Cho phép mang thai hộ: Cẩn thận với “con dao hai lưỡi”

07:05 | 18/01/2015

2,224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù luật đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 nhưng mang thai hộ vẫn là chuyện còn nhiều khúc mắc, đặt ra nhiều câu hỏi cho chuyện “hậu” mang thai hộ và cảm giác như hoàn toàn không dễ dàng thực hiện. Bởi trong đó có cả “tình” bên cạnh câu chuyện “lý”.

Năng lượng Mới số 390

Nhân đạo và văn minh

Sau khi thảo luận và cân nhắc, từ chỗ cấm hoàn toàn theo Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đến năm 2014, luật sửa đổi bổ sung đã cho phép mang thai hộ dựa trên thực tế về khát vọng có con của những người không thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Và luật này, mục đích nhân đạo rất rõ ràng.

Đúng như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, người đã chứng kiến những khó khăn của các đôi vợ chồng hiếm muộn, vô sinh khi ông còn đương chức Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: “Khi xét hồ sơ đề nghị của các gia đình mong muốn sinh con bằng phương pháp khoa học tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi thấy có những hồ sơ rất thống thiết, gia đình khao khát có một đứa con nhưng người mẹ có bệnh lý không thể mang thai được.

Cụ thể có những người mẹ không thể mang thai do lần sinh trước có thể họ bị chảy máu và bị cắt tử cung nhưng vẫn có trứng và vẫn còn nhu cầu sinh con. Có những người có bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản. Có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu… Chính vì vậy khi Bộ Tư pháp xây dựng Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi, chúng tôi đã đề xuất nội dung cho phép mang thai hộ và được các bộ, ngành đồng ý. Bắt đầu từ năm 2015, luật đã đi vào cuộc sống”.

Theo Luật Hôn nhân gia đình, mang thai hộ sẽ được thực hiện theo phương pháp thụ tinh ống nghiệm, nghĩa là lấy trứng của người mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của bố tạo thành phôi trong ống nghiệm rồi “cấy” vào người mang thai hộ.

Tuy nhiên, theo quy định, người mang thai hộ chỉ được phép là họ hàng thân thích như chị em ruột, họ hàng bên nội, bên ngoại; chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và nếu có đã có gia đình thì phải được sự đồng ý của chồng bằng văn bản…

Ngoài ra, người mang thai hộ, luật cũng quy định phải bảo đảm sức khỏe; việc nhờ người mang thai cũng phải do một hội đồng độc lập đánh giá để quyết định có cho phép hay không nhằm tránh tình trạng “đẻ thuê” hay thương mại hóa, tạo thành “dịch vụ” mang thai hộ. Chỉ có 3 đối tượng được phép nhờ mang thai hộ là: bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, những người phải cắt tử cung vì tai biến sản khoa, những người mắc các bệnh lý nội khoa. 

Vẫn còn nhiều hệ lụy

Vấn đề đầu tiên, dư luận đặt ra là làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng đẻ thuê trong khi mới chưa đầy một tuần, luật có hiệu lực, đã có người ra rả quảng cáo với các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng hình thức nhắn tin rằng mình có thể mang thai “hộ” với giá 200 triệu đồng trọn gói cho đến lúc “mẹ tròn con vuông”. Hay tại TP Hồ Chí Minh cũng đã có những “giao dịch” về việc mang thai hộ với giá 300 triệu đồng “trọn gói”.

Và thực tế khi cho phép mang thai hộ chưa đi vào cuộc sống một cách hợp pháp thì việc mang thai hộ đã hình thành “bí mật” và không kém phần nhộn nhịp. Bởi đã có những đứa trẻ ra đời không phải từ trong bụng của mẹ ruột và  điều này cũng không cần phải ra nước ngoài mà thực hiện ở ngay trong nước.

Bộ Y tế cho rằng, để tránh hiện tượng dịch vụ đẻ thuê trên, việc đầu tiên Bộ đã quyết định chỉ cho phép 3 cơ sở là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh là những cơ sở uy tín, bảo đảm chuyên môn được thực hiện phương pháp mang thai hộ.

Tiếp đến là thành lập một hội đồng đánh giá độc lập để xem xét người nhờ mang thai hộ có nằm trong đối tượng được phép không, người mang thai hộ có đúng là họ hàng thân thích không, sức khỏe, độ tuổi của người mang thai hộ thế nào?… trên cơ sở đó mới quyết định cho phép hay không cho phép. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, những biện pháp như vậy chỉ thực hiện với người ngay chứ không thể “ngừa” người gian. Bởi việc “hợp thức hóa” trên thủ tục hồ sơ cũng không phải là một việc khó thực hiện hay trở thành “vợ chồng” có thời hạn… cũng là việc nằm trong tầm tay đối với những người chủ định thuê đẻ hay đẻ thuê v.v… Chưa kể đến có một số cơ sở y tế cũng có thể tiếp tay cho “dịch vụ” này.

Một điểm nữa là luật quy định, người mang thai hộ chỉ được phép mang thai hộ một lần. Vậy một lần này được tính đến lúc đã sinh được con hay chỉ thời gian mang thai? Do trong thực tế có những trường hợp xảy ra tai biến khiến thai kỳ phải kết thúc hoặc có những kết cục không hay xảy ra khi sinh con… Sức khỏe của người mang thai hộ khi ấy cũng được bảo đảm như thế nào?…

Đối với quy định người mang thai hộ chỉ được phép là chị em ruột, họ hàng thân thích bên nội hoặc ngoại. Nếu những đối tượng đó chỉ toàn là nam giới thì việc mang thai hộ sẽ ra sao, nhất là với những gia đình chỉ có “con một”? Một người đồng tính còn hỏi, hiện nay Luật Hôn nhân gia đình không cho phép nhưng cũng không bác bỏ việc sống chung giữa những người đồng tính. Vậy nếu họ muốn có con ruột bằng cách nhờ người mang thai hộ thì có được không? Rõ ràng đây là một thực tế cuộc sống mà luật chưa đề cập.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận: “Vấn đề này chưa được luật đặt ra. Nhưng nếu cho phép họ có con thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết”.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả những câu chuyện mang tính pháp lý trên đây là các vấn đề nặng về “tình” trong giai đoạn “hậu” mang thai hộ như: Quan hệ giữa người mang thai hộ và đứa con được sinh ra, quyền lợi tài sản giữa họ, quan hệ kinh tế giữa người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ… Mà đã nặng về “tình” thì xem ra không dễ giải quyết nếu xảy ra.

Đúng như TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội phát biểu với báo giới đại ý, sau khi đứa trẻ được sinh ra, sẽ gọi người “mang nặng đẻ đau” chúng là gì bởi dưới góc độ nào đó, người mang thai hộ cũng là “mẹ” của đứa trẻ do thời gian nuôi dưỡng và chăm sóc thai nhi, thậm chí cho bú mớm trong thời kỳ ăn sữa mẹ.

 Sau này, khi lớn lên, đứa trẻ có phải có trách nhiệm với người sinh ra mình không và đứa trẻ sẽ ra sao nếu biết rằng mình không phải được hoài thai từ người mẹ ruột…? Về phía người mang thai hộ, nếu họ đòi quyền lợi cả đời đối với người nhờ mang thai thì sao? Hoặc bắt đứa trẻ phải có trách nhiệm với mình…

Đó là tất cả vấn đề xã hội có thể xảy ra sau khi luật cho phép mang thai hộ đi vào cuộc sống mà phải tính đến. Một luật sư còn đặt vấn đề, ngay cả quyền thừa kế hay chia tài sản cũng phải cân nhắc khi Luật Hôn nhân gia đình cho phép mang thai hộ đối với cả đứa con được chào đời bằng này và người được nhờ mang thai.

Nói chung, xây dựng luật đã khó, để luật đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn còn khó hơn. Với những ý kiến trên đây, không gì khác ngoài mong muốn: Những người thực hiện luật phải tính đến một cách thấu đáo và toàn diện để không những đạt được mục đích tốt đẹp mà luật đã đặt ra mà ngăn ngừa được những hiện tượng tiêu cực, cơ hội trục lợi trong việc mang thai hộ. Để thực hiện được như vậy vẫn biết rằng không phải dễ…

Tú Anh