỗi ngày nhặt nhạnh một vài từ, vài mẫu câu, rồi nói với khách nước ngoài và nhờ họ sửa. Cách học này chỉ có thể nói tiếng Anh bồi, Shu muốn học bài bản hơn. Sau mỗi ngày bán hàng, Shu vào quán Internet ở thị trấn để học tiếng Anh. Đó là năm 2004, thời điểm Internet mới xuất hiện ở thị trấn mờ sương này, giá tiền vào mạng rất cao, có khi cao bằng cả ngày bán được hàng. Thời gian ở cửa hàng Internet cũng rất ít ỏi, vì điều quan trọng nhất lúc đó với Shu vẫn là bán được hàng, kiếm được tiền phụ giúp bố mẹ nuôi sống gia đình.

Tẩn Thị Shu xác định lập công ty với mong muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch ở địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm, cơ hội học tập cho những người có hoàn cảnh giống mình.

Khi có vốn tiếng Anh đủ dùng, Shu quyết định dừng công việc bán hàng, đi làm hướng dẫn viên du lịch. Trong quá trình đưa du khách nước ngoài đến các thôn bản, giới thiệu những sản vật quê hương, chị nhận thấy, những dịch vụ du lịch thời điểm đó chưa thực sự hiểu và đáp ứng được nhu cầu của du khách khi tới Sa Pa. Ý tưởng thành lập công ty lóe lên trong đầu thiếu nữ người dân tộc Mông này và tưởng đó đã được một số người bạn Australia giúp đỡ. Năm 2007, Công ty Sapa O'Chau được thành lập. Tẩn Thị Shu xác định lập công ty với mong muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch ở địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm, cơ hội học tập cho những người có hoàn cảnh giống mình. Do chưa có kinh nghiệm làm quản lý nên công việc điều hành Sapa O'Chau của Shu còn gặp khá nhiều khó khăn, có lúc tưởng như rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, sau khi được tài trợ một số khóa học nâng cao năng lực lãnh đạo cũng như được hỗ trợ kinh phí, công việc của Shu dần ổn định.

Làm giàu quê hương

Không chỉ chứng minh “đi học mang tiền về” cho gia đình, Giàng Seo Châu còn không ngừng nỗ lực đóng góp nhiều sáng kiến, cách làm hay để giúp đồng bào thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Kể từ khi về Mản Thẩn công tác với cương vị Phó chủ tịch UBND xã, Giàng Seo Châu đã mang những kiến thức mình thu nạp được ứng dụng ngay tại mảnh đất quê hương.

chuyen co tich thoi hien dai o mien son cuoc tay bac
Giàng Seo Châu

Giàng Seo Châu hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, được đồng bào tin tưởng và khâm phục. Anh đã tổ chức, hướng dẫn đồng bào thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích lúa, ngô, đao, giềng, gừng. Năm 2016, tổng sản lượng lương thực của xã Mản Thẩn đạt gần 1.182 tấn, tăng 91,4 tấn so với cùng kỳ năm 2015; Sản lượng lương thực bình quân đầu người/năm là 614kg, tăng 47kg so với 2015. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện trồng rau tăng vụ được 20ha rau các loại; tổng đàn gia súc lên 946 con, đàn lợn có 2.830 con, gia cầm có 19.700 con… Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 22 triệu đồng/năm.

Giàng Seo Châu còn là người xây dựng và phát triển mô hình trồng cây tam thất tại địa phương. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ bao tử và củ tam thất với giá cao, nhưng rất ít nơi trồng, anh Châu đã đi học hỏi kinh nghiệm người trồng ở Trung Quốc. Năm 2014, anh quyết định mua giống và thuê người bán giống từ Trung Quốc sang hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc. Lứa nụ tam thất bao tử đầu tiên, anh thu được hơn 20kg với giá tại vườn lên tới 500.000 đồng/kg, thành công ngoài sức mong đợi. Ngay sau đó, anh tăng thêm diện tích trồng của gia đình lên 1ha. Từ 8 hộ dân tham gia trồng tam thất, đến nay xã Mản Thẩn đã có 12 hộ, với tổng diện tích trồng 4,4ha. Anh Châu cũng đã lập dự án mở rộng diện tích trồng tam thất và xin hỗ trợ vốn cho người dân nghèo tham gia dự án. Anh còn viết sách hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và ươm giống cây tam thất để chuyển kiến thức tới từng người tham gia dự án. Ngoài ra, Châu còn trực tiếp xây dựng mô hình trồng bắp cải; chăn nuôi bò…

“Là cán bộ phải gương mẫu làm trước trong tất cả các việc từ thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước, cũng như làm kinh tế. Mình làm thành công, có hiệu quả bà con mới tin tưởng làm theo. Điều trăn trở nhất của mình hiện nay là đầu ra cho cây ăn quả, rau của xã như mận Tả Van, lê… Mình mong muốn kết nối được với đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, bao tiêu cây ăn quả, rau của địa phương, từ đó giúp người dân có thêm thu nhập”, Giàng Seo Châu nói.

Truyền cảm hứng cho người trẻ

Sau 10 năm hoạt động, Sapa O'Chau đã mở rộng không chỉ du lịch thiện nguyện mà vận hành đồng thời 4 mảng: Dịch vụ du lịch, trường dạy văn hóa và nghề cho trẻ em dân tộc thiểu số, quán cà phê, cửa hàng thổ cẩm. Doanh thu của doanh nghiệp đạt cả tỉ đồng. Cơ sở của Sapa O'Chau cũng vượt ra mảnh đất Sa Pa mờ sương để có chi nhánh tại phố cổ Hà Nội. Nhân viên làm tại các cơ sở, chi nhánh của Sapa O'Chau chủ yếu là những người Mông và thành thạo tiếng Anh. Họ từng là đứa trẻ bán hàng rong đeo bám khách du lịch ở Sa Pa, nhờ những lớp học của Tẩn Thị Shu mà đổi thay cuộc đời. Tại những lớp học của Tẩn Thị Shu, những đứa trẻ nghèo, thanh thiếu niên dân tộc vùng được học tiếng Anh với các tình nguyện viên nước ngoài; được đào tạo kỹ năng làm du lịch, bán hàng... Đặc biệt, truyền cảm hứng đổi thay cuộc đời cho các em. Nỗ lực toàn diện của Sapa O'Chau đã giúp hàng trăm trẻ em bỏ học quay lại trường và theo học cao hơn, có công việc ổn định.

chuyen co tich thoi hien dai o mien son cuoc tay bac
Giàng Seo Châu

Với những thành tích đó, Sapa O'Chau - doanh nghiệp xã hội được vinh danh tại Gala Én xanh - Tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng 2017; bản thân Tẩn Thị Shu lọt danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi - “30 Under 30” 2016 của Forbes Vietnam tôn vinh; giải thưởng “World’s Responsible Tourism Award 2016” - giải thưởng Du lịch có trách nhiệm của thế giới năm 2016. Giải thưởng này công nhận những đóng góp của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Bằng những cách làm khác nhau để vượt qua những khó khăn, với tinh thần dám nghĩ dám làm và niềm tin "mình có thể làm được", hai người trẻ cầm tinh con hổ, Giàng Seo Châu và Tẩn Thị Shu đã viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại ở nơi giăng giăng mây, điệp trùng núi Tây Bắc.

“Được sinh ra và lớn lên tại Mản Thẩn nên tôi rất thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Ngoài việc được lãnh đạo quan tâm, thường xuyên hướng dẫn, chỉ bảo, tôi còn được phân công phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp của xã - đúng lĩnh vực mà mình đã từng theo học. Những thuận lợi này đã giúp tôi phát huy hết kiến thức và năng lực của bản thân để giúp đỡ bà con trong sản xuất”, Giàng Seo Châu chia sẻ.

“Tôi bị ám ảnh bởi cuộc đời phụ nữ Mông phải lấy chồng quá sớm, quanh năm đầu tắt mặt tốt mà vẫn khổ. Tôi muốn họ nhìn vào tôi, họ thấy Shu nhà nghèo, bỏ học đi bán hàng rong, nhưng Shu làm được thì mình cũng làm được. Tôi mong muốn các bạn có cuộc sống tốt hơn và không gặp khó khăn như tôi nữa. Nếu mình tôi không được đi học mà tôi giúp được một vài bạn đi học thì đó là niềm tự hào của tôi”, Tẩn Thị Shu chia sẻ.

Thanh Giang

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps