Chớ tự ý sử dụng thuốc

15:53 | 03/10/2012

983 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tại TP Hồ Chí Minh vừa xảy ra trường hợp: một bệnh nhân tự mua thuốc để điều trị ho, sốt. Chưa đầy 2 tiếng sau, bệnh nhân đã phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất xảy ra trường hợp như vậy mà đã có nhiều người phải đi bệnh viện do tự ý sử dụng thuốc điều trị. May mắn hơn nhiều trường hợp khác, bệnh nhân trên đã “thoát chết” do được cấp cứu kịp thời. Diễn biến của sự việc được ghi nhận như sau: Thấy trong người mệt mỏi, ho, sốt, bệnh nhân đã tự ý ra hiệu thuốc để mua thuốc điều trị. Sau khi trình bày biểu hiện bệnh, bệnh nhân được người bán thuốc bán cho kháng sinh cefadroxil 500mg và một lọ thuốc ho thảo dược. Về nhà, bệnh nhân mới uống cùng lúc hai loại thuốc này với liều lượng 1 viên kháng sinh và 1 thìa thuốc thảo dược. Sau 30 phút kể từ khi uống thuốc, bỗng nhiên toàn thân bệnh nhân ngứa rát, nổi mề đay, mặt sưng phù, nôn thốc tháo, cơ thể tím tái lạnh ngắt, huyết áp rối loạn... Thấy vậy, người nhà mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu bệnh viện và tại đây, các bác sĩ đã kết luận: Bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp rất dễ xảy ra khi người sử dụng thuốc tự ý đi mua thuốc điều trị cho mình mà không đi bệnh viện để được các bác sĩ chuyên môn khám chữa bệnh, kê đơn thuốc. Trong trường hợp bị sốc phản vệ như vậy, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao.

Bệnh nhi này đã nhiễm chì nặng vì cha mẹ tự ý dùng thuốc cam chữa nhiệt miệng, tưa lưỡi cho bé

Cách đây không lâu, hàng loạt các bệnh nhi phải đi cấp cứu vì bố mẹ tự ý điều trị bệnh cho con bằng thuốc cam, một loại thuốc nam được sử dụng lâu đời. Theo dân gian thì đây là loại thuốc chuyên để trị nhiệt miệng cho trẻ em và sau này người ta còn rỉ tai nhau một công hiệu nữa là: kích thích ăn uống. Cũng vì “tác dụng” như vậy mà từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa nhiều bà mẹ cho con mình uống thuốc cam mà không cần hướng dẫn, chỉ định của thầy thuốc.

Phải kể đến đầu tiên là trường hợp bé Đinh Ngọc Diệp, 8 tháng tuổi ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, con của chị Đỗ Thị Thúy. Chị Thúy kể, khi anh họ của Diệp là Đinh Thế Phúc bị nhiệt miệng đã được mẹ cho uống 2 liều thuốc cam mua ở chợ gần nhà với giá 20 nghìn đồng/liều. Cùng thời gian đó, Diệp cũng bị nhiệt miệng nên mẹ Phúc cho Phúc uống thì cũng cho Diệp uống luôn. Uống được một tuần, thì Diệp thôi không uống nữa do đã hết nhiệt miệng. Không những vậy, Diệp còn ăn khỏe, ngủ khỏe hơn. Một thời gian sau, Diệp lại tái phát căn bệnh cũ, đồng thời còn bị đi ngoài, nhớ đến “thần dược” mà con mình đã uống nên chị Thúy lại đi tìm mua thuốc cam ở nơi mẹ cháu Phúc đã mua. Lần này, chị Thúy mua trọn một liều gồm 3 loại thuốc viên có màu sắc khác nhau để cho con uống. Uống xong liều thuốc đó, Diệp khỏi bệnh. Nhưng chỉ được một thời gian, bỗng nhiên Diệp bỏ ăn, quấy khóc triền miên, miệng lúc nào cũng nôn thốc tháo, chân tay lại teo tóp đi trông thấy... Chị Thúy liền đưa con đến khám tại Viện Nhi Trung ương. Tại đây, sau khi xét nghiệm bước đầu, các bác sĩ đã cho biết men gan của Diệp tăng rất cao. Vì vậy bé phải nằm viện. 2 ngày sau, dựa trên kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ kết luận bé Diệp bị nhiễm chì lên tới 81%, phải chuyển gấp sang Phòng Cấp cứu Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Vì Viện Nhi không chuyên sâu về lĩnh vực này. Khi nhập viện, bé Diệp đã rơi vào tình trạng co giật toàn thân, sốt hơn 380, nhịp tim yếu, răng nghiến chặt và một lúc sau thì bé Diệp hôn mê hoàn toàn. Một ngày sau, bé Diệp tử vong.

Cái chết của bé Diệp quả là đau xót! Nhưng rất may, nhiều cháu cũng sử dụng thuốc cam như Diệp, trong đó có Phúc, người anh họ đã chia sẻ phần thuốc của mình cho Diệp đã không bị hậu quả nặng nề như vậy mà chỉ bị nhiễm độc chì hơn 40%. Còn những cháu khác bị nhiễm từ 40-66%. Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, 92 cháu ở Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang, sau “bài học” của Diệp đã đi xét nghiệm máu vì chữa tưa lưỡi bằng thuốc cam và tất cả các cháu đều có hàm lượng chì cao gấp 5 đến 20 lần chỉ số cho phép.

 Các mẫu thuốc cam nhiễm chì

Cũng theo thống kê, có khoảng 25-30% số bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu là do ngộ độc cấp và số tử vong chiếm 10-12%, trong đó, số bệnh nhân bị ngộ độc vì thuốc không ít. Hệ lụy của tình trạng này có thể nói bắt đầu từ chính nguyên nhân: Thói quen tự ý sử dụng thuốc của phần lớn người Việt đã tồn tại hết đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhất là với những bệnh được coi là thông thường như cảm cúm, ho, sốt, nhiệt miệng... Theo một thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tình trạng ngộ độc thuốc cảm cúm, giảm đau, hạ sốt... có thành phần paracetamol là nhiều nhất thế giới. Bởi thành phần này có hơn 300 loại khác nhau, nếu vô tình bệnh nhân uống nhiều loại thuốc có cùng thành phần trên, vô hình chung đã uống quá liều paracetamol và dẫn đến ngộ độc. Hiện tượng ngộ độc paracetamol là chân tay run rẩy, hạ nhiệt, toát mồ hôi... Đối với thuốc đông y, hay thuốc nam thì số bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc còn nhiều nữa, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi. Vào Viện Bỏng Quốc gia hay Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chứng kiến không ít trường hợp do tự chữa trị vết rắn cắn, bỏng... bằng cách đắp trực tiếp thuốc lá, thuốc nam lên vết thương, dẫn đến hoại tử chi, nhiễm trùng máu, rối loạn nhịp tim... Cho nên, theo nhận định của một chuyên gia ở Trường ĐH Y Hà Nội thì tự ý sử dụng thuốc, tự điều trị là thiếu hiểu biết, “thiếu văn minh”!

Có lẽ sẽ không cần phải nói thêm về hậu quả của việc tự ý sử dụng thuốc, tự ý điều trị. Bởi trường hợp của bé Diệp trên đây đã là bài học “xương máu”, đau xót cho thói quen này. Vì vậy, một chuyên gia của Bộ Y tế khuyến cáo: “Nếu có bệnh, nhất định phải đi khám tại các cơ sở y tế. Đối với bệnh nhi và bệnh nhân là người già thì càng phải làm như vậy vì sức đề kháng của hai đối tượng này kém hơn người bình thường”.

Và việc đi khám này, theo TS Lương Ngọc Khuê, hoàn toàn có lợi chứ không có hại cho bệnh nhân. Vì giả sử trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh trọng nhưng biểu hiện của bệnh lại đơn giản, thế là không hiểu biết, bệnh nhân chỉ ở nhà tự điều trị mà không đi khám, làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong. Nhưng nếu đi khám ngay, bác sĩ phát hiện kịp thời, việc điều trị vì thế cũng sẽ nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Cụ thể như bệnh ung thư phổi, biểu hiện ban đầu ở nhiều bệnh nhân chỉ là nhức vai, mỏi cổ. Nếu bệnh nhân chỉ bôi, dán miếng thuốc giảm đau thông thường thì chính thời gian tự điều trị đó sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Còn nếu bệnh nhân đi khám ngay, sau khi xét nghiệm, chụp chiếu... bác sĩ phát hiện ra ung thư phổi sẽ điều trị lập tức. Điều đó sẽ giúp cho quá trình điều trị đơn giản hơn, bệnh nhân nhờ đó cũng có thể sống lâu hơn...

Những điều cần biết về một loại thuốc trước khi sử dụng:

1. Thành phần hoạt chất và tá dược của thuốc. Vì điều này sẽ giúp cho bệnh nhân nhận biết được đang sử dụng hoạt chất gì để tránh tình trạng uống loại thuốc khác cũng có hoạt chất ấy. Nếu không uống quá liều lượng sẽ dẫn đến ngộ độc thuốc.

2. Chỉ định: Là phần ghi những trường hợp được dùng thuốc để xem thuốc có phù hợp với bệnh đang được điều trị hay không.

3. Cách dùng, liều dùng: Cần biết để thực hiện đúng nhằm điều trị hiệu quả và không bị uống quá liều.

4. Chống chỉ định: Nhằm tránh hoàn toàn ngộ độc thuốc

5. Lưu ý (được xem là chống chỉ định tương đối): Để tránh những biến chứng khi sử dụng thuốc.

6. Tác dụng phụ: Là phần ghi những tác dụng không phải dùng trong điều trị, xảy ra ngoài ý muốn. Bệnh nhân biết sẽ chủ động khi sử dụng thuốc, thậm chí đón nhận tác dụng phụ mà không phải lo lắng, băn khoăn.

7. Tương tác thuốc: Tránh phản ứng giữa những loại thuốc mình đang sử dụng.

8. Hạn dùng: Để điều trị hiệu quả và không bị ngộ độc thuốc, nhất định cũng phải biết điều này.


Xuân bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.