“Chàng trai da cam” và giấc mơ FPT

22:44 | 17/05/2017

580 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa sinh ra đã phải gánh chịu “nỗi đau da cam”, suốt đời phải gánh chịu tật nguyền và bất hạnh nhưng Hoàng Văn Ân không ngừng vượt lên để tìm kiếm tương lai. Những ai từng gặp Ân, cựu sinh viên Trường Đại học FPT đều phải thán phục trước nghị lực phi thường của một con người không đứng được trên đôi chân của mình nhưng vẫn khao khát chinh phục tri thức.

Trong căn phòng nhỏ nằm giữa xóm 5, xã Nghi Xá (Nghi Lộc, Nghệ An), Hoàng Văn Ân (SN 1987) mải miết với chiếc máy tính, cậu đang thiết kế biển quảng cáo cho một cơ sở kinh doanh ở gần nhà. Ông Hoàng Văn Thái, cha em tâm sự: “Nó là em út trong nhà, các anh chị đều lành lặn và đã có gia đình riêng, chỉ mình nó sinh ra đã bị tật nguyền, các bác sĩ bảo do nhiễm chất độc da cam từ bố. Hồi chống Mỹ, tôi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, hành quân qua những cánh rừng trụi lá...”.

Lúc chào đời, Ân đã có những dấu hiệu khác thường, cậu không cất tiếng khóc và không chịu bú mẹ, khiến người thân lo lắng, hoang mang và tìm mọi cách cứu chữa. Suốt mấy ngày liền như thế, thân hình ngày một tím tái, ai cũng nghĩ rằng cậu sẽ không thể sống nổi. Hay tin, một người họ hàng tìm đến đặt mấy viên thuốc lên người, đến đêm cậu cất tiếng khóc và lần tìm vú mẹ. Hơn 1 tuần sau sinh, con không bú nên bầu sữa của bà Hoàng Thị Định (SN 1955) đã cạn, sữa không còn xuống, người mẹ lại thêm một lần đau đớn vì phải nhồi sữa cứu con.

chang trai da cam va giac mo fpt
Hoàng Văn Ân thiết kế mẫu quảng cáo

Chưa đầy 4 tháng tuổi, một hôm bỗng nhiên Ân khóc thét, toàn thân quằn quại và run lẩy bẩy. Gia đình lập tức đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bị lồng ruột, ca phẫu thuật được tiến hành khẩn trương, 90cm ruột của cậu bé bị cắt bỏ. Một lần nữa Ân đối mặt với cái chết, gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng khi tình huống xấu nhất xảy đến. Nhưng sau ca phẫu thuật sinh tử các bác sĩ đã cứu sống được tính mạng Hoàng Văn Ân và từ đó hai chân và tay trái teo dần rồi trở thành dị tật. Cậu không thể lật trở, ngồi dậy và tập đi như những đứa trẻ bình thường, mọi sự vận động đều phải nhờ sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình...

Đến tuổi đi học, thấy những người bạn cùng trang lứa được bố mẹ mua sắm quần áo mới, cặp và sách vở đi học, Ân cũng mong được đến trường. Nhưng với đứa con tật nguyền, một tay co quắp, hai chân cứng đơ và gần như dính chặt với nhau, phải di chuyển bằng tay phải và đầu, sức lực lại chẳng có, vợ chồng ông Thái nhất quyết không để con đến lớp. Ân khóc lóc, van xin suốt cả tuần, cuối cùng bố mẹ phải mềm lòng. Thương đứa con tật nguyền, ông Thái và vợ đành chiều theo mong muốn, mua sắm sách vở cho con theo học, dẫu biết rằng con đường phía trước sẽ rất đỗi gian nan. Những năm Ân học tiểu học, hằng ngày ông Thái, bà Định thay nhau cõng con đến lớp, vượt qua bao mùa mưa với con đường lầy lội, mùa rét với những trận gió như cắt thịt da và mùa nắng với những cơn gió Lào bỏng rát.

Lên THCS, đường đến trường xa hơn, người bố đưa cậu con trai tật nguyền đến lớp bằng chiếc xe đạp cũ kỹ. Đặt con ngồi lên gác-ba-ga, ông Thái dùng sợi dây chun buộc đôi chân tật nguyền của Ân lại để đảm bảo an toàn, vì nếu để buông, đôi chân sẽ thõng xuống, nguy cơ bị ngoắc vào bánh xe đang chạy là rất cao. Sức khỏe không đảm bảo, tư thế ngồi học vô cùng khó khăn nên việc theo kịp chương trình với Ân là cả một thử thách lớn. Kiên trì lắng nghe thầy cô giảng bài, cánh tay phải còn lành lặn cố gắng ghi chép đầy đủ, về nhà tự học thêm trong sách giáo khoa, cậu không những theo kịp bạn bè mà còn được xếp vào tốp khá của lớp. Quãng thời gian này Ân được cô giáo Phan Thị Mẫn luôn động viên, cổ vũ tinh thần trên hành trình tìm kiếm tri thức. Đến nay, đã nhiều năm trôi qua, những cử chỉ ân cần, thân thương và gần gũi của cô Mẫn vẫn vẹn nguyên và tươi mới trong ký ức cậu học trò bất hạnh.

chang trai da cam va giac mo fpt
Vợ chồng ông Hoàng Văn Thái luôn đồng hành bên người con trai tật nguyền

Có những lúc đau ốm, Ân phải nghỉ học cả một quãng dài, khi hồi phục sức khỏe cậu lại mong được đến lớp. Những lúc như thế, bố mẹ khuyên can nên dừng bước, bởi biết đọc, biết viết là đủ, người tật nguyền như Ân học lên cũng chẳng có ích gì. Cậu lại khóc lóc, bò ra tận đường cái để được nhìn bạn bè đến lớp. Mấy ngày như thế, chân tay tứa máu, áo quần rách toạc, một lần nữa vợ chồng ông Thái đành phải chiều theo mong ước của con. Cứ nghĩ rằng học hết THCS cậu sẽ tự nguyện dừng bước, bởi trường xa hơn, lượng kiến thức tăng lên, đi kèm với đó là áp lực căng thẳng, nhưng không ngờ Ân vẫn xin học tiếp. Ông Thái phải chạy vạy khắp nơi mua lại chiếc xe máy để hằng ngày đưa con đến trường. Rồi 3 năm THPT cũng đi qua với bao nỗi vất vả, lo toan của bố mẹ, mọi người đều mừng cho Ân. Bởi một người tật nguyền đã theo đuổi sự học đến hết bậc phổ thông, điều không mấy người có hoàn cảnh như cậu làm được.

Nhưng niềm khát vọng chưa dừng lại ở đó, Hoàng Văn Ân đã dự thi và trúng tuyển vào Đại học FPT. Cậu vui đến phát khóc, ai cũng chúc mừng và động viên vợ chồng ông Thái tạo điều kiện cho con trai đi học. Hay tin, bác Phan Đình Trạc lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh cũng đến động viên và tặng cậu chiếc máy tính xách tay để phục vụ việc học tập. Biết không thể nào cản bước con, nhưng vợ chồng ông Thái không tránh khỏi sự bối rối, lo âu. Vì lần này không phải học trong xã, trong huyện, mà ra tận Hà Nội, cách nhà hơn 300 cây số, chi phí tốn kém đã đành, còn chuyện phục vụ sinh hoạt, ăn ở ai sẽ ở bên để giúp đỡ? Mất cả tuần bàn đi tính lại, cuối cùng ông Thái đưa ra quyết định để bà Định theo ra chăm sóc, hỗ trợ con trai trong những năm đại học. Còn ông ở nhà làm lụng ruộng vườn, tìm kế sinh nhai, tích cóp tiền bạc hằng tháng gửi ra cho hai mẹ con.

Cuộc sống vốn đã khó khăn, từ nay lại khổ cực thêm mấy phần, người bố làm việc quần quật từ sáng đến tối để kiếm tiền vậy mà chẳng đủ, phải thế chấp cả nhà cửa để vay tiền gửi cho con. Còn người mẹ theo con ra đất Hà Thành phải làm thuê, làm mướn để có thêm đồng ra, đồng vào để chồng ở nhà đỡ vất vả. Bà Định chỉ mong thời gian trôi thật mau, để Ân sớm ra trường, để bà được trở về với gia đình cùng chồng làm lụng. Hai năm đằng đẵng trôi qua, dịp may đã đến với bà Định khi một trung tâm nhân đạo nhận cử người giúp Ân trong các sinh hoạt hằng ngày, vậy là bà được về quê.

Năm 2013, Hoàng Văn Ân tốt nghiệp Trường Đại học FPT, chuyên ngành Thiết kế đồ họa. Từ đó đến nay, cậu ở nhà thiết kế các mẫu quảng cáo cho những người quen biết trên địa bàn. Thu nhập chẳng đáng là bao nhưng cậu không hề chán nản, vì đó là ước mơ và cũng là công việc yêu thích. Ân chia sẻ: “Em rất mong được nhận vào một nơi làm việc dành cho người khuyết tật, hoặc có nguồn vốn mở cơ sở in ấn, quảng cáo tại nhà. Hiện tại kinh tế gia đình rất khó khăn, eo hẹp nên chưa thể thực hiện được dự định”

Trần Công Kiên