Kỷ niệm 41 năm Giải phóng miền Nam Thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2016

Chuyện bà Bốn binh vận

07:00 | 30/04/2016

919 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ căn cứ H5 (nay thuộc huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), ông Nguyễn Hữu Trí, được triệu tập khẩn cấp về căn cứ H9 (nay thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), làm nhiệm vụ cơ mật.

Bút ký của Trần Đình Hằng

Nhiệm vụ của ông Trí tại H9 lúc này là: Tiếp xúc với một người phụ nữ mới từ Phú Yên lên, được tỉnh đón về, với tên giao dịch là Bốn (tên khai sinh, quê quán, chức danh, đảm trách nhiệm vụ gì, thuộc đơn vị nào… kể như lý lịch trích ngang, thì chỉ có người đó tự nói hay không, chứ nguyên tắc không cho phép hỏi). Đồng chí này có con trai tên là Ngô Nuôi, hiện mang hàm Trung úy của Quân lực Việt nam Cộng hòa, đang thực thi phận sự tại phi trường L19. Trên tinh thần đó, ông Trí sẽ thay bà ấy viết thư cho con trai để cảm hóa, thuyết phục anh ta hợp tác…

Không hỏi lại thêm gì. Ông Trí hiểu nhiệm vụ của mình là viết những lá thư theo từng bước tiến triển. Còn việc tiếp xúc đối tượng, chuyển thư thì do trên sắp xếp.

Công việc tưởng chừng đơn giản, vì đồng chí này xem như “người nhà” nên chuyện trò thoải mái và thư viết theo tình cảm mẹ con thì nói gì chả được: Quý; Yêu; Giận; Thương; Răn dạy… Nhưng nói sao cho lọt tai một sỹ quan trẻ phía bên kia thì cả là một điều không đơn giản, vì những người trẻ như họ đều là người có học thức và được đào tạo bài bản. Nếu không kín kẽ mà tỏ ý xem thường, hay lộ ý đề cao họ trong ủy lụy là sẽ “xôi hỏng, bỏng không” ngay, hoặc bị theo dõi và sập bẫy là điều không tránh khỏi. Qua bấy nhiêu năm trong ngành đã cho ông nhiều kinh nghiệm và sự am tường. Ông xác định: Chỉ cần nắm bắt những gì cơ bản và thể hiện y chang nỗi lòng người mẹ như thư mẹ gửi cho mình là tốt hơn cả.

Tuy lần đầu gặp nhau, nhưng hai người đều tỏ ra tự nhiên, gần như thân thiện. ông Trí lên tiếng trước:

- Mừng chị đã có con trai lớn.

- Con gái tụi em ở trong này không được học hành ra chi, nên lấy chồng sớm. Mười mấy tuổi đầu đã sanh con rồi.

- Nhiệm vụ của tôi và sự giúp đỡ của chị khi này là lấy cháu làm nhân vật trung tâm, nên chị cứ nói chuyện thật tự nhiên về mhững gì nhớ được. Thấy điều gì là cốt yếu thì tôi sẽ tham khảo cặn kẽ.

- Tôi xác định nhiệm vụ là của tôi, sự giúp đỡ là từ phía anh mới đúng. Anh chẳng những giúp cháu, giúp tôi, giúp cả gia đình và...

Không để bà Bốn nói hết lời, ông Trí cắt ngang:

- Vậy ta coi là nhiệm vụ chung.

Vừa nói chuyện, hai người cùng sánh bước.

Ba ngày liền, như fan đam mê chương trình đọc truyện đêm khuya, ông Trí chăm chú lắng nghe và liên tục bị bất ngờ bởi cách nói chuyện dí dỏm của người phụ nữ mảnh mai có đôi mắt sáng, lanh lợi và nước da mai mái vì sốt rét. Bà Bốn đã từng tham gia trong đoàn giao liên đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ Củng Sơn về căn cứ của Mặt trận giải phóng, ngay sau cuộc giải thoát ngoạn mục do Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức. Một người giản dị đến mức thiếu thốn lại không cam lòng với mức lương Trung úy hậu hĩnh của con trai đang trên đà thăng tiến. Trái lại, bà quyết nhờ tổ chức tìm cách đưa con về với đàng mình. Cho dù khả năng xấu nhất có thể… có thể con bà phải chịu bản án khắc nghiệt của Tòa án binh… Bà sẽ bị mất con, gia đình sẽ lâm cảnh bị truy sát… Dẫu vậy thì đội ngũ của những người góp phần làm nên trang sử vẻ vang sẽ có thêm một người con kiên trung. Ngược lại, lực lượng này sẽ có một nội tình, nội gián và bà sẽ có thêm một đồng chí… Bà Bốn tuyệt đối tin tưởng ở các đồng chí bên Đắk Lắk, tin ở đứa con hiếu thảo và tin sẽ có một tương lai kỳ diệu.

Khuya về ông Trí mới ghi ghi, chép chép, gạch xóa, thay đổi, đảo lộn tình tiết. Sớm ngày thứ tư ông gút lại những điều mấu chốt và chắp bút.

***

Cầm bao thư trên tay, Trung úy Ngô Nuôi vô cùng sửng sốt, xen lẫn chút hồ nghi. Phải là thư của mẹ!? Nét chữ này là của mẹ? Mẹ có biết chữ thật đấy! Nhưng oái oăm thay, mặt chữ của bà thế nào thì anh hoàn toàn không thuộc. Nhìn nét viết ngoài bì thư ấn mạnh gần như rách giấy, mà người con thấy thương mẹ quá đỗi. Nhà ngoại bần hàn nên tất cả mấy chị em của mẹ học hành đâu có được là bao. Ba mẹ gắng cóp nhặt, cho anh ăn học là để bằng người. Trò Nuôi chăm ngoan qua từng bậc học. Đỗ tú tài toàn phần, cậu cùng mấy đứa bạn rủ nhau đăng lính. Thà vậy còn hơn đang học đại học mà bị bắt lính. Là lính rồi thì ấp trưởng hết đường hiếp đáp nhà mình, mà đời sống của gia đình binh sỹ cũng sung túc. “Bất nhân như lính”, đã đành miệng thế gian là vậy. Nhưng đâu phải người lính nào cũng xiết cò, thẩy trái nổ. Lính tiếp vụ, lính quân y đó. Tình nguyện thì dễ đường lựa cửa…

Ngô Nuôi càng sửng sốt hơn khi thấy nét chữ trong thư là nét chữ con gái. Chắc hẳn phải là một nữ sinh xinh đẹp, hoặc một công chức văn phòng đoan trang. Mấy năm tu nghiệp tại trường Võ bị Đà Lạt đã giúp anh liên tưởng tới chuyện đời xưa: “Tào Tháo sai người học và mạo nét chữ của Từ mẫu để lừa Từ Thứ”. Chàng sỹ quan trẻ xếp thư lại, định bụng không thèm đọc chi. Nhưng nét chữ hoa mỹ kia đã hấp dẫn anh, và anh nghĩ: Có gì chăng nữa thì cũng có ai đó đã biết đến mình. “Đã biết danh ta mà sao còn dám xâm phạm bờ cõi ta!” Hoàng Trung đã từng giơ đao chỉ mặt Vân Trường mà mắng vậy đó thôi. Trung úy cười tự phụ. Hay! Cứ chờ đó mà coi kết cục! Đã thế thì phải coi tường tận mạo thư viết thứ gì?

Ồ, hay chưa nọ! Giả hay thiệt đây: Toàn là ngữ giọng của mẹ mà đứa con cưng không thể nào nhần lẫn và không thể quên được. Mạo thư mà sao lại biết đến cái thẹo nơi bắp vế trái của mình. Nó là dị bản từ trận đánh lộn hồi nhỏ giữa mình với thằng bạn lối xóm. Lớn lên, hai đứa cùng đăng lính. Nó đi trận, bị thương, mình mới hay tin mà thư cũng đã nhắc tới. Cả sở đoản ẩm thực bị dị ứng, ngứa đến bỏng rát ruột khi ăn nhộng tằm và nhộng ong của mình nữa. Đích thực là thư của mẹ.

Cứ theo triện của bưu cục Tuy Hòa, Phú Yên và một tình tiết trong thư: “Bữa gần sinh nhựt con, mẹ đã bắt xe lên Ban Mê thăm, nhưng đến chân đèo Phượng Hoàng thì gặp điều bất trắc, nên mẹ đành phải lỗi hẹn với con và cả với tình cảm mẹ con, mà bắt xe khác, quay trở lui. Ấy vậy nhưng lại gặp hên lớn đó Nuôi ơi! Lai bất đạt, khứ hữu duyên”, thì có thể hiểu rằng: Hơn một tháng qua, mẹ và người viết dùm lá thư này đã “bén duyên” nhau và mẹ đã “chấm” cho anh.

Càng đọc, Ngô Nuôi càng cảm động, anh cứ thấy thương thương, tội nghiệp sao sao: “Mẹ biết là chưa chắc con đã đồng tình với việc lựa chọn nàng dâu của mẹ. Mẹ vẫn nhớ khi còn ở nhà, anh đã tỏ cho mẹ thấy là mình đã lớn. Mẹ không xúi dại anh đâu, nghe và chiều mẹ, nghe Nuôi”! Thì ra là vậy. Chuyện nhỏ! Mà… chỉ có vậy thôi sao.??

Chưa đầy hai mươi tiếng đồng hồ, sớm hôm sau.

Tại căngtin phi trường, bên chiếc bàn ở một góc, nơi kể như luôn được xí phần và chàng Trung úy trẻ vẫn giữ nguyên nếp ngồi một mình, với khẩu vị chung thủy. Ngô Nuôi giật mình khi nghe cô tiếp viên đưa cà phê đến, nói nhã nhặn: “Chúc mừng Trung úy mới nhận được thư!” Nói rồi, cô nàng lẹ làng quay gót, để lại nụ cười ý nhị.

Nàng là ai? Sao lại thấu rõ…? Mấy ai biết mình nhận được thư đâu nhỉ!

Chả có lẽ.., và cũng rất có thể.

Như chiếc camera tự động, cặp mắt Trung úy luôn theo sát bóng. Lựa lúc thuận nhất, hai người chủ động tiếp cận nhau, cô gái nói giọng Bắc dịu ngọt, đủ nghe: “Anh muốn nói gì thì để sáu giờ chiều, em sẽ đón anh tại ngã tư Hoàng Diệu–Y Jút”

Năm rưỡi chiều, người sỹ quan trẻ giơ tay chào tốp lính gác cổng và ung dung thả bước đi ra khỏi cổng phi trường. Hết địa phận phi trường thì bước chân anh ta thay đổi hẳn, như thể người đang có tâm trạng chộn rộn, phân vân. Bất ngờ, một đôi nam nữ mặc đồ quân cảnh, chở nhau trên chiếc Honda 67 từ trong hẻm nhỏ lao ra, sát ngay trước mặt. Người đi bộ né thụt lui. Nhanh như chớp, người ngồi phía sau xe máy dúi vào tay người đi bộ một tờ giấy xếp gọn, giọng rành rọt: “Trung úy có tin vui!” và ánh đèn Plat lóe sáng, rồi chiếc xe rồ máy, vọt lẹ vô hẻm khác, nhắm hướng đường Phan Chu Trinh dông tuốt về phía rẫy cà phê, làm cho chàng sỹ quan hết sức ngơ ngác, không kịp phản ứng gì.

Thoáng chút hoang mang, anh xác định rồi đăm chiêu. Họ là ai? Sao lại có hành động thiện nghệ như thể biệt động quân vậy? Trấn tĩnh lại, anh mở tờ giấy ra coi. Ánh chiều còn đủ để nhận rõ nét chữ quen quen“Mẹ đang ở gần, nhưng chưa thể gặp con ngay được. Thế có nghĩa là không có chuyện gặp nhau tại ngã tư Hoàng Diệu–Y Jút nữa!”

Ngô Nuôi bàng hoàng. Sao mẹ ở gần mà không đến với con! Ở gần là ở đâu? Hoặc mẹ đã bị bắt cóc, đang bị khống chế? Nhưng biết đâu mẹ lại đã là… Với thời cuộc này thì biết sao cho hết. Hẳn là mấy người kia cố tình sắp xếp vậy để tránh bị rình rập và mấy chữ này là một bước tiếp theo. Thôi, tới đâu hay tới đó chứ biết sao giờ. Nghĩ rồi, anh vo gọn tờ giấy, đưa vô miệng nhai và giang rộng hai tay vươn vai, vặn mình rôm rốp như để kiểm tra có người theo dõi từ phía nào không. Anh thở phào nhẹ nhõm, lững thững quay gót.

***

Việc tiếp cận đối tượng êm nhẹ, tiến triển theo chiều hướng khả quan làm vui lòng tất cả.

Ngô Nuôi nhận lá thư thứ ba cũng đột ngột như lần trước, nhưng lần này, nét chữ là của đàn ông. Có thể coi như từ đó toát ra một quy định.

“Chu cha! Nơi gặp là Câu lạc bộ sỹ quan! Lại đúng giờ cao điểm nữa. Trời đất! Như vầy là người ta đã vô hang hổ rồi. Mà mình đâu có là hổ, beo chi, chỉ đáng là một con nai nhỏ…” Chàng sỹ quan thấy đây không còn là “đục đến chạm thì chạm đến khăng” nữa, mà đối tượng chính là mình. Mình lại thân cô thế cô trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Nếu chỉ cần hé răng với một đồng ngũ nào đó thì kết cục sẽ chẳng khác nào ngồi giữa thùng thuốc súng mà châm lửa. Thì sau vụ Mậu Thân đó, biết bao binh sỹ bị nghi ngờ “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”, chẳng cần đến tòa án binh đã lãnh đủ rồi. Ngược lại. “Lai vô ảnh, khứ vô hình” thì biệt động của đối phương là số một, đâu có biết ai vào ai, kết cục bi đát vô lượng một mình lãnh trọn. Vậy là chỉ còn có…

Dưới pha đèn đủ màu quay đảo đến mức khó nhận rõ được mặt người. Vũ trường câu lạc bộ sỹ quan ồn ào hơn cả chợ Tết, nồng nặc hơi men với mùi nước hoa. Môi son, má phấn, mini jíp khoe cặp giò nõn nà. Áo thun hở nách, trễ cổ, chiềng ra cặp vú thây lẩy. Chẳng thể phân biệt được đâu là bạn gái, bồ nhí, vũ nữ hay cave.

Cũng từ vũ trường này, Trung úy Ngô Nuôi yêu cầu có ảnh của mẹ để làm tin.

Đúng hẹn, ảnh của bà Bốn được trao tận tay người con trai của bà, nhưng Ngô Nuôi chưa chịu chấp nhận ngay. Vốn tính thận trọng, anh đã chuẩn bị sẵn chiếc máy ảnh chụp lấy ngay và gửi ra, với yêu cầu có tấm ảnh từ chiếc máy ảnh đó.

Chẳng có gì trở ngại vì bà Bốn đã được tổ chức đưa về một căn cứ ven Thị xã từ khá sớm, nên yêu cầu được đáp ứng nhanh gọn.

Chung niềm vui to lớn của các đồng chí bên Đắk Lắk “Chỉ bằng mấy trang thư và sự vào cuộc của các cấp, các ngành: “Bố trí giao tiếp, sắp dặt điểm hẹn cực kỳ khoa học, đến mức không thể tốt hơn, nên không tốn công đào tạo, cài cắm mà có được một cơ sở tầm cỡ”, thì bà Bốn còn có niềm vui khôn tả, không thể đặt tên. Bà mong mỏi tất cả các bà mẹ, vợ của các binh sỹ thuộc QLVNCH đều sớm có những việc làm hữu hiệu để sớm hết chiến tranh và sớm được đón chồng con trở về trong niềm vui hạnh phúc. 

Trung úy Ngô Nuôi đã thuận lòng “đi chung con đường” cùng mẹ và anh không được biết là mình đã mang biệt danh C10.H.

Như trẻ lại cả chục tuổi, bà Bốn cười nói suốt ngày. Nhiều đêm những giọt nước mắt hạnh phúc làm ướt cánh võng đã đánh thức, làm bà tiếc nuối giấc mơ đang được ôm đứa con thương yêu. Mùi mồ hôi của nó như vẫn còn lởn vởn quanh đây.

Những thông tin từ phi trường L19 do C10.H gửi ra tuyệt đối chuẩn xác, rất có giá trị, giúp ích rất nhiều trong việc nắm tình hình địch và triển khai lực lượng…và...đã góp phần làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, mà Phi trường L19 là căn cứ bị xóa sổ đầu tiên.

***

Sau buổi gặp mặt các văn nghệ sỹ và giới báo chí…, do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, nhà văn –Thiếu tá Binh vận, Địch vận Nguyễn Hữu Trí (hiện đang nghỉ hưu tại số nhà 44 đường Lê Đức Thọ, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có ghé nhà tôi chơi thăm. Trong câu chuyện đầu xuân, ông Trí đã bộc bạch về một sự vụ của gần năm mươi năm về trước, và tôi đã ghi lại trên đây.

Điều mà ông Trí áy náy bấy lâu là: “Không hay biết tin tức gì về Trung úy Ngô Nuôi (sỹ quan của QLVNCH đã từng làm việc ở phi trường L19 tại Thị xã Buôn Ma Thuột), và bà mẹ Bốn –tên gọi khi đó.”

“Trung úy Ngô Nuôi và bà mẹ Bốn hiện giờ đang ở đâu? Sức khỏe và gia cảnh ra sao?” không chỉ là nỗi niềm của ông riêng Trí mà còn là của cả tôi và chắc hẳn còn là của bạn, của nhiều người. 

Trần Đình Hằng