Bộ Giáo dục – Đào tạo:

“Chốt” phương án thi THPT quốc gia 2018

17:26 | 25/09/2017

1,129 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 25/9, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018.  

Bộ GD&ĐT cho biết, sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình, đánh giá cao. Do vậy, Bộ cũng khẳng định phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017.

Trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

chot phuong an thi thpt quoc gia 2018
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT năm 2017

Trong các năm 2018, 2019 và 2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, đến năm 2021, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong những năm tới, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định sẽ rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường; đồng thời triển khai các giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp bậc học.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Trước đó, dư luận xã hội cũng bày tỏ băn khoăn khi mức điểm ưu tiên dành cho một số đối tượng đang quá cao, khiến nhiều thí sinh có học lực khá trượt đại học, trong khi nhiều thí sinh đỗ đại học do… điểm ưu tiên cao. Trước tình trạng này, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh là cần thiết, giảm sự chênh lệch vùng miền để từ đó tạo ra sự công bằng cho các thí sinh. Đại diện Bộ còn khẳng định tỷ lệ thí sinh ở khu vực 3 (không được ưu tiên - NV) đỗ vào các trường đại học tốp trên vẫn cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thí sinh ở nông thôn, miền núi.

Nhã Anh