Cho vay vốn đổi mới khoa học công nghệ

Chấp nhận rủi ro khách quan

07:00 | 16/06/2018

469 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp” do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổ chức mới đây, giải pháp đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tiếp tục được khẳng định là giải pháp cốt lõi nhất.

Doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hầu hết máy móc thiết bị của DN Việt Nam có công nghệ lạc hậu hàng chục năm so với thế giới. Trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 60-70 của thế kỷ trước; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.

Bên cạnh đó, các chỉ số liên quan đến đổi mới công nghệ của DN cũng đang thể hiện một sự tụt hậu không chỉ so với thế giới mà ngay trong khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đổi mới công nghệ trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 đặt ra tăng bình quân mỗi năm 13% nhưng kết quả chỉ đạt được 10,68%/năm.

chap nhan rui ro khach quan
Doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới KHCN còn hạn chế

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM chia sẻ: Hơn 97% DN nước ta là DN nhỏ và vừa, sử dụng công nghệ lạc hậu. Máy móc phần lớn nhập từ Trung Quốc, là máy móc cũ, không thể sản xuất được hàng hóa chất lượng cao, cạnh tranh với hàng hóa các nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới. “Mới chỉ hội nhập ASEAN thôi mà chúng ta đã thấy hàng Thái Lan, Indonesia tràn ngập thị trường, nên vấn đề thắng trong cạnh tranh ngay trên chính sân nhà cũng đã là một bài toán khó”, ông Hưng trăn trở.

Chậm đổi mới KHCN cũng là lý do khiến DN Việt Nam khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vì sản phẩm làm ra không đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Đa phần DN chỉ sản xuất những sản phẩm giản đơn, làm gia công, hoặc xuất khẩu hàng thô, giá trị gia tăng thấp.

Các chuyên gia cho rằng, về năng lực tư duy, DN Việt Nam không thua kém các DN trong khu vực. Tuy nhiên, các DN trong nước hiện đầu tư rất ít cho KHCN nên năng suất lao động thấp và năng lực thực hành yếu, khiến DN không có đủ điều kiện để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Một DN dẫn chứng, 44% số giày Adidas được sản xuất tại Việt Nam, nhưng DN Việt Nam lại không đóng góp được gì trong quá trình sản xuất này. Hay các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của nước ta đang rất thiếu nhưng nhiều DN trong nước sản xuất ra sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lại không tiêu thụ được do không đáp ứng được yêu cầu chất lượng hoặc giá cả thiếu cạnh tranh. Và, chính trình độ KHCN thấp là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này.

Thiếu vốn để đầu tư cho KHCN

Thực tế, theo nhiều DN, các DN rất muốn đầu tư phát triển KHCN để nâng cao sức cạnh tranh, tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu vốn. Bởi các DN nước ta phần lớn là DN nhỏ và vừa nên vốn ít, vay vốn lại khó khăn do quy mô nhỏ, thiếu tài sản bảo đảm, tài chính không minh bạch, ngân hàng siết chặt tín dụng do lo ngại nợ xấu. Trong khi đó, các quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa lại hoạt động không hiệu quả. Từ đó, DN khó có thể tiếp cận được nguồn vốn để đổi mới KHCN, mặc dù đây là một trong những lĩnh vực được Chính phủ chỉ đạo cho vay vốn với lãi suất ưu đãi.

chap nhan rui ro khach quan
Cần khơi thông nguồn vốn cho phát triển KHCN

Thực tế, DN nhỏ và vừa ở nước ta chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động, đóng góp khoảng 40% GDP mỗi năm và thu hút 51% lực lượng lao động trên cả nước, nhưng vốn vay của khối DN này hiện chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng dư nợ của nền kinh tế. Thực tế đó cho thấy, mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng các DN này lại rất chật vật trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nhất là vốn tín dụng ưu đãi. Việc thiếu vốn cản trở rất nhiều sự phát triển của DN, trong đó có đầu tư cho KHCN hoặc nếu DN muốn đầu tư cho KHCN phải chấp nhận chi phí cao, nhiều rủi ro.

TS Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết, TP HCM dành 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, tương đương khoảng 2.000 tỉ đồng, nhưng hiện nay chỉ giải ngân được 0,08%/năm và cũng chi chủ yếu cho đầu tư cơ sở vật chất, chứ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển rất ít.

Về hoạt động của các quỹ phát triển KHCN địa phương, theo đánh giá của các DN, các quỹ này hoạt động không hiệu quả, thủ tục rườm rà, thời gian xét duyệt kéo dài, có khi xong thủ tục thì đã qua cơ hội đầu tư của DN. Chưa kể, các quỹ này đều gắn với nguyên tắc bảo toàn vốn nên không dám cho DN vay vì đầu tư cho hoạt động KHCN có nhiều rủi ro, nếu đầu tư mà dự án thành công thì không sao còn thất bại thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

TS Nguyễn Trí Hiếu: “Một quỹ bảo lãnh tín dụng mà tìm cách bảo toàn vốn thì không thể bảo lãnh được vì bảo lãnh có thể sẽ bị lỗ”.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, Chính phủ cần nâng cao năng lực của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa để DN có thể tiếp cận các nguồn vốn cho đầu tư, phát triển. Các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nguồn vốn rất eo hẹp, quá nhỏ để có thể bảo lãnh cho các DN để các ngân hàng cho vay vốn. Song song với đó, các quỹ này hoạt động theo phương châm không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ quyền lợi của nền kinh tế nhưng không để mất vốn. “Một quỹ bảo lãnh tín dụng mà tìm cách bảo toàn vốn thì không thể bảo lãnh được, bởi sẽ không dám bảo lãnh vì bảo lãnh có thể sẽ bị lỗ”, TS Hiếu nhấn mạnh.

Đại diện một DN thủy sản kiến nghị: Cần khơi thông nguồn vốn tín dụng cho DN nhỏ và vừa, đó là điều kiện để DN đổi mới KHCN, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Các quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, quỹ phát triển KHCN nên đề xuất bỏ nguyên tắc bảo toàn vốn.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Trình cho rằng, nếu không bỏ nguyên tắc bảo toàn vốn thì DN rất khó tiếp cận được với nguồn vốn cho KHCN vì trong kinh doanh, nghiên cứu thì bao giờ cũng tồn tại rủi ro và phải chấp nhận điều đó như là một quy luật khách quan của thị trường chứ không thể đòi hỏi lúc nào cũng thành công. Chỉ cần tăng cường quản lý, kiểm soát, để chống tiêu cực xảy ra như sử dụng vốn không đúng mục đích, gây thất thoát, lãng phí… Còn trong trường hợp bên cho vay, bảo lãnh đã thực hiện đúng quy trình thẩm định và bên vay đã sử dụng vốn đúng mục đích mà dự án không thành công thì nên chấp nhận đó là một rủi ro.

Mai Phương