Chọn người tài đức

06:57 | 11/05/2016

913 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
70 năm với 13 khóa Quốc hội và hiện nay công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Ngày 22-5, cử tri cả nước sẽ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4-1 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã chỉ rõ: Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.

chon nguoi tai duc

Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan, hệ thống chính trị phải lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ ĐBQH và đại biểu HĐND.

Đặc biệt, Chỉ thị nêu rõ, không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.

Thực hiện Chỉ thị quan trọng này, đến nay toàn bộ công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp khóa 2016-2021 đã chuyển sang các hoạt động tiếp xúc giữa các ứng viên với cử tri. Đây là giai đoạn lắng nghe và trao đổi để những người ứng cử báo cáo với nhân dân chương trình hành động của mình nếu được bầu vào Quốc hội và HĐND khóa tới.

Vào những ngày này, cử tri Việt Nam nhớ tới bản “chiếu cầu hiền” - mong mỏi tìm người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu Quốc, nay là báo Đại Đoàn Kết. Người viết: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào, chắc không thiếu người có tài, có đức”. Ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Mặt trận Việt Minh - tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đã ý thức được quyền làm chủ và trách nhiệm của mình, đã nô nức đi bầu cử. Ngày 6-1-1946 thực sự là ngày hội của những công dân đã được làm chủ đất nước.

Năm 1945, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có 20 triệu dân và khoảng 5.000 đảng viên, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng ta đủ tầm, đủ lực để tìm người tài đức ra lo việc nước. 70 năm sau, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có hơn 90 triệu người và Đảng lãnh đạo theo hiến định đã có hơn 4 triệu đảng viên càng chắc chắn không thiếu người tài đức. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể phát huy tối đa nguồn lực vô giá này, chọn người thực sự xứng đáng bầu vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập hiện nay…

So với danh sách ban đầu, sau các lần hiệp thương, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hết sức coi trọng số dư ứng cử viên cần thiết để bước vào vòng hiệp thương chốt danh sách bầu cử. Đây là cơ sở đảm bảo cho Hội đồng Bầu cử các cấp lựa chọn được những ứng viên đủ tiêu chuẩn vào danh sách ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử. Theo thông báo chính thức, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương đã giới thiệu số lượng người ứng cử đều cao hơn số lượng cần bầu, chấm dứt tình trạng số dư quá ít, gây khó khăn cho sự lựa chọn của cử tri. Nhiều ý kiến cho rằng, với số lượng ứng cử viên được giới thiệu nhiều hơn so với trước đây sẽ là cơ sở để công tác chuẩn bị cũng như cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ.

Theo đúng quy trình và tiến độ công tác chuẩn bị bầu cử, đến cuối tháng 4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 870 người chính thức ứng cử ĐBQH khóa XIV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước, để cử tri lựa chọn bầu ra 500 ĐBQH khóa XIV đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu. Đây là tỷ lệ cao nhất so với nhiều cuộc bầu cử trước đây. Trong đó, số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV do Trung ương giới thiệu là 197 người; địa phương giới thiệu là 673 người và có 11 người tự ứng cử. Về cơ cấu giới tính, có 339 ứng cử là phụ nữ, chiếm tỷ lệ 38,97%; người dân tộc thiểu số có 204 người, chiếm tỷ lệ 23,45%; người ngoài Đảng có 97 người (chiếm tỷ lệ 11,15%) và số người tái cử chỉ có 168 người, chiếm tỷ lệ 19,31%. Đặc biệt là số ứng viên trẻ tuổi lên tới 268 người, chiếm trên 30%.

Hiện nay, điều mà cử tri quan tâm nhất là tiêu chuẩn và chất lượng ứng cử viên. Ứng cử viên phải đủ đức, đủ tài, gắn bó mật thiết với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, qua đó đề xuất kiến nghị đến các cấp lãnh đạo để giải quyết nguyện vọng của dân. Nhiều cử tri cho rằng, để có thể nói được tiếng nói của cử tri thì bên cạnh việc lắng nghe, gắn bó, sâu sát với người dân, ĐBQH và HĐND còn phải quyết liệt bám sát, kiên trì để liên tục kiến nghị giải quyết nguyện vọng của dân.

Đáng quan tâm là sau nhiều khóa Quốc hội, số đại biểu nữ đều không đạt tỷ lệ cần thiết. Lần bầu cử này số ứng cử viên nữ đã cao hơn, tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn là nỗ lực rất lớn, đặc biệt là sự ủng hộ của cử tri. Theo các cử tri cao tuổi, người dân, khi cầm lá phiều bầu, cần những tiêu chuẩn cụ thể, không phải là có trình độ chung chung mà phải là những tiêu chuẩn phù hợp với đặc thù địa phương, dân cư nơi đó. Với tất cả các cử tri có ý thức công dân, sẽ là một sự lựa chọn không dễ dàng, bởi lẽ số dư tới 1,74 người để chọn một người. Người tài đức không hiếm. Trong số 870 ứng viên, ai cũng xứng đáng và có thể trúng cử. Và trong khi bỏ lá phiếu bầu, với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện qua sự cân nhắc, cẩn trọng của cử tri sẽ đạt kết quả đúng như Bác Hồ từng mong muốn từ cuộc Tổng tuyển cử khóa I năm 1946.

Bảo Dân

Năng lượng Mới 520