Chuyện buồn ở sân bay Sheremetyevo

06:56 | 31/05/2016

21,459 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lâu, tôi được nghe, những người Việt Nam khi sang Nga thường bị khám xét rất gắt gao và kiểm tra hộ chiếu cực kỳ kỹ lưỡng. Rồi tôi cũng được nghe rằng, người Việt sang Nga lao động chui không phải là ít, rồi những người hết hạn phải trở về cũng tìm mọi cách ở lại.

Đó là chưa kể nạn buôn gian bán lận, rồi chuyện các băng nhóm tội phạm hình sự người Việt câu kết với mafia Nga…

Nghe mà thật buồn!

Bởi lẽ, trước đây người dân Liên Xô cũ, trong đó có người Nga, đặc biệt yêu mến người Việt Nam. Nhiều sinh viên, cán bộ Việt Nam sang học tại Liên Xô cũ đã được người Nga coi như con em trong nhà. Những tình cảm đó quả thật không dễ mà có được.

chuyen buon o san bay sheremetyevo
Hành khách xếp hàng chờ nhập cảnh tại sân bay Sheremetyevo

Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Tuyến - nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro.

Ông kể rằng, ngày ông học Dầu khí ở Nga, lúc trở về, ông don góp được ít tiền mua một chiếc xe Minsk. Khi biết chuyện ông mua xe mang về nước, bà giáo dạy ông cứ khóc mà nói: “Con đừng mang xe về. Bởi nhỡ con đi xe bị tai nạn thì ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam lại mất đi một người”. Khi kể lại câu chuyện ấy, ông Tuyến mắt đã nhòa lệ.

Tôi cũng được vài lần đi sang Nga trong thời gian gần đây cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đến đâu tôi cũng thấy những tình cảm ấm áp giữa các thầy giáo Nga với học trò, mà nhiều người bây giờ đã thành những cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Những ánh mắt vui mừng, những vòng tay ôm thân thiết và nhiều lúc thấy các vị lãnh đạo Tập đoàn như Phùng Đình Thực, Nguyễn Vũ Trường Sơn, Nguyễn Quốc Khánh… vẫn như bé bỏng với những người thầy Nga ấy.

Trở lại câu chuyện người Việt bị kiểm tra gắt gao ở cửa khẩu sân bay Sheremetyevo. Mấy lần trước sang Nga, tôi đi theo các đoàn cán bộ nên cũng không thấy có gì khó khăn. Nhưng gần đây nhất, đoàn chúng tôi sang Nga thì thật trớ trêu, chúng tôi cũng được lùa vào xếp hàng chung với tất cả người Việt.

chuyen buon o san bay sheremetyevo
Hành khách người Việt xếp hàng tại sân bay

Nhân viên an ninh cửa khẩu Nga gọi tất cả người Việt ra xếp hàng ở hai cửa. Số người không đông lắm, mỗi cửa chỉ khoảng hơn hai chục người. Và việc kiểm soát thì quả thật chưa từng thấy ở bất cứ một cửa khẩu nào mà tôi từng biết.

Nhân viên an ninh cửa khẩu Nga scan hộ chiếu, rồi gửi đi tận đâu đó và chờ đợi, rồi họ lấy kính lúp ra soi hộ chiếu từng tí một. Sau đó là một cái phẩy tay lạnh lùng và người đó phải đứng lùi ra, cách nhân viên an ninh một khoảng chừng 2m - một vị trí để cho nhân viên an ninh đủ nhìn thấy mặt.

Không thể hiểu được quy trình họ làm như thế nào, nhưng người nào nhanh, thì sau 5 phút mới qua cửa, còn có những người cứ đứng đấy chờ, thỉnh thoảng lại dòm dòm xem có tín hiệu gì mới không và rồi lại nhận được cái phẩy tay lạnh lùng.

Trong số những người xếp hàng hôm đấy, tôi thấy có cả ca sĩ Tùng Dương và Thanh Lam. Ca sĩ Thanh Lam “thoát” chỉ sau 5 phút bị soi mói, còn Tùng Dương lại nhận được cái phẩy tay đứng lùi ra ngoài. Phải mất khoảng 15 phút sau, Tùng Dương được gọi vào và mới nghe tiếng âm thanh từ con dấu đóng “kịch! kịch!” xuống hộ chiếu. Có lẽ vào lúc này, âm thanh vui nhất ở đây là tiếng con dấu đóng xuống hộ chiếu “kịch... kịch!” nặng nề. Thời gian chờ đợi cứ dài dằng dặc. Một số người thì ngồi bệt xuống sàn, còn tại một cửa bên cạnh, tôi lại thấy cảnh chen lấn.

Người Việt mình thật lạ, không biết bao giờ mới có thói quen xếp hàng một cách trật tự. Đến làm thủ tục nhập cảnh mà cũng còn chen lấn thì hết hiểu nổi. Ờ thì những người ở đây, thôi thì là người lao động, mà chỉ cần nhìn là biết họ là lao động bình dân, họ có thể kém hiểu biết, họ có thể chưa quen với sự văn minh nơi công cộng. Nhưng ở nhiều chỗ khác, tôi thấy ngay những người được gọi là tầng lớp trên cũng chen lấn xô đẩy khi vào trong thang máy, rồi khi lên máy bay. Sau này, một cán bộ của Đại sứ Việt Nam tại Nga nói với tôi rằng, xấu hổ nhất ở chỗ đông người là người Việt mình hay chen lấn, xô đẩy. Có khi hai, ba người cũng chen lấn.

Chờ đợi mãi, sau gần hai tiếng rưỡi đồng hồ cũng đến lượt tôi.

Cô nhân viên an ninh cửa khẩu lấy kính lúp ra soi rồi dòm mặt tôi một cách kỹ lưỡng, sau đó đưa cuốn hộ chiếu vào máy scan. Hình ảnh của tôi được chuyển đi đâu đó và khoảng hai phút sau, tôi lại nhận được cái phẩy tay lạnh lùng và phải đứng ra ngoài.

Sau tôi, lại một người khác tiến vào làm thủ tục và vài phút sau cũng nhận được cái phẩy tay lạnh lùng. Khoảng mười phút sau, tôi nhận được cái ngoắc tay của cô nhân viên an ninh và rồi lại được nghe âm thanh vui vẻ từ con dấu giáng xuống hộ chiếu. Vậy là tôi mất đứt gần ba tiếng đồng hồ làm thủ tục qua cửa khẩu.

Chưa hết thắc mắc về chuyện nhập cảnh, trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi cứ tự hỏi rằng, tại sao nước Nga trình độ khoa học vào loại hàng đầu thế giới, là một nước công nghiệp, có nền văn minh phát triển, mà làm thủ tục xuất nhập cảnh lại lâu đến vậy?

Và điều đáng nói là chỉ có người Việt mới bị “hành” như thế, còn những người khác thì thủ tục đều nhanh chóng, đơn giản.

Chưa kịp hỏi cho ra nhẽ, lại gặp một ông bạn là Tổng biên tập một tờ báo, ông được Tập đoàn sữa TH mời sang dự lễ khai trương, động thổ trang trại nuôi bò sữa ở tỉnh Moskva.

Hóa ra, đoàn anh gồm nhiều Tổng biên tập và các quan chức khác cũng bị “hành” ở sân bay mất bốn tiếng đồng hồ. Thậm chí có anh còn nói: “Thôi từ nay xin vĩnh biệt nước Nga. Chứ đi sang đây, mà thủ tục như thế này thì sợ quá!”.

Hai ngày sau, trong lúc Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn rỗi rãi, tôi mới kể lại câu chuyện mất gần ba tiếng đồng hồ ở sân bay làm thủ tục. Ông cười buồn và bảo: “Anh mất ba tiếng còn là nhanh đấy, có những đoàn đến đây đã mất cả nửa ngày”. Thế rồi anh cũng kể lại cho tôi nghe về nỗi bức xúc này, nhưng anh kết luận: “Đừng trách các bạn Nga. Lỗi này là lỗi do chính người Việt chúng ta gây ra”.

Từ lâu rồi, ở nước Nga rất nhức nhối về tình trạng người Việt nhập cảnh vào họ bằng giấy tờ bất hợp pháp. Theo những con số không chính thức mà phía Nga đưa ra, trong số người nhập cảnh vào Nga từ nhiều quốc gia bằng giấy tờ giả, tên giả… thì người Việt chiếm quá nửa. Chính vì thế, từ hàng năm nay, phía Nga đã đưa danh sách người Việt vào đối tượng kiểm tra đặc biệt.

Tuy nhiên, cách làm của họ rất máy móc và xem ra có phần thủ công.

Những người Việt nhập cảnh vào Nga lần đầu bị săm soi cực kỳ kỹ lưỡng và đặc biệt là những người mang họ Nguyễn. Hóa ra là trong số những người nhập cảnh vào Nga bị đặt vấn đề theo dõi thì có hơn 5.000 người họ Nguyễn, còn những người mà họ Đào, Lê (những họ “hoa quả”... ăn được) ít bị soi hơn. Một khi anh mang hộ chiếu có họ Nguyễn vào, họ sẽ xem là tên Nguyễn này có trùng gì với hàng ngàn người họ Nguyễn nằm trong danh sách hay không. Sau khi dò hết 5.000 tên này, nếu thấy không có vi phạm thì bắt đầu họ dò đến số hộ chiếu. Mà để làm quy trình này, không hiểu máy tính của họ thuộc thế hệ nào nhưng cực kỳ chậm. Đó là chưa kể khi dung nhan của người thật và ảnh trong hộ chiếu có phần khác nhau do thời gian thì thật khốn khổ. Rồi nghe nói bức ảnh trong hộ chiếu đấy sẽ được scan và gửi về Đại sứ quán Nga tại Việt Nam để so sánh, thẩm tra. Sau đó nếu không có vấn đề gì thì người nhập cảnh sẽ được qua.

Số lượng người Việt ở Nga hiện nay đã giảm 30% so với những năm trước, giờ chỉ còn khoảng hơn 70.000 người. Nhưng có giời mà biết còn bao nhiêu người đang ở Nga bằng giấy tờ bất hợp pháp và đang trốn chui, trốn lủi ở khắp mọi nơi. Trước kia, để đấu tranh với tội phạm hình sự người Việt hoạt động tại Nga, Bộ Công an Việt Nam đã có lúc phải cử một tổ Cảnh sát Hình sự sang Nga để phối hợp với Cảnh sát Nga đấu tranh, truy bắt. Bây giờ, đã ít lắm rồi, tội phạm hình sự người Việt ở Nga hầu như không còn, nhưng những người Việt vào Nga bằng những con đường bất hợp pháp vẫn là nỗi nhức nhối. Lúc ở sân bay, nhìn những người Việt ngồi bệt xuống đất, rồi nằm ra ghế, tranh thủ ngả lưng trong lúc chờ đợi. Rồi nhìn những người nhập cảnh vào một quốc gia mà nom họ như đi lên miền núi, “đào vàng, tìm trầm” mà tôi thấy ngao ngán. Tôi cũng không hiểu, những người này nhập cảnh vào Nga thì họ sẽ làm gì. Và quả thật, chẳng ai có ánh mắt thiện cảm với những người nhập cảnh vào một quốc gia khác mà trông nhếch nhác, luộm thuộm như vậy.

Tình hình trật tự trị an trong cộng đồng người Việt tại Nga cũng còn những phức tạp. Tôi xin trích Thông báo của Ban Công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga để bạn đọc hiểu thêm:

“Những tháng đầu năm 2016, tình hình an ninh, trật tự trị an trong cộng đồng Việt Nam tại Liên bang Nga tiếp tục diễn biến phức tạp. Các vụ việc kiện cáo do mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp cá nhân ngày càng tăng. Việc hành hung, trấn cướp, tống tiền, xù nợ liên tục xảy ra tại các khu vực làm ăn và nơi sinh sống của bà con.

Trong giai đoạn khó khăn này, bà con hơn bao giờ hết cần tăng cường đoàn kết, nâng cao tinh thần cảnh giác, tự có những biện pháp tự bảo vệ bản thân cũng như gia đình và người thân.

Đại sứ quán sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật của bạn quyết liệt ngăn chặn các vụ tội phạm, bắt giữ và trục xuất bất kỳ phần tử nào có hành vi xâm hại lợi ích cộng đồng. Mặt khác, Đại sứ quán kêu gọi bà con kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiếp tay, chỉ điểm, mạnh dạn cung cấp thông tin, trình báo sự việc tới Đại sứ quán khi có dấu hiệu nghi vấn hoặc khi xảy ra các sự vụ phức tạp trong nội bộ cộng đồng. Đại sứ quán sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người cung cấp thông tin.

Trường hợp bị trấn cướp hay gặp vấn đề nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, cần gọi ngay số điện thoại đường dây nóng:

- Cảnh sát 02 (từ điện thoại di động: 112);

- Số điện thoại cứu hộ: 01;

- Số điện thoại cấp cứu y tế: 03;

Cơ quan khẩn cấp của Mát-xcơ-va: +7 (495) 937-99-11.

Trường hợp cần trình báo thông tin về tình hình an ninh cộng đồng, xin liên hệ:

1. Phòng Lãnh sự, hotline +7903 6821617;

2. Thường trực Cộng đồng, tel. +79035006635;

3. Hoặc gửi đơn thư trực tiếp tới Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Thanh Sơn để được xem xét, giải quyết kịp thời, thấu đáo.

Các cụ xưa có câu “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, chúng ta cũng đừng trách nhân viên cửa khẩu an ninh Nga cứng nhắc, lạnh lùng, thậm chí có cả sự khinh bỉ với người Việt. Bởi chính người Việt đã không còn làm cho người Nga tôn trọng. Họ cũng sẽ chẳng thể nào phân biệt nổi trong số dòng người xếp hàng nhập cảnh vào Nga, ai là cán bộ, ai là dân thường, ai là người tử tế, ai là người đang tìm cách lừa dối để vào nước Nga của họ, mà họ chỉ xác định được qua tên, tuổi, số hộ chiếu. Có vậy thôi!

Vừa rồi ở Hà Nội, vào dịp nghỉ lễ 30-4, khi dòng người đổ về quê ở bến xe Mỹ Đình, đã xảy ra một hiện tượng chưa từng có. Ấy là người ta xếp hàng trật tự, nghiêm ngắn để mua vé xe. Việc này đã được tán dương nhiệt liệt.

Thật là mừng! Có lẽ người Việt mình đã bắt đầu biết xếp hàng. Chúng ta nhiều lúc cứ nói, nước ta là nước “văn hiến”, rồi “dân trí cao”, rồi đủ các mỹ từ tốt đẹp dành cho người Việt.

Nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật, thì quả thật người Việt ta đang có quá nhiều tính xấu mà một trong những tính xấu có vẻ cơ bản nhất, đó là: ý thức chấp hành luật pháp và ý thức tôn trọng người khác rất kém. Chính điều đó đã làm cho người Việt trở nên “xấu xí” trong con mắt của nhiều người nước ngoài.

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 527