Chuẩn hóa và áp dụng hệ thống RBI trong nhà máy lọc dầu, chế biến khí

18:08 | 17/07/2015

2,059 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 17/7, tại Quảng Ngãi, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức hội thảo khoa học Chuẩn hóa và áp dụng hệ thống RBI trong nhà máy lọc dầu, chế biến khí. Hội thảo này được tổ chức nhằm nghiên cứu việc áp dụng đưa hệ thống RBI – Phương pháp lập kế hoạch kiểm định trên cơ sở phân tích rủi ro, sau khi áp dụng trong thực tiễn

Đến dự hội thảo có các đại diện của Ban Chế biến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Về phía BSR có sự tham dự của đồng chí Đinh Văn Ngọc, Tổng Giám đốc; đồng chí Phạm Văn Chất, Phó Tổng Giám đốc. Hội thảo cũng có sự góp mặt hơn 100 đại biểu đến từ nhiều đơn vị như BSR, PVFCCo, PVCFC, PVTEX, PV Gas, APAVE, DMC HCM, Velosi, PTSC Quảng Ngãi, PV Pro…

Chuẩn hóa và áp dụng hệ thống RBI trong nhà máy lọc dầu, chế biến khí
Hội thảo diễn ra tại BSR với sự tham dự của hơn 100 đại biểu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc nhấn mạnh: Hệ thống RBI là chương trình tiên tiến đã được áp dụng ở hàng chục nhà máy lọc dầu trên thế giới. Hội thảo này là dịp để các doanh nghiệp dầu khí trong nước và đối tác của BSR chia sẻ kinh nghiệm, cùng đưa ra các ý tưởng cho hệ thống hoàn thiện nhất. Những năm qua, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã áp dụng hàng loạt những hệ thống quản trị, quản lý vào sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng cho Công ty.

RBI là tên viết tắt của cụm từ Risk Based Inspection (Phương pháp lập kế hoạch kiểm định trên cơ sở phân tích rủi ro). Đây là một phương pháp mà công việc kiểm định theo hướng chỉ tập trung thực hiện cho những thiết bị có rủi ro cao trong khi giảm bớt đối với những thiết bị có rủi ro thấp, nhờ đó giảm bớt được chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả thực tế của công tác kiểm định. Phương pháp RBI được nghiên cứu nhằm thay thế phương pháp lập kế hoạch kiểm định – bảo dưỡng truyền thống, khi mà phương pháp truyền thống được đánh giá là cứng nhắc, bị động, tốn thời gian và chi phí, hiệu quả đem lại không cao, chưa thể hiện được mối liên hệ giữa những rủi ro của thiết bị và công tác kiểm định-bảo dưỡng thiết bị. Phương pháp RBI đã khắc phục được điều này. Theo đó, kế hoạch kiểm định sẽ được lập dựa trên việc phân hạng rủi ro giúp tối ưu hóa được thời gian và chi phí mang lại hiệu quả cao cho công tác kiểm định.

Chuẩn hóa và áp dụng hệ thống RBI trong nhà máy lọc dầu, chế biến khí
Tổng Giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị đã trình bày những tham luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm khi áp dụng phương pháp RBI vào thực tiễn. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Võ Phụng Hoàng, Trưởng ban Kỹ thuật Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo) cho biết, ở giai đoạn đầu PVFCCo đã triển khai dịch vụ thuê nhà thầu đánh giá rủi ro cho 227 thiết bị và dữ liệu sẽ được cài đặt sẵn trong phần mềm RBMI. Đến giai đoạn nhà máy tự áp dụng, tự thực hiện cho 92 thiết bị và các đường ống còn lại; triển khai kiểm tra thiết bị theo kế hoạch, cập nhật kết quả kiểm tra vào phần mềm, đánh giá lại rủi ro cho từng thiết bị. Đến thời điểm này, PVFCCo đã đánh giá và phân hạng được mức độ rủi ro của 248 hạng mục thiết bị trên tổng thể các thiết bị trong nhà máy.

Qua quá trình thực tế, đồng chí Hoàng cho rằng, để vận dụng đạt hiệu quả cao thì sự hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo là rất cần thiết; đồng thời nhân sự thực hiện cần hiểu rõ về phương pháp RBI cũng như các bước thực hiện; cần có hệ thống lưu trữ dễ tìm, dễ truy cập để giúp giảm thiểu thời gian thực hiện RBI cũng như đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu đánh giá.

Trình bày tham luận tại hội thảo, đồng chí Trần Anh Vũ, Phó Trưởng phòng kỹ thuật BSR cho biết, tại NMLD Dung Quất, nhà thầu JGC của Nhật đã thực hiện hệ thống RBI vào năm 2009 ở 6 phân xưởng công nghệ chính bằng phương pháp định tính. Giai đoạn hai từ năm 2013 - 2014, nhà máy thiết lập RBI cho tất cả các phân xưởng, bao gồm cả việc đánh giá, cập nhật cho 6 phân xưởng công nghệ ở giai đoạn một bằng phương pháp định lượng. Hiện tại, hệ thống RBI đang hoạt động ổn định, có hiệu quả. Nhân sự của BSR đã am hiểu được hệ thống và đã vận hành, lập kế hoạch, nhập dữ liệu, phê duyệt và lấy thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian tới, BSR tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho từng đối tượng trên hệ thống RBI; xây dựng quy trình vận hành hệ thống, phân tích đánh giá rủi ro cho từng đường ống/thiết bị. Đồng thời, BSR sẽ rà soát và xây dựng bổ sung vào hệ thống RBI cho hệ thống ống từ SPM vào bể chứa dầu thô, phân xưởng SRU2, Polypropylene…

Tại hội thảo, các đơn vị khác như PTSC, Velosi, Cửu Long JOC cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, vận hành RBI. Các đại biểu cho rằng, tùy tình hình hoạt động ở mỗi đơn vị mà có ứng dụng phù hợp. Cụ thể, những đơn vị hoạt động dầu khí trên biển như Cửu Long JOC thường xuyên cập nhật cải tiến mới để nâng cao hiệu quả khi tác nghiệp trên biển.

PV

Năng lượng Mới

DMCA.com Protection Status