Chủ tịch Dragon Capital: Thị trường vốn Việt Nam đang khá rẻ và hấp dẫn

20:45 | 04/07/2018

279 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ tịch Dragon Capital cho hay, 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Thái Lan, Indonesia hay Phillipines nhưng tại thị trường Việt Nam dòng tiền rót vào vẫn đạt con số 1,5 tỷ USD cho thấy phần nào nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn niềm tin với thị trường Việt Nam.
chu tich dragon capital thi truong von viet nam dang kha re va hap dan
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kì 2018 (VBF) diễn ra sáng nay (4/7), trong phiên thảo luận về thị trường vốn, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital, đại diện nhóm công tác vốn chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm, thị trường tài chính toàn cầu suy giảm vì hai lý do chính.

Thị trường đang rẻ và hấp dẫn

Trong đó bao gồm lo ngại tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ và việc lãi suất đồng USD tăng cũng góp phần làm giảm sức hấp dẫn của thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi.

"Việt Nam không đứng ngoài những lo ngại này", ông Dominic Scriven nói.

Trả lời cho câu hỏi nhà đầu tư nước ngoài có đang tháo chạy khỏi Việt Nam, Chủ tịch Dragon Capital dẫn một số thống kê cho hay, trong 6 tháng đầu năm các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Thái Lan 5,6 tỷ USD; Indonesia 3,7 tỷ USD; Philippines 1,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam dòng tiền rót vào vẫn đạt con số 1,5 tỷ USD cho thấy phần nào nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn niềm tin với thị trường Việt Nam.

Theo ông, cùng với lạm phát nhích lên, tỷ giá thay đổi và thị trường chứng khoán có nhiều biến động khiến cho VN-Index hôm 3/7 âm 7% so với đầu năm, tức là thấp hơn đỉnh cao của tháng 3 năm nay 20%.

"Nhưng nếu nhìn về giá trị doanh nghiệp, tỷ lệ giá trên lợi nhuận P/E của thị trường Việt Nam trong năm nay vào khoảng 10 – 12 lần trong khi khả năng tăng trưởng lợi nhuận và EPS của các công ty trên 25%. Điều này cho thấy, mặt bằng giá trị các công ty niêm yết tại Việt Nam thuộc loại khiêm tốn nếu không muốn nói là khá rẻ và hấp dẫn", ông nhận định.

Vị chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên tin tưởng rằng thị trường vốn tại Việt Nam đang phát triển khá mạnh mẽ và bền vững những năm gần đây.

"Tổng giá trị vốn hóa của cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã tăng từ 70 tỷ USD lên 200 tỷ USD. Tổng giá trị giao dịch hàng ngày hướng tới vượt 1 tỷ USD trong khi tổng vốn của các doanh nghiệp niêm yết trong nước phát hành là 5 – 10 tỷ USD/năm. Từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã huy động trên 4 tỷ USD", ông dẫn con số minh chứng cho nhận định trên.

Sớm lấy ý kiến sửa đổi Luật Chứng khoán

Tại VBF, với vai trò đại diện cho Nhóm Công tác Thị trường vốn, ông Dominic đưa ra một số kiến nghị để phát triển thị trường này. Trong đó, Nhóm Công tác kiến nghị công bố Dự thảo Luật Chứng khoán (Dự thảo Luật) để lấy ý kiến sớm vì luật này rất chuyên sâu và có nhiều vấn đề kỹ thuật, việc rà soát và góp ý sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.

Nhóm Công tác cũng cho rằng, Luật Chứng khoán sửa đổi cần theo hướng cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; các công ty đại chúng và các quỹ đầu tư trừ trường hợp bộ luật, luật, hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.

Đồng thời, coi các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng và các quỹ đầu tư thành lập tại Việt Nam, là nhà đầu tư trong nước không kể tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty và các quỹ này.

Theo Nhóm Công tác, thị trường vốn Việt Nam vẫn thiếu hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức, và nhược điểm này gây trở ngại rất lớn đối với việc phát triển hệ thống những quỹ mở, công ty đầu tư, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và những ưu đãi đầu tư.

Do đó, Nhóm Công tác kiến nghị Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng sau đây cho phép các quỹ đầu tư chứng khoán được thành lập dưới các loại hình theo Luật Doanh nghiệp 2014 (bên cạnh các loại hình quỹ hiện tại). Bên cạnh đó, đa dạng loại hình quỹ bằng cách cho phép ngành quản lý quỹ có cơ sở để thành lập được các loại hình quỹ phổ biến trên thế giới đáp để đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của các nhóm nhà đầu tư khác nhau dựa trên mục tiêu đầu tư, mức chịu đựng rủi ro và yêu cầu lợi nhuận (risk-return).

Dân trí