Chữ nghĩa trong công vụ!

10:50 | 23/01/2018

2,634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng ra không nên viết lại chủ đề này vì nó “xưa như trái đất” và “chuẩn như kinh thánh”, rồi trong tục ngữ của Việt Nam cũng có câu “bút sa gà chết”.

Thế nhưng thời gian gần đây, trong nhiều văn bản có tính pháp lý của cơ quan có thẩm quyền đã để xảy ra những sai sót đáng tiếc khiến dư luận đặt lại vấn đề chữ nghĩa trong công vụ.

Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây 1 năm, trong hội nghị chuyên ngành, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót trong ngành tòa án. Đó là các vụ tạm đình chỉ còn nhiều, lên tới 22.000 vụ trong năm trước đó. Một trong những thiếu sót ông nêu ra là vấn đề chữ nghĩa. Chẳng hạn, nhiều trường hợp viết bản án có lỗi về chính tả, thậm chí viết một đằng tuyên một nẻo. Hoặc có trường hợp 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung…

chu nghia trong cong vu

Ấn tượng nhất và đây cũng có thể coi là thái độ cầu thị, ông cho biết, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…

Suy cho cùng, đây cũng là thể hiện một trong những điểm yếu của nhiều công chức của ta hiện nay, đó là thiếu tính chuyên nghiệp trong một lĩnh vực liên quan nhiều đến chữ và nghĩa.

Xin dẫn ra đây vài bài học cho những sai sót về lỗi chính tả, một loại lỗi nhỏ nhất trong văn bản, để bạn đọc có thể thấy sự trả giá đôi khi ngoài sức tưởng tượng.

Đầu tiên là nhầm một cái dấu gạch nối. Việc thiếu sót duy nhất một dấu gạch nối trong đoạn mã thiết lập tốc độ và quỹ đạo đã khiến con tàu thăm dò liên hành tinh Mariner 1 trị giá 80 triệu USD của NASA phát nổ ngay khi rời mặt đất được vài phút.

Lỗi khác vì nhầm con số. Sở giao thông New York đã phải thu hồi 160.000 bản đồ và áp phích khi ghi giá vé là 4,5USD (bằng với giá cũ thay vì giá mới là 5,0USD). Dĩ nhiên là giới chức không thể làm khác ngoài việc thu hồi số áp phích trên vì lượng người đi tàu mỗi ngày ở đây là vô cùng khổng lồ.

Lỗi nữa là “nhầm ngón tay trên bàn phím”. Công ty du lịch Banner Travel Services tại California trong nỗ lực quảng bá hình ảnh của mình đã đăng thông tin về dịch vụ trên tập “Trang vàng doanh nghiệp”. Tuy nhiên, lỗi đánh máy đã biến dòng quảng cáo “exotic destinations” (những điểm đến lạ kỳ) thành “erotic destinations” (những điểm đến khiêu dâm). Kết quả là công ty in bị kiện, xử phạt 10 triệu USD, cho dù họ đã đưa ra lời xin lỗi và không thu phí hằng tháng 230USD…

Đấy là chỉ xin nêu những lỗi nhỏ nhất, dễ mắc nhất và sự trả giá cũng dễ khắc phục nhất, đó là tiền bạc. Còn nếu những trả giá liên quan đến sinh mạng con người, như tòa án, y tế… thì quả không thể đo đếm.

Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Đầu tiên, có lẽ cần hoan nghênh sự cầu thị của ngành tòa án nước nhà khi thực hiện một việc không mấy ai dám công khai, đó là mời các giáo viên dạy văn đến dạy chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy… cho đội ngũ CBCC. Bởi đây là lỗi từ gốc, đó là kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông, cũng không khó khắc phục.

Tiếp đến là lỗi kiến thức công vụ. Theo các nghiên cứu cho hay, đội ngũ CBCC trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay có một nhược điểm rất lớn là được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, đảm trách những công việc khác nhau, chưa xuất phát từ chuyên ngành được đào tạo. Do đó, công việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phải được thực hiện thường xuyên và đánh giá nghiêm ngặt. Tính chuyên nghiệp cần được phát triển trên nền tảng của kiến thức, chuyên môn phù hợp với công việc của CBCC. Việc bổ sung, cập nhật kiến thức được tiến hành qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng và qua việc cung cấp các tài liệu cần thiết cho CBCC tự nghiên cứu, học tập.

Tuy nhiên, cái khó lớn nhất có lẽ là xây dựng lòng tự trọng công vụ trong mỗi CBCC. Khi có lòng tự trọng, những lỗi chính tả hoặc lỗi văn phạm hoàn toàn có thể tự học bổ túc và tự kiểm soát được chứ không đến nỗi phải để cơ quan kêu gọi rồi đứng ra tổ chức. Lòng tự trọng sẽ là một cái “má phanh” hữu hiệu ngăn cản sự cẩu thả, tính vô trách nhiệm… trong mỗi hành vi công vụ. Lòng tự trọng khiến con người luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức của cơ quan giao phó. Lòng tự trọng của mỗi thành viên sẽ là nền tảng bền vững trong quá trình phát triển và hoàn thiện của mỗi tổ chức…

Đã có nhận xét, đây cũng là cái gốc của mỗi CBCC chuyên nghiệp.

Theo TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia, quá trình vận động và phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) hiện nay còn bộc lộ một số yếu, kém cần khắc phục.

Thứ nhất, đội ngũ CBCC đảm trách những công việc khác nhau chưa xuất phát từ chuyên ngành được đào tạo. Do đó, phải đào tạo, bồi dưỡng thêm nhiều, gây tốn kém về thời gian và tiền của, hiệu quả không cao; Thứ hai, phần nhiều CBCC học kinh nghiệm, cách làm việc của người đi trước, cách làm này dễ học, không tốn kém, nhưng khó có thể tạo ra những đổi mới, những đột phá trong thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, kỹ năng làm việc chưa cơ bản, thể hiện sự chắp vá, mò mẫm; Thứ ba, tổ chức công việc còn chưa rõ ràng, chưa phân định thành các công đoạn để thực hiện công việc. CBCC chưa được chú trọng để có được bản mô tả công việc cụ thể và quy trình công việc hoàn chỉnh. Do vậy, tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBCC đây đó còn mờ nhạt và vẫn còn là một từ ngữ xa lạ và “xa xỉ” đối với nhiều người.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc