Trung Quốc

Chiến lược thâu tóm năng lượng thế giới

07:45 | 28/08/2016

1,158 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí là một biện pháp nằm trong chiến lược “đi ra ngoài” để bảo đảm an ninh năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc. Đây là một bộ phận của chiến lược tổng thể nước lớn, nhằm biến Trung Quốc thành một quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh có đủ khả năng ngăn chặn những nguy cơ từ bên ngoài và trong nước.

LTS: Đã qua rồi cái thời các công ty dầu khí quốc gia (NOC) “ngồi ôm khư khư”, hay “canh gác” các mỏ dầu khí nước mình, chờ đầu tư, hợp tác với các công ty năng lượng quốc tế (IOC). Ngày nay, nhiều NOC đã “bứt” ra khỏi biên giới quốc gia, hoạt động đa dạng trên quy mô quốc tế, trở thành một lực lượng cạnh tranh đáng gờm với các IOC về cả vốn, kỹ thuật, tài sản và chiến lược phát triển. Trong số các NOC đó, phải kể đến Petronas của Malaysia, CNOOC, CNPC, Sinopec Group của Trung Quốc… Đằng sau câu chuyện thành công của các công ty này không thể không kể đến sự yểm trợ của chính phủ từng nước.

Tại sao phải“đi ra ngoài”?

Trung Quốc có 3 công ty dầu khí quốc gia (NOC), bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC), Tập đoàn mẹ của PetroChina; Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec Group) và Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).

chien luoc thau tom nang luong the gioi
Thương vụ CNOOC mua lại Nexen (Canada) đánh dấu giai đoạn phát triển cạnh tranh với các IOC của các NOC Trung Quốc

Lần đầu mạo hiểm “đi ra ngoài” của các NOC Trung Quốc là vào năm 1993, khi đầu tư và khai thác dầu khí ở Thái Lan, Canada và Peru, tiếp theo là Sudan vào năm 1995. Từ đó đến nay, các NOC của Trung Quốc đã trở thành các nhà khai thác quốc tế, những thế lực mới trên thị trường năng lượng toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chỉ tính từ năm 2011-2013, họ đã chi tổng cộng 73 tỉ USD trong các khoản đầu tư thượng nguồn, hoạt động trải rộng trên hơn 40 quốc gia, ở khắp các châu lục, kiểm soát khoảng 7% sản lượng dầu thô trên toàn thế giới. Có thời điểm, như năm 2013, sản lượng khai thác dầu khí ở nước ngoài của Trung Quốc đã lên tới 2,5 triệu thùng dầu quy đổi/ngày, trong đó sản lượng dầu chiếm 2,1 triệu thùng/ngày, tương đương với khoảng 50% tổng sản lượng quốc nội của Trung Quốc vào năm 2013, ngang bằng với tổng sản lượng khai thác dầu của Brazil.

Để hiểu tại sao các NOC Trung Quốc phải “đi ra ngoài” và được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư ra nước ngoài, trước hết cần phải nhìn vào quá trình cải cách, mở cửa và phát triển kinh tế của nước này. Trung Quốc đã và đang tiến hành chương trình hiện đại hóa tổng hợp và phát triển đất nước lâu dài nhiều thập niên, nhằm trở thành một quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh có đủ khả năng ngăn chặn những nguy cơ từ bên ngoài và trong nước. Chiến lược năng lượng là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược tổng thể này, trong đó, dầu mỏ được xác định là nhiên liệu chiến lược để phát triển kinh tế.

Trung Quốc từng là nước xuất khẩu dầu mỏ, nhưng từ năm 2002, do cung tăng không kịp cầu, Trung Quốc phải nhập khẩu dầu mỏ. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc thậm chí còn là nước nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới, vượt cả Mỹ.

Hiện nay, Trung Quốc phải nhập khẩu trên 60% nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, nguồn dầu mỏ nhập khẩu luôn là mối lo đối với Trung Quốc.

Do vậy, Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm nguồn dầu mỏ bổ sung để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển, mà còn để góp phần xây dựng và hoàn thiện dần nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược. Theo nhiệm vụ đặt trong kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2001-2005) của Trung Quốc, dự trữ chiến lược dầu mỏ được thành lập không phải để đáp ứng những thiếu hụt tạm thời, hay để phản ứng với biến động về giá cả trên thị trường thế giới. Nhiệm vụ của chúng là giúp đất nước đứng vững trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chính trị, quân sự nghiêm trọng. Giống như vũ khí hạt nhân, nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược có thể không sử dụng đến nhưng không thể không có.

Để có được nguồn dầu mỏ bổ sung từ nước ngoài ổn định, Trung Quốc thực hiện 2 biện pháp: Triển khai chương trình “cho vay đổi lấy tài nguyên” và đầu tư ra nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí, dưới các hình thức: thu mua tài sản năng lượng; mua bán và sáp nhập các công ty năng lượng nước ngoài; tham gia đấu thầu trực tiếp các mỏ dầu khí của nước ngoài.

Nhưng “cho vay đổi lấy tài nguyên” chỉ là biện pháp tạm thời, chỉ áp dụng được với những nước nghèo, nhưng giàu tài nguyên dầu mỏ và có mối quan hệ phụ thuộc vào Bắc Kinh. Giải pháp lâu dài đa tác dụng vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, mà chủ lực là các công ty dầu khí quốc gia. Điều này không chỉ giúp Trung Quốc có thêm được nguồn năng lượng, phục vụ mục tiêu xây dựng nguồn dầu dự trữ chiến lược, mà còn giúp các công ty Trung Quốc “mở mang”, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, và quan trọng hơn là học hỏi, tiếp thu được các công nghệ dầu khí tiên tiến trên thế giới, phục vụ cho các mục đích chính trị lâu dài của nước này.

Nhiều người cho rằng, động cơ khiến CNOOC quyết tâm trả giá cao để mua bằng được Công ty Dầu khí Nexen của Canada, với cái giá ngót nghét 16 tỉ USD hồi năm 2009, không phải là tài sản của Công ty Canada ở Biển Bắc, vịnh Mexico… - những nơi mà người Trung Quốc vẫn thèm khát, mà lợi ích lớn nhất trong phi vụ này chính là công nghệ. Theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Quốc ước tính có gần 37 triệu m3 dự trữ khí đá phiến sét nhưng hiện chưa có đủ công nghệ cần thiết để khai thác được. Việc CNOOC mua Nexen - một công ty có kinh nghiệm về khai thác dầu cát, khoan xa bờ nước sâu và hệ thống hút, chứa, trung chuyển trên biển, sẽ nâng cao năng lực của CNOOC và các NOC khác của Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác dầu cát, khoan nước sâu và khai thác các nguồn tài nguyên độc đáo khác. Ngoài ra, một khi CNOOC làm chủ công nghệ khoan xa bờ của Nexen, CNOOC sẽ có thêm khả năng thực hiện các dự án khai thác dầu khí khó trên Biển Đông - nơi Bắc Kinh vẫn nuôi tham vọng độc chiếm.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”

Nói không “ngoa” thì tiền là vũ khí đầu tiên của các NOC Trung Quốc khi “chinh chiến” ở nước ngoài. Họ được hưởng lợi rất nhiều từ “phép màu kinh tế” ở Trung Quốc nhiều năm qua. Nhưng, quan trọng hơn, là chiến lược “đi ra ngoài” cùng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc.

Chính sách đầu tư ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đi theo một chiến lược tổng thể, kể từ khi nước này bắt đầu khuyến khích đầu tư ra nước ngoài vào năm 1986. Tuy biện pháp có thay đổi tùy theo tình hình phát triển của quốc gia theo từng giai đoạn, nhưng luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho các dự án khai thác tài nguyên, trong đó có dầu khí.

Để thúc đẩy hoạt động ODI trong lĩnh vực dầu khí nói riêng và của các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, Chính phủ Bắc Kinh đã thực hiện hỗ trợ thông qua biện pháp tài chính, tài khóa, đơn giản hóa thủ tục quản lý hành chính, nới lỏng kiểm soát ngoại hối và các hỗ trợ khác.

Tài chính

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã sử dụng các ngân hàng chính sách (chủ yếu là Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Xuất nhập khẩu) và chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ hoạt động ODI của doanh nghiệp.

Trung Quốc còn thành lập các quỹ hỗ trợ cho các dự án ODI như: Quỹ Phát triển thị trường quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (2001), Quỹ Đầu tư vào khai thác tài nguyên (2004), Quỹ Đặc biệt cho rủi ro khảo sát các nguồn khoáng sản ở nước ngoài (2005), Quỹ Đặc biệt cho việc hợp tác kinh tế và kỹ thuật ở nước ngoài (2005), Quỹ Phát triển Trung - Phi (2007)… Đáng chú ý là năm 2007, Trung Quốc thành lập một quỹ đầu tư quốc gia mang tên China Investment Corporation (CIC) với số vốn ban đầu là 200 tỉ USD, có nhiệm vụ thực hiện các dự án đầu tư dài hạn, trong đó có các dự án đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm dầu khí, ở nước ngoài.

Tài khóa

Tương tự như biện pháp tài chính - tín dụng, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Thứ nhất, Trung Quốc miễn thuế doanh nghiệp cho các doanh nghiệp ở nước ngoài 5 năm đầu sau khi đi vào hoạt động từ năm 1986. Sau 5 năm đầu, các doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài chỉ phải nộp 20% thuế thu nhập doanh nghiệp (so với 28% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong nước).

Thứ hai, Trung Quốc hoàn thuế và miễn thuế cho các hoạt động thúc đẩy xuất nhập khẩu trong nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu thiết bị và nguyên liệu cho các dự án ODI được hoàn thuế giá trị gia tăng. Nếu có giấy phép hoặc hạn ngạch thì xuất khẩu cho các dự án ODI được chính phủ ưu đãi hơn so với xuất khẩu thông thường.

Cuối cùng, Trung Quốc đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và hiệp định đầu tư song phương với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Từ năm 2000, khi chuyển sang nền kinh tế định hướng thị trường và phát triển chiến lược “đi ra ngoài”, Trung Quốc dần nới lỏng các quy định về thủ tục đầu tư ra nước ngoài, trao quyền tự quyết cho các tập đoàn kinh tế nhà nước nhiều hơn. Bắt đầu từ năm 2009, Hội đồng Nhà nước chỉ phê duyệt dự án trên 300 triệu USD trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, các dự án dưới 300 triệu USD được phân cấp cho các sở thương mại hoặc các tập đoàn tự quyết.

chien luoc thau tom nang luong the gioi
Công nhân làm việc ở một dự án của Sinopec tại Kazakhstan

Trung Quốc cũng đi xa hơn trong việc thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục. Đầu tiên là bãi bỏ nghiên cứu khả thi trong hồ sơ xin phép đầu tư ra nước ngoài, thay thế bằng giải trình tiềm năng thị trường và khả năng quản lý của doanh nghiệp. Ngoài ra, năm 2009, Bộ Thương mại rút ngắn thời gian cấp phép hơn nữa. Kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thương mại và các sở thương mại trong vòng 15 ngày phải đưa ra quyết định cấp phép.

Nới lỏng kiểm soát ngoại hối

Năm 2002, Ủy ban Quản lý Ngoại hối Trung Quốc đã bãi bỏ hệ thống xem xét rủi ro và quy định đặt cọc lợi nhuận đối với ODI và đến ngày 1-7-2006 thì xóa bỏ hạn ngạch mua ngoại hối để phục vụ đầu tư ra nước ngoài. Năm 2009, Ủy ban Quản lý Ngoại hối đã bãi bỏ những yêu cầu thẩm định ngoại hối trong giai đoạn đầu. Các doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ cho Ủy ban Quản lý Ngoại hối khi chuyển ngoại hối ra nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể chuyển 30% giá trị cổ phần cho các chi nhánh ở nước ngoài.

Ngoài các biện pháp trên, Trung Quốc còn dành sự hỗ trợ tuyệt đối dành cho các doanh nghiệp bằng các hỗ trợ khác về mặt ngoại giao và “sức mạnh mềm” của một cường quốc đang trỗi dậy. Những chuyến đi con thoi của các lãnh đạo Trung Quốc tới các nước giàu tiềm năng dầu khí ở Trung Đông, Trung Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Nga gần đây thường “kẹp” thêm các thỏa thuận năng lượng. Các nghiên cứu của IEA cho thấy, các NOC Trung Quốc đã phải dựa nhiều vào sự hỗ trợ của chính phủ Bắc Kinh ở Trung Đông, Trung Á và ở Sudan, Nam Sudan.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm, các NOC Trung Quốc cũng gặp khó khăn và thách thức không nhỏ và ít nhiều cũng phải cắt giảm chi tiêu hoạt động ở nước ngoài. Nhưng về lâu dài, họ sẽ vẫn tiếp tục xu hướng “đi ra ngoài” và thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều phi vụ thâu tóm tài sản năng lượng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Trong số 10 công ty Trung Quốc khai thác dầu bên ngoài Trung Quốc, PetroChina - công ty con của CNPC, đã niêm yết trên sàn chứng khoán New York từ năm 2000, sở hữu sản lượng dầu khí bên ngoài Trung Quốc lớn nhất với 883.000 thùng dầu/ngày (số liệu 2013). Đứng thứ hai là Sinopec Group và thứ 3 là CNOOC.

Linh Phương

Năng lượng Mới 552