Ngăn chặn thực phẩm chức năng giả

Chưa có giải pháp hữu hiệu

13:52 | 20/03/2018

446 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực phẩm chức năng giả luôn là một vấn nạn nhức nhối. Giải pháp nào hạn chế, giải quyết dứt điểm tình trạng đó vẫn đang là câu hỏi khó đối với các nhà quản lý. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức nhưng dường như vẫn chưa tìm ra lời giải hữu hiệu.

Đủ kiểu làm giả, nhái

Có lẽ không cần nhắc lại những vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) giả bị phanh phui trong thời gian vừa qua, bởi nó đã trở thành vấn đề “biết rồi, khổ lắm”. Chỉ điểm qua một vài vụ nổi cộm: Công ty CP Dược phẩm quốc tế USA sản xuất và kinh doanh TPCN Arginin B.Complex Extra, Anphavit calci nano, Pediasure không đúng tiêu chuẩn công bố. Công ty CP Dược Viko 8 (Pháp) sản xuất TPCN Trinh nữ hoàng cung giả. Hàng loạt sản phẩm TPCN giả của Công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam và đặc biệt là lô hàng TPCN, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá gần 11 tỉ đồng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam…

chua co giai phap huu hieu
Thu giữ thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội

Lâu nay, TPCN được sử dụng như một mặt hàng thiết yếu nâng cao thể trạng, phòng bệnh, do đó việc ngày càng xuất hiện nhiều TPCN giả sẽ là xu hướng tất yếu. Nội dung cuộc họp giữa Tổ công tác chuyên trách của Ban Chỉ đạo 389 (Bộ Công Thương) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề cập tới nạn buôn bán, sản xuất TPCN giả diễn ra phổ biến, công khai trên mạng xã hội. TPCN giả đều không rõ nguồn gốc hoặc là của Trung Quốc giá rẻ nhưng lại được ghi là sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng đến từ Mỹ, Nhật Bản, Australia…

Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, các vi phạm chủ yếu là quảng cáo, ghi nhãn, đặc biệt là hàng xách tay không có nhãn phụ, giấy phép vẫn vào được nội địa và kinh doanh tràn lan trên mạng. Một mình ngành y tế rất khó chống TPCN giả, vì thế Cục An toàn thực phẩm rất cần sự phối hợp của Cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát kinh tế để có thể triển khai thuận lợi và có hiệu quả.

Khắc phục những bất cập

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức đường dây nóng 24/7 để tiếp nhận phản ánh về vi phạm. Năm 2017, Cục đã xử phạt hành chính 48 cơ sở vi phạm, thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng tiêu thụ 49 lô sản phẩm. Đặc biệt, Cục đã chuyển 6 vụ sản xuất, kinh doanh TPCN giả sang Cơ quan Điều tra để xử lý hình sự. Nhưng dẫu vậy, các biện pháp đó vẫn chưa đủ sức răn đe.

Theo ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường: Ở đây nảy sinh một vấn đề là muốn biết hàng giả, hàng chất lượng tốt hay không phải giám định. Có không ít sản phẩm phải giám định nhiều chỉ số, chi phí tới cả tỉ đồng, song lại không có kinh phí để giám định. Do đó, có một số vụ phải buông bỏ không có cơ sở để xử lý như mong muốn.

Một vấn đề bất cập nữa được ông Trần Hùng chỉ ra là, để làm được hàng giả, phải bắt đầu từ tem nhãn. Hiện các cơ quan quản lý lĩnh vực này chưa tham gia phối hợp vào quá trình ngăn chặn TPCN giả, nhái. Để nâng cao công tác quản lý, theo ông Hùng, cần có sự phối hợp của Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo Luật Xuất bản, muốn in ấn tem nhãn phải có hợp đồng. Vì vậy, những người in tem nhãn không thể vô can khi in tem nhãn giả các thương hiệu nước ngoài, tiếp tay cho đối tượng làm hàng giả. Vụ TPCN Slim là một ví dụ, công ty kinh doanh sản phẩm này chỉ nhập khẩu một ít, còn lại trộn lẫn hàng giả được in nhãn mác, dán tem trong nước giả để tung ra thị trường. “Nếu các cơ sở in ấn làm đúng luật thì chuyện làm hàng giả rất khó, bởi việc mang bao bì giả qua biên giới hoàn toàn không dễ dàng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đề cập một vấn đề đáng quan tâm: Chỉ tiêu in trên nhãn hàng. Có chỉ tiêu hàm lượng 5-8%, nhưng đơn vị sản xuất công bố trên nhãn là 8%, khiến người tiêu dùng hiểu là 8%, nhưng kiểm tra thực tế lại chỉ có 5%. Có vụ việc công bố hàm lượng vitamin A từ 400-900, như vậy khoảng dung sai quá lớn, không biết hàm lượng như thế nào là chuẩn. Dẫn chứng một vụ việc, ông Viện nói: “Có vụ việc, quản lý thị trường làm việc với Cục An toàn thực phẩm để xác định chỉ tiêu chất lượng, khi kiểm tra xong, Cục đưa cho quản lý thị trường một công bố, nhưng sau đó Cục lại có một công bố khác, lùi lại chỉ tiêu, mà nếu căn cứ vào đó thì không thể xử lý được”...

Để ngăn chặn nạn TPCN giả, nhái, Tổ công tác chuyên trách của Ban Chỉ đạo 389 và Cục An toàn thực phẩm thống nhất phải khắc phục ngay những bất cập đó theo đúng chức năng của hai cơ quan, đồng thời ký quy chế phối hợp, xác định tập trung thời điểm và nhóm sản phẩm cần kiểm tra, xử lý vi phạm. Hai bên sẽ chia sẻ thông tin, xác định các trang web có hành vi quảng cáo sai sự thật để xử lý, bên cạnh tập trung kiểm tra 20 địa bàn nóng trong lĩnh vực TPCN giả, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chợ thuốc, các khu vực bán nhiều TPCN. Kết quả kiểm tra sẽ được công khai với báo chí.

Năm 2017, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt hành chính 48 cơ sở vi phạm, thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng tiêu thụ 49 lô sản phẩm, chuyển 6 vụ sản xuất, kinh doanh TPCN giả sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc