Việt Nam - EU tiến tới FTA:

Chặng đường có bằng phẳng?

11:00 | 26/02/2013

915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Năm 2013 dự kiến sẽ có khoảng 4 vòng đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (FTA). Lộ trình đàm phán sẽ có tác động không nhỏ tới kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2012 đạt khoảng 20,3 tỉ USD. Sau hơn 22 năm kể từ khi Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với  EU (11/1990), khối 27 quốc gia châu Âu với thu nhập bình quân/đầu người mỗi năm 32.900USD này đã trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tháng 10/2010, Việt Nam và EU thống nhất khởi động đàm phán FTA song phương. Tháng 6/2012, tại Brussels, hai bên đã chính thức khởi động đàm phán và phiên đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2012, phiên thứ hai vừa diễn ra cuối tháng 1/2013 tại Bỉ.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, dễ dàng nhận thấy những khẳng định tích cực rằng, việc tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt thông qua FTA, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giao thương, đầu tư Việt Nam - EU, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân của hai bên.

Nhiều người cũng rất lạc quan khi cho rằng, mặc dù phải đối mặt với khủng hoảng nợ công đang hoành hành, việc các nước thành viên EU ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) với Việt Nam và tiếp tục đàm phán về FTA sẽ tạo ra một “cú hích” lớn, bước tiến mới, toàn diện và sâu sắc hơn trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, khơi dậy những tiềm năng vô cùng lớn của cả hai bên.

Thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng thật sự rất hấp dẫn đối với các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam. Khi FTA Việt Nam - EU được thực hiện thì ít nhất 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được tự do hóa, có mức thuế nhập khẩu bằng 0. Điều này đặc biệt có lợi với các ngành hàng chủ lực của Việt Nam đang phải chịu thuế cao khi xuất khẩu sang EU như: nông sản, thực phẩm, giày dép, may mặc…, hoạt động thương mại sẽ được đẩy mạnh hơn, quá trình đầu tư của doanh nghiệp sẽ an toàn hơn, các rào cản thương mại sẽ giảm dần, thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ cho cả hai bên trong tương lai.

Tuy vậy, cổ nhân từng dạy “biết mình, biết người” mới có hy vọng thắng. Để tránh rơi vào lạc quan “tếu” hoặc “ảo tưởng”, cần phải nhìn nhận một sự thật, chặng đường này không hẳn đã dễ dàng.

Tạm thời đặt sang một bên các thuận lợi để nhận diện những khó khăn một cách rõ nét hơn. Người viết chỉ xin làm một việc là tập hợp giùm bạn đọc những thách thức mà Việt Nam phải đối diện để chúng ta cùng đánh giá quá trình đàm phán một cách khách quan hơn.

Khó khăn lớn nhất là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, quản trị và hệ thống thể chế... của hai bên. Thu nhập bình quân/đầu người của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/20 của EU, xuất khẩu của Việt Nam vào EU chiếm khoảng 0,6% nhập khẩu của EU với thế giới, còn EU xuất khẩu vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,3% xuất khẩu của EU ra thế giới.

Bản thân nội bộ EU bị tác động mạnh của khủng hoảng nợ công châu Âu từ năm 2009 cũng đang xảy ra những mâu thuẫn về mô hình, thể chế kinh tế, thách thức nan giải nhất từ khi EU ra đời đến nay. Nguy cơ EU chú ý tập trung vào giải quyết các khó khăn trong nội khối, giảm hợp tác đầu tư thương mại với nước ngoài là khá rõ ràng.

Thị trường EU là một thị trường với những yêu cầu rất cao về chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, bảo vệ môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ… Những biện pháp, rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế luôn là những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó là khó khăn của chính chúng ta do ảnh tưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, các chỉ tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều đạt ở mức thấp trong vài năm qua.

Tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng ngoại của đa phần người tiêu dùng Việt Nam và chất lượng hàng nội cũng như giá cả còn thiếu sức cạnh tranh. Do vậy, ngay trên chính thị trường nội địa, chúng ta có thể bị sức ép cạnh tranh rất lớn, nhất là với những hàng hóa công nghệ cao như hàng điện tử, ôtô, xe máy, máy móc thiết bị… nhập từ EU. Các loại dịch vụ cao cấp như dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, năng lượng, viễn thông, phân phối... là lĩnh vực sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh bởi đây lại là lĩnh vực EU rất mạnh.

Thiết nghĩ, cũng cần nhắc lại để hình dung những khó khăn của EU, đầu tháng 2 vừa qua, các nước thành viên EU mới đạt được thỏa thuận về kế hoạch ngân sách dài hạn cho thời kỳ 2013 đến 2020 với con số 960 tỉ euro, giảm 3,3% so với giai đoạn 7 năm trước đó (2007-2013). Đây là lần đầu tiên ngân sách dài hạn của EU bị cắt giảm trong lịch sử phát triển của khối này. Tuy vậy, vẫn được coi là thành công quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh EU và là bước đầu quan trọng nhằm giải quyết bài toán chi tiêu hắc búa của khối.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho rằng: “Thỏa thuận mang tính thỏa hiệp không phải là hoàn hảo cho tất cả 27 thành viên EU, nhưng nó mang tính thực tế và chứng tỏ lãnh đạo khối này đang gánh vác trách nhiệm tại thời điểm khó khăn kinh tế lan tràn khắp khu vực”. Đóng góp thực tế của các thành viên hiện không đủ đáp ứng chi theo như yêu cầu của khối EU.

Thủ tướng của nền kinh tế vững mạnh nhất châu Âu là nước Đức, bà Angela Merkel cũng e ngại: “Chúng ta cần kiên nhẫn thêm một thời gian nữa, cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. Trên bình diện quốc tế, cần phải làm thêm nữa để kiểm soát thị trường tài chính”.

Tỉnh táo nhìn nhận những khó khăn để năm 2013 có những bước đi thích hợp, giải pháp sáng suốt, kịp thời điều chỉnh định hướng, nỗ lực cải cách..., thì chúng ta mới có thể biến khó khăn thành động lực, mạnh dạn hơn, quyết tâm hơn tạo nên bước phát triển mới, tiến tới kết thúc đàm phán FTA vào năm 2014 và cùng kỳ vọng vào kết quả hợp tác tốt đẹp sau khi Hiệp định được ký kết.

Nam