Cầu Vàm Thuật - mòn mỏi đợi chờ

07:15 | 04/02/2018

10,308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách trung tâm TP HCM chỉ khoảng 7km đường chim bay, người dân An Phú Đông vẫn hằng ngày đi phà qua sông Vàm Thuật vào trung tâm thành phố học hành, làm việc… Bao năm qua, người dân vẫn chờ đợi cây cầu bắc qua sông Vàm Thuật nối An Phú Đông (quận 12) với quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh, giúp cho việc đi lại, sinh hoạt… được thuận tiện.

Vùng hoa lài thơm nức tiếng

Trước năm 1975, An Phú Đông là chiến khu của Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Gia Định, ban ngày người dân An Phú Đông vẫn làm nông nghiệp bình thường nhưng tối đến thì phải tản cư sang Hóc Môn, Bình Triệu, Lái Thiêu để tránh những cuộc đụng độ. Hòa bình lập lại người dân quay về sinh sống, là vùng đất có địa thế một cù lao xanh mát được bao bọc bởi hai con sông Sài Gòn và Vàm Thuật. Từ trung tâm TP HCM đến An Phú Đông chỉ mất 7km đường chim bay nhưng phải đi qua một bến phà trên sông Vàm Thuật.

cau vam thuat mon moi doi cho
Hành khách đi phà

Gặp bà Nguyễn Thị Bê (73 tuổi) đang bán rau trên đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, nghe bà kể về vùng đất này thì biết bà là một trong những người trở về quê cũ sinh sống sớm nhất sau khi hòa bình lập lại. “Trước 1975 nhà tôi ở ngay đầu chợ Gò Vấp gần Chùa Bà (phường 5, quận Gò Vấp), giải phóng được vài giờ thì cả nhà tôi chuyển về đây che chòi để ở. Đất này là đất hương hỏa bên nhà chồng. Khi về làm dâu, tôi cuốc đất canh tác trồng lài, trồng tắc, đến khi thu hoạch đem bán ở chợ Cầu Muối. Còn những dịp Rằm hoặc đầu tháng, tắc rộ thì gánh qua chợ Gò Vấp bán. Hồi đó làm gì có xe đạp để đi, toàn dùng bằng quang gánh để gánh tắc đi bán. Từ An Phú Đông qua Chùa Bà (gần chợ Gò Vấp) phải qua khúc sông Vàm Thuật. Cả khu này đi qua Gò Vấp bằng ghe tam bản, mỗi lượt chở được 20 người. Hồi đó có ông Tám chèo đò. Sau ông vỡ nợ, Nhà nước giao bến ghe lại cho người khác quản lý”.

Chúng tôi tìm gặp những người lớn tuổi, được nghe kể về vùng An Phú Đông sau chiến tranh, đất đai trù phú tươi tốt, với vườn tắc, vườn cây ăn trái. Phù sa sông Vàm Thuật và sông Sài Gòn bao quanh đã ban tặng cho nơi đây sinh ra một thứ đất để trồng lài. Hoa lài ở đây thơm nức tiếng mà chẳng đâu có được. Khoảng từ năm 1980-1990, An Phú Đông có gần 200ha trồng lài. Thương lái nhiều nơi tới mua để cung cấp cho vùng Chợ Lớn làm trà, làm thuốc. Thu nhập của người dân cũng từ đó dần khá lên. Tuy nhiên, từ năm 1990, sông Vàm Thuật và hệ thống kênh rạch vùng này bị ô nhiễm nặng, cây lài không chịu được nước ô nhiễm cũng dần biến mất. Giờ ở An Phú Đông thi thoảng mới thấy những cây lài trong nhà người dân trồng làm cây kiểng. Như bao hộ dân khác ở An Phú Đông, nhà bà Bê chuyển qua trồng mai ghép, năm nào thời tiết thuận lợi, được giá vườn mai ghép của bà và những hộ dân ở đây cho thu nhập khá.

Trước kia An Phú Đông là nơi đất đai trù phú, tươi tốt, với những vườn tắc, vườn cây ăn trái. Phù sa sông Vàm Thuật và sông Sài Gòn bao quanh đã ban tặng cho nơi đây sinh ra một thứ đất để trồng lài. Hoa lài ở đây thơm nức tiếng mà chẳng đâu có được.

Đường Vườn Lài nối từ bến phà An Phú Đông đến Quốc lộ 1A làm khá lâu. Hiện nay, khu này đất đai đang sốt nên nhiều người dân bán đất nông nghiệp cho các công ty bất động sản. Hằng ngày, người dân hai bên đường Vườn Lài rất khổ sở với tiếng ồn và bụi của các xe tải chở đất cát ùn ùn kéo về đổ đất san nền.

Bà Bê phàn nàn: “Ngày xưa dân ít, đường không được đẹp nhưng bình yên. Giờ dân đông phức tạp hơn, xe nhiều, bụi nhiều”. Hỏi về những lần đi phà thì bà Bê bảo chẳng sao cả, ngày xưa đi đò còn chẳng sợ nữa là đi phà, phà rộng rãi an toàn hơn nhiều. Có phà lớn đưa khách sang sông khoảng 5 năm trở lại đây nên lượng dân nhập cư về An Phú Đông tăng nhanh. Giá đất nền ở An Phú Đông cũng tăng chóng mặt, vì thế mà nhiều người trở thành tỉ phú đất.

Ông Thiên Minh (54 tuổi) nhà ở quận Phú Nhuận qua An Phú Đông thuê đất nuôi gà đá cho biết: Trước An Phú Đông chỉ có đường tiểu lộ, ít người, ít xe, ít bụi. Ông kể, ngày xưa, nước sông Vàm Thuật trong vắt, văng lưới bắt cá ăn không hết. Giờ thì người ta đi chích điện nhiều, cá bị tiêu diệt nhanh, cá chết thối cùng với nguồn nước bẩn nên ô nhiễm quá. Những hôm nước triều rút để lộ ra dòng sông đặc quánh, mùi hôi nồng nặc.

cau vam thuat mon moi doi cho
Phà cập bến phường An Phú Đông - quận 12

Trước năm 2007, đường Vườn Lài vẫn còn là đường đất đỏ và chưa có đèn điện sáng, vào mùa mưa đường trơn ai đi không cẩn thận là té lên té xuống. Khuya, người dân muốn đi qua chợ Gò Vấp sớm để bán các thứ cây trái trồng được thì phải cầm cây đuốc làm bằng lá dừa bó lại. Ông Minh nhẩm tính, nếu từ Gò Vấp qua An Phú Đông đi phà chỉ tốn 2.000 đồng người và xe/lượt, 3.000 cho xe + 2 người/lượt, trong khi đi đường vòng qua đường Nguyễn Oanh - cầu An Lộc - Ngã tư Ga - quẹo vào Vườn Lài vừa mất thời gian vừa tốn tiền xăng. Nên giờ đa số người dân nơi đây đi phà. Vào giờ cao điểm phà chật ních người, có hôm phải chờ rất lâu.

Phà miễn phí cho học sinh, người già, trẻ em…

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó trưởng ban Quản lý bến phà An Phú Đông cho biết: Nghe thông tin khoảng tháng 4-2018 sẽ khởi công xây cầu bắc qua sông Vàm Thuật mà cũng không biết có đúng không, có còn hoãn như những lần trước không nữa. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phường An Phú Đông, quận 12 cho biết, hiện tại dự án xây cầu bắc qua sông Vàm Thuật chưa có thông tin mới.

Nhắc đến dự án làm cầu, ông Nguyễn Văn Tuấn giọng buồn buồn, có cầu rồi thì 4 chiếc phà này chắc bán rẻ. “Hồi xưa tôi đầu tư mua 1,5 tỉ đồng/phà, tôi quản lý hai phà, tính ra tiền đầu tư 2 phà đã 3 tỉ đồng. Giờ nếu có cầu, bán phà cũ giá chỉ khoảng 200-300 triệu đồng/chiếc”. Ông cho biết thêm, mỗi phà khoảng 300 mã lực, sức chở khoảng 90 người + xe/lượt.

Người dân ở An Phú Đông đều mong Nhà nước sớm xây dựng cây cầu để cho việc đi lại của người dân nơi đây được thuận tiện hơn, chủ động trong sinh hoạt hằng ngày vì không phải phụ thuộc vào hoạt động của phà.

Bến phà hiện có 2 người quản lý là ông Tuấn và bà Phạm Thị Đẹt. 1 tài công được trả 300.000 đồng/ngày bao ăn ở, bằng tiền công trả cho một công thợ hồ; 2 người đứng mũi, mỗi người được trả 200.000 đồng/ngày; những người phát áo phao được trả 140.000 đồng/ngày làm từ sáng đến chiều. Theo ông Tuấn thì mỗi tháng trừ tất cả các chi phí, nếu tháng nắng, mỗi chủ phà còn dư được 4-5 triệu đồng/tháng, còn mùa mưa thì khách đi ít hơn nên còn dư khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.

Đối với trẻ em học sinh, người già, bệnh nhân cấp cứu, người bán ve chai, vé số thì bến phà An Phú Đông miễn phí. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết là thỉnh thoảng ông hay bà Đẹt hoặc anh em làm trên phà cũng thấy buồn vì một số hành khách đi phà nói năng khiếm nhã hoặc có người “quên” trả tiền phà, khi được nhân viên thu tiền hỏi thì mắng chửi, thậm chí đe dọa.

Mong sớm có cây cầu

Anh Đông về sống ở An Phú Đông được 2 năm bày tỏ rất mong thành phố sớm khởi công xây dựng cây cầu. Anh chia sẻ: “Trước khi đến mua đất xây nhà khu vực đường Vườn Lài, tôi nhận thấy đây là phường giáp ranh với quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh, đi về trung tâm thành phố khá gần nên chọn mua đất ở đây. Đồng thời cù lao An Phú Đông được bao quanh bởi sông Vàm Thuật và sông Sài Gòn nên quanh năm có khí hậu mát mẻ, trong lành rất tốt cho sức khỏe, nhất là gia đình đang có con nhỏ. Tuy nhiên, qua quan sát thì thấy rằng, quanh khu vực đường Vườn Lài kinh tế còn chậm phát triển, giao thông đi lại cách trở, từ đường Vườn Lài qua Nguyễn Thái Sơn - Gò Vấp phải đi bằng phà hay đường trục - khu Bình Lợi, quận Bình Thạnh với An Phú Đông vẫn cách một khúc sông. Nhìn chung, người dân An Phú Đông đi làm, đưa con đi học ở Gò Vấp và các quận trung tâm thành phố rất vất vả và bất tiện. Mưa, đường lên phà trơn hơn, không an toàn bằng đi đường bộ. Rồi những hôm nước lớn - triều cường cao hoặc những hôm triều cường quá thấp, người dân xuống phà rất chông chênh, nhất là chị em phụ nữ và người lớn tuổi đi lại không vững sẽ mất an toàn”.

cau vam thuat mon moi doi cho
Bảng thông báo tải trọng 4 chiếc phà trên bến phà An Phú Đông

Còn chị Nhung - nhà ở khu dân cư Sơn Ca 8 cho hay, trước khi về đây chị đã tìm hiểu thông tin trên báo chí và người dân sống quanh đây là tương lai sẽ có cây cầu trên sông Vàm Thuật nên an tâm là về lâu dài sẽ không phải đi phà. Cách đây 4 tháng chị cho con đi học bên quận Bình Thạnh gần cơ quan chồng để tiện đưa đón. Tuy nhiên, đoạn đường từ Bình Thạnh về nhà ở An Phú Đông khá xa. “Nhiều lúc chiếc phà quay đầu, có chút rung lắc, hai mẹ con ngồi dưới chiếc áo mưa, trong tôi dâng lên nỗi lo sợ. Nếu lỡ phà có chuyện gì thì hai mẹ con không thoát kịp giữa dòng sông. Cứ nhiều lần lo lắng lặp đi lặp lại như vậy nên tôi quyết định cho con về học một trường mầm non tư thực ở An Phú Đông, vừa gần nhà, vừa tiện đưa đón”, chị Nhung tâm sự.

Chị Thanh đến sống khu vực phường An Phú Đông được 2 năm cũng cho biết: “Thứ nhất, mong nhà nước sớm xây dựng cây cầu để cho việc đi lại của người dân ở đây được thuận tiện hơn, không lo bị trễ giờ vì phải chờ phà, chủ động trong sinh hoạt hằng ngày vì không phải phụ thuộc vào hoạt động của phà. Thứ hai, đi trên cầu sẽ an toàn hơn, không còn cảm giác lo lắng mỗi khi phà chạy, nhất là trời mưa và khi phà có sự cố mà chở con trên xe thì rất lo. Thứ ba, thời gian trên phà quá ngắn, mọi người chen chúc nhau quá đông và không kịp mặc áo phao. Qua phà, sợ nhất là những hôm nước thủy triều xuống quá thấp, từ chỗ mua vé chạy xuống đến phà tuy ngắn nhưng rất dốc nên chị em rất ngại. Hay những hôm nước thủy triều quá cao, từ chỗ thu tiền chạy lên phà rất cao, thỉnh thoảng có người trượt và may là bến phà luôn có hai nhân viên đứng ở phía bờ sông túc trực để hỗ trợ khách nếu bị trượt ngã”.

cau vam thuat mon moi doi cho
Bến phà An Phú Đông phía phường 5, quận Gò Vấp

Anh Đông cũng cho hay, có thông tin dự án xây cầu bắc qua sông Vàm Thuật nối đường Vườn Lài với trục đường khu Bình Lợi, quận Bình Thạnh - hoặc nối với đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp đã được UBND TP HCM phê duyệt lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy khởi công.

Rất nhiều người dân chúng tôi gặp ở An Phú Đông đều mong sớm có cây cầu bắc qua sông Vàm Thuật thay cho việc đi bằng phà. Dù biết rằng, có cầu rồi dân ở An Phú Đông sẽ đông đúc hơn, nhộn nhịp hơn, không còn yên tĩnh và thanh bình như trước nhưng bù lại việc đi lại, học hành, đi làm việc, vào các quận trung tâm sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, rút ngắn thời gian, chi phí, khoảng cách và quan trọng nhất là an toàn hơn, người dân an tâm hơn…

Chưa xây cầu qua sông Vàm Thuật

Dự án đường Vườn Lài - Vàm Thuật nối quận Bình Thạnh với quận 12 dài 2,7km, mặt đường rộng 40m. Trong đó xây cầu Vàm Thuật bắc qua sông Vàm Thuật dài 376m, rộng 18m, dự định triển khai thi công đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư 2.101 tỉ đồng. Công trình này kết nối giữa quận Bình Thạnh và quận 12, tạo thuận lợi cho người dân đến Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 13 để đi về hướng bắc của TP HCM.

Trước đó Sở Giao thông vận tải TP HCM giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 lập dự án đầu tư xây dựng cầu tạm Vàm Thuật nối quận Gò Vấp với quận 12 nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân hai địa phương trên. Rồi UBND TP HCM giao cho UBND quận 12 xem xét lại quy hoạch đô thị khu An Phú Đông để có quyết định đầu tư xây dựng cầu vĩnh cửu hoặc cầu tạm bắc qua sông Vàm Thuật.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa khởi công, người dân ở An Phú Đông đang hằng ngày ngóng chờ cây cầu bắc qua sông Vàm Thuật.

Thanh Nguyễn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps