“Chạy” trong tối và ngoài sáng!

16:00 | 27/04/2013

1,481 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - "Chạy” ở đây là chạy chức, chạy quyền, chạy việc, kể cả việc làm tạp vụ, nấu ăn.

Trúc Vân (NLM số 125)

Vừa qua, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tỉnh ủy viên Hà Tĩnh, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang bị cách chức vì “nhận tiền chạy việc” 75 triệu đồng của một phụ nữ để “chạy” vào chân tạp vụ, nấu ăn tại huyện ủy.

Chạy việc khác chạy chức, chạy quyền. Và thông tin này khiến nhiều người cảm thấy sốc khi mà một chân tạp vụ nấu ăn cũng có cái giá đến 75 triệu đồng, thì thử hỏi chạy chức, chạy quyền có giá cao đến thế nào!

Việc chạy chức, chạy quyền này báo chí đã nói quá nhiều. Lương công chức không đủ sống, đó là một thực tế được nguyên cứu, khảo sát cụ thể chứ không hề võ đoán, song việc trở thành công chức vẫn hấp dẫn, là mơ ước của số đông. Nghịch lý này cho biết, thực ra thì chẳng công chức nào chết đói vì lương thấp cả, ngược lại họ còn sống khỏe.

Vậy công chức sống bằng gì khi đồng lương không đủ sống? Rất tiếc câu hỏi này chưa được đặt ra để khảo sát một cách nghiêm túc. Nhưng nếu có thì chắc chắn câu trả lời đó là tham nhũng! Tham nhũng tài nguyên, tiền bạc và phổ biến nhất có lẽ là tham nhũng thời gian hành chính để kiếm tiền ở những công việc khác ngoài nhiệm vụ.

Song, khi mà vừa qua báo chí đưa tin rằng, thạc sĩ, tiến sĩ phải đi bán sim điện thoại, làm gia sư để kiếm sống hay hàng nghìn, hàng chục nghìn tri thức thất nghiệp thì chuyện chạy chức chạy quyền hóa ra còn, bởi lý do “buộc phải chạy, không chạy thì chết đói hay sao?!”.

Còn nhớ vào đầu năm nay, trước tình hình chạy chức chạy quyền càng phức tạp, một ông thầy dạy phép làm quan, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã đề nghị rằng: “Cần luật hóa chạy chức chạy quyền”.

Lý do của ông đưa ra như sau: Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.

Ông còn phân tích: Ai muốn có chức, có quyền thì điều này chưa thể khẳng định là xấu. Vào để có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên, đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn chức với mục tiêu vào chức ấy để lợi dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung.

Có thể nói, “cần luật hóa chạy chức chạy quyền” là một đóng góp rất táo bạo, ý tốt của ông viện phó trong đề nghị này người ta có thể hiểu. Tuy nhiên, là một người làm dân, ta cũng dễ dàng thấy sáng kiến ấy có nhiều chỗ không hề ổn!

Cũng ngay trong thời gian ông viện phó đưa sáng kiến trên thì đồng thời người dân cũng phải giật mình sửng sốt trước tình hình “loạn quan” diễn ra ở nhiều nơi. Cụ thể, tại Phòng Kế toán Tài chính của một Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nọ có 1 trưởng phòng và 6 phó trưởng phòng; hay một Phòng Tài chính Kế hoạch có 4 người, trong đó có 1 trưởng phòng và 3 phó phòng; một Sở Nội vụ với 31 biên chế nhưng đã có tới 19 lãnh đạo gồm 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng; một phòng công chức viên chức có 4 biên chế thì có tới 3 lãnh đạo, chỉ có 1 nhân viên để làm việc…

Thế đấy, lâu nay việc chạy quyền, chạy chức chỉ diễn ra trong “bóng tối” mà đã loạn đến thế. Thử tưởng tượng, khi mà nó được luật hóa thì tình hình sẽ như thế nào!?

Và ông viện phó chắc chưa nghĩ đến chuyện rằng, liệu số tiền chạy chức chạy quyền ấy có đủ để trả lương cho hàng loạt người dân bỗng nhiên trở thành quan chức hay không? Đó là chưa kể đến năng lực của từng ông quan “chạy”.

Trở lại chuyện “chạy việc” một chân tạp vụ nấu ăn giá 75 triệu đồng, thật khó tưởng tượng công việc này nơi đây lương cao thế nào để chạy giá như vậy! Đương nhiên, lương của công việc ấy không thể nào cao được và phải chăng người “chạy” luôn có hướng rõ ràng cho việc “thu hồi vốn” nên chẳng lo ngại đến số tiền có khi bằng hàng chục tháng lương đã bỏ ra để có việc?!

Đối với chạy chức thì đương nhiên số tiền “chạy” phải gấp mấy lần so với một tạp vụ nấu ăn nên vì thế việc “thu hồi vốn” cũng diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt hơn!

Trong khi đó, để hạn chế chạy chức chạy quyền, để tăng lương xứng đáng cho công chức có năng lực thật sự thì cần phải loại bỏ được “30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về” thì lại không thấy ai quyết liệt để làm. Bởi một khi công chức phải cống hiến hết mình để nhận được đồng lương, khi mà họ không còn khả năng để tham nhũng về thời gian và tiền bạc thì chắc chắn sẽ không còn nhiều người sẵn sàng trở thành công chức cả.

Thiết nghĩ, đó mới là vấn đề cốt lõi của chạy chức, chạy quyền, song ngay cả những ông thầy dạy phép làm quan cũng suy nghĩ theo hướng cần công nhận chạy chức để quản lý thì xem ra, chạy chức chạy quyền vẫn còn lý do để hoành hành!

T.V