Chào 2018 và những kỷ lục!

08:25 | 02/01/2018

556 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thật hiếm có năm nào khi nền kinh tế đất nước bước vào năm mới lại hào hứng như năm 2018 này.

Sự hào hứng không chỉ bắt nguồn từ những con số thống kê của năm 2017 cùng với bên cạnh đó là cụm từ “kỷ lục” mà còn là những niềm hy vọng mãnh liệt và tự tin về những kỷ lục ấy sẽ bị phá vỡ trong năm 2018.

Đầu tiên có lẽ nên quan tâm đến kỷ lục về số doanh nghiệp (DN) được thành lập trong 1 năm. Nếu ai hiểu được câu “nhàn cư vi bất thiện” mới thấy được giá trị không nhỏ của những con số này. Trong mỗi gia đình chỉ cần có một thành viên đến độ tuổi lao động mà không có công ăn việc làm thì ai cũng biết sự bất an nó ám ảnh như thế nào. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, tổng số DN thành lập mới là 126.859; con số này của năm 2016 là 110.100 DN.

chao 2018 va nhung ky luc

Nay chỉ cần mỗi DN mới thành lập tạo ra 10 việc làm thì đã mang lại niềm vui cho hàng triệu gia đình. Ở một đất nước mà hàng triệu tổ ấm ngày càng thêm ấm áp quả là tin vui không nhỏ!

Với nỗ lực không ngừng nghỉ xây dựng một Chính phủ kiến tạo, môi trường kinh doanh của đất nước ngày càng cởi mở hơn, ý chí làm giàu của người dân ngày càng mạnh mẽ hơn, tinh thần dựng nghiệp trong lớp trẻ ngày càng nóng bỏng hơn, ai cũng hy vọng kỷ lục này sẽ bị phá vỡ trong năm 2018.

Tiếp đến nên kể đến kỷ lục về tốc độ thoái vốn của các DN Nhà nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, các thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu khổng lồ diễn ra suôn sẻ và theo như nhiều người nhận xét là “mỹ mãn”, người mua được cũng mỹ mãn mà bên bán cũng mỹ mãn. Vừa sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng kỷ lục 48.333.400 cổ phiếu Vinamilk với giá trúng thầu 186.000 đồng/cổ phần, Nhà nước thu về thêm gần 9.000 tỉ đồng thì lập tức bị phá vỡ bởi thương vụ kỷ lục bán vốn Nhà nước tại SABECO, mang về cho ngân sách 110.000 tỉ đồng.

Đây là một tin rất vui không chỉ vì ngân sách Nhà nước có thêm nguồn lực dành cho phát triển, mà là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm tái cấu trúc của nền kinh tế nước nhà. Lĩnh vực nào tư nhân làm tốt thì để cho kinh tế tư nhân có thêm đất phát triển.

Nhận xét vấn đề này, Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho hay: “Có 3 lý do chính để nói nó quan trọng. Trước tiên là hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn lực đã có; hiệu quả phân bổ nguồn lực. Tiếp theo là với nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, việc thoái vốn còn đặc biệt quan trọng bởi đây là vấn đề của quá trình cải cách sang kinh tế thị trường, phản ánh quyết tâm, ý chí của Chính phủ trong quá trình chuyển đổi. Cuối cùng, đằng sau biểu tượng ấy là lòng tin của thị trường, của nhà đầu tư vào tiến trình cải cách, mở của hội nhập của Việt Nam”.

Trong năm 2018, cuộc thoái vốn khỏi DN Nhà nước vẫn được tiếp tục trong nhiều lĩnh vực khác với quyết tâm cao của Chính phủ.

Một kỷ lục quan trọng nữa cần nhắc đến, đó là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc 400 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng cũng có nghĩa là tạo công ăn việc làm, là thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển, là tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia, là học hỏi kinh nghiệm bạn bè quốc tế... Theo nhiều chuyên gia đánh giá, tốc độ này sẽ nhanh chóng bị phá vỡ trong tương lai gần.

Kỷ lục về số phần trăm tăng trưởng có lẽ nên nhắc đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam, năm 2017 đạt kỷ lục với số vốn đăng ký gần 36 tỉ USD, tăng gần 45% so với năm 2016.

Năm 2017 có thể gọi là năm được mùa các dự án tỉ USD, như Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) vốn đầu tư 2,79 tỉ USD; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2,58 tỉ USD; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, vốn đầu tư 2,07 tỉ USD; Dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỉ USD tại Bắc Ninh; Dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỉ USD…

Và còn nhiều kỷ lục khác nữa đã được xác lập, như lượng khách du lịch nước ngoài lên trên 13 triệu người, dự trữ ngoại hối vượt 50 tỉ USD...

Có thể nhận xét rằng, năm 2017 đã tạo nên những thành quả đáng ghi nhận, tạo một nền tảng đầy hy vọng cho năm 2018 này.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế đất nước vẫn còn những hạn chế, như tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm, chưa bền vững, năng suất lao động chưa cao. Khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến đổi của thị trường thế giới yếu. Vẫn còn những biểu hiện suy thoái trong bộ máy, trong một bộ phận cán bộ, công chức. An ninh trật tự trên một số địa bàn diễn biến phức tạp. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ còn nhiều thách thức…

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc