Chính sách đối ngoại thực tiễn của tân Tổng thống Pháp

08:53 | 04/06/2017

1,800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc tiếp đón Tổng thống Nga hôm 29-5-2017 tại lâu đài Versailles được xem là một bước đi thực tế của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chính sách ngoại giao của tân Tổng thống Macron sẽ đưa Pháp vào vị trí nào trên sân khấu quốc tế?

Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga V.Putin ngày 29-5 hoàn toàn không nằm trong lịch trình trước đó, do vậy không hề có bất cứ chương trình nghị sự nào giữa ông và Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron. Không có tuyên bố chung hay văn bản ký kết hợp tác nào được đưa ra sau cuộc gặp. Lãnh đạo hai nước chỉ có cuộc họp báo chung để trả lời các câu hỏi liên quan tới vấn đề hợp tác giữa hai nước về quan hệ quốc tế cũng như kinh tế, thương mại.

chinh sach doi ngoai thuc tien cua tan tong thong phap
Tổng thống Pháp Macron tiếp Tổng thống Nga Putin tại lâu đài Versailles ngày 29-5-2017

Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ Paris - Moskva không mấy tốt đẹp gì dưới thời Tổng thống Hollande. Tổng thống Putin thậm chí còn hủy chuyến thăm dự kiến đến Pháp hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi ông Hollande khăng khăng tuyên bố, sẽ chỉ bàn chuyện Syria với ông chủ Điện Kremlin. Hai nước Nga và Pháp đã đối đầu nhau gay gắt vì cuộc khủng hoảng ở Syria và việc Moskva hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Pháp cũng là một trong những nước thành viên chính của Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy thực thi chính sách trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Bản thân Tổng thống tân cử Emmanuel Macron cũng là người không có thiện cảm với Nga. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Macron được cho là người có lập trường cứng rắn với Nga hơn các đối thủ chính của ông này. Ông Macron cũng từng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga nếu không có tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk ở Ukraine. Nhưng có lẽ những quan điểm đó giờ đã cũ. Nước Pháp giờ không còn dưới quyền của ông Hollande, ông Macron cũng không còn đang tranh cử.

Sự coi trọng Nga được thể hiện trước hết qua lễ tiếp đón Tổng thống Putin của chính quyền Macron. Ngày 29-5, Tổng thống Putin được tiếp đón trọng thể tại lâu đài Versailles, biểu tượng lịch sử của nước Pháp và cũng là nơi chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại qua các đời Tổng thống Pháp. Sau lễ tiếp đón, Tổng thống Pháp Macron và lãnh đạo Nga Putin làm việc chung trong vòng 40 phút trước khi họp báo. Sau đó nguyên thủ hai nước cùng khai trương triển lãm về vị Hoàng đế Nga, Pierre Đệ Nhất (1672-1725), nhân kỷ niệm 300 năm vị Sa hoàng này đến Cung điện Versailles.

Báo chí Pháp cho rằng, việc Tổng thống Macron mời Tổng thống Putin là một bằng chứng cụ thể cho thấy Paris đang khẳng định một chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây khác. Đối với tân Tổng thống Pháp, cuộc gặp với Tổng thống Nga cho phép ông khẳng định thêm uy tín trên trường quốc tế, một uy thế sẽ gia tăng thêm qua cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 3-6 tới đây. Thực tế, theo báo Nga, cử chỉ này của Tổng thống Macron không đi ngược lại quan hệ đặc biệt vốn có giữa Paris và Moskva trong thời gian qua.

Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Sicily, Italia, ngày 27-5, Tổng thống Macron đã phải lên tiếng thừa nhận tầm quan trọng của việc đối thoại với Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng. “Rất nhiều vấn đề quốc tế không thể được giải quyết mà không có Nga và tôi đang tìm kiếm những cuộc đối thoại với Moskva”, ông Macron cho biết. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, cộng đồng quốc tế thực sự cần sự tham gia của Nga vào việc giải quyết là tình hình tại Ukraine, tại Syria. Tổng thống Macron khẳng định, cần sớm tổ chức một buổi hội đàm của đại diện “Bộ tứ Normandy”, gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine để thảo luận tiếp về tình hình miền Đông Ukraine.

Theo giới phân tích, ông Macron đã rất thực tế khi nhìn nhận rất nhiều vấn đề quốc tế sẽ không thể được giải quyết và giải quyết có hiệu quả nếu vắng Moskva, mà việc cấm vận Nga đã gây ra điều đó.

Trong khi ấy, quan hệ giữa Pháp và các đồng minh Mỹ và châu Âu cũng đang mờ nhạt. Cuộc họp với NATO và G7 của Tổng thống Trump vừa qua đã cho thấy sự rạn nứt rõ ràng giữa Mỹ và châu Âu. Các quan chức châu Âu nói, các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương hiện tại không đoàn kết hơn so với thời điểm trước khi ông Trump đến và họ tin rằng, châu Âu sẽ phải hành động độc lập hơn nữa - điều mà họ đã dự kiến sau khi ông Trump được bầu. Đối với họ, Washington không còn là đồng minh có thể trông cậy được nữa. Và đó cũng là quan điểm của phần lớn báo chí châu Âu. Giới truyền thông châu Âu hôm 27-5 tập trung sự chú ý vào độ ngắn gọn của tuyên bố chung khi bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G7 dài 2 ngày ở Sicily. Tuyên bố chỉ dài hơn 5 trang, so với 32 trang hồi năm ngoái. Nhiều cây viết xã luận cho rằng, điều này thể hiện sự thiếu đồng thuận giữa Mỹ và các thành viên G7 khác.

Việc ông Trump từ chối tái khẳng định, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm mục đích kiềm chế phát thải khí nhà kính đã trở thành các tít báo lớn liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Sicily. Các nhà bình luận châu Âu lưu ý rằng, nhìn chung các tư tưởng đã không tìm được nhiều điểm chung về vấn đề này.

Với các nước châu Âu khác, sau khi nước Anh rời khỏi EU, Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU và cũng là nước duy nhất của EU là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đây là lợi thế rất lớn cho Pháp, song Đức đang là đầu tàu kinh tế của EU, vì vậy vị thế của Pháp trên bàn cờ chính trị thế giới sẽ không thể thay đổi, nếu không thể biến lợi thế “2 duy nhất” của mình thành ưu thế. Để làm được điều đó, Paris phải có đột phá.

Khi Anh bỏ cái áo khoác EU, London sẽ chủ động hơn trong khai thác mọi nguồn lực để hiện thực hóa giá trị của Brexit. Hiệu ứng tích cực từ xứ sở xương mù sẽ gây bất lợi cho lục địa già và nước Pháp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trong khi hướng bắc thì bất lợi từ hiệu ứng Brexit, hướng tây thì rào cản “nước Mỹ là trên hết” không dễ phá, Paris chọn “hướng đông”. Ukraine và Syria là nơi Pháp có thể tạo ra đột phá trong quan hệ với Nga, bởi Moskva đang đóng vai trò quan trọng trong cả hai ván cờ này.

Với Pháp là vậy nhưng báo chí cũng cho rằng, chuyến đi Paris lần này cũng đem lại nhiều lợi ích cho Nga. Báo Le Figaro ra ngày 29-5 cho rằng, Tổng thống Putin cũng là một lãnh đạo thực tế, biết nắm bắt tình hình để tận dụng thời cơ. Theo tờ báo, nói gì thì nói, Nga vẫn cần châu Âu. Thái độ chống châu Âu trong thời gian qua đã không dẫn Nga đến đâu, trong lúc hướng xích lại gần nước Mỹ với ông Donald Trump thì liên tiếp gặp trở ngại. Trong bối cảnh đó, lời mời của ông Emmanuel Macron đến thật đúng lúc và dù không nói ra, Tổng thống Putin đã quyết định đến Paris trong cố gắng kéo nước Nga ra khỏi tình trạng cô lập hiện nay. Đối thoại tái lập với một trong hai đầu tầu của châu Âu là một điều kiện thuận lợi giúp Nga tháo gỡ hệ thống trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu đối với Moskva hiện nay.

Trong bài báo ngày 8-5-2017 của Les Echos, chuyên gia Jacques Hubert Rodier nhận định: “Thái độ thực tiễn” sẽ là kim chỉ nam của nhiệm kỳ Tổng thống Macron, với khuynh hướng đi theo con đường đã được hai vị tổng thống để lại dấu ấn rất lớn trong nền Đệ Ngũ Cộng hòa là tướng Charles de Gaulle và Tổng thống François Mitterrand đã vạch ra. Bản thân ông Macron đã từng tuyên bố, ý muốn chính sách đối ngoại của Paris sẽ phải “độc lập hơn với Mỹ”, như chủ trương của tướng Charles de Gaulle xưa kia.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc