Chỉ “đá” lên chứ không “đá” xuống

07:00 | 08/03/2015

1,729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại nhiều địa phương, người dân cũng bức xúc về chuyện sai phạm của cán bộ cơ sở không được cấp trên xử lý nghiêm khắc. Cán bộ không làm tròn trách nhiệm, có dấu hiệu bao che sai phạm nhưng vẫn được châm chước, bỏ qua. Thậm chí, cán bộ vi phạm kỷ luật lại được đề bạt lên vị trí cao hơn.

Năng lượng Mới số 402

Đó là những nghịch lý khá phổ biến trong công tác cán bộ hiện nay mà dư luận xã hội nghi ngờ rằng, những cán bộ ấy cố tình vi phạm để được thăng tiến.

Tại cuộc họp báo định kỳ tháng 2/2015 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức chiều ngày 2/3 vừa qua, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk đã công bố thông tin xử lý kỷ luật 11 lãnh đạo, cán bộ điều tra Công an huyện Cư Kuin. Có sự bất thường trong vụ này là 4 trong 11 lãnh đạo và cán bộ Công an huyện Cư Kuin bị kỷ luật vì liên quan đến các vụ chạy án, “rút súng dọa bắn đoàn kiểm tra liên ngành” trước đó lại được điều chuyển lên công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk! Cụ thể là Đại tá Nguyễn Bường - nguyên Trưởng Công an huyện Cư Kuin - bị kỷ luật hình thức cảnh cáo, đã chuyển lên làm Trưởng phòng An ninh xã hội Công an tỉnh. Thượng tá Cao Tiến Phu - Phó trưởng Công an huyện Cư Kuin - bị kỷ luật hình thức cảnh cáo, chuyển lên Công an tỉnh (chưa sắp xếp). Đặc biệt, Thiếu tá Võ Ngọc Quang - nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Cư Kuin (người có hành động rút súng dọa bắn đoàn liên ngành) - bị kỷ luật hình thức cách chức, cũng chuyển công tác lên Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh. Trung tá Ngô Xuân Thìn - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và môi trường Công an huyện Cư Kuin - bị hình thức kỷ luật cảnh cáo, chuyển làm công tác khác (lên Công an tỉnh Đắk Lắk nhưng chưa sắp xếp nhiệm vụ).

Ngoài 4 người nêu trên, còn 8 cán bộ điều tra khác của Công an huyện Cư Kuin bị kiểm điểm, phải thi hành quyết định cảnh cáo do liên quan đến các tố cáo của người dân về việc nhận tiền hối lộ, có sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đại tá Đoàn Quốc Thư - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các hình thức kỷ luật với các lãnh đạo, cán bộ Công an huyện Cư Kuin chỉ mới về mặt chính quyền, Huyện ủy Cư Kuin sẽ có hình thức kỷ luật về mặt Đảng sau khi tổ chức họp xem xét.

Đúng là một nghịch lý và cách xử lý sai nguyên tắc! Cán bộ thừa hành pháp luật mà vi phạm pháp luật trước người dân, chưa tiến hành kỷ luật đảng mà đã bổ nhiệm lên cấp cao hơn. Không hiểu các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk không hiểu biết hay cố tình làm sai?

Trong các quy chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động cán bộ, công chức trong đảng, chính quyền, công đoàn… đều có 1 điều ghi rõ: “Cán bộ công chức bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật”.

Tại TP HCM, cán bộ Chi cục Thuế Tân Bình bị dư luận bóc trần những sai phạm trong thời gian dài, đã bị lực lượng công an bắt quả tang đang nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp. Vậy mà người đứng đầu Chi cục Thuế Tân Bình lại không bị xem xét trách nhiệm. Chuyện Công ty Cổ phần Xây dựng XNK Việt Long nợ ngân sách hơn 707 tỉ đồng, có trách nhiệm của Chi cục Thuế Tân Bình. Sai phạm về nâng khống giá trị in ấn, gây thất thoát tiền ngân sách đều giống nhau đã được kiểm điểm nghiêm túc nhưng ông Chi cục trưởng thì được cho về hưu sớm, hai cán bộ được thuyên chuyển công tác, còn ông Trần Quang Sanh (Chi cục phó) được bổ nhiệm lên vị trí mới là quyền Chi cục trưởng Chi cục Thuế Tân Bình.

Xã Châu Thái (Quỳ Hợp, Nghệ An) có chủ trương xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ, đã thu của dân với mức 100.000 đồng/hộ. Nhưng tiền thu được, lãnh đạo xã lại dùng để chi trả cho việc xây dựng cơ bản. Trong khi đó, bia liệt sĩ vẫn chưa được xây khiến người dân bất bình. Cộng thêm hàng loạt sai phạm nữa nhưng Chủ tịch UBND xã Châu Thái chỉ bị cảnh cáo. Oái oăm hơn, ông này còn được cơ cấu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã với lý giải là... để khắc phục hậu quả đã gây ra trước đó.

Ngay tại Hà Nội có trường hợp cán bộ cấp dưới đi thi hộ cho Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội để lấy lòng sếp. Tuy nhiên, khi việc bị vỡ lở, người thi hộ sếp đã bị khiển trách về mặt Đảng và kiểm điểm về mặt chính quyền. Tuy nhiên, sau đó cán bộ này đã được thăng chức lên Phó phòng Kế hoạch - Tổng hợp. Trong khi đó, Phó giám đốc Sở TN&MT, người được cấp dưới thi hộ) thì được “luân chuyển” để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó bí thư Quận ủy Long Biên!

Việc thăng chức, chuyển công tác như mấy vụ việc nêu trên khiến nhiều người dân cảm thấy bất ngờ, khó hiểu và cho rằng, kỷ luật như vậy thì khó ngăn chặn được những sai phạm của cán bộ. Họ đã được cấp trên bao che và chạy chọt, đút lót để được thăng tiến. Thế nên thực trạng cán bộ, công chức bị kỷ luật thì vẫn được “đá” hất lên chứ không mấy ai bị “đá” xuống vẫn cứ tồn tại dài dài!

Minh Toàn