Chữa rắn độc cắn bằng… "đá thần"

06:53 | 23/06/2013

1,288 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ nặng vẻn vẹn độ 50g, có màu hơi đen nhưng viên “đá thần” này được gia đình ông Vũ Văn Khảm, thôn Dương Cốc, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình lưu giữ nhiều đời nay. Nó là vị cứu tinh hàng bao nhiêu con người đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết khi bị rắn độc cắn.

“Báu vật” của dòng họ

Chúng tôi tìm về xã Hồng Thái hỏi thăm người dân nơi đây về chủ nhân đang giữ viên “đá thần” chữa rắn độc cắn ai ai cũng biết. “Các chú tìm nhà ông Khảm à? đi một đoạn đường nữa là đến. Có tới vài trăm người bị rắn cắn, nếu không có viên đá chắc nhiều người đã bỏ mạng từ lâu rồi” - bà Bùi Thị Nhung, một người bán nước đầu làng nói như vậy. Người dân trong vùng quen gọi ông Khảm với cái tên “Khảm rắn độc”. Thấy có khách lạ, tưởng có người bị rắn độc cắn nên đứa con trai vội vàng chạy ù ra đồng gọi bố về.

Sau lời giới thiệu ngắn gọn, chúng tôi được chủ nhân của “báu vật” mời vào nhà. Vừa rót xong chén nước, ông vừa nói: “Đang phun thuốc trừ sâu, nghe con trai gọi, tôi tưởng có ai bị rắn độc cắn nên vội bỏ dở công việc ngoài đồng, cứu người là trên hết. Việc chưa xong hôm nay thì mai làm”.

Ông Khảm và viên "đá thần"

Khi hỏi về gốc tích viên đá, ông Khảm cho biết: Hồi năm 1945, khi chiến tranh đang xảy ra ác liệt nhất thì gia đình đã cưu mang, bảo vệ cho hai chiến sĩ hoạt động bí mật. Trước lúc chia tay, chuyển hoạt động sang vùng khác, hai chiến sĩ đã tặng lại gia đình viên đá để vừa đền đáp ơn nghĩa, vừa để gia đình cứu sống những nạn nhân bị rắn cắn. Sau khi trao lại viên đá cho gia đình, hai người lính đi đến Nam Định thì bị trúng đạn của giặc Pháp và không may một người đã hy sinh, một người quê ở Ninh Bình vừa qua đời năm 2009. Kể từ đó đến nay, viên đá luôn được gia đình cất giữ cẩn thận và đem ra để cứu người bị rắn độc cắn trong cơn nguy kịch. Chúng tôi ngỏ ý muốn xem viên đá, như dè chừng nhưng rồi cũng được chấp thuận lời đề nghị.

Phải mất một lúc lâu ông Khảm mới lấy được viên đá ra kèm theo lời giải thích nguyên nhân: “Các anh thông cảm, từ khi biết tin viên đá có thể cứu được người, gia đình thường xuyên bị trộm cạy cửa để đánh cắp. Đã nhiều lần, không tìm thấy viên đá, chúng đã lấy đi của gia đình cả tivi và đầu VCD”.  Khẽ mở chiếc hộp nhỏ được khóa bằng chiếc ổ khóa khá chắc chắn, ông Khảm lấy ra một viên đá màu đen. Thoạt nhìn, viên đá giống như một viên nam châm hình vuông có chiều dài 2cm, nặng khoảng 50g. Nhưng nhìn kỹ, viên đá có màu đen hơi đậm. Giữa trên hai bề mặt đều có hình vòng tròn và có một lỗ lõm sâu xuống có dạng hình chữ U, một mặt đá đã bị sước. Khi được hỏi ý nghĩa của vòng tròn và chữ U đó là gì, ông Khảm cho hay: “Viên đá này được các cụ để lại, viên đá đã có hình dáng và các đặc điểm như vậy rồi, tôi không biết ý nghĩa của nó ra sao”.

Cứu người là trên hết

Trở lại với lịch sử của viên “đá thần”, ông Khảm kể, biết được công dụng của viên đá nhưng chưa một lần thử nghiệm bởi những năm đó, khắp làng trên xóm dưới, không có ai bị rắn độc cắn. Đến đầu năm 1960, anh Nguyễn Đông ở Kiến Xương (Thái Bình) bị rắn hổ mang cắn và đến nhờ ông chữa. Kể từ đó tiếng lành đồn xa, những ai không may bị rắn độc cắn ở các vùng lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định... đều tìm đến nhờ ông dùng “đá thần” cứu sống. Ông Khảm không nhớ rõ có bao nhiêu người mà chỉ biết một điều là không lấy tiền của một ai, bởi theo ông “làm phúc cứu người là đạo nhà từ xưa các cụ đã răn dạy”. Sau những lần chữa trị khỏi cho nạn nhân bị rắn độc, ông đều cẩn thận ghi lại tên tuổi quê quán của từng người. Bởi theo ông mỗi người gắn với từng hoàn cảnh và kỷ niệm đáng nhớ.

"Đá thần" dùng để chữa trị cho nạn nhân bị rắn cắn

Lật từng trang giấy trong quyển sổ đen dày hàng trăm trang ghi những người bị rắn độc cắn được chữa khỏi, ông Khảm kể về trường hợp của anh Trần Văn Sáng ở Quỳnh Phụ: Vào năm 2000, anh Sáng bị rắn hổ mang cắn trong lúc đang làm đồng. Do bị rắn độc cắn, lại ở xa nên khi người nhà đưa anh tới nơi thì anh sắp tắt thở. Toàn thân bất động, cơ thể tím bầm và lạnh buốt. Ai nấy đều không hy vọng anh có thể sống lại. Bằng kinh nghiệm chữa trị lâu năm cùng với viên đá, ông Khảm đã cứu sống được anh Sáng.

Rồi năm 2008, anh Lương Xuân Nhuận quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng bị rắn cạp nong cắn khi thu hoạch thuốc lào. Tìm được đến nhà ông Khảm thì nạn nhân cũng đã rất nguy kịch. Lúc này ông Khảm đang đi thăm người nhà bị ốm phải cấp cứu trên bệnh viện huyện. Nghe được tin, ông tức tốc về nhà. Nhìn nạn nhân ông Khảm lắc đầu, thử vận may, ông áp viên đá vào miệng vết thương rắn cắn. Sau gần 30 phút, anh Nhuận bất ngờ tỉnh lại… Cả gia đình nạn nhân ôm nhau khóc bởi phúc lớn.

Có rất nhiều người sau khi được ông dùng “đá thần” cứu sống đã mang tiền bạc đến để tạ ơn và xin được nhận làm bố nuôi. Nhưng về sau, do số người được cứu sống quá nhiều nên ông đành phải từ chối. Ông Khảm cười khà: “Nếu nhận hết thì tôi không biết mình có bao nhiêu người con nuôi nữa”. Có nhiều người biết công dụng của “đá thần” và thấy có thể kiếm lời từ việc hút nọc cho nạn nhân bị rắn cắn đã ngỏ ý mua viên đá với giá cả trăm triệu hoặc đổi trao tay giữa đá với vàng nhưng ông đều từ chối. Vì theo ông, họ thiếu đi chữ tâm nên không bao giờ bán.

“Tôi sẽ giữ viên đá và dùng để cứu người tới khi nào không còn đủ sức khỏe để làm nữa. Tới lúc đó con tôi, cháu tôi sẽ làm thay tôi việc này” ông Khảm khẳng định. Theo ông Khảm thì khác với nam châm chỉ dính được ở hai mặt, còn viên “đá thần” có thể dính được cả bốn mặt, khi nào nọc độc trong người nạn nhân hết, viên đá sẽ tự động “nhả” ra. Tất cả nạn nhân sau khi được chữa trị khỏi hoàn toàn khỏe mạnh và ăn ngủ bình thường, không thấy có biểu hiện khác lạ hoặc có tác dụng phụ.

Sau mỗi ca cứu người bị nạn, để bảo dưỡng viên đá, ông Khản lại phải xin một ít sữa tươi của phụ nữ mới sinh con rồi đổ ngập lên đá sau khi đã đặt nó vào trong một chiếc chén mắt trâu. Làm như vậy, đá sẽ “nhả” ra hết nọc độc. Lúc đó, nọc độc sẽ nổi lên trên có màu đen hoặc vàng, tùy từng loại rắn và có mùi rất tanh, sữa ở trong chén sẽ trong như nước lọc đóng chai.

Sau mỗi lần hút độc rắn, viên đá được ông bảo quản, cất giữ cẩn thận. Để bảo quản viên đá được tốt, ông Khảm dùng một ít gạo nếp rang khô để lót một ít ở dưới đáy hộp và sau đó đặt viên đá lên trên. Cứ nửa tháng phải thay gạo nếp trong hộp một lần.

Công dụng kỳ diệu của viên “đá thần” hút nọc rắn độc đến nay chưa có một cơ quan hay tổ chức nào đứng ra nghiên cứu và đưa ra kết luận chính xác cụ thể. Chỉ biết nó tồn tại cùng với thời gian và đã có không biết bao nhiêu người bị rắn cắn cùng với những người dân thôn Dương Cước chứng kiến và khẳng định đó là sự thật.

Hà Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.