Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ

08:04 | 02/01/2012

877 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu?

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nói thế này: “Cần nghiêm túc phân tích thật sâu sắc những nguyên nhân chủ quan, chỉ ra những căn bệnh gốc rễ, như: do không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, mang nặng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng; buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; quan liêu, xa dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; việc tổ chức thực hiện nghị quyết không đến nơi đến chốn, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Đặc biệt, có một câu hỏi lớn, rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời cặn kẽ là: Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Đề nghị Trung ương đi sâu phân tích, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên để có biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Về giải pháp, cần xác định những việc cần và có thể làm ngay và những việc cần phải có thời gian chuẩn bị, nhất là về xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, khả thi, hiệu quả.

Những việc cần và có thể làm ngay phải chăng là: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Đối với những việc cần phải có thời gian chuẩn bị thì khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, đề xuất để đi đến quyết định và thực hiện. Ví dụ: Phải khẩn trương đổi mới công tác tổ chức cán bộ, chế độ sinh hoạt Đảng; kiểm tra, giám sát việc tự rèn luyện và giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, cho phù hợp với điều kiện mới. Xây dựng quy định cụ thể về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh thực hiện chất vấn trong Đảng. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, gắn với việc tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có cơ chế giám sát chặt chẽ của tổ chức Đảng và nhân dân, kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, nhà ở, bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống ổn định và có điều kiện để giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi…”.

Có lẽ lâu lắm rồi chúng ta mới lại được thấy, được nghe những lời thẳng thắn, tâm huyết và nói lên một sự thực đau lòng như vậy. Đúng là một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất đã làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng. Không phải bỗng dưng mà có câu nói mỉa mai, nghiệt ngã, đau đớn thế này: “Tay ấy, Đảng viên nhưng mà tốt”. Điều gì sẽ xảy ra đối với chế độ này, đất nước này, nếu như người dân không còn tin vào Đảng cầm quyền?

Thật ra, những căn bệnh mà không ít đảng viên mắc hiện nay đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh “bắt mạch” từ năm 1947. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người đã liệt kê ra những căn bệnh mà đảng viên đã mắc phải. Đó là: bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh háo danh; bệnh thiếu kỷ luật; bệnh hẹp hòi; óc địa phương, óc lãnh tụ; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh kéo bè kéo cánh; bệnh cá nhân; bệnh tị nạnh; bệnh xu nịnh a dua. Và cũng trong tác phẩm “Sửa đổi lề lỗi làm việc”, Người cũng đã “bốc thuốc” để chữa cho những đảng viên mắc phải các căn bệnh nêu trên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Trong đó, ở Điều 1, Người khẳng định: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài…” và Điều 8 là: "Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ, đảng viên”. Còn trong Điều 12, Người đặt ra là: "Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa lời nói xuông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.

"Muốn cho Đảng được vững bền

Mười hai điều đó chớ quên điều nào”

Đọc những lời của Người từ năm 1947, ta thấy hình như Bác mới nói điều này cách đây ít ngày.

Rõ ràng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Đảng ta quan tâm từ rất lâu và trong tất cả các thời kỳ của cách mạng. Công tác xây dựng Đảng luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

Vấn đề bây giờ là: Làm thế nào? Và từng tổ chức cơ sở Đảng có đủ dũng cảm để đấu tranh hay không mà thôi.

N.N.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc