Châu Âu tráo trở?

14:00 | 22/09/2015

2,545 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như sau lần đắc cử Thủ tướng Hy Lạp tháng 1/2015, ông Alexis Tsipras đã bị cả châu Âu tẩy chay vì đường lối chống EU thì trong lần trở lại hôm qua, ông lại được châu Âu chào đón như một đối tác tin cậy và duy nhất tại Hy Lạp hiện nay.
chau au trao tro
Biếm họa về cuộc đối đầu giữa Alexis Tsipras và EU

Ông Alexis Tsipras lên nắm quyền vào tháng 1/2015 nhờ cương lĩnh tranh cử là chống đối những khoản cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mà những chủ nợ châu Âu của Hy Lạp đòi hỏi để đổi lấy thêm tiền cứu trợ - một gói ngân khoản kéo dài ba năm trị giá 98 tỉ USD.

Khi tranh cử, ông hứa sẽ “vứt vào sọt rác tất cả những đòi hỏi của các chủ nợ” để giải thoát cho người dân Hy Lạp khỏi cuộc sống khắc khổ mà các chủ nợ áp đặt.

Trong suốt thời gian sau đó, trên tất cả các mặt trận, ông Tsipras gần như tả xung hữu đột với các chủ nợ quốc tế, tới mức mà người ta có cảm giác một mình ông như đang chống lại cả châu Âu.

Nhưng sau hơn 7 tháng “chiến đấu”, cuối cùng vào tháng trước ông Tsipras đã chấp nhận “thua cuộc” khi đồng ý các điều kiện của nhóm chủ nợ quốc tế gồm IMF, ECB, Ủy ban châu Âu và Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (MES), để cứu Hy Lạp khỏi bị vỡ nợ. Những điều kiện này y chang, thậm chí là hà khắc hơn, so với những gì mà các chủ nợ áp đặt cho các chính phủ tiền nhiệm của ông Tsipras.

Rồi ngày 20/8 ông tuyên bố từ chức và kêu gọi bầu cử trước thời hạn do một số thành viên trong đảng Syriza tuyên bố không muốn đứng chung hàng ngũ với người đã nuốt lời hứa tranh cử.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử hôm 20/9 vừa qua, người dân Hy Lạp một lần nữa lại trao cho ông chức vụ Thủ tướng.

Phản ứng lần này của lãnh đạo châu Âu quả khiến người ta phải ngạc nhiên.

Hôm 21/9, các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU đã chúc mừng ông Alexis Tsipras, từ Chủ tịch nhóm Eurogroupe Jeroen Dijsselbloen đến Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz, hay Ủy ban châu Âu. Đó là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Syriza và ông Tsipras là những đối tác không thể thiếu của Bruxelles để giải quyết khủng hoảng Hy Lạp.

Bởi thứ nhất khác với hai đảng Xã hội và Tân Dân chủ liên tục thay nhau cầm quyền, đảng Syriza mới nổi lên không chịu ảnh hưởng nặng của các nhóm đặc quyền đặc lợi, cho nên đảng này có triển vọng dễ tiến hành cải tổ hơn hai đảng truyền thống. Đó là điều Bruxelles luôn đòi hỏi ở Athens.

Lý do thứ nhì khiến châu Âu hài lòng, đó là kết quả bầu cử Hy Lạp ngày 20/9 chứng minh rằng dù có bất đồng về phương pháp và nhịp độ cải tổ, dù có chỉ trích chính sách của Bruxelles, nhưng khi trao cho Syriza và Tsipras quyền lực, đa số người dân nước này này vẫn thiết tha với châu Âu. Hơn nữa trong bối cảnh cả EU đang đương đầu với khủng hoảng người nhập cư, thì Bruxelles đã ý thức được rằng, hơn bao giờ hết Athens là một đồng minh mà Liên minh không thể bỏ rơi.

Dự kiến trong vài tháng tới, bộ ba chủ nợ của Hy Lạp gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có cuộc đánh giá đầu tiên về những bước đi ban đầu của Hy Lạp để xem xét giải ngân một phần khoản cứu trợ mới đã thỏa thuận trị giá 86 tỷ euro (tương đương 97 tỷ USD).

Th.Long

Năng lượng Mới (Theo AP, BBC, AFP)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc