Cha đã thắp lửa trong con…

15:21 | 11/03/2013

673 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Bố mất từ năm lên 12 tuổi, nhưng Lại Việt An, cậu sinh viên năm thứ tư trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vẫn không ngừng cố gắng trong học tập để nuôi ước mơ đã được bố nhen nhóm ngay từ những ngày đầu.

Bố… và ước mơ trở thành kỹ sư điện

Thích nghề điện ngay từ những ngày còn bé, An cho rằng đó là nhờ có bố. Bố An mất từ khi cậu mới học lớp 6 vì mắc bệnh xơ gan. Trước đó, bố làm ở Sở Điện lực tỉnh Hà Nam nên thỉnh thoảng vẫn cho cậu tới chơi. “Mùa hè, bố thường cho mình xuống cơ quan của bố chơi nên mình thích nghề điện luôn từ hồi đó” - An tâm sự.

Bố của An là một người cha quan tâm đến con cái nhưng cũng hết sức nghiêm khắc. “Có lần vì mải chơi quá nên mình bị bố đánh đòn, đó là kỉ niệm không thể quên về bố. Và mình vô cùng biết ơn sự dạy dỗ nghiêm khắc đó từ bố”, cậu nhớ lại. Sự ra đi của bố khiến cuộc sống của cậu học trò nhỏ thiếu đi tình cảm và sự dìu dắt của người cha. Nhưng nghĩ về bố, An càng cố gắng vươn lên trong học tập để thực hiện ước mơ của mình.

Việt An đang từng bước vươn tới ước mơ của mình

Niềm an ủi và chỗ dựa cho An bây giờ là mẹ và cô em gái đang học lớp 11 trường Chuyên Toán thành phố Phủ Lý. Mẹ An đã 47 tuổi và đang là giáo viên dạy cấp 2 ở Hà Nam. Khoản tiền lương của mẹ tuy không nhiều nhưng vẫn cố gắng để lo cho hai anh em ăn học ổn định.

Nhắc đến mẹ, An không quên thời gian ôn thi đại học có mẹ ở bên: “Mẹ luôn chăm sóc cho mình từ những điều nhỏ nhất như việc ăn uống, quan tâm theo dõi việc học hành của mình”.

Bố mất, trách nhiệm của người con cả đối với An lại càng lớn, An luôn ý thức sự quan trọng của việc học và ý chí phấn đấu để sau này có thể “chăm lo cho mẹ và em gái thay bố”.

Từng bước vươn tới ước mơ

Mong muốn được tiếp nối bước chân của bố nên An luôn cố gắng và nỗ lực trong học tập. 12 năm liền cậu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Từ cấp 2, phát hiện năng lực về các môn tự nhiên của con, mẹ cho An vào trường Chuyên Toán Phủ Lý để cậu có điều kiện phát triển khả năng hơn nữa.

Năm lớp 9, An đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, và năm nào cậu cũng đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố.

Lên cấp 3, An thi đỗ vào lớp chuyên Toán của trường Chuyên Hà Nam. Và đến năm lớp 12, cậu giành giải Nhì môn Toán cấp tỉnh và giải khuyến khích Quốc gia môn Toán.

Thời kỳ khó khăn nhất là năm lớp 12, cậu phải ôn luyện cho cả hai kỳ thi lớn đó là thi Học sinh giỏi Quốc gia và thi Đại học. “Áp lực nhất vẫn là kỳ thi Toán quốc gia”, An cho biết.

Kiến thức và kỹ năng được ôn luyện khá vững chắc nên An dễ dàng thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với số điểm khá cao – 27 điểm. Lựa chọn vào trường Bách khoa theo cậu sinh viên đất Hà Nam này là một sự lựa chọn đúng đắn vì “đó là trường kỹ thuật hàng đầu của cả nước” và là môi trường tốt nhất để cậu học tập và đạt tới ước mơ của mình.

Ngay từ năm thứ nhất đại học, An đã mang về cho nhà trường một niềm tự hào lớn, đó là giải nhất môn Giải tích Olympic Toán học toàn quốc năm 2010. Hiện tại, cậu đang theo học tại lớp Kỹ sư tài năng, chuyên ngành điều khiển tự động thuộc Trung tâm Đào tạo tài năng và Chất lượng cao của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cậu luôn nằm trong tốp đứng đầu của lớp về thành tích học tập.

Quan điểm của An là “học nhưng cũng phải có thời gian để giải trí, học để lấy kiến thức là chính, và quan trọng là tự học, tự nghiên cứu”. “Sau khi học xong ở lớp, về nhà mình thường nghiên cứu giáo trình, xem lại bài luôn. Ngoài ra mình thường lên thư viện mượn sách về học và tìm tài liệu trên Internet”, cậu bạn chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình.

Không giống như nhiều sinh viên, gần tới kỳ thi mới dồn vào học, An học và nghiên cứu kiến thức thường xuyên, thời gian ôn thi là lúc cậu tổng kết lại và rèn luyện những kiến thức, kỹ năng đã được học. Phương pháp học tập khoa học này khiến Lại Việt An luôn đạt kết quả tốt trong mỗi kỳ thi.

Trong suốt thời gian học đại học, hầu như học kỳ nào An cũng đạt học bổng khuyến khích của nhà trường. Và ba năm liền cậu nhận được Học bổng Đạm Phú Mỹ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), mỗi học bổng trị giá 5 triệu đồng. “Mình thường dùng số tiền từ học bổng để nộp học phí, cũng giúp đỡ mẹ được phần nào”, cậu sinh viên cười chia sẻ.

Tương lai, An định hướng sau khi học xong đại học sẽ tìm học bổng cao học và sang học tập ở nước ngoài. Theo cậu bạn này, đó sẽ là môi trường tốt để có thể tiếp xúc với các nước phát triển và nâng cao tầm hiểu biết của mình.

Phạm Trang

DMCA.com Protection Status