Chọn ngành, chọn nghề

19:03 | 08/09/2015

815 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Học là một chuyện, ra trường làm việc có trụ được với nghề lại là một chuyện khác. Khi chọn trường, chọn ngành học trừ số ít các em có lựa chọn và định hướng từ trước phần lớn còn lại là chọn theo cảm tính, theo bạn bè, theo xu thế xã hội nên không ít bạn trẻ ra trường làm việc thiếu lửa, thiếu đam mê, không thích nghi được nên dẫn đến thất bại hoặc bỏ nghề.

Tháng 8 vừa rồi tôi có dịp lên tàu Bình Minh 02, lúc chuyện trò với các anh ở Bộ phận địa chấn (Seismic Crew) đang làm việc ở khoang nguồn nổ về nghề này mới thấy rất vất vả. Đa số các anh đều là kỹ sư tốt nghiệp ĐH Mỏ địa chất Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH Khoa học tự nhiên… Những trường nằm trong tốp đầu khối ngành kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay.

Trong lúc chuyện trò tôi hỏi: Thế có ai sau một thời gian làm rồi bỏ nghề không? Các anh cũng chân thành tâm sự: “Nghề “đi biển” so với các nghề khác trên đất liền thì thu nhập tốt hơn nhưng rất vất vả. Có những hôm thời tiết xấu, sóng bổ cao đến mũi tàu thì chúng tôi chẳng ăn uống gì cả ngày nhưng vẫn phải đảm bảo cho công việc thông suốt. Có nhiều chàng lính mới ra trường lên tàu đi được một hai chuyến không chịu nổi vất vả thì tuyên bố bỏ nghề, lên bờ tìm việc khác làm hoặc chuyển nghề.

hinh
Học sinh mùa tựu trường năm học 2015-2016

Có lần tôi đi dự sự kiện của Hiệp hội kỹ sư dầu khí quốc tế (SPE) trao học bổng cho sinh viên ĐH Bách Khoa TPHCM. Hằng năm hiệp hội SPE đã tặng nhiều suất học học bổng có trị giá đến 160 triệu VNĐ cho sinh viên học ngành kỹ thuật Dầu khí tại Việt Nam. Ngoài ra SPE còn tài trợ rất nhiều sách, báo, các ấn phẩm, phần mềm chuyên dùng để nâng cao kiến thức, kỹ năng học tập và nghiên cứu cho sinh viên.

Hôm đó khi trò chuyện với TS Tạ Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Kỹ thuật địa chất và Dầu khí, ĐH Bách khoa TPHCM: “Rất nhiều sinh viên nhận học bổng SPE sau này làm việc trong các công ty dầu khí lớn ở Việt Nam và nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới”. Anh bảo làm thầy giáo như chúng tôi thấy rất mừng vì thành quả đó. Và chúng tôi cũng mong rằng, ngày càng nhiều sinh viên ngành kỹ thuật sẽ nhận học bổng của SPE nói riêng cũng như nhiều công ty dầu khí trong nước để các em có động lực gắn bó với nghề. Nghề dầu khí cực lắm, không phải ai học dầu khí ra trường đi làm thì bám trụ lâu được với nghề đâu. Vì thầy biết rằng, có nhiều sinh viên sau khi ra trường, đi làm việc trên các công trình biển, vất vả quá không chịu được khổ, không thích nghi với công việc nên đã bỏ nghề.

Dĩ nhiên trong quá trình học đại học có nhiều em thấy mình không phù hợp với ngành đã chọn và quyết tâm bỏ ngang để thi lại chọn ngành khác. Nhưng không phải ai cũng có cam đảm để thử thách như vậy. Vì thế, năm 2012 khi hay tin sinh viên Võ Văn Huy (ngụ xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, Phú Yên) là cậu học trò nghèo đất Phú từng đạt huy chương đồng Olympic toán quốc tế bỏ ngang trường ĐH Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều người bất ngờ. Trên thực tế, để đỗ vào ĐH Y dược TPHCM là ước mơ của hàng nghìn học sinh, có năm tổng 3 môn thi là 27 nhưng có thí sinh vẫn trượt.

Khi quyết định bỏ học Y dược, Huy điện thoại thông báo với gia đình: “Dường như học Y không phù hợp với con lắm”. Rồi em xin gia đình để em ôn thi lại ĐH Bách Khoa TPHCM. Cũng thật bất ngờ, chỉ còn nửa tháng là đến kỳ thi ĐH nhưng năm đó Huy đỗ thủ khoa vào ĐH Bách Khoa với tổng số điểm 3 môn là 29.

Ngày 12/9 tới đây Võ Văn Huy sẽ lên đường sang Paris học tập sau khi em nhận được học bổng Eiffel của chính phủ Pháp và học tại Trường ĐH Bách Khoa Paris. Cùng lúc này Võ Văn Huy được trường ĐH Quốc gia Singapore cấp học bổng ASEAN của chính phủ nước này nhưng em đành viết thư từ chối, vì em đã quyết chọn sang Pháp học.

Với một người thông minh, học giỏi, chịu khó và có quyết tâm lớn như Võ Văn Huy thì rất nhiều người thân, thầy cô, bạn bè kỳ vọng Huy sẽ thành công. Và trên thực tế Huy là một học sinh, sinh viên quá xuất sắc. Nhưng không phải ai khi đang học thấy không hợp, bỏ ngang, thi lại học trường khác đều đạt được nguyện vọng như mình mong muốn. Vì thế, việc được tư vấn hướng nghiệp phù hợp với điều kiện tài chính gia đình, với năng khiếu bản thân từ những năm học trung học cơ sở có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho bước đường lập nghiệp về sau.

Chọn ngành, chọn nghề
Hướng nghiệp sớm sẽ giúp học sinh ít bỡ ngỡ trong chọn nghành học, chọn nghề về sau

Được biết, có một công ty kính ở miền Trung có hơn 1.000 công nhân có bằng đại học. Và thời gian qua có rất nhiều bài báo viết về việc cử nhân giấu bằng đi xin làm công nhân. Một thực tế tréo ngoe.

Vì sao xã hội đang thừa thầy, thiếu thợ nhưng hằng năm vẫn có mấy trăm nghìn học sinh phổ thông đổ xô đi học đại học thay vì chọn cao đẳng, trung cấp nghề. Phải chăng do quan niệm trọng bằng cấp. Do cách tuyển dụng trọng bằng cấp hay vì những lý do gì khác. Có lẽ khi xã hội chưa nhìn nhận và đánh giá một người dựa trên thực lực thay vì dựa trên bằng cấp thì chắc chắn lúc đó mọi người sẽ có cái nhìn khác về việc chọn ngành học, chọn nghề để mưu sinh, chọn đam mê để theo đuổi.

Nói như họa sĩ – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân thì xã hội càng phát triển thì nghề nghiệp càng biến động. Đào tạo không đi trước, linh hoạt mà thụt lùi sau thực tế thì ngành nghề càng xáo trộn. Trong xã hội ta hiện nay, đào tạo ngành nghề mang tính hình thức, giáo điều nên càng xáo động, lãng phí, thất nghiệp nhiều. Thực học thì mới thực hành được. Hư học thì là giả dối và không chuyên nghiệp được.

Thiên Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.