Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: KHCN là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước

13:35 | 18/02/2012

884 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng nay, ngày 18/2/2012, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN).

Tham dự buổi lễ còn có các tập thể, cá nhân được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Quân báo cáo về công tác và kết quả xét thưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Quân thay mặt Hội đồng Giải thưởng Nhà nước báo cáo về công tác và kết quả xét thưởng: Hơn 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, cống hiến trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng góp phần tạo nên những kỳ tích của dân tộc Việt Nam. Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN là những động viên, cổ vũ kịp thời cho sự nghiệp KHCN và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhiệt liệt chúc mừng 176 tác giả của 32 công trình, cụm công trình đoạt giải. 32 công trình và cụm công trình đoạt giải thưởng đã được xem xét đánh giá nghiêm túc, khách quan qua 3 cấp: cơ sở, bộ ngành và cấp quốc gia. Riêng ở cấp quốc gia có 2 cấp xét duyệt là Hội đồng giải thưởng chuyên ngành và Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước.

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khách quan, kết quả đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trình Chủ tịch nước quyết định. Đây là những công trình có giá trị tư tưởng rất cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý được trao tặng 5 năm một lần kể từ năm 1996 theo nghi thức trang trọng nhất. Năm nay, có 12 công trình và cụm công trình khoa học thuộc 5 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trong không khí trang trọng, 12 đại biểu đại diện cho các tác giả và nhóm tác giả của 12 công trình nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2010. Cùng với các công trình khoa học đặc biệt xuất sắc đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã ký quyết định trao Giải thưởng Nhà nước cho 20 công trình và cụm công trình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Hy vọng các nhà khoa học hiện nay kế thừa những thành tựu của các thế hệ đi trước sẽ học tập, phát huy trí tuệ, vươn tới trình độ của KHCN thế giới.

Ngay sau phần trao giải thưởng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng. Chủ tịch nước chúc mừng các nhà khoa học, chúc mừng những thành tựu to lớn mà đội ngũ khoa học công nghệ đạt được trong năm vừa qua. Gần 70 năm qua, từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các nhà khoa học đã có những đóng góp vào sự phát triển đất nước, trong đó các công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đã góp một phần lớn.

Tất cả các công trình được trao giải thưởng đều là những công trình xuất sắc, có tính ứng dụng cao, là kết quả của những dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong những thành tựu nhân dân ta đạt được trong cuộc chiến chống quân xâm lược và xây dựng đất nước đều có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Giải thưởng cao quý của các công trình, cụm công trình được trao tặng thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với những đóng góp, chiến công thầm lặng của đội ngũ các nhà khoa học.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Nghị quyết của Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và KHCN là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước ta ngày càng hoàn thiện luật pháp, cơ chế chính sách để các nhà khoa học cống hiến tốt hơn cho đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hy vọng các nhà khoa học hiện nay kế thừa những thành tựu của các thế hệ đi trước sẽ học tập, phát huy trí tuệ, vươn tới trình độ của KHCN thế giới.

TSKH Phùng Đình Thực thay mặt các tác giả đoạt giải thưởng phát biểu tại buổi lễ.

TSKH Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thay mặt các tác giả, các nhóm tác giả đoạt giải thưởng phát biểu:

“Vinh dự ngày hôm nay không chỉ là của riêng chúng tôi, mà còn là vinh dự và niềm vui chung của khoa và công nghệ nước nhà. Nhớ lại những ngày tháng chiến tranh gian khó, khi chúng tôi và nhiều trong số các quý vị ở đây còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được nghe kể về những tấm gương lao động quên mình, vượt qua gian khổ, tận tụy phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân và đã sản sinh ra những thành tựu khoa học và công nghệ khiến thế giới phải nể phục, khiến kẻ thù phải kinh ngạc.Những tấm gương lao động quên mình đã thôi thúc thế hệ chúng tôi tiếp bước”.

Đối với ngành Dầu khí Việt Nam, cụm công trình đồ sộ “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” là một khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu, phát minh của đội ngũ những cán bộ, kỹ sư Dầu khí trong suốt 24 năm. Cụm công trình này được xem là một phát hiện làm thay đổi quan điểm tìm kiếm dầu khí truyền thống trên thế giới…

TSKH Phùng Đình Thực cho rằng cụm công trình đoạt giải thưởng chính là hành động cụ thể và việc làm tiêu biểu nhất của những người làm Dầu khí thực hiện mong ước của Bác Hồ.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học nước ngoài vào những công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng bằng khen cho 3 nhà khoa học là đồng tác giả của cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”, những tác giả: TS Ivanov A.N, TS Aresev E.G, TSKH Boiko V.I.

12 công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và 20 công trình đoạt Giải thưởng Nhà nước là những nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn và kết quả được vận dụng trong cuộc sống, góp phần cải tạo tự nhiên, xã hội, đúng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân…”.

Đồng chí Đinh Thế Huynh trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 3 tác giả nước ngoài là đồng tác giả của cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà đọc quyết định của Chủ tịch nước về trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả và nhóm tác giả.

TSKH Phùng Đình Thực, đại diện cho nhóm tác giả của cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao giải cho các tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả đoạt giải.

Bộ trưởng Nguyễn Quân và TSKH Phùng Đình Thực cùng trao các giải thưởng cho các tác giả của cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam"

Danh sách các công trình được đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh 2010

- Lĩnh vực khoa học xã hội:
1. Công trình: Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng đối với một đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhóm tác giả: Cố GS. Đặng Xuân Kỳ, PGS. TS. Nguyễn Thanh Tuấn, PGS. TS. Trần Minh Trưởng.
2. Cụm công trình: Văn hóa Việt Nam: Truyền thống và hiện đại. Tác giả: Cố GS. Trần Quốc Vượng.
3. Cụm công trình: Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Tác giả: GS. Hà Minh Đức.
4. Cụm công trình: Nghiên cứu, phê bình văn học trung đại Việt Nam và ngữ văn Hán Nôm. Tác giả: GS. Lê Trí Viễn.
5. Cụm công trình: Lý luận phê bình, phương pháp luận nghiên cứu văn học. Tác giả: GS.TSKH Bùi Văn Ba (Phương Lựu).

- Lĩnh vực khoa học tự nhiên:
6. Cụm công trình: Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam. Đồng tác giả: gồm 49 người.
7. Cụm công trình: Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và Danh lục Đỏ Việt Nam. Đồng tác giả: 45 người.
8. Cụm công trình: Thiên nhiên, lãnh thổ và các vùng địa lý Việt Nam. Tác giả: Cố PGS. Lê Bá Thảo.

- Lĩnh vực khoa học kỹ thuật:
9. Công trình: Ứng dụng 5 giải pháp khoa học công nghệ để chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam. Tác giả: CN. Nguyễn Tăng Cường.
10. Cụm công trình: Nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ ngành Điện ảnh phục vụ kháng chiến bảo vệ tổ quốc và phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Tác giả: PGS. TS. Trần Quang Ngọc.

- Lĩnh vực khoa học nông nghiệp:

11. Cụm công trình: Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan. Đồng tác giả: 1. GS.TS Trương Đình Dụ, PGS.TS Trần Đình Hòa. 3. ThS Trần Văn Thái, ThS Thái Quốc Hiền, ThS Trần Minh Thái, TS. Vũ Hồng Sơn, ThS Nguyễn ThếNam, 8. ThS Phan Đình Tuấn.

+ Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan. Đồng tác giả: 6 người

- Lĩnh vực khoa học y – dược:

12. Cụm công trình: Nghiên cứu mô hình kết hợp quân dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Đồng tác giả: GS.TS. Nguyễn Văn Thưởng, GS.TS. Lê Bách Quang, Cố GS.TS. Phạm Ngọc Giới. TS.Chu Tiến Cường. TS. Đinh Ngọc Duy, TS. Trần Huy Dụng, BSCKI. Đào Nguyễn Thắng. Cố GS. TS. Đỗ Nguyễn Phương và các cộng sự.

20 công trình nhận Giải thưởng Nhà nước

Trong số 20 công trình khoa học và công nghệ đoạt Giải thưởng Nhà Nước, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiếm 11 công trình và cụm công trình, khoa học kỹ thuật và y- dược, mỗi lĩnh vực 3 công trình; khoa học tự nhiên – 2 công trình, khoa học nông nghiệp – 1 công trình.

 

Nhóm phóng viên Petrotimes

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc