Chính phủ Malta bị chất vấn về vụ cấp hộ chiếu cho bà Nguyệt Hường

20:21 | 21/07/2016

4,694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc dân Đảng, đảng đối lập lớn nhất tại Malta, đã chính thức yêu cầu chính phủ quốc đảo này giải thích tại sao một dân biểu Việt Nam, cụ thể là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, lại có được hộ chiếu Malta.
chinh phu malta bi chat van ve vu cap ho chieu cho ba nguyet huong
Bài báo về vụ bán hộ chiếu Malta cho bà Nguyệt Hường trên Times of Malta

Tờ Times of Malta hôm nay (21/7) cho hay, Quốc dân Đảng đã yêu cầu chính phủ giải thích làm thế nào mà một hộ chiếu Malta lại được bán cho một dân biểu Việt Nam, khi mà người này là một nhân vật chính trị có ảnh hưởng (politically exposed person - PEP) và đã vi phạm pháp luật Việt Nam khi đang giữ hộ chiếu Malta.

Theo Quốc dân Đảng, trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người vừa bị bác tư cách đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, làm dấy lên lo ngại về chất lượng của quá trình thẩm định, mà đáng lẽ phải được thực hiện trước khi bán hộ chiếu Malta.

“Trong vụ này, quy trình kiểm tra hoặc là đã không được thực hiện, hoặc không hiệu quả vì passport Malta được bán cho một người vi phạm luật pháp và cũng nhạy cảm về chính trị.”

Quốc dân Đảng của Malta cũng cáo buộc Thủ tướng nước này, ông Joseph Muscat, vẫn giữ im lặng cho tới nay về vụ việc. Đảng này yêu cầu ông Joseph Muscat phải giải thích về việc đơn xin cấp hộ chiếu Malta của bà Hường đã được đánh giá, xử lý và chấp thuận ra sao.

“Những hành động của Quốc hội Việt Nam cũng nên được coi là một bài học đối với Malta. Ở đất nước này, một dân biểu vi phạm luật pháp ngay lập tức đã bị cách chức, trong khi ở Malta, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Konrad Mizzi lại được Thủ tướng che chở, bảo vệ, mặc dù ông này đã thành lập công ty bí mật ở Panama” - tờ Times of Malta trích tuyên bố của Quốc dân Đảng.

Trước đó, Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam đã không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, do bà Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam. Theo luật pháp Việt Nam, Nhà nước chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trong khi bà Nguyệt Hường không kê khai quốc tịch Malta trong hồ sơ ứng cử.

Malta là một nước cộng hòa thuộc Liên minh châu Âu (EU). Việc cấp hộ chiếu Malta cho các nhà đầu tư rủng rỉnh tiền khá dễ dàng, đến nỗi có báo châu Âu viết rằng “Malta bán hộ chiếu”.

Theo BBC, từ năm 2014, Cộng hòa Malta nhỏ bé (419 nghìn dân, diện tích 316 km2), cải thiện chính sách nhập cư để thu hút nhà đầu tư bằng cách cấp quốc tịch nhanh chóng cho họ.

Tiêu chuẩn nêu trên ngay trang mạng của chính phủ Malta ghi rằng cách thức đầu tư vào hòn đảo nằm ở Địa Trung Hải khá đa dạng: đầu tư trực tiếp bằng tiền, mua trái phiếu, mua bất động sản. Cụ thể là nhà đầu tư cần đem vào nước này khoản tiền ít nhất là 650 nghìn euro và mua bất động sản với trị giá ít nhất là 350 nghìn euro cho thời hạn tối thiểu là 5 năm.

Nhưng khoản tiền bỏ ra sẽ tăng lên cùng với số người trong gia đình cùng muốn nhập tịch Malta. Cho vợ hoặc chồng, đó là cái giá 25 nghìn euro; cho con dưới 18 tuổi: 25 nghìn euro, con từ 18-26 tuổi chưa lập gia đình: 50 nghìn euro một người...

Nếu mua trái phiếu chính phủ Malta, hoặc các dạng trái phiếu được chính quyền công nhận, nhà đầu tư cần bỏ ra ít nhất 150 nghìn euro với cam kết 5 năm trở lên.

Chỉ sau khi có bất động sản và được cấp quyền định cư, nhà đầu tư mới được cấp quốc tịch.

Điều khiến Malta khác với những nước EU còn lại là người đệ đơn không cần phải ở Malta cả 365 ngày để nhận quốc tịch.

Lý do là luật nước này coi “định cư” là “ý định cư trú trong một năm tài khóa”, chứ không phải một thời hạn cụ thể để chứng tỏ sự gắn bó với quốc gia nhập tịch như nhiều nước EU khác.

Thậm chí nhà đầu tư còn không cần phải ở trong bất cứ nước EU khác nào để có quyền hội tụ đủ thời gian tính vào “thời hạn định cư” tại Malta.

chinh phu malta bi chat van ve vu cap ho chieu cho ba nguyet huong

Bác tư cách ĐBQH đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

100% các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Linh Phương