Chỉ vì lộ phí quá cao

21:40 | 19/08/2017

638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần một năm nay, trên nhiều trạm thu phí của các tuyến quốc lộ ở cả nước đã xảy ra tình trạng người dân kéo đến phản đối, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Nguyên nhân rất đơn giản, việc thu phí bất hợp lý. Bất hợp lý cả về vị trí đặt trạm thu phí, mức phí và thời gian thu kéo dài. Bị áp đặt và bất công quá nên người dân tham gia giao thông phải đồng tâm hiệp lực phản ứng. Không kịp thời giải quyết thì giao thông ách tắc, trật tự an ninh không bảo đảm.

Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) được đưa vào hoạt động từ ngày 1-8 vừa qua với mức phí từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng, tùy từng loại xe. Theo các tài xế và nhiều người dân thì lẽ ra trạm chỉ được đặt trên tuyến tránh để thu tiền những xe nào đi trên đường tránh, không được thu trên tuyến Quốc lộ 1, bởi tuyến đường đường này đã được họ đóng tiền bảo trì đường bộ hằng năm rồi.

Vì cứ phải đóng khoản tiền cao và vô lý, nên từ 16h30 ngày 13-8, nhiều tài xế gom tiền mệnh giá 200, 500 và 1.000 đồng đến để mua vé nhằm kéo dài thời gian kiểm đếm của nhân viên thu phí và làm tắc đường. Nhiều tài xế còn vo tròn các tờ tiền trước khi đưa cho nhân viên soát vé, khiến giao thông qua khu vực bị ùn tắc.

chi vi lo phi qua cao
Trạm thu phí Cai Lậy bỏ ngỏ ngày 15-8

Tình hình căng thẳng quá nên đến chiều 14-8 thì trạm này phải miễn phí cho xe đi từ Cần Thơ về TP HCM. Và đến 14h 15-8, phương tiện qua trạm vẫn lưu thông bình thường mà không cần mua vé. Tại các cabin không có nhân viên, gác chắn cũng không hạ xuống, các phương tiện được lưu thông tự do.

Thế là những người sử dụng ôtô tại miền Tây vốn rất bức xúc đã được xả bớt phần nào. Quan điểm của mọi người là họ không sử dụng đường BOT thì không trả phí. Nguyện vọng của họ bây giờ là dỡ bỏ trạm thu phí này.

Tổng cục Đường bộ đã phải vào làm việc với chủ đầu tư về mức giảm phí qua trạm Cai Lậy. Quan điểm là mức giảm phí đưa ra sẽ đảm bảo lợi ích hài hòa giữa chủ đầu tư và người dân. Ngày 16-8, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận giảm giá dịch vụ cho các phương tiện qua trạm, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư xây dựng phương án thu phí cụ thể, lâu dài.

Việc đặt trạm thu phí thường có sự thống nhất của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan. Các dự án muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư phải có phương án cho họ hoàn vốn đầu tư. Nhưng khi đưa ra mức thu phí và thời gian thu phí trong bao nhiêu năm thì các nhà quản lý đã tính toán sai lầm, bởi chỉ hướng cái lợi về cho mình, dành phần thiệt hại cho người dân. Sai lầm này nếu không sớm khắc phục thì tình trạng lộn xộn, dân tập trung phản đối các trạm thu phí còn diễn ra quyết liệt ở nhiều nơi.

Từ trạm thu phí cầu Hạc Trì (Phú Thọ) đến trạm thu phí ở Lương Sơn (Hòa Bình) rồi 2 trạm thu phí đặt liền nhau ở Kiến Xương (Thái Bình) đầu năm nay đã gây xôn xao dư luận. Đặc biệt, trạm thu phí bờ Nam cầu Bến Thủy, giáp ranh địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã xảy ra tình trạng lái xe dùng tiền lẻ mua vé, khiến ùn tắc giao thông. Nhưng khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và chính quyền địa phương vào cuộc, giảm hoặc miễn vé cho bà con địa phương thì tình hình được vãn hồi.

Từ khi xuất hiện các trạm thu phí, Chính phủ và Bộ GTVT đã có quy định: Khoảng cách giữa các trạm thu phí là 60km. Nhưng trên thực tế hiện nay, nhiều tuyến quốc lộ đã đặt trạm thu phí dày đặc, trung bình 3 trạm/100km. Rồi khi mở thêm các tuyến đường tránh thành phố, một số trạm thu phí mới cũng mọc lên theo. Thế là người dân có cảm giác rất khó chịu, thấy mình đang bị bao vây tứ phía để bị tận thu phí giao thông. Làm ăn đã khó khăn, kiếm từng đồng còn chật vật mà họ cứ đi ra đường là lập tức bị mất tiền lộ phí. Tâm lý ấy đè nặng trên đầu họ.

Đường làm mới thu phí đã đành, nhiều tuyến đường vốn đã và đang được sử dụng lâu năm, nay có nhà đầu tư trải thêm một lớp thảm nhựa lên cũng bày ra thu phí cao hơn. Tiêu biểu như đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Dân kêu ca nhiều lắm nhưng nhà chức trách vẫn vô tư thu tiền.

Về tâm lý các lái xe, họ cũng bị nhiều áp lực trên đường. Chủ hàng thuê họ chở thì yêu cầu họ phải nhận và trả hàng đúng thời gian, bởi có loại hàng tươi sống, không thể để chậm trễ. Nhưng thủ kho nơi giao và nhận cũng giở bài ăn hối lộ mới mở kho. Đi dọc đường thì hết Cảnh sát giao thông chặn hỏi đến mấy chú thanh tra giao thông kiểm tra. Rồi ngoài ra còn mấy bác quản lý thị trường, mấy ông giữ gìn trật tự đô thị cũng quan tâm, để mắt tới. Thế mà gần đây, giá xăng dầu có giảm đôi chút thì lại bị mức thu phí cầu đường tăng cao. Một điều vô lý là trên một cung đường, giá xăng dầu tiêu hao chỉ cao hơn giá lộ phí giao thông đôi chút. Vì thế, họ không bức xúc sao được.

Cho nên, các nhà quản lý giao thông phải khẩn trương điều chỉnh lại cách tính phí, mức phí tại các dự án BOT giao thông.

Đức Toàn