Chỉ là chuyện nhân đôi từ (âm tiết) gốc

13:52 | 09/02/2017

|
Bạn đọc: Tiếng Việt có những trường hợp từ đơn tiết có hình thức tương ứng là một từ láy toàn bộ. Thí dụ như những từ  (chim) “sẻ”, (con) “bướm”, (con) “nhện” và (bức) mành, v.v..., của ngôn ngữ toàn dân hiện nay thì trong Nam gọi là “se sẻ”, “bươm bướm”, “nhền nhện”, “mành mành” v.v... Xin ông An Chi cho biết đây là do từ đơn tiết láy toàn phần thành song tiết hay vốn là từ láy song tiết bị bỏ bớt âm tiết đầu nên mới trở thành đơn tiết? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Đắc Tâm (Hà Nội)  

Học giả An Chi: Thực ra thì trong tiếng Việt toàn dân hiện nay, ta vẫn có thể thấy những từ kiểu như “se sẻ”, “bươm bướm”, “nhền nhện”, “mành mành” v.v…, ở trong Nam. Đó là: ba ba, bìm bịp, bong bóng, cào cào, châu chấu, choi choi, chuồn chuồn, cồ cộ, cun cút, đom đóm, kền kền, v.v… Đồng thời, xưa kia người miền Bắc cũng có song tiết hóa từ đơn tiết kiểu “bướm” thành “bươm bướm”, “sẻ” thành “se sẻ”. Cái con “cicada” của tiếng Latinh, mà tiếng Pháp là “cigale”, đã được Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ bài ngụ ngôn “La cigale et la fourmi” của La Fontaine thành “ve (sầu)”. Ngày nay, hầu như ai ai cũng chỉ nói “ve” (hoặc “ve sầu”) mà thôi. Nhưng quyển Dictionarium Latino-Annamiticum của M. H. Ravier (Ninh Phú, 1880), lấy tiếng miền Bắc làm nền tảng, thì đã ghi tại mục “Cicad - A, æ” như sau: 1. Con ve ve (…) 3. Con ve ve vàng kẻ sang trọng bên Athênê đặt trên tóc (…)”. Rồi quyển từ điển này cũng dịch “Papili - O, onis” thành một từ láy song tiết là “bươm bướm” trong khi tiếng Việt toàn dân hiện nay chỉ gọi đó là “bướm”.

Nói về những trường hợp “lưỡng khả” trên đây, có ý kiến cho rằng đó là những từ láy song tiết bị bỏ bớt âm tiết đầu nên mới trở thành đơn tiết. Còn cá nhân chúng tôi thì chủ trương ngược lại: đây là trường hợp của những từ đơn tiết được láy toàn bộ (tức không phải láy vần hay láy phụ âm đầu) nên mới trở thành song tiết. Đây là những trường hợp láy từ pháp hoàn toàn hãn hữu, khác với tuyệt đại đa số những trường hợp khác, gọi là láy cú pháp, như: ngày ngày, người người, nơi nơi, v.v... (đối với danh từ), ào ào, cưng cứng, đo đỏ, xanh xanh, v.v... (đối với vị từ tĩnh, thường gọi là tính từ), đi đi, lại lại, múa múa, quét quét, v.v... (đối với vị từ động, thường gọi là động từ). Chúng tôi chưa có điều kiện để thống kê những trường hợp láy từ pháp nhưng chắc chắn nó chỉ đạt đến con số hàng chục là cùng (mà cũng chỉ là vài chục thôi). Đây là những trường hợp mà điểm xuất phát chỉ là một tiếng (âm tiết), tạm gọi là X, rồi tiếng này được nhân đôi thành X1 + X2. Sau đây, xin chứng minh qua vài thí dụ.

“Mành mành” là do “mành” được láy lại còn bản thân “mành” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [幎], có nghĩa là màn. Âm Hán Việt hiện hành của chữ này là “mịch” nhưng Tập vận còn ghi nhận cho nó âm “minh” nữa. Điều này hoàn toàn có lý vì đây là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là “cân” [巾] còn thanh phù là “minh” [㝠]. Chúng tôi đã từng nói đến quan hệ ngữ âm lịch sử giữa ba vần INH ↔ ÊNH ↔ ANH. Vậy ứng dụng điều này, ở đây ta có “minh” ↔ “manh”. Chúng tôi cũng có nói rằng những yếu tố Hán Việt có phụ âm đầu D, L. M, N, NG(H), NH, V nay thuộc thanh điệu 1 (không dấu) thì có âm xưa hơn mang thanh điệu 2 (dấu huyền). Vậy âm xưa của “minh” là “mình” mà “mành” là điệp thức. Và khi mà nguyên từ của “mành” chỉ là một âm tiết mà thôi thì “mành mành” chỉ có thể là kết quả của sự nhân đôi âm tiết đó chứ không thể có chuyện ngược lại là “mành mành” đã có sẵn rồi người ta bớt đi một âm tiết để có “mành”.

Hiện tượng mà ngoài Bắc gọi là “váng” thì trong Nam kêu là “màng màng”. “Màng màng” là kết quả của sự nhân đôi từ “màng” mà nghĩa gốc là “lưới” và nghĩa phái sinh là cái lớp mỏng phủ lên bề mặt của một vật thể. Nguyên từ của “màng” là chữ “võng” [網] mà chúng tôi đã phân tích trên Năng lượng Mới số 218 (3-5-2013). Nguyên từ này chỉ là một âm tiết nên cho phép ta kết luận rằng “màng màng” là một sự nhân đôi âm tiết gốc chứ không phải “màng màng” đã có sẵn để cho người ta có thể lược bớt một âm tiết thành “màng” mà sử dụng.

Cũng vậy, “nhền nhện” là kết quả của một sự nhân đôi cái từ gốc (là “nhện”) chứ không phải “nhền nhện” sẵn có rồi người ta mới tách “nhện” ra mà dùng. Lý do cũng giống như ở hai trường hợp trên: Nguyên từ của “nhện” chính là một từ ghi bằng chữ [蜆], mà âm Hán Việt hiện hành là “hiện”, như chúng tôi đã phân tích trên Năng lượng Mới số 566 (14-10-2016).

Ba dẫn chứng trên đây cho thấy sự thật là ta đang có hiện tượng nhân đôi yếu tố (âm tiết) gốc để tạo từ chứ không phải là hiện tượng tách một âm tiết ra khỏi một cấu trúc song tiết sẵn có. Đây là một kiểu tạo từ đặc biệt - số lượng các từ hữu quan là cực kỳ thấp so với vốn từ vựng - mà ta có thể xem như một hiện tượng biên, không mâu thuẫn gì với chủ trương không có quy tắc láy từ pháp.

A.C

Năng lượng Mới số 578