Chân giò và chai rượu

13:44 | 20/10/2017

6,330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cán bộ có chức, có quyền mới có điều kiện tham ô, tham nhũng. Điều đó Đảng biết, dân biết từ lâu, báo chí nói nhiều nhưng tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra.

Tham nhũng là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ ra là “... lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với doanh nghiệp (DN), với đối tượng khác để trục lợi...”. Vấn đề này đã được Đảng ta cảnh báo qua nhiều kỳ đại hội, nhưng đến nay mới thực sự chuyển biến.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì chủ thể của tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao vì vụ lợi. Như vậy, thực chất hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với DN để trục lợi là biểu hiện cụ thể của nạn tham nhũng.

Từ xa xưa, các cụ ta đã khái quát bằng hình ảnh rất sinh động qua thành ngữ “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Hiểu theo nghĩa đơn thuần thì một bà có rượu; ông kia muốn uống thì ông phải góp cái chân giò, bà kia sẽ đưa rượu ra cùng ăn, cùng uống. Dân gian còn có câu “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, nghĩa là tôi giúp anh việc gì đó thì anh cũng phải có gì cho tôi thì mới là trọn vẹn. Vì vậy, các DN làm ăn trên địa bàn nào thì phải quan hệ gắn bó với lãnh đạo địa phương đó thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Nhân ngày lễ, tết, các DN tổ chức gặp mặt hoặc đến thăm lãnh đạo địa phương, cảm ơn và biếu chút quà với cái phong bì dăm ba triệu vẫn được coi là chuyện bình thường. Vấn đề đáng quan tâm là những món quà vượt quá giới hạn tình cảm bình thường. Đó là khoản tiền tính bằng tỉ đồng, những chiếc ôtô sang, những ngôi nhà mặt phố… Thậm chí, quan chức còn nổi máu tham, vòi vĩnh DN bằng việc ra giá cụ thể, không đáp ứng được là không xong. Khi chưa thỏa mãn lòng tham thì quan chức gây khó dễ, tạo sức ép khiến DN khó bề hoạt động.

chan gio va chai ruou

Lãnh đạo một số tỉnh nhận ôtô của DN tặng gây bất bình trong dư luận. “Há miệng mắc quai”, có DN lợi dụng sự buông lỏng quản lý của địa phương nên đã “hành động quá tay”, tạo nên những hậu quả nặng nề, khó khắc phục nổi. Dự án cần 10ha thì đút lót, hối lộ rồi xin thêm vài ha nữa. Nhà duyệt cho xây 20 tầng thì vô tư xây cao thêm dăm ba tầng… Cứ như vậy mà đôi bên cùng có lợi, tạo ra những nhóm lợi ích.

Đảng đã chỉ rõ, tham nhũng xảy ra ở mọi lĩnh vực, nhưng phổ biến vẫn là trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là thông qua hoạt động của các DN. Nói đến DN là nói đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận. Bên cạnh những DN làm ăn chân chính, có không ít DN làm ăn theo kiểu “chụp giật”. Những DN này thường triệt để lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, luật pháp của Nhà nước; nhiều chủ DN luôn tìm cách tiếp cận, móc nối, liên kết với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy lãnh đạo, quản lý điều hành để trục lợi.

Mấy chục năm nay, khi Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế thì biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với DN không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội bộ mà đã xuất hiện một số vụ tham nhũng có sự móc nối, liên quan đến DN nước ngoài. Để trục lợi, DN sẵn sàng “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Nhiều DN sẵn sàng dùng tiền để “bôi trơn” cho cán bộ, công chức thuộc các cơ quan chức năng để được làm nhanh thủ tục, bỏ qua quy trình, lơ đi những sai phạm... Thậm chí có nơi, cán bộ, công chức và chủ DN xem việc đưa và nhận hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”. Vừa qua, Đảng tiến hành kỷ luật một số cán bộ, đảng viên có chức quyền tham nhũng là tín hiệu cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu DN, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, nếu thiếu các biện pháp quản lý, điều hành vừa bao quát, vừa chặt chẽ, cụ thể thì rất dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, thất thoát vốn và tài sản Nhà nước.

Quản lý và giám sát chặt chẽ thì sẽ hạn chế được những nhóm lợi ích chung chi “chân giò” và “chai rượu”.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc