Châu Á trừng phạt người Trung Quốc?

14:00 | 24/07/2015

4,571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Myanmar vừa kết án tù chung thân hơn 150 người Trung Quốc vì tội buôn lậu gỗ thì tại Philippines, chiến dịch càn quét người Trung Quốc nhập cư lậu đã đem lại kết quả khả quan. Chính quyền Bắc Kinh đang phản ứng dữ dội trước những động thái trên của hai nước láng giềng châu Á.

Châu Á trừng phạt người Trung Quốc?
Người lao động Trung Quốc nhập cư lậu vào Philippines bị bắt giữ

Ngày 23/7, một tòa án ở thành phố Myitkina, bang Kachin, miền Bắc Myanmar, đã kết án tù chung thân 153 người Trung Quốc. Hai người trong nhóm này, dù đang ở độ tuổi vị thành niên cũng bị kết án 10 năm tù.

Nhóm người Trung Quốc trên đã bị bắt vào tháng 1/2015, trong khuôn khổ một chiến dịch chống nạn buôn lậu gỗ ở bang Kachin, nằm ở biên giới giáp với Trung Quốc.

Thẩm phán Myint Swe của Myanmar nói rằng các án tù được quyết định như vậy bởi vì mức độ của sự phá hoại có thể có đối với môi trường và sự thiệt hại của rừng xét theo số người liên can và số máy móc được sử dụng.

Khi xảy ra những vụ bắt giữ, giới hữu trách Myanmar nói rằng họ đã tịch thu 436 chiếc xe tải chở gỗ, 14 chiếc pickup trên đó có chất gỗ, thuốc lắc, thuốc phiện và tiền Trung Quốc.

Vụ tuyên án tù chung thân hơn 150 người Trung Quốc xảy ra sau một loạt các vụ khác gây căng thẳng giữa hai nước láng giềng này. Vào đầu tháng 3/2015, trong một chiến dịch chống phiến quân một sắc tộc người Hoa ở vùng Kokang, một quả bom dường như ném từ một máy bay của quân đội Myanmar đã rơi sang lãnh thổ Trung Quốc, khiến 5 công nhân thiệt mạng.

Một sự kiện cũng đáng chú ý đó là Bắc Kinh vào tháng trước đã đón tiếp lãnh đạo đối lập Myanmar Ang San Suu Kyi, trong bối cảnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà được dự báo là sẽ thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới. Tại Bắc Kinh, bà Aung San Suu Kyi cũng đã được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp, cho thấy đã có thay đổi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Myanmar.

Theo giới phân tích thì thật ra, trong suốt nhiều năm dưới thời chế độ quân sự ở Myanmar, người Trung Quốc vẫn buôn lậu gỗ qua biên giới mà không hề bị trừng phạt, vì lúc đó đồng minh Bắc Kinh yểm trợ cả về mặt kinh tế lẫn chính trị cho các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar.

Nhưng kể từ khi chính quyền quân sự tự giải tán vào năm 2011, nhường chỗ cho một chính phủ dân sự, quan hệ giữa Myanmar với Trung Quốc ngày càng xấu đi. Dư luận Myanmar ngày càng bất bình trước việc Trung Quốc ồ ạt khai thác, kể cả khai thác lậu, các nguồn nguyên liệu dồi dào của nước này.

Theo AFP, Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut nói ông nghĩ rằng phía Trung Quốc sẽ hiểu được quyết định tư pháp nói trên, bởi vì theo ông, cần phải làm đủ mọi cách để ngăn chặn nạn khai thác và buôn lậu gỗ ở Myanmar.

Thế nhưng, hôm qua, Bắc Kinh, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, đã cực lực chỉ trích tính chất nặng nề của các bản án chung thân đối với 153 người Trung Quốc, yêu cầu Myanmar nhanh chóng gửi trả những người đó về Trung Quốc, đồng thời phải xử lý vụ này “trong tinh thần tôn trọng luật pháp”.

Maung Zarni, một nhà tranh đấu dân chủ Myanmar đang sống lưu vong, nói rằng những bản án khắc nghiệt này có phần là để trả đũa cho việc Trung Quốc mới đây đã “trải thảm đỏ” để đón tiếp bà Aung San Suu Kyi.

Cũng trong ngày hôm qua, Nhà chức trách Philippines cho biết 155 người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, đang đối mặt với việc bị trục xuất sau khi bị bắt vì làm việc trái phép ở Philippines.

Những người nước ngoài bị bắt hôm 22/7 tại thành phố Pasay, ngay bên ngoài thủ đô Manila, nơi họ làm nhân viên tại những trung tâm tiếp nhận cuộc gọi hoặc điều hành cờ bạc trực tuyến, phát ngôn viên Elaine Tan của Cục Di trú Philippines cho biết trong một thông cáo.

Bà nói những người nước ngoài này đã không xuất trình giấy tờ cho thấy họ có thể làm việc một cách hợp pháp ở Philippines và sẽ bị buộc tội vi phạm luật di trú. Thông cáo cho biết hầu hết những người bị bắt là người Trung Quốc, nhưng không đưa ra một con số cụ thể.

Một quan chức khác của Cục Di trú Philippines nói những người nước ngoài sẽ bị câu lưu khoảng hai tuần trước khi bị trục xuất.

Theo hồ sơ di trú của Philippines, ít nhất 215 người nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, đã bị bắt giữ chỉ riêng năm ngoái vì không có thị thực làm việc, và 58 người khác bị bắt vào tháng 1/2015. Quan chức này nói rằng con số đó chỉ là những người bị bắt giữ trong “những hoạt động lớn” và không tính những vụ bắt giữ lẻ tẻ chỉ một hoặc hai người vi phạm luật di trú.

Trung Quốc ngang nhiên quy hoạch Trường Sa
Mục tiêu là Trung Quốc?

Nh.Thạch

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc