Chia sẻ về sự nóng vội

08:24 | 20/01/2018

1,314 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người xưa có câu “Dục tốc bất đạt”, còn ngày nay có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Câu chuyện nóng vội không hiếm xảy ra trong cuộc sống hằng ngày và hậu quả của nó thì ai cũng biết, cứ như quả bị chín ép, không hư hỏng thì chất lượng cũng chẳng ra gì.

Sự kiện ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM), viết đơn từ chức khiến người ta bàn luận sôi nổi.

Người xót xa cho một quan chức mẫn cán đã chính thức tuyên bố bất lực trước thực trạng lấn chiếm vỉa hè tràn lan ở thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.

Người ngỡ ngàng vì một tấm lòng nhiệt huyết, ngay thẳng, đầy tự trọng trong bộ máy công quyền đã “tự xử” khi không thực hiện được lời hứa trước dân chúng.

Người vui mừng vì cơ hội tìm kiếm nguồn lợi nhuận khổng lồ trên những bãi để xe tiền tỉ bất hợp pháp có cơ được phục hồi.

Người lại trách cứ về cách làm nóng vội, thiếu cân nhắc trước sau khi động đến cuộc sống mưu sinh của hàng nghìn, hàng vạn người nghèo trong cuộc sống lắt lay...

chia se ve su nong voi
“Cuộc chiến” giành lại vỉa hè không thể trong ngày một ngày hai

Nhiều người đã và sẽ rất trân trọng việc làm và tư cách “làm quan” của ông, trong đó có tôi, nhưng chưa hẳn đã đồng tình với cách làm có phần nóng vội của ông.

Mới đây, trên công luận đăng bài viết của tác giả Khải Đơn có một góc nhìn khiến chúng ta cần ngẫm nghĩ khi muốn lập lại trật tự văn minh đô thị. Tại đó, tác giả đã dẫn ra nhiều bài học bổ ích từ Singapore, Thái Lan... mà Việt Nam có thể tham khảo.

Ở Singapore có một thời, tình trạng hàng rong lấn chiếm vỉa hè và lòng đường cũng diễn ra và chính quyền thành phố cũng đã từng dùng các biện pháp hành chính cưỡng chế, nhưng thất bại.

Sau khi thành công trong khoảng 30 năm nỗ lực, ông Lý Quang Diệu nói về cuộc “tái định cư hàng rong” này rằng: “Trong nhiều năm, chúng ta đã không thể làm sạch thành phố bằng cách loại bỏ những xe hàng rong trái luật và taxi dù. Chỉ sau năm 1971, khi chúng ta đã tạo ra nhiều việc làm, chúng ta mới có thể áp dụng luật pháp và giành lại đường phố".

Ngày nay, Singapore có 107 trung tâm bán hàng rong, với 15.000 quầy hàng. Các quầy hàng này đều gần các khu nhà ở hoặc các nút giao thông lớn. Điều đáng chú ý là, nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh tới việc tạo việc làm, cấp giấy phép, đưa người bán hàng tới nơi quy hoạch, sau đó mới là trấn áp.

Điều đó có nghĩa là gì nếu không phải đi tìm cái gốc để trị bệnh chứ không phải ở phần ngọn.

Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây 15 năm, khi SEA Games lần thứ 22 tổ chức tại Việt Nam, nhằm tạo hình ảnh trước khách quốc tế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giao các cơ quan có trách nhiệm tổ chức tập trung, phân loại và “bàn giao” trên dưới 15.000 em bán báo dạo, đánh giày, bán đồ lưu niệm, ăn xin... trên hè phố về gia đình hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội.

Đó là một việc làm được cả xã hội quan tâm, nhưng không nhiều người tin có thể thành công. Đã có quá nhiều bài học chứng minh rằng, một khi nhà quản lý dùng biện pháp hành chính để điều chỉnh công cuộc mưu sinh của lớp dân nghèo đông đảo thì tương tự như công việc “bắt cóc bỏ đĩa”.

Quả là không đẹp đẽ chút nào cho bộ mặt xã hội khi trên đường phố thi thoảng lại gặp những gương mặt nhếch nhác của trẻ thơ trên con đường mưu sinh. Đứa tay thùng tay dép hành nghề đánh giày. Đứa vẹo người bê khối sách báo to tướng trên bìa các-tông. Đứa chìa bàn tay bé xíu năn nỉ xin ăn. Đứa lẽo đẽo bám theo khách du lịch nài mua đồ lưu niệm… Những đôi mắt ngây thơ cứ bạc dần theo thời gian cùng với những đồng bạc lẻ. Ước mơ của chúng chỉ vo tròn vào một con số dăm chục nghìn mỗi ngày. Chúng lang thang kiếm sống trên con đường bất tận. Chúng lang thang vì chúng có quyền mưu sinh. Chúng lang thang vì sự bất lực của người lớn.

Và như nhiều người đã thấy, 15 năm qua đi, mọi sự vẫn vậy.

Nay, ông Đoàn Ngọc Hải làm một việc với mục tiêu lớn hơn, đối tượng đông đảo hơn, với một căn bệnh có thâm niên lâu hơn, có nguy cơ trở thành mạn tính mà lại định chỉ “chữa” triệt để trong có 1 năm trời thì liệu có... quá nóng vội?

Nếu có cơ hội làm lại, thiết nghĩ ông nên giữ nghiêm phép nước với các tổ chức trước. Và cũng phải làm bài bản với những hình phạt từ thấp đến cao để khiến người ta tự tháo dỡ, thu hồi các quyết định vi phạm.

Còn với những cá nhân nghèo bán hàng rong, trong các bài học từ Singapore, rồi Thái Lan... có rất nhiều điều đáng học tập.

chia se ve su nong voi

Theo tác giả Khải Đơn, nếu ai đến Bangkok nhiều sẽ biết, hằng tuần vào thứ Hai, các quầy bán hàng rong sẽ nghỉ. Từ năm 2013, chính quyền Bangkok quy định thứ Hai là ngày dọn dẹp đường và làm vệ sinh nên người bán hàng rong phải nghỉ.

Sự hợp lý này trong thời gian dài đã giúp Bangkok nổi tiếng về các chợ quà vặt, hàng rong và thức ăn đặc sản có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến du khách an tâm.

Vỉa hè trở thành một ngành kinh tế quan trọng đi kèm với du lịch, đặc biệt là ở Bangkok, nơi phần lớn là du lịch mua sắm và “nightlife”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc