"Choáng" vì giá gửi xe mới

09:19 | 15/01/2018

957 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông vào nội đô, UBND TP Hà Nội quyết định tăng mức phí sử dụng lòng đường, hè phố bắt đầu từ ngày 1-1-2018.

Người giàu cũng ngán

Theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 15-12-2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, mức phí sử dụng lòng đường, hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến phố cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Các khu vực tính từ trung tâm thành phố đến đường vành đai 3 cũng tăng dao động 130-250%; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành.

Riêng đối với các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iParking), được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu. Mức phí trông giữ phương tiện xe máy ban ngày sau tăng giá là 5.000 đồng/xe/lượt, ban đêm là 8.000 đồng/xe/lượt, cả ngày và đêm là 12.000 đồng/xe/lượt; ôtô sau tăng giá dao động 30.000-50.000 đồng/xe/lượt (1 lượt tối đa không quá 60 phút, quá thời gian 60 phút thu thêm các lượt tiếp theo. Trường hợp gửi xe qua đêm từ sau 18 giờ hôm trước đến trước 6 giờ hôm sau tính bằng 6 lượt). Thậm chí có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1,7 triệu đồng lên 2,6 triệu đồng/ôtô/tháng. Các trung tâm thương mại, tòa nhà, giá trông giữ phương tiện vẫn giữ nguyên.

choang vi gia gui xe moi

Khá bất ngờ và “sốc” với giá trông giữ xe mới của thành phố, anh Trần Văn Dũng làm việc tại một tòa nhà trên phố Trần Hưng Đạo cho hay, trước đây anh đỗ xe ôtô 2 tiếng mất 30.000 đồng, nhưng giờ áp dụng quy định mới thì giá tăng gấp đôi. Ước tính mỗi ngày nếu chỉ gửi xe khoảng 8-9 tiếng thì chủ chiếc xe ôtô này phải trả trên 300.000 đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Năng lượng Mới, các điểm trông giữ xe ở tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Phủ Doãn… trước đây rất đông, nhưng từ khi giá trông giữ xe tăng, lượng xe gửi giảm hẳn. Giá cao khiến nhiều chủ xe phải tính toán kỹ lượng trước khi lái xe ra đường, vì chỉ cần tính toán đến thu nhập để trang trải chi phí gửi xe đã chùn bước.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 939 điểm giữ xe (trong đó có 687 điểm trên vỉa hè, 245 điểm dưới lòng đường).

Trước việc tăng giá trông giữ phương tiện cao ngất ngưởng, anh Dũng cũng như nhiều người dân đang làm việc tại các tòa nhà trên phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng… đều lắc đầu ngao ngán. Chị Trần Mỹ Hạnh (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi đang làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở trên phố Lý Thường Kiệt. Phương tiện đi lại hằng ngày là xe ôtô cá nhân. Thế nhưng, với giá trông giữ phương tiện mới cao như vậy, chắc tôi phải tính đến chuyện chuyển sang sử dụng đi taxi công nghệ như Uber hay Grab, bởi lượng xe này nhiều và rẻ hơn tiền gửi xe”.

Một nhân viên trông giữ ở tuyến đường Trần Quang Khải cho hay, trước đây đường này xe gửi tấp nập, thậm chí còn không có chỗ gửi ban ngày do xe đông. Hiện giờ, xe gửi chủ yếu theo tháng nhưng giá cũng lên tới 2 triệu đồng nên một số chủ xe cũng đang cân nhắc, tính toán.

Tăng giá không hạn chế

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố là 91,1ha (chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe). Trong khi đó, hiện Hà Nội có khoảng 5,5 triệu phương tiện, mỗi năm tăng thêm 17% lượng ôtô, 11% lượng xe máy tạo nên áp lực giao thông rất lớn.

Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc tăng giá trông giữ xe để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, thúc đẩy vận tải công cộng phát triển.

Còn theo một số chuyên gia giao thông, ùn tắc giao thông đang là vấn nạn tại các đô thị trên thế giới. Ngoài các giải pháp phát triển hạ tầng, vận tải công cộng, thu phí vào nội đô giờ cao điểm, ứng dụng giao thông thông minh.. thì việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe cũng là một biện pháp mạnh để hạn chế xe cá nhân.

“Mặc dù tăng giá trông giữ phương tiện tại các tuyến nội đô sẽ hạn chế được phương tiện cá nhân, nhưng hiện nay lượng xe taxi công nghệ như Grab, Uber lại đang nở rộ. Do đó, việc hạn chế xe cá nhân chỉ giảm được một lượng không đáng kể. Điều quan trọng là số lượng xe máy hiện đang tăng với tốc độ chóng mặt và là một trong các thủ phạm gây ùn tắc giao thông đô thị trong bối cảnh hạ tầng chưa được cải thiện nhiều” - một chuyên gia giao thông chia sẻ.

Hơn nữa, hạ tầng giao thông hiện nay không đủ sức để gánh thêm lượng xe buýt gia tăng trên mặt đường. Xe buýt chỉ là kết nối với các tuyến đường sắt đô thị. Do đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị đã được phê duyệt và quy hoạch đi qua các quận mới là giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND, giá trông ôtô tại 12 tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm là Lý Thái Tổ, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ… tới 60.000 đồng/lượt/xe trong 2 giờ (30.000 đồng/1 giờ), 3 triệu đồng/tháng vào ban ngày, 4 triệu đồng/tháng gửi cả ngày và đêm; các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm có giá 50.000 đồng/lượt/xe trong 2 giờ (25.000 đồng/1 giờ), 2 triệu đồng/tháng ban ngày, 3 triệu đồng/tháng ban đêm. Các tuyến phố nằm trong vành đai 3 có giá 30.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt/xe trong 2 giờ và từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng.

Song Nguyễn