Năm con Rắn:

Chính trị - kinh tế - xã hội thế giới sẽ ra sao?

07:00 | 11/02/2013

920 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 2012 được coi là năm của bầu cử bởi có tới 4/5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc) có lãnh đạo mới và họ sẽ là tác nhân quan trọng trong năm 2013.

2013 sẽ là năm nóng nhất trong vòng 160 năm lại đây, nếu điều này tiếp tục diễn ra trong thế kỷ XXI, khí hậu thế giới sẽ thay đổi một cách cực đoan và điều này sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường như dự trữ lương thực thế giới sụt giảm, hệ sinh thái bị phá hủy, nước biển dâng…

Nhận định kể trên càng khiến dư luận quan tâm hơn tới những diễn biến liên quan tới chính trị - kinh tế - xã hội trong năm 2013, bởi vấn đề này ảnh hưởng lớn tới chiến lược của từng quốc gia, cũng như trong khu vực. 2012 được coi là năm của bầu cử bởi có tới 4/5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc) có lãnh đạo mới và họ sẽ là tác nhân quan trọng trong năm 2013.

Vị thế của châu Âu bị suy giảm

Mặc dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose-Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã đại diện cho EU nhận giải thưởng Nobel Hòa bình 2012, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc EU đang là điểm sáng của khu vực. Bởi tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (21/12/2012) đang khiến dư luận quan tâm nhiều hơn tới cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) - xấu hơn dự báo vì Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cho rằng, khủng hoảng khu vực Eurozone tiếp tục tác động tiêu cực đến nhiều nước.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Ngoại trưởng Laurent Fabius cảnh báo: châu Âu đã không chuẩn bị tốt để đối phó với một trật tự thế giới đang thay đổi và khu vực này không còn là trung tâm của thế giới, cho dù vẫn là khu vực kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng bị thách thức bởi sự phát triển của châu Á, Nam Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cảnh báo dự kiến của Thủ tướng Anh David Cameron khi London muốn giành các quyền hạn từ Liên minh châu Âu (EU) bởi việc này có thể khiến liên minh gồm 27 nước thành viên sụp đổ. Bởi ông David Cameron không loại trừ khả năng rút Anh khỏi EU và London dự định tiến hành đồng thời hai cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này.

Theo các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ngày càng nhiều người Anh muốn rút hoàn toàn khỏi EU. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Anh Nick Clegg lại bác bỏ kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh trong thời gian tới. Được biết, nhiều nước châu Âu đã thông qua ngân sách thắt lưng buộc bụng trong năm 2013. Thụy Điển trở thành nước thứ ba ở Bắc Âu buộc phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế - GDP trong năm 2013 xuống còn 1,1% từ mức 2,7% vì ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone.

Giới chuyên môn rất quan tâm tới Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2012 của EU. Bởi các nhà lãnh đạo EU đã đạt được nhất trí về lộ trình hoàn thiện Liên minh kinh tế và tiền tệ (EMU) cũng như việc trao toàn quyền giám sát cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bước quan trọng để hướng tới thiết lập Liên minh Ngân hàng chung. Theo đó, trong năm 2013, Ủy ban châu Âu (EC) cần đưa ra đề xuất về cơ chế giải quyết chung cho tất cả các nước thành viên tham gia hệ thống giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, người đứng đầu ECB Mario Draghi vẫn cảnh báo: Nền kinh tế EU chỉ có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2013, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước trong khối phải tiếp tục thắt chặt ngân sách.

Tổng thống Nga Putin

Giới chuyên môn cho rằng, tuy được kỳ vọng khá nhiều, nhưng vai trò và tác động của G20 đối với thị trường kinh tế thế giới nói chung và giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu nói riêng không nổi bật. Họ cũng cho rằng, bộ ba Mỹ, châu Âu và Nhật Bản (một thời được xem là những động lực kinh tế của thế giới đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước) đã được thay bằng Mỹ, Eurozone và Trung Quốc.

Những nhận định và quan ngại đáng lưu tâm

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển lên 1,6% trong năm 2013, cao hơn so với mức ước tính tăng 1,5% được đưa ra trước đó. Con số này của các nước đang phát triển là 5,6%, trong khi nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3,6%. Cả IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cho rằng, khủng hoảng tại khu vực Eurozone vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế châu Âu cũng như thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc (18/12/2012), đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã suy yếu đáng kể trong năm 2012, dự báo vẫn tăng trưởng chậm trong hai năm tới (2,4% năm 2013 và 3,2% năm 2014).

Tân Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình

Liên Hiệp Quốc cảnh báo, nếu khu vực Eurozone, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc không có chính sách kinh tế thích hợp, nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào đợt suy thoái mới. Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với dân số đông, kinh tế phát triển với tốc độ cao, cùng kim ngạch thương mại của các công ty Mỹ tại đây đạt hơn 300 tỉ USD/năm đang là tâm điểm chú ý của dư luận và giới chuyên môn.

Giới chuyên môn quan tâm tới nhận định của bà DeAnne Julius, chuyên gia cố vấn từ Chatham House: thế giới vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong đó có khả năng một hoặc nhiều quốc gia thành viên có thể rời bỏ khu vực Eurozone, cũng như xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Bởi kinh tế thế giới vẫn còn quá mong manh và chỉ hồi phục chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, chính sách kinh tế trên thế giới đang bị đình đốn, cùng sự yếu kém chính trị. Do đó, hợp tác quốc tế là chìa khóa để giảm thiểu nguy cơ này.

Anh và Mỹ vừa công bố kế hoạch khẩn cấp nhằm chủ động đối phó với nguy cơ sụp đổ mang tính hệ thống của các ngân hàng lớn trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, kế hoạch này sẽ được áp dụng đối với 12 đại gia ngân hàng của Anh và Mỹ, sau đó là 16 ngân hàng quan trọng nằm trong hệ thống toàn cầu (G-Sifis) có trụ sở ở các quốc gia khác. Cũng trong nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ một ngân hàng nước ngoài phá sản có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống tài chính của Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã siết chặt hoạt động của các ngân hàng nước ngoài - buộc các thể chế này phải tuân thủ những quy định mà lâu này chính quyền áp dụng đối với hệ thống ngân hàng trong nước.

Những động thái kể trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa mua lại công ty cho thuê máy bay International Lease Finance–ILFC thuộc Công ty Bảo hiểm Quốc tế Mỹ AIG với giá hơn 4 tỉ USD. Đây là thương vụ mua lại tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ. Trước đó, Trung Quốc cũng thành công trong việc mua Công ty Dầu khí Nexen của Canada với giá 15,1 tỉ USD. Giới chuyên môn cũng cảnh báo về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tiền tệ trong năm 2013 sau khi các nước phát triển G-10 (Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ) phát tín hiệu sẽ can thiệp thị trường nhằm ghìm giá nội tệ trước làn sóng nới lỏng định lượng toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Những cảnh báo của ông Jim Yong-kim, người Mỹ gốc châu Á đầu tiên trở thành Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho thấy, những cơ chế luật khác nhau tại mỗi nước trong khu vực Eurozone đã khiến ngân hàng rơi vào vòng luẩn quẩn, gây tổn thương tài chính cho chính phủ các nước trong khu vực và các ngân hàng châu Âu sẽ buộc phải bán 3,8 nghìn tỉ USD tài sản từ nay đến 2013 và hạn chế cho vay nếu chính phủ các nước trong khu vực không đạt được mục tiêu ngăn khủng hoảng nợ.

Mối quan hệ chiến lược Mỹ - Trung

Chưa bao giờ Mỹ để mắt chặt chẽ đến sự phát triển về quân sự và kinh tế của Trung Quốc như hiện nay và Bắc Kinh cũng tỏ ra cảnh giác cao độ đối với chiến lược quay lại khu vực châu Á của Washington. Được biết, Trung - Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại. Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 447 tỉ USD, trong đó Trung Quốc đầu tư tại Mỹ gần 10 tỉ USD, còn Mỹ đầu tư tại Trung Quốc gần 70 tỉ USD. Tuy nhiên, những tranh chấp thương mại giữa 2 nước đang khiến dư luận quan ngại bởi WTO đã thành lập ban hội thẩm để xem xét khiếu nại của Bắc Kinh đối với Washington liên quan tới nhiều tranh cãi thương mại như thẩm tra tính hợp pháp của hơn 30 cuộc điều tra chống trợ giá mà Mỹ đã tiến hành từ năm 2006 đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun-hye

Theo báo cáo (5 năm 1 lần) của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NSC), Trung Quốc sẽ là cường quốc kinh tế số một thế giới trong hai thập niên nữa. Giới kinh tế cho rằng, sau khi trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của quốc gia với hơn 1,34 tỉ người tại khu vực và trên trường quốc tế. Theo dự báo, số thuê bao Internet và điện thoại tăng, thu nhập cao, cùng làn sóng hàng ngoại ào ạt đổ bộ khiến thương mại điện tử Trung Quốc tăng trưởng mạnh và có thể vượt Mỹ vào năm 2016.

Theo Công ty Nghiên cứu Euromonitor International Tmall, website mua sắm B2C (doanh nghiệp bán hàng cho người dân) sẽ vượt Amazon của Mỹ để trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới trong năm 2016 với doanh thu dự đoán là 100 tỉ USD, trong khi Amazon là 94 tỉ USD. Chính phủ Trung Quốc đã thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề ra các biện pháp và nhiệm vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế luân chuyển và tăng trưởng xanh. Dự báo trong năm 2013, GDP của Trung Quốc sẽ đạt mức 8,5%, trong khi Mỹ vướng vào “vách đá tài chính”.

Những ảnh hưởng từ kế hoạch quân sự tới kinh tế

Tổng thống Nga Putin đã gặt hái nhiều thành công trong chuyến công du Ấn Độ (24/12/2012) bởi hai bên ký 10 thỏa thuận hợp tác, trong đó có các thỏa thuận quốc phòng trị giá gần 2,9 tỉ USD. Nga hiện là một trong những bạn hàng quan trọng, là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất cho Ấn Độ. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ USD vào năm 2015. Nga cho biết, đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, có sức vươn khắp toàn cầu và sẽ thay thế cho tên lửa tầm xa Topol-M và Yars hiện nay.

Bà Trieweiler và Tổng thống Pháp Hollande

Trước đó, Nga cũng mới thử thành công một tính năng của hệ thống phòng không hiện đại S-400 Triumf do Tổ hợp Almaz-Antey phát triển: có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo với tốc độ bay 5.000m/giây, có thể tấn công các loại máy bay, tên lửa đạn đạo với khoảng cách lên tới 400km cùng hệ thống tự dẫn hướng. Trong thông điệp liên bang (12/12/2012), Tổng thống Nga Putin cho rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của những đổi thay mang tính toàn cục, trong đó có cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia về nguồn tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, con người…

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cam kết, quân đội Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Trung Đông cho dù Washington đang thực thi việc chuyển chiến lược tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng của “Sáng kiến phòng thủ 5+5” gồm 5 nước châu Âu và 5 nước Bắc Phi vừa ký tuyên bố chung nhằm thúc đẩy hợp tác và việc này khiến cho những quốc gia hữu quan phải thay đổi “cách hành xử”.

Điều đáng nói là tuy đạt được số phiếu thuận áp đảo (133 phiếu thuận, 17 phiếu trắng và không phiếu chống), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa nhất trí (25/12/2012) khởi động lại các vòng đàm phán cuối cùng về một hiệp ước quốc tế để quản lý việc buôn bán vũ khí toàn cầu (từ ngày 18 đến 28/3/2013 tại New York), nhưng cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn là điểm nóng trong năm 2013, thậm chí có khả năng bùng phát dữ dội trong khu vực.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi

Nhiều người cho rằng, bối cảnh tình hình thế giới nói chung và các đối tác liên quan nói riêng hiện không thuận lợi cho việc giải quyết hoặc ít nhất tạo chuyển biến cơ bản trong quá trình giải quyết những cuộc xung đột khu vực ở châu Phi, Trung Đông, vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên… Và quan hệ giữa các nước lớn về cơ bản không thay đổi nhiều, do đó gần như không có khả năng “đồng sàng đồng mộng” trong những vấn đề thời sự thế giới.

Dư luận cũng cho rằng, trong năm 2013 thế giới sẽ có nhiều biến đổi như thị trường chứng khoán suy giảm, kim loại quý tăng hơn 50%, Liên minh châu Âu thành lập Kho bạc Trung ương, tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ với quy mô lớn, Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ, phương Tây tấn công Iran, giá dầu và lương thực đạt mức kỷ lục, thời tiết khắc nghiệt khiến trái đất thay đổi. Tuy nhiên vẫn có người cho rằng, không có vấn đề ngoại giao nào trong năm 2013 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, chính trị và an ninh của thế giới bằng việc liệu Mỹ và châu Âu có giải quyết được tình trạng khủng hoảng kinh tế hay không.

Huỳnh Thất Công - Tuấn Quỳnh

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc