Chống tham nhũng thế nào đây?

07:12 | 17/09/2015

2,495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes)  - Tham nhũng đang gây cho xã hội nhiều hậu quả khôn lường, mà lớn nhất là làm giảm lòng tin của người dân đối với bộ máy công quyền và quan chức. Vậy, chống tham nhũng thế nào đây?

chong tham nhung the nao day

Không thu được tiền thì chống tham nhũng làm gì?

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, tài sản tiền bạc thu được qua các vụ án tham nhũng và qua công tác thanh tra, kiểm tra là cực kỳ thấp. Hình như cho đến nay chưa có môt cán bộ nào khi bị đưa ra xét xử mà lại bị mất sạch nhà cửa.

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt đấu tranh với nạn tham nhũng và cũng đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, tham nhũng có vẻ vẫn chưa giảm mà đang có những biến tướng, thủ đoạn tinh vi hơn, kín đáo hơn.

Gần đây, không ít vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng mạnh mẽ “chưa từng thấy” về cách phòng và chống tham nhũng trong một số cuộc họp của Thường vụ Quốc hội và đã được nhiều báo chí đăng tải.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn: “Thử đặt câu hỏi, nếu làm ăn đàng hoàng, với đồng lương như vậy, tại sao có nhiều cán bộ giàu nhanh thế? Họ có nhiều nhà cửa, cho con cái học đi du học... Nếu người ta không tham ô, tham nhũng hoặc có thu nhập bất thường liệu có được vậy không? Do vậy, điều mà người dân phân vân về tài sản “bất thường” của họ là có cơ sở”.

chong tham nhung the nao day

“Thực tế cho thấy, việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng hiện nay còn bộc lộ nhiều yếu kém. Điều này có thể minh chứng từ việc số lượng án tham nhũng phát hiện được còn ít, không phản ánh đúng tình trạng tham nhũng hiện nay ở nước ta.

Trong khi đó, hầu hết các vụ việc khi phát hiện tiêu cực mới biết tài sản của người ta có được là bất hợp pháp. Còn bỗng dưng chúng ta thực hiện kiểm tra, xác minh tài sản của cán bộ là điều không dễ, trừ khi họ có dấu hiệu vi phạm. Cũng phải nói thêm rằng, trong Luật Phòng chống tham nhũng nước ta hiện nay, còn nhiều vấn đề bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung.

Bất cập từ việc quản lý, xác minh xử lý tài sản cả người chưa thành niên khi họ được chuyển nhượng số tài sản bất hợp pháp từ người thân. Nếu không làm rõ được điều này, thì khó đánh giá hết được việc có một đội ngũ cán bộ giàu lên một cách bất thường, bất chính. Nếu bỏ tội danh này sẽ bỏ lọt tội phạm, đặc biệt là tội tham nhũng. Điều này đồng nghĩa với việc cán bộ vi phạm có thể được tha hết…”.

Đại biểu Quốc hội Lê Nam thì nêu ý kiến: “Tôi lấy ví dụ, một trong những biện pháp chống tham nhũng hiện nay là kê khai tài sản. Nhưng việc làm này ít hiệu quả vì kê khai còn nặng tính hình thức. Tại sao chúng ta không có tội “kê khai không đúng tài sản” để bắt giữ người vi phạm?

Mặt khác, đối với người phạm tội tham nhũng, chẳng cần giam giữ phạm nhân trong tù làm gì. Bây giờ cứ làm cho người ta cái lồng rồi nhốt vào trong đó, để vợ con họ nuôi là xong”.

Còn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu hướng giải quyết: “Dứt khoát phải giải quyết được nạn tham nhũng. Bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối diện với tham nhũng trong quá trình phát triển, chỉ khác nhau là cách ứng xử thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất, nhanh nhất.

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến quá nhiều những vụ việc sai phạm lớn gây thất thoát cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng - suy cho cùng đó cũng là tiền mồ hôi nước mắt của dân đấy chứ, cho nên phải chắt chiu từng đồng, từng hào.

Nhiều người lo ngại, không chỉ có tham nhũng lớn mà tham nhũng vặt cũng tràn lan khắp nơi, gây bức xúc trong nhân dân. Chuyện này sẽ chẳng bao giờ giải quyết hết được, nếu cấp trên không nghiêm túc, đấy lại là một bài toán khó về nhân sự”.

Rồi mới đây nhất, ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Nhà nước phải cay đắng thốt lên rằng: “Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay như con hổ… không răng” - Đúng thật, “hổ không răng” thì chỉ dọa, chứ chẳng làm được trò gì”.

Rồi lại có người ví von: “Con mèo vồ miếng thịt thì mọi người xúm lại đuổi đánh, còn con hổ vồ con lợn thì đứng nhìn”.

Rồi có người nêu quan điểm ủng hộ việc tử hình tội phạm tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng…

Những ý kiến này cho thấy, đã đến lúc phải có thái độ, biện pháp cực kỳ cứng rắn đối với tội phạm tham nhũng. Còn với những cách chúng ta làm hiện nay, thì rõ ràng, không có tính răn đe, trừng phạt và khiến kẻ tham nhũng thêm nhờn. Vì nếu có bị xử lý vào tù, thì tài sản cũng chưa bị mất, cái giá phải trả quá rẻ.

Gần đây, trong một số ý kiến phân tích về “nguyên nhân xảy ra tham nhũng”, không ít người hay nói đến “chế độ đãi ngộ” và “do lương thấp, không đủ sống”… Thật đúng là những suy nghĩ “Vị… đồng tiền”. Vậy cứ theo kiểu “lý luận” này thì hễ đói, thiếu thốn… là đi trộm cắp, ăn cướp à? Con người ta sống phải có lương tâm, nhân cách và phải có trách nhiệm với cộng đồng chứ.

Rõ ràng, cách chống tham nhũng của chúng ta hiện nay còn quá nhiều những điều bất cập, mà một nguyên nhân lớn nhất là không có một cơ quan đặc biệt điều tra chống tham nhũng.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã coi tham nhũng là một thứ “giặc nội xâm”, nhưng lại giao nhiệm vụ chủ lực “chống giặc” cho tới 4 cơ quan: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thanh tra… Ngoài ra, còn nhiều cơ quan khác cũng có trách nhiệm.

Nhưng than ôi, “Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”; “Lắm thầy thối ma”; “Cha chung không ai khóc”… Điều này, cha ông ta đã nói tới từ lâu, qua những câu ngạn ngữ như vậy.

Không thể chống tham nhũng được, nếu như chúng ta vẫn cứ “chống” theo cách “cổ điển”, nặng về “giáo dục” và giao việc chủ công chống tham nhũng cho quá nhiều ngành như hiện nay.

Phải có một người chịu trách nhiệm cao nhất chứ? Phải “túm thằng có tóc” mà xử lý chứ? Như thế này, nếu có tham nhũng nghiêm trọng xảy ra, sẽ quy trách nhiệm cho ai đây?

Cho nên, nếu không sớm sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng và đặc biệt là không có một cơ quan tối cao, được giao những quyền hạn lớn - như kiểu “Cơ quan điều tra đặc biệt chống tham nhũng” - thì đừng bao giờ nói đến chống được tham nhũng.

Tốt nhất là việc điều tra chống tham nhũng nên giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, công an là lực lượng chuyên trách đấu tranh với các loại tội phạm, công an có những biện pháp nghiệp vụ, có lực lượng trinh sát, điều tra… Và sự thực thì từ nhiều năm qua, lực lượng công an đã điều tra, khám phá nhiều án tham nhũng nhất.

Các ngành khác như Tòa án, Viện Kiểm sát, Thanh tra thì giữ vai trò phối hợp, kiểm tra, giám sát. Đừng sợ lực lượng công an lạm quyền, lộng quyền, đừng sợ lực lượng công an có quá nhiều quyền lực…

Có một nguyên tắc là: “Đã giao việc thì phải tin. Mà không tin thì đừng giao” - Vậy chẳng lẽ Đảng, Chính phủ và nhân dân… không tin lực lượng công an ư?

 

Như Thổ

Năng lượng Mới 457

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc