Chàng trai có trái tim tình nguyện

16:57 | 15/08/2013

604 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Có một chàng trai không quản mọi khó khăn, gian khổ để đặt chân đến những vùng đất đang cần sức trẻ. Có một chàng trai luôn thích nở một nụ cười trên môi, một nụ cười của lạc quan, yêu đời, sẵn sàng chấp nhận thử thách để vượt qua. Đó là chàng sinh viên năm hai Đại học Ngoại thương, Lê Việt Cường.

Câu chuyện về cuộc hành trình dài

Em kể cho tôi nghe về những cuộc hành trình mà em đi qua. Có lẽ cuộc hành trình mà em thấy dài nhất là 12 năm học ngồi trên ghế nhà trường, đó là cả quãng thời gian có nụ cười, có giọt nước mắt và cả một ý chí vươn lên không ngừng.

“Bố em chắc giờ cũng đã có được một công việc mới ở thế giới khác rồi.” – Lê Việt Cường cười buồn – Chuyện về bố đã diễn ra từ lâu lắm rồi, khi lớn lên, em không dám nhắc lại.” Sự ra đi của bố đã để lại trong đứa trẻ học lớp 5 như em một vết sẹo lớn trong tâm hồn.

Em Lê Việt Cường.

Là một người thợ xây chăm chỉ, bố em vì muốn thêm đồng ra đồng vào cho gia đình đã không ngần ngại nhận thêm việc. Công việc nặng nhọc quá sức đã khiến những cơn đau xương hành hạ người đàn ông trụ cột của gia đình. Biết bị bệnh xương, cả gia đình em gom góp và đi vay từng đồng chữa bệnh cho bố, nhưng căn bệnh xương vẫn không thể chữa khỏi. Và sau một lần ngã xuống hố vôi, bố em lại phải trải qua một đợt chữa trị kéo dài 2 tháng. Bệnh tật cứ ập đến khiến sức khỏe của bố em không đủ khả năng chống chọi.

Người bố thân yêu của em ra đi, để lại gánh nặng gia đình trên đôi vai mỏi mệt, nhọc nhằn của mẹ. Em kể về mẹ bằng giọng điệu dí dỏm. “Mẹ em đa năng lắm. Làm rất nhiều việc để tăng thu nhập cho gia đình”. Từ công việc đồng áng trên đồng ruộng, trồng rau trên mảnh vườn rộng của nhà, đến nhận một chân nấu cơm cho ngân hàng, người đàn bà gần 50 tuổi quay quắt chạy theo việc. Không chỉ lo cho con được đi học như bao bạn bè mà còn chăm sóc cho người mẹ chồng hơn 80 tuổi vừa trải qua nhiều lần nhập viện.

“Mỗi lần gọi lên mẹ lại nhắc nhở em nhiều lắm. Khi về, mẹ cũng dặn dò. Lúc nào cũng thấy em như còn bé. Những tháng ngày tự lập xa nhà, em cũng thay đổi và trưởng thành nhiều rồi. Với cha mẹ, con cái dù lớn đến đâu nhưng luôn là đứa con bé bỏng, cần được lo lắng, chăm chút".

Em kể, hồi học cấp 2, những trò nghịch tuổi mới lớn, sự bướng bỉnh của em khiến nhiều lần mẹ em rơi nước mắt. Lên cấp 3 học trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, phải xa nhà, em mới thấm thía được nỗi vất vả của mẹ, những lần có lỗi của mình. “Nếu có cỗ máy của Đô rê mon, em sẽ quay về sửa lại lỗi lầm của mình năm cấp 2”.

Bởi vậy nên, không phụ lòng mong mỏi của mẹ, em cố gắng học tập, trở thành học sinh giỏi nhiều năm và giờ đây, em đã trở thành sinh viên năm 2 của ngôi trường danh tiếng cả nước – Đại học Ngoại thương.

Một trái tim tình nguyện

Bước chân vào năm thứ nhất giảng đường đại học, Lê Việt Cường nhanh chóng tham gia các hoạt động tình nguyện, và tổ chức chương trình sự kiện trong Đoàn. Với em, “ Em không muốn lãng phí thời gian vào công việc vô bổ. Tham gia hoạt động Đoàn đặc biệt là tình nguyện, em thấy mình thay đổi lên rất nhiều, cũng không còn ngây ngô, nhút nhát như đứa trẻ mới lên thành phố hồi năm nhất.”

Em kể tôi nghe rất nhiều về những hành trình tình nguyện bằng giọng háo hức của đứa trẻ, đôi mắt lấp lánh niềm vui, và cả sự hứng thú.

Ngày giỗ Tổ, em cùng các bạn đến từ trường đại học trên địa bàn Hà Nội, tham gia đạp xe từ thủ đô lên vùng đất Tổ, cùng dâng hương, tổ chức các hoạt động nhằm hướng tới tưởng nhớ Tổ tiên. “Đạp xe là cách để tạo ra hiệu ứng tình nguyện tốt nhất” - Cường chia sẻ.

Hè năm nay, em xin phép mẹ cho mình được tham gia và trải nghiẹm trong các chuyến tình nguyện xa. Tham gia đợt tiếp sức mùa thi Đại học, một mình em đứng phân luồng giao thông ở Ngõ Chợ. “Dù Ngõ Chợ số lượng người tham gia giao thông không nhiều như địa điểm khác, 6 ngày đứng phân luồng khiến em thực sự vô cùng thích thú. Lúc đó, em mới thương các chú công an đứng giữa đường phân luồng để giao thông thuận lợi hơn.”

Đặc biệt, cuộc hành trình tình nguyện kéo dài nhất về xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An để lại trong em nhiều kỷ niệm. Tham gia làm đường cho người dân và đặt tên con đường là Ngoại thương, cùng các bạn dạy em nhỏ học, tổ chức văn nghệ, họp chi đoàn cho đoàn viên ở xã,…

“Trước khi đi, em nghe nhiều bạn dọa lắm, Con Cuông là nơi giáp danh biên giới, nhiều tệ nạn, có gió Lào nóng cháy da. Nhưng khi em tới, gió Lào đã thổi qua, nên thời tiết khá dễ chịu. Em nghĩ mình còn sức trẻ, sự nhiệt huyết nên tích cực tham gia các hoạt động”. Em còn là một hoạt náo viên thân thiện khi làm MC cho các trò chơi, hát cho em nhỏ nghe.

Khi kết thúc chuyến tình nguyện, em đã trở thành 1 trong 3 bạn trong đoàn được nhận bằng khen của xã và huyện cho “Thanh niên tình nguyện xuất sắc Mùa hè xanh 2013”.

Chia sẻ về dự định của mình, em cho biết kế hoạch trước mắt là cân bằng học tập và công tác Đoàn để nâng cao thành tích học tập và dài hạn là một tấm bằng giỏi khi bước chân ra khỏi trường. “Em muốn nói và làm kèm theo. Em sợ nói điều quá xa xôi mà mình không chắc rằng thực hiện nó như thế nào.”

Lên năm thứ 2, em sẽ còn phải quay cuồng trong những kế hoạch mới. Khó khăn sẽ dần lùi xa, vì trong con người em luôn tràn đầy niềm tin yêu vào cuộc sống, sự nhiệt huyết, ý chí vươn lên. Và tôi tin rằng, những nỗ lực của em hẳn sẽ được đền đáp xứng đáng!

Mai Linh

DMCA.com Protection Status