Cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc đã ra đi

14:36 | 24/06/2015

2,679 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế là căn nhà ở 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh với lối kiến trúc thuần Việt, từ nay vắng bóng nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc tài hoa, GS-TS Trần Văn Khê.

Một cảm xúc khó tả, một sự hụt hẫng khó bày tỏ khi 6 giờ sáng nay hay tin GS-TS Trần Văn Khê qua đời tại bệnh viện Nhân dân Gia Định sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Nhà tôi gần nhà GS Trần Văn Khê, theo lệ thường tôi sẽ đi theo con đường cũ đến cơ quan nhưng hôm nay chiếc xe đi theo chiều ngược lại, quẹo qua đường Nguyễn Thiện Thuật rồi đến Huỳnh Đình Hai. Bên ngoài cánh cổng nhà GS Khê mọi việc vẫn diễn ra bình thường, quán cóc, quán cà phê vẫn tấp nập người mua – kẻ bán. Dường như chưa nhiều người biết đến sự ra đi của một cây đại thụ nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tôi đến gần cánh cổng, đóng im, bên trong đã có vài người dựng rạp. Bác bảo vệ trong vẻ mặt thẫn thờ, bác là người gắn bó rất lâu với GS Trần Văn Khê.

GS-TS Trần Văn Khê trong một lần nói về âm nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học nghe tại tư gia

“Thưa bác, khi nào thầy Khê được đưa về quàn tại nhà” tôi hỏi. Bác bảo vệ trả lời ngập ngừng: “Tui chưa biết cô ơi!” Nói rồi mắt ông ngân ngấn lệ và quay đi chỗ khác. Ghi lại vài tấm ảnh về căn nhà của GS Khê, nơi đã chứng kiến bao nhiêu cuộc nói chuyện về âm nhạc dân tộc mà ông là người chủ trì, mỗi lần thu hút hàng trăm người nghe, bàn luận sôi nổi.

Trong tiết trời Sài Gòn khá âm u, tôi ngồi trước bàn phím và nhớ về những lần gặp gỡ GS Khê. Có lần tôi ngồi trò chuyện cùng ông gần 3 giờ đồng hồ, trong căn nhà ở 32 Huỳnh Đình Hai. Ông kể, cuộc đời ông nhiều cung bậc, lắm thăng trầm. Bản thân ông từng vài lần bị bệnh thập tử nhất sinh.

Vào năm 1951, theo lịch trình của Liên Hiệp Quốc thì ngày 1/9, sinh viên Trần Văn Khê chính thức vào làm chuyên viên luật quốc tế cho tổ chức này. Lúc đó, bản thân ông mong rằng: “Vào đó, có thể giúp được cho cuộc kháng chiến của dân tộc”, nhưng oái oăm thay, ngày 15/8/1951 ông bị đau nặng, phải mổ gấp và thế là ước mong có chân trong tổ chức Liên Hiệp Quốc để đại diện cho tiếng nói của dân tộc Việt Nam tan thành mây khói. Bị bệnh nặng, ông phải nằm viện đến 3 năm 2 tháng, quả là thời gian nghỉ ngơi quá lâu đối với một người còn quá trẻ và năng động.

Nhưng như người ta thường nói “trong cái rủi có cái may”, nhờ thời gian bị chôn chân ở bệnh viện mà chàng sinh viên Khê tự nhìn lại mình và dù cũng có những lúc ông thối chí, chán nản, cảm giác mình như là người bỏ đi và đã cảm thán sáng tác những bài thơ rất bi lụy.

Tuy nhiên, 3 năm “nghỉ ngơi” ở bệnh viện cho ông nhận ra là dường như mình đi sai đường dù bản thân lúc trước ông rất mê nhạc Tây. Trong đó, có sự kiện rất quan trọng giúp ông quay về nguồn là nhờ những bài đàn tranh đi đàn ở tiệm ăn La Paillote mà ông có tiền sống được nơi đất khách lúc khốn khó, rồi được tham gia Liên hoan thanh niên các nước phe xã hội chủ nghĩa ở Budapest - Hunggari và đoạt giải Nhì với tác phẩm âm nhạc dân tộc.

Vì thế: “Tôi quyết định trở lại âm nhạc dân tộc và với mong ước, phải làm sao cho cả thế giới biết được âm nhạc truyền thống của Việt Nam nên tôi quyết định làm luận án tiến sĩ về âm nhạc dân tộc Việt Nam”, GS Trần Văn Khê hồi tưởng trong một lần trò chuyện.

Các loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống tại nhà GS Trần Văn Khê

Tháng 6-1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa, môn Nhạc học của Trường đại học Sorbonne. Đó là một sự kiện vô cùng quan trọng trong cuộc đời GS.TS Trần Văn Khê. Chính bước ngoặc này đã đưa ông về hẳn với âm nhạc dân tộc. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông được tuyển vào CNRS (Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học) của Pháp làm việc tại Khoa Âm nhạc học.

Tôi vẫn cứ ấn tượng lần dự buổi giao lưu biểu diễn giới thiệu đàn tranh Việt Nam và đàn Koto Nhật Bản tại tư gia GS.TS Trần Văn Khê vào tháng 9/2012. Đúng là âm nhạc như không có khoảng cách. Khi đến với âm nhạc dù khác xa nhau về văn hóa, ngôn ngữ thì con người vẫn thấy ở nhau sự đồng điệu trong tâm hồn. Hôm đó, phía bạn có GS Toshiko Nagasa, nữ nghệ sĩ biểu diễn đàn Koto của Trường Yamada (Nhật Bản) và nghệ sĩ chơi tiêu Kenzan Nagase. Có thể nói, qua những dịp như thế người yêu âm nhạc dân tộc có thêm nhiều kiến thức rất hay, thú vị về các loại đàn, các thể thức âm nhạc dân tộc khác nhau.

Rất thú vị khi nghe các giáo sư diễn giải về nguồn gốc đàn tranh và đàn Koto. Riêng GS Trần Văn Khê thì diễn giải rất cặn kẽ: “Nguồn gốc đàn tranh Việt Nam là đàn “tranh” giống như đàn “sắt” từ Trung Quốc truyền sang nước Việt, có thể từ đời Trần hay trước nữa, dùng trong dân dã dưới dạng 9 dây, 15 dây, 16 dây và từ xưa đến giờ thay đổi kích thước, số dây, từ dây tơ sang dây đồng đến dây thép.Nhưng qua bảy, tám thế kỷ, người nước Việt dùng nó, tạo cho nó một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức, trong bài bản. Đàn tranh đã thành nhạc cụ hoàn toàn mang tính dân tộc Việt Nam, vì đã được người Việt ưa dùng, truyền từ đời này đến đời kia hàng bảy, tám trăm năm, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt và nói rất rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam”. Nói rồi GS Khê đàn cho tất cả mọi người cùng nghe trong sự thán phục của nữ GS Toshiko Nagasa.

Những lần sau và nhiều lần sau nữa tôi đến nhà giáo sư Khê để nghe rất nhiều chuyên đề khác nhau, nhưng âm nhạc dân tộc và làm thế nào để giới trẻ yêu âm nhạc dân tộc, đưa âm nhạc dân tộc vào trường học, bảo tồn âm nhạc dân tộc vẫn là mối quan tâm lớn nhất của ông.

Mới đây, thầy Khê còn rất minh mẫn, khỏe khi đến tham dự buổi ra mắt Hai bộ sách Trường ca biển Đông và giữ hồn dân tộc và Trường ca Văn hóa giáo dục Gia đình Quốc đạo của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã và Mai Trinh Đỗ Thị. Thầy còn vui vẻ trò chuyện với biết bao người. Thế mà. Đúng là không ai tránh được quy luật sinh – lão – bệnh – tử trong cuộc đời. Gần 95 sống trên cõi đời, hơn phân nửa thời gian sống ở phương Tây. Hơn 54 năm sống ở Pháp, những tưởng GS Trần Văn Khê đã là người Pháp khi sống trong không gian văn hóa Pháp, ăn, nói, ở… đều Pháp “hóa”. Nhưng nhờ âm nhạc dân tộc, nhờ những cây đàn tranh, đàn bầu, đàn cò; ca trù, quan họ, chèo, tuồng, cải lương, vọng cổ, đờn ca tài tử… đã níu tâm hồn ông trở về quê hương.

Theo di nguyện, căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai sẽ thành "Nhà lưu niệm Trần Văn Khê"

Sinh thời, mong ước lớn nhất của ông là giúp thanh niên Việt Nam quay về âm nhạc dân tộc. Do đó, hằng tuần, hằng tháng, bất cứ khi nào có cơ hội GS Khê cũng sẵn sàng tổ chức những buổi sinh hoạt âm nhạc dân tộc tại nhà. Sau này khi không đi lại được, phải ngồi xe lăn nhưng GS Khê vẫn không nghỉ ngơi, vẫn miệt mài làm việc, nhiệt tâm cống hiến. Và mỗi buổi sinh hoạt âm nhạc tại nhà GS Trần Văn Khê là một không khí khác hẳn, ông như lên đồng trong không gian âm nhạc ấy, trong tiếng vỗ tay của khán giả, ánh mắt yêu thương đón nhận từng câu chữ, từng ngón đàn giáo sư tung tẩy.

Ra đi khi tóc còn xanh, trở về khi tóc đã bạc nhưng tâm hồn, tình yêu ông dành cho quê hương, cho âm nhạc dân tộc vẫn vẹn nguyên. Dù biết rằng, sự vẹn nguyên đó là cả một quá trình lao động miệt mài, phấn đấu không ngừng, hay có lúc đứng giữa nhiều ngả của sự lựa chọn nhưng cuối cùng, ông vẫn chọn âm nhạc dân tộc và yêu đến cháy lòng, trân trọng như “thánh đường”. “Âm nhạc dân tộc đã giúp tôi hồi sinh” là lời cảm ơn tự đáy lòng mà ông dành cho quê hương, con người, đất nước Việt Nam.

Giờ đây dù đã về cõi vĩnh hằng nhưng chắc chắn rằng những di sản văn hóa ông để lại, đặc biệt là “Thư viện Trần Văn Khê” là nguồn tài liệu vô cùng quý báu cho thế hệ hôm nay nghiên cứu và bảo tồn âm nhạc dân tộc. Trong bản di nguyện, ông bày tỏ mong muốn những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Chắc chắn sẽ có nhiều lớp hậu bối cũng trân trọng âm nhạc dân tộc như thánh đường để âm nhạc truyền thống không bị phai mờ, thất truyền theo thời gian.

Thiên Thanh (Năng lượng Mới)