Chỉ nóng ruột, vẫn chưa đủ

11:09 | 14/07/2017

538 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức ra mắt Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Đây là một tin vui cho bà con nông dân trong cả nước, bởi lẽ đó là sự thể hiện quyết tâm không chỉ của Bộ mà còn là của Chính phủ trong nỗ lực nâng cao giá trị hàng nông sản của Việt Nam, tiến tới chấm dứt tình trạng “thoắt mưa thoắt nắng” trên thị trường lâu nay.

Câu chuyện “được mùa rớt giá” trở nên quá quen thuộc đối với người nông dân Việt Nam hàng chục năm qua, khiến cuộc sống ở nhiều vùng nông thôn vốn vất vả ngày càng vất vả hơn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, sản phẩm nông nghiệp nước nhà đã ba lần phải “giải cứu”, đầu tiên là chuối, sau đó là dưa hấu và sau đó là thịt lợn.

Sự kiện nóng lên từng ngày trên công luận và lan đến cả diễn đàn Quốc hội. Vì thế, việc ra mắt một cơ quan chuyên trách, tại một bộ chuyên ngành để giải quyết một căn bệnh dường như mạn tính của nền kinh tế đất nước, trở nên dễ hiểu.

chi nong ruot van chua du
Các nghệ sĩ trẻ tham gia “giải cứu” dưa hấu

Tuy nhiên, cho dù sự mong đợi có lớn bao nhiêu thì việc thành lập một cơ quan như vậy cũng chưa đem lại nhiều hy vọng, bởi lẽ cụm từ “chế biến và phát triển thị trường nông sản” xưa nay không hề đơn giản, tựa như bài toán có rất nhiều ẩn số mà nhiều năm nay chưa tìm ra lời giải thỏa đáng.

Một vấn đề đặt ra, có bao nhiêu ẩn số cũng như điều kiện cần và đủ để giải bài toán này là gì?

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Đầu tiên, đó là nền sản xuất vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, với trên 10 triệu hộ nông dân, nên năng suất lao động thấp so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó là thách thức về biến đổi khí hậu. Việt Nam là 1 trong 5 nước ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp nữa là thách thức về sự thiếu hụt thông tin, kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình hội nhập...

Vì thế, Bộ NN&PTNT cần tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung, bền vững, theo chuỗi giá trị sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức chế biến nông sản, tổ chức thị trường, tổ chức thương mại...

Chúng ta hãy thử tìm hiểu từng thách thức.

Với thách thức thứ nhất, đó là một nền sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp. Một câu hỏi đặt ra: Về vấn đề này, chỉ Bộ NN&PTNT có giải quyết được không? Chắc chắn là không, bởi vấn đề tích tụ ruộng đất nhằm đưa năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng lên đã vượt tầm tay của Bộ rồi.

Không nói về những giá trị xa xôi, chỉ riêng góc nhìn về không gian sinh tồn của người nông dân đã thấy khó khăn như thế nào. Ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, sở dĩ các chính sách tích tụ, tập trung đất đai không được người dân ủng hộ là bởi nó xâm phạm đến không gian sinh tồn của họ.

Theo ông, đất đai gồm có hai yếu tố quan trọng là kinh tế và xã hội. Trong đó, yếu tố xã hội chính là không gian môi trường sinh sống. Do đó, không thể lấy hiệu quả sử dụng đất để xét giá trị của miếng đất, vì mỗi góc nhìn có giá trị sử dụng miếng đất khác nhau. Ví dụ, người làm nông nghiệp sẽ đánh giá khác với người làm công nghiệp, càng khác với người coi miếng đất là nơi sinh sống của cả gia đình.

“Vì vậy, chúng ta không thể lấy giá trị kinh tế để quét người nông dân ra khỏi miếng đất của mình. Vấn đề tích tụ, tập trung đất đai là một tờ giấy, mà một mặt là kinh tế, một mặt là xã hội. Trong đó, cái lợi của không gian sinh tồn được tính theo chuẩn khác chứ không phải bằng tiền”, ông Dưỡng nói.

Vậy, làm sao để riêng Bộ NN&PTNT có thể tích tụ được ruộng đất đây?

Tiếp theo là vấn đề biến đổi khí hậu. Theo kịch bản mà thế giới đã cảnh báo, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước...

Ai cũng biết hai vùng đồng bằng này là hai “vựa nông sản” của Việt Nam. Nguồn cung là đây và một phần nguồn cầu cũng là đây. Vậy đối với một tổ chức ở tít trên cao tại một bộ chuyên ngành sẽ khó đảm đương, bởi vượt quá tầm tay.

Tiếp nữa, là sự thiếu hụt thông tin, kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình hội nhập. Chỉ xin đăng lại ý kiến của Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng trên báo chí dưới góc nhìn của một người trực tiếp bán hàng cho người nước ngoài. Ông cho rằng, cơ quan giải cứu nông sản phải có những người am hiểu thị trường, biết tìm kiếm thị trường. Đặc biệt những người này phải biết nhu cầu thế giới đang cần gì, Việt Nam lợi thế so sánh gì, sản phẩm của nước ta sản xuất đang nằm ở đâu, cạnh tranh với sản phẩm các nước khác trên thế giới ra sao?...

Nhận xét của ông Tùng hoàn toàn có lý vì ngay tại Bộ Công Thương, vai trò tham tán thương mại ở nhiều nước trên thế giới còn đang vất vả để thực hiện mong muốn này thì liệu riêng Bộ NN&PTNT có thay thế nổi?

Ấy là chưa nói đến những phản biện khác, chẳng hạn về năng lực các công chức được phân công đảm nhận trách nhiệm, về sự phối hợp giữa các cơ quan hữu trách, về các chính sách hỗ trợ mà không kích thích tư tưởng bao cấp...

Vì thế, mọi sự nóng ruột về một thực trạng kinh tế của đất nước như việc giải cứu hàng nông sản Việt Nam đến tận gốc rễ là chưa đủ. Một chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn chắc chắn không chỉ trông chờ vào một quyết định của riêng Bộ NN&PTNT mà là nỗ lực của cả nước.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc