Chuyện chống ô nhiễm không khí ở Paris

07:00 | 12/02/2017

1,086 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rất nhiều biện pháp chống ô nhiễm không khí đã được chính quyền thành phố Paris, Pháp áp dụng từ nhiều năm qua nhưng chất lượng không khí ở kinh đô ánh sáng vẫn luôn trong tình trạng báo động đỏ. Vừa qua, một quyết định mới làm nản lòng người đi xe hơi vào Paris, chính thức có hiệu lực.

Từ ngày 16-1-2017, từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ 8 giờ đến 20 giờ, xe chạy vào Paris phải dán nhãn ô nhiễm. Mục đích là để biết tình trạng gây ô nhiễm của chiếc xe mà kiểm soát. Ngoài ngày giờ đó, xe được tự do đi lại mà không bị kiểm tra.

Theo quy định, xe hơi cũ, bắt đầu chạy trước năm 1997, cho dù còn tốt cũng bị cấm chạy vào Paris. Khi bị xét, xe nào không có nhãn bị phạt 68 euro (khoảng 72USD), trả ngay thì được bớt 23 euro còn 45 euro. Xe vận tải không có nhãn bị phạt 135 euro và bị cấm vào Paris từ 8 giờ đến 20 giờ. Xe tay ga và xe máy đăng ký trước năm 2000 phải dán nhãn ô nhiễm.

Người sở hữu xe tự vào trang www.certicat-air.gouv.fr để mua nhãn về dán. Phải là xe chính chủ mới đăng ký mua được vì để ghi cho đúng những chi tiết đòi hỏi. Giá tiền một “nhãn ô nhiễm” không bao nhiêu, chỉ là 4,18 euro (cộng 3,7 euro tiền cước gửi về tận nhà) và nhận được từ 10 đến 20 ngày. Người mua trên mạng được cấp ngay biên nhận, in ra và đem theo các loại giấy tờ khác của xe. Có 6 loại bằng 6 màu khác nhau, đứng đầu là màu xanh lục (không ô nhiễm), tới màu tím, màu vàng, màu cam, màu nâu và màu xám.

chuyen chong o nhiem khong khi o paris
6 loại nhãn dán tiêu chuẩn không khí cho thấy độ tuổi và mức độ sạch sẽ của xe ở Paris

Gần đây nhất vào tháng 12-2016, chính quyền thành phố Paris cũng áp dụng lưu hành xe luân phiên biển chẵn, lẻ và miễn phí vé tàu điện ngầm để khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe tư nhân. Đây là lần thứ tư trong 20 năm qua, Paris phải áp dụng biện pháp này để giảm ô nhiễm. Mức phạt đối với các xe không tuân thủ quy định này là 22 euro nếu bị phạt nóng hoặc 35 euro nếu gửi giấy phạt về nhà và chủ xe nộp sau đó.

Vào hồi tháng 7 năm ngoái, chính quyền Paris cũng đã quyết định cấm các xe ôtô có tuổi đời 20 năm hoạt động trong phạm vi thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm. Từ cuối năm 2011, hệ thống cho thuê xe ôtô tự phục vụ Autolib’, còn gọi là Bluecar, đã chính thức được đưa vào sử dụng với 250 chiếc ở khu vực Paris và vùng thủ đô Ile-de-France. Đến nay có khoảng 3.000 xe được đưa vào hoạt động tại 1.200 điểm cho thuê tự động trên toàn vùng thủ đô của Pháp. Loại xe này có 4 chỗ ngồi, không khói, không mùi, không tiếng động, chạy hoàn toàn bằng điện. Lợi ích của việc thuê Autolib’s là ít gây ô nhiễm giúp bảo vệ môi trường, tạo sự tự do, thuận tiện hơn cho người sử dụng và không quá tốn kém. Khi đã quen sử dụng loại xe điện này, người dân Paris có thể tiến tới không phải sử dụng xe cá nhân nữa với những khoản chi phí đắt đỏ, khoảng 5.000 euro/năm (gồm chi phí xăng dầu, bảo hiểm, bảo dưỡng…). Theo một nghiên cứu của chính quyền Paris, một chiếc Autolib’ có thể thay thế cho năm chiếc xe cá nhân.

Theo báo chí Pháp, trong thời gian tới, chính quyền Paris còn đưa ra nhiều biện pháp khác để giảm ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông ở thành phố này. Chẳng hạn, vào giữa năm 2017, việc đậu xe trong Paris sẽ bị phạt nặng hơn nếu không trả tiền hay quá hạn chỗ đậu, từ 17 euro tăng lên 50 euro tại trung tâm thành phố và 35 euro các nơi khác. Kế nữa, đường dành cho xe đạp, tới năm 2020 sẽ tăng lên gấp đôi, nay là 700km. Ngay đại lộ chính của thủ đô, Avenue des Champs Elysées sẽ có đường cho người đi xe đạp. Qua năm 2018, sẽ có thêm đường xe điện và nhiều đường buýt vào Paris.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với biện pháp hạn chế của chính quyền thành phố Paris. Không ít chủ xe đã lên tiếng chỉ trích và cho rằng, các giải pháp mới chống ô nhiễm sẽ làm tổn thương túi tiền của người nghèo. Một người tên Marc cho biết: “Tôi chẳng có phương tiện khác để đi, vì vậy tôi sẽ vẫn sử dụng chiếc xe cũ này. Có thể là tôi sẽ bị phạt hằng tuần. Nếu mọi việc đi xa hơn, có lẽ tôi phải đóng cửa hoạt động kinh doanh của mình. Sẽ có nhiều người phải mất việc. Tôi thấy, luật mới này chưa thỏa đáng”... Còn cô June thì nói: “Tôi vẫn sẽ phải làm việc để sống. Tôi cho rằng mình sẽ bị phạt nhiều lần nhưng biết làm sao được”...

Bản thân biện pháp trên cũng gây nhiều tranh cãi về hiệu quả và gây mâu thuẫn gay gắt giữa chính quyền thành phố Paris và toàn vùng Ile de France. Hiệu quả của những biện pháp này được cho là chỉ có thể làm giảm khoảng 2% mức ô nhiễm, tương ứng với việc phải giảm tới 20% lưu lượng giao thông trong Paris.

Ô nhiễm không khí ở thủ đô Paris phần nhiều là do hoạt động phát thải của các phương tiện giao thông. Theo một công bố của Ủy ban Y tế Pháp ước tính, mỗi năm có khoảng 3,7 triệu người trên khắp thế giới chết vì ô nhiễm, trong khi ở châu Âu là 400 nghìn người và riêng ở Pháp, ô nhiễm không khí làm khoảng 48 nghìn người tử vong. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khí còn làm giảm tuổi thọ khoảng 15 tháng của người dân sống tại các đô thị.

Tình trạng hiện nay cho thấy, việc giảm ô nhiễm đang là một trong những nhiệm vụ khó khăn đối với Paris nói riêng, Pháp nói chung - quốc gia rất tích cực trong cuộc chiến chống ô nhiễm và biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu không làm gương, Pháp có thể bị ảnh hưởng nặng nề uy tín và hình ảnh của quốc gia đã khởi xướng và thành công trong việc vận động cho ra đời Thỏa thuận Paris thay thế Nghị định thư Kyoto.

Theo nghiên cứu mới được công bố của Công ty Điều tra thông tin giao thông Inrix (Mỹ), khu vực Ile-de-France (gồm Paris và các vùng ngoại ô) đã trở thành “quán quân” về kẹt xe ở châu Âu. Xếp sau lần lượt là thủ đô London của Anh và vùng Ruhr của Đức. Từ các số liệu về 109 khu vực dân cư của Cơ quan Thống kê châu Âu, Inrix kết luận rằng, những tuyến giao thông bị bão hòa tập trung phần lớn ở thủ đô Pháp. Trong số 10 điểm xe cộ ùn tắc nhất châu Âu, có đến 8 điểm thuộc các đường vành đai của Paris, đặc biệt là ở phía nam. Theo khuyến cáo của Inrix, nếu phải lái xe đến Paris thì hãy cố gắng tránh Porte d’Italie, Porte de Sèvre và Porte de Bercy, những “điểm đen” trong bảng xếp hạng. Việc “nhích từng chút” làm người dân mất 70 giờ/năm ở Paris, 52,5 giờ/năm ở London và 51 giờ/năm ở Ruhr.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực trong việc đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Bắc Kinh nói riêng và các thành phố lớn khác nói chung. Giữa tháng 12-2016, Bộ Môi trường Trung Quốc đã lập 13 đội thanh tra kiểm soát ô nhiễm không khí. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cho 1.200 nhà máy phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng sau khi cảnh báo đỏ.

Hồi cuối năm ngoái, Quốc Vụ Viện Trung Quốc thông qua kế hoạch 5 năm về cải thiện môi trường, trong đó yêu cầu các địa phương ô nhiễm kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ than đá, nguồn gây ô nhiễm chính ở nước này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đó là chuyện của tương lai, còn trước mắt, người dân ở Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc, vẫn tìm cách sống chung với ô nhiễm khi không còn lựa chọn khác.

S.Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc