Cảnh báo ô nhiễm không khí gây ung thư

06:50 | 12/02/2017

2,130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn đề đáng báo động, bởi đó là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của nhiều người. Theo các chuyên gia y tế, con người sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ dẫn tới những bệnh nguy hiểm về đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, ung thư…   

Ra đời đã nhiễm

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người trên thế giới tử vong vì ô nhiễm môi trường, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người tử vong do hậu quả của việc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm. Còn theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí lên tới 600.000 trường hợp, cao hơn cả tử vong vì sốt rét và HIV/AIDS cộng lại. Như vậy có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường quả thực đáng sợ. Mặc dù chưa có thống kê hay nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này nhưng các chuyên gia y tế trong nước nhận định số bệnh nhân liên quan tới ô nhiễm không khí ngày càng tăng nghiêm trọng.

canh bao o nhiem khong khi gay ung thu
Ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn đề đáng báo động, bởi đó là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của nhiều người

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam có những thời điểm rất đáng báo động. Như báo cáo của Tổng cục Môi trường thông qua việc đo quan trắc chất lượng không khí, thống kê trung bình năm, hàm lượng bụi trong không khí tăng hơn so với Quy chuẩn Việt Nam. So với đánh giá của quốc tế - chỉ số chất lượng không khí gọi là AQI - cũng cao hơn. Có nhiều mức AQI như AQI dưới 50 là an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe, AQI từ 50-100 vẫn chấp nhận được. Chỉ số này từ 100-150, trên thang báo động biểu thị màu da cam, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm người có nguy cơ như người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người nhạy cảm với không khí ô nhiễm. Còn AQI từ 150-200, báo động có màu đỏ, nhiều người trong cộng đồng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, còn từ 200-300 báo động màu tím là nguy hại sức khỏe đối với cộng đồng. Còn chỉ số này trên 300 là đã ở mức cảnh báo về y tế.

Các chuyên gia môi trường, y tế khẳng định, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường là hậu quả tổng hợp từ phát triển kinh tế xã hội thiếu chú trọng bảo vệ môi trường, ý thức của con người kém cùng với sự biến đổi của tự nhiên... Điều này thể hiện rất rõ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết do tình trạng tập trung đông dân cư dẫn tới ô nhiễm, khói bụi từ các công trình xây dựng, mật độ phương tiện giao thông cộng thêm khí thải từ than, củi hoặc do người dân ngoại thành đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến không khí ở nội đô...

Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt, phương tiện phục vụ trong gia đình như khói thuốc, bếp than tổ ong, thiết bị sưởi ấm… vô tình đã trở thành nguồn ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng sống. Một kết quả đo và phân tích chỉ số không khí (AQI) trên địa bàn Hà Nội đầu tháng 10-2016 cho thấy, nhiều nơi tại thủ đô chất lượng không khí rất kém, do nồng độ bụi trong không khí cao, vượt mức cho phép, được xếp vào nhóm “rất không tốt cho sức khỏe”. Điều này làm cho người dân thủ đô thực sự lo ngại. PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói: “Hiện nay, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người ta đã thống kê, 70% nguồn ô nhiễm đó là do khí thải từ các phương tiện hàng triệu xe máy, hàng trăm nghìn ôtô, đặc biệt là trong hoàn cảnh tắc đường thì xả ra là một lượng khí thải gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu gặp điều kiện trời nắng, tia cực tím còn gây ra phản ứng quang hóa giải phóng chất độc. Kết hợp cùng với đó nếu còn đốt rác, rơm rạ… thì các chất độc thải ra còn gây ô nhiễm hơn nữa”.

Bệnh tật vì ô nhiễm

Ông Nga còn cho biết thêm, trong số các chất độc gây ô nhiễm, nguy hiểm nhất phải nói đến chất CO, đây là chất khi vào cơ thể gây phản ứng ngộ độc, nhiều trường hợp có thể tử vong. Chất NO2 là chất có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, hệ hô hấp hay hệ miễn dịch của con người, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Những chất có trong khí thải xe máy, trong xăng, dầu diesel như benzen có thể gây bệnh ung thư cho con người. Phản ứng quang hóa nói trên có thể tạo ra ozon cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của những người sống trong môi trường đó.

Với tình trạng ô nhiễm trên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra các bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch, bệnh do dị ứng hay bệnh liên quan đến hệ thần kinh, thậm chí là ung thư phổi, tùy theo từng chất ô nhiễm trong không khí sẽ tác động tới mỗi loại bệnh tật khác nhau. Và thực tế PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, hiện nay các bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh đường hô hấp ngày càng tăng do môi trường ô nhiễm không khí tác động nhiều nhất tới hệ hô hấp của con người. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, có tới 80% bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp và con số này vẫn tăng lên hằng năm. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cảnh báo, môi trường không khí trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu xuất hiện các hạt có kích thước dưới 5 micromet. Nhấn mạnh về các bệnh lý liên quan đến môi trường ô nhiễm, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, trong số các bệnh do ô nhiễm môi trường, nghiêm trọng nhất phải kể đến nhiễm trùng hô hấp trẻ em, hô hấp người lớn, bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đặc biệt là bệnh ung thư vừa do khói bụi, các độc tố trong không khí vừa do không khí bị ô nhiễm từ khói thuốc lá.

Các chuyên gia y tế đã minh chứng, khói thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh COPD- ung thư phổi và nhiều bệnh lý khác. Riêng về bệnh hen, theo ông Nhung, hiện số ca khám và điều trị tăng lên cả ở đối tượng người trưởng thành và trẻ em. Nguyên nhân chính có thể là do ô nhiễm không khí. Hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề ô nhiễm không khí, trong đó bao gồm cả ô nhiễm từ bên ngoài và yếu tố tự ô nhiễm như hút thuốc lá. Một nghiên cứu cho thấy có khoảng 4,2% những người trên 40 tuổi, khoảng 1,5 triệu người ở Việt Nam mắc COPD, hiện con số này chắc chắn đã tăng lên. Đáng lưu ý là bệnh COPD mắc cả ở những đối tượng không hút thuốc lá, chiếm khoảng 6% những người trên 40 tuổi trong nghiên cứu mới đây.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo, để phòng bệnh hô hấp tốt nhất là tránh xa môi trường ô nhiễm, khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi ở môi trường, vệ sinh mũi họng, rửa mắt thường xuyên để giảm thiểu sự tác động của tình trạng ô nhiễm môi trường. Đối với người dân, đặc biệt ở khu vực lạnh như miền Bắc và miền Trung, nên thay đổi thói quen sử dụng than, củi để sưởi trong nhà vào mùa đông vì rất nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Hai triệu chứng điển hình của bệnh lý đường hô hấp là ho và khó thở. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh cần lưu ý, ngay cả những mức độ nhẹ như khó thở khi gắng sức, khi lên cầu thang cũng cần phải chú ý đi tầm soát bệnh sớm. Thời gian xuất hiện triệu chứng cũng rất quan trọng. Nếu bệnh nhân có ho hoặc khó thở dưới 2 tuần có thể là một bệnh lý cấp tính, còn nếu ho trên 2 tuần thì luôn phải cảnh giác với các bệnh lý mạn tính hoặc do lao phổi, cần đi khám phát hiện ngay.

Nguyễn Bách

Năng lượng Mới số 589

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.