[Chùm ảnh] Khám phá nơi trưng bày ma túy, kim cương, thuốc kích dục...

08:43 | 15/04/2015

4,436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ những loại dao, kiếm, thuốc lắc... cho tới những món "hàng độc" như thạp gốm thời Lý, kim cương, sừng tê giác do cán bộ hải quan tịch thu được trong các chuyến bắt buôn lậu đã được tái hiện trong không gian Bảo tàng Hải quan Việt Nam.

Được khánh thành vào tháng 2/2015, Bảo tàng Hải quan nằm trên đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội đang lưu giữ, trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật độc đáo liên quan đến hoạt động giao thương quốc tế của Việt Nam trong nhiều thế kỷ và chặng đường 70 năm xây dựng phát triển Hải quan Việt Nam.

Điểm khác biệt đối với các Bảo tàng thông thường là dùng không gian bên trong container làm nơi trưng bày theo 3 chủ đề: 'Thuế quan trước năm 1945', 'Hải quan từ 1945-1986' và 'Hiện đại hóa Hải quan từ 1986 đến nay'. Mỗi gian trưng bày là một câu truyện lịch sử, cột mốc đáng nhớ về ngành.

Điểm nhấn tạo nên sự hấp dẫn với người xem là những câu chuyện được “kể” rất chi tiết thông qua bảng thuyết minh lẫn những clip hình ảnh, nơi trưng bày các tang vật thu giữ được trong công tác chống buôn lậu.

Điển hình như sừng tê giác, 1.403 viên kim cương (trị giá 6 tỷ đồng), 2 chiếc đèn cầy được làm bằng ma túy Phemetrazine và Ephedrine với trọng lượng 4kg, gần 800.000 viên thuốc gây nghiện cùng nhiều hiện vật là hàng lậu bị Cục chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan thu giữ.

Nơi đây còn trưng bày hiện vật của cán bộ kiểm soát Hải quan đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, chiến đấu chống lại tội phạm buôn lậu có vũ trang.

16,2kg sừng tê giác nhập khẩu trái phép qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bị Hải quan bắt giữ năm 2013.

Thuốc kính dục và vũ khí nhập lậu qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

Gói cần sa cùng một số viên ma túy tổng hợp bị bắt giữ trong vụ nhập khẩu trái phép 796.500 viên thuốc Ferimins qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

1.403 viên kim cương (trị giá 6 tỷ đồng) không khai báo Hải quan bị thu giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 2012.

Hàng loạt đồ cổ, giả cổ từng buôn lậu ra vào Việt Nam.

Đá thạch cao được khoét lỗ để cất giấu đá lửa nhập lậu qua đường Cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị

Một quả địa cầu làm bằng đá quý bị thu giữ bởi Hải quan Lạng Sơn do in ấn chú thích sai chủ quyền  của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tủ bục tượng trưng cho các container, thùng hàng tại kho bãi, được lấy cảm hứng từ bối cảnh công việc hàng ngày của cán bộ Hải quan làm việc trực tiếp với hàng hoá với cảng biển, cảng hàng không và cảng trên bộ.

Một số trang bị cho cán bộ kiểm soát chống buôn lậu như mũ sắt bảo vệ ,súng ngắn, còng số 8 cũng được trưng bày.

Thiết bị cán bộ chống buôn lậu dùng để tìm, phát hiện đồ được chôn giấu trong vườn

Vỏ chai xá xị, loại chai bọn buôn lậu đã dùng tấn công làm hỏng một mắt của ông Võ Châu Xuyên, Hải quan An Giang.

Các con dấu qua các thời kỳ hình thành và phát triển của Tổng cục Hải quan.

Chị Phương, cán bộ Bảo tàng cho hay, do tính chất và quy mô nhỏ (chỉ 160 m2), chủ yếu phục vụ công tác lưu trữ, tuyên truyền, nghiên cứu nên khách muốn vào tham quan phải liên hệ trước để được hướng dẫn làm thủ tục. Sau khi kế hoạch mở rộng quy mô hoàn thành sẽ đề xuất mở cửa tự do để mọi người có thể đến tìm hiểu về ngành Hải quan trong thời gian gần nhất.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc