Cảnh giác: Bỗng dưng trở thành con nợ?!

15:47 | 28/01/2014

23,213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Anh Minh tá hỏa khi nhận được giấy vay mượn nợ thiếu bà P. số tiền 400 triệu đồng. Anh Minh khẳng định, giấy vay mượn trên chữ ký chính xác là của anh, nhưng đã được ngụy tạo.

Anh Nguyễn Trọng Minh kể lại diễn biến sự việc xuất hiện giấy vay mượn nợ.

Ngày 28/1, Tòa án nhân dân huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương) đã hoãn phiên xử vụ kiện hy hữu trong việc tranh chấp vay mượn nợ. Theo trình bày của bên bị đơn, ngày 21/4/2013, anh Nguyễn Trọng Minh (ngụ huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đang đi làm ăn ở xa địa phương.

Ở nhà, chị Phạm Thị Minh (vợ anh Minh) bỗng dưng được bà N.T.P. ghé thăm và đưa tờ giấy vay tiền. Nội dung thể hiện, ngày 13/11/2012, anh Minh có đứng tên vay của bà số tiền 400 triệu đồng.

Giấy vay nợ của bà P đưa cho chị Minh là bản photocopy. Bà P yêu cầu chị Minh phải trả dứt số nợ trên vì đã đến hạn. Chị Minh hoảng hốt liền gọi điện thoại cho chồng để hỏi rõ sự tình. Đến ngày 25/4/2013, anh Minh về nhà nhận tờ giấy vay tiền của bà P thì phát hiện có nhiều điểm nghi vấn.

Anh Minh thừa nhận, nét chữ ký trên tờ giấy được cho là ký vay của bà P. đúng là của anh. Tuy nhiên, tờ giấy vay mượn đã thể hiện nhiều điểm vô lý. Toàn bộ chữ viết trong giấy vay mượn từ nội dung cho đến hình thức đều do bà P. soạn thảo và viết. Người làm chứng trong giấy vay mượn tiền cũng chính là chồng của bà P.

Giấy vay mượn tiền gây nhiều tranh cãi.

Đến ngày hôm sau, anh Minh hẹn bà P. để đối chất về sự việc vay tiền trên. Bà P. đến, nhưng buổi hẹn gặp vẫn chưa thể làm rõ trắng – đen của sự việc. Qua câu chuyện, anh Minh lờ mờ hiểu ra nguyên nhân vì đâu có chữ ký của anh trong giấy vay mượn này.

Cách đó vài tháng, anh Minh có thành lập công ty tư nhân. Trong quá trình làm các thủ tục, giấy tờ, anh Minh đã ủy quyền cho ông H.V.T thay mặt để hoàn tất thủ tục thành lập. Lúc này, anh T có nói anh Minh ký khống vào vài tờ giấy A4 để làm thủ tục cho thuận lợi. Từ đó, những tờ giấy trên đã lọt vào tay của bà P khiến anh Minh bỗng dưng trở thành con nợ.

Sự việc diễn ra vẫn chưa đến hồi kết thì bà P đã gửi đơn khởi kiện anh Minh lên Tòa án nhân dân huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Trải qua nhiều đợt hòa giải, anh Minh vẫn khẳng định giấy vay mượn nợ trên do bà P. ngụy tạo. Bà P. thì xác tín rằng, anh Minh có vay của bà số tiền 400 triệu đồng và chính tay bà P. đã viết giấy vay mượn tiền để anh Minh ký.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng.Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải phóng cho biết, theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005: "Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định."

Bộ luật Dân sự không yêu cầu cụ thể về hình thức của hợp đồng vay tài sản, do đó giao dịch vay tài sản có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Như vậy, hợp đồng trên của ông Minh với bà P có chữ ký của các bên là phù hợp với quy định về mặt hình thức. Tuy nhiên, hình thức không phải là yếu tố quyết định hiệu lực của hợp đồng vay tiền.

Giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng vay tiền nói riêng chỉ có hiệu lực nếu được giao kết một cách hợp pháp.

Còn theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự, hợp đồng vay tiền có hiệu lực khi có đủ các điều kiện: “Các bên tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của hợp đồng vay tiền không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Nếu hợp đồng vay tiền có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì hợp đồng đó vô hiệu”.

Một vấn đề nữa, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện và hợp đồng vay tiền phải được ký kết dựa trên sự tự nguyện, ý chí chủ quan của các bên tham gia. Nếu hợp đồng được xác lập không dựa trên ý chí tự nguyện của một trong các bên thì hợp đồng đó vô hiệu.

Bộ luật Dân sự quy định các trường hợp giao dịch vô hiệu do vi phạm ý chí của chủ thể: “Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 129); Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 131); Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa (Điều 132); Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 133)”.

Tóm lại, hợp đồng vay tài sản có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Để xác định hợp đồng vay tiền có hiệu lực hay không cần dựa trên cơ sở hợp đồng có được giao kết hợp pháp hay không.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng phân tích, theo trường hợp trên, nếu anh Minh chứng minh được những yếu tố để khẳng định giấy vay mượn trên là ngụy tạo thì hiển nhiên, Tòa án nhân dân huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương) sẽ tuyên hợp đồng trên là vô hiệu. 

Phương Ngọc