Chống trộm điện để giảm tổn thất điện năng

07:30 | 29/05/2015

1,410 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (HCMC) luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác giảm tổn thất điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc HCMC là do tổng công ty đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, kinh doanh và chống trộm điện.

Năng lượng Mới số 425

PV: Trước hết xin ông cho biết, công tác giảm tổn thất điện năng của tổng công ty được xác định như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lý: Với HCMC, giảm tổn thất điện năng luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu được Đảng ủy, lãnh đạo tổng công ty quan tâm và yêu cầu các điện lực quyết liệt thực hiện. Trên tinh thần đó, năm 2014, theo kế hoạch, tổng công ty được EVN giao thực hiện là 5,3%, giảm 0,2% so với năm 2013. Tuy nhiên, với nỗ lực bằng nhiều giải pháp, chúng tôi đã thực hiện đạt 5,08%. Còn năm 2015, kế hoạch Tập đoàn giao là 5,05% nhưng tổng công ty đặt mục tiêu thực hiện trong năm nay là 4,95%, thấp hơn 0,1%. Đây là điều chúng tôi luôn đề ra để phấn đấu hằng năm.

Chống trộm điện để giảm tổn thất điện năng

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc HCMC

PV: Trộm cắp điện được xác định là một trong những nguyên nhân lớn gây tổn thất điện năng. Vậy tổng công ty đã có giải pháp như thế nào để giảm thiểu tình trạng này?

Ông Nguyễn Văn Lý: Có thể nói rằng, hiện tượng tiêu cực khi sử dụng điện trong xã hội vẫn còn. Các hình thức gian lận điện thì ngày càng tinh vi hơn. Những hình thức thô sơ như câu trực tiếp thì bây giờ gần như không còn mà thay vào đó, người ta dùng nam châm vĩnh cửu nhỏ bằng bao thuốc đặt lên công tơ. Khi đó, bất kể là công tơ điện tử hay công tơ cơ thì đều chạy chậm lại...

Liên quan đến hình thức này, cách đây 5 năm, chúng tôi đã có thỏa thuận với khách hàng đưa công tơ ra ngoài hoặc kết hợp với việc thay bảo trì công tơ để đưa công tơ điện ra ngoài. Hiện số điện kế đặt bên ngoài đã chiếm được khoảng 60%. Việc đưa điện kế ra bên ngoài thì có mặt tích cực là không làm phiền khách hàng, tức là nhân viên ngành điện không phải đi vào nhà khách hàng để ghi điện hay kiểm tra. Nhưng nó cũng lại có mặt không tốt là làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm ra những thiết kế phù hợp để nó vẫn đảm bảo mỹ quan đường phố. Nhưng cái tác dụng lớn nhất của cách làm này là việc tác động vào điện kế đã giảm hẳn. Khi đặt trong nhà thì việc tác động sẽ rất khó thấy, khó kiểm tra, nhưng khi ở ngoài thì việc tác động vào điện kế sẽ khó thực hiện.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đặt các nhà sản xuất điện kế thiết kế sao cho khi có tác động từ bên ngoài vào, nó sẽ phát ra những cảnh báo bằng âm thanh. Và như vậy, những đối tượng có ý định tác động vào điện kế để gian lận điện sẽ khó hoặc không dám thực hiện, từ bỏ ý đồ gian lận.

Chống trộm điện để giảm tổn thất điện năng

Kiểm tra các thông số kỹ thuật tại phòng điều độ HCMC

Bên cạnh đó, để giảm vấn đề câu điện bất hợp pháp, chúng tôi cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuống địa phương. Hiện nay có tình trạng là một số đối tượng sản xuất ra một số thiết bị tạo ra dòng điện ngược và như thế số liệu đo của điện kế sẽ không chính xác. Mà người dân lại cho rằng, đây là thiết bị tiết kiệm điện. Vì thế, đôi lúc họ không hề có ý định ăn cắp điện nhưng lại mua những thiết bị ăn cắp điện. Chính vì thế, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho người dân phải rất cẩn trọng trước những lời chào mời, giới thiệu các sản phẩm này.

PV: Vậy kết quả thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lý: Với những nỗ lực, giải pháp như trên, số lượng các vụ trộm cắp điện đã giảm dần qua các năm, khoảng 15-20% số vụ hằng năm. Điều này cho thấy, dù trộm cắp điện vẫn còn phổ biến nhưng nỗ lực chống trộm cắp điện của ngành điện đã có kết quả, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng trộm cắp điện. Và cũng chính nhờ đó, tổn thất điện năng của tổng công ty hiện đang ở mức thấp nhất trong 5 tổng công ty của EVN.

PV: Hiện đang có thông tin các cơ quan chức năng đang nghiên cứu ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý tình trạng trộm cắp điện. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Văn Lý: Chúng tôi cho rằng, đây là điều cần thiết để răn đe hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Hiện nay, rất nhiều trường hợp vi phạm với một mức độ lớn, thậm chí sản lượng điện trộm cắp tính theo giá trị lên tới hàng tỉ đồng nhưng lại chưa có vụ việc nào được khởi tố hình sự. Lý do là việc trộm cắp điện có tính chất khác hơn với trộm cắp các tài sản khác, nó không cụ thể. Chúng tôi chỉ có thể tính toán được giá trị sản lượng điện trộm cắp dựa trên các công thức tính toán. Mà với ngành tư pháp, người ta cho rằng điều đó là không chặt chẽ và không thể khởi tố mặc dù việc trộm cắp được họ công nhận, đối tượng trộm cắp điện đồng ý bồi thường. Việc xử lý trộm cắp điện vì thế rất khó khăn.

Chúng tôi cho rằng, thông tư liên bộ hoặc quy định liên bộ sẽ được ban hành, qua đó giúp tổng công ty giảm tổn thất điện năng. Và tôi cũng tin rằng, nó cũng sẽ đóng góp quan trọng cho các tổng công ty, điện lực trên toàn quốc trong công tác này.

PV: Đâu là đích hướng tới mà tổng công ty đề ra trong công tác giảm tổn thất điện năng?

Ông Nguyễn Văn Lý: Tổn thất điện năng là một vấn đề lớn của ngành điện, và được EVN đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Và khi xác định được tiềm năng, con số đích đến của mình ngang tầm với các nước trong khu vực, tức là đến năm 2020, tổn thất điện năng trong khâu phân phối sẽ xuống dưới 4%. Dưới 4% là chưa chốt số nào nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực, có thể là 3,85%. Con số này Tập đoàn sẽ phê duyệt nhưng từng giai đoạn, chúng tôi sẽ vạch ra những kế hoạch, công trình, giải pháp, nội dung phải thực hiện.

PV: Vậy tổng mức kinh phí để thực hiện mục tiêu này là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lý: Trong những năm qua, tổng công ty thực hiện tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. Việc này có nhiều tác dụng, một là hiện đại hóa lưới điện, hai là đảm bảo năng lực cung cấp điện và kèm theo đó là những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được cải thiện, trong đó có giảm tổn thất điện năng. Chắc chắn, đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 sẽ cao hơn bởi để giảm tổn thất điện năng thì giảm càng thấp sẽ càng khó, càng tốn kém hơn. Con số cụ thể thì chúng tôi đang tính toán dựa trên từng hạng mục, nội dung thực hiện trong thời gian tới.

PV: Phải chăng trong thời gian tới, tổng công ty sẽ đẩy mạnh các giải pháp công nghệ cao, phát triển lưới điện thông minh để giảm tổn thất điện năng?

Ông Nguyễn Văn Lý: Không, chúng tôi vẫn tiến hành đồng bộ các giải pháp. Từ giải pháp về kỹ thuật vận hành, giải pháp về đầu tư xây dựng cho tới những giải pháp về mặt kinh doanh. Đó là 3 mặt trận mà chúng tôi cho rằng phải phối hợp đồng bộ.

Ngoài ra, cũng phải nói rằng, chống tổn thất điện năng cũng không thể xem nhẹ các giải pháp cổ điển được, vấn đề trộm cắp điện là cổ điển nhưng không thể xem nhẹ vì đó là hiện tượng tiêu cực xã hội, nó luôn luôn tồn tại và nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn thì nó sẽ phát triển. Thứ hai, về các giải pháp vận hành quản lý thì đây là công việc mà chúng tôi phải làm hằng ngày nhưng hình thức thì sẽ đi vào hiện đại hơn. Trước đây phải đi đến tận nơi đo tải, kiểm tra điện áp thì giờ chúng tôi đang dần chuyển sang tự động.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Ngọc

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps